Nói đến Art Director (Giám đốc Nghệ thuật) có vẻ xa vời nhưng đều là ước mơ mà designer nào cũng muốn hướng tới. Trở thành một Art Director không khó nếu bạn nắm được những tố chất sau mà Arena Multimedia chia sẻ.
Có thể nói, Art Director ở những tổ chức khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau. Ta có thể bắt gặp Art Director ở các ngành công nghiệp sáng tạo như quảng cáo, tiếp thị, xuất bản, điện ảnh và truyền hình, thiết kế web hoặc video game. Nói chung công việc của Art Director là quản lý và định hướng nghệ thuật một nhóm designer làm việc cho các dự án sáng tạo, nhưng mức độ trách nhiệm và “quyền tự trị” dành cho nhân viên dưới quyền lại tỏ ra khác biệt. Thông qua chia sẻ của 3 vị Art Director hàng đầu hiện nay, bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn khái quát về ý nghĩa chức vụ nghe rất “kêu” này, những phẩm chất được các nhà tuyển dụng “săn lùng” và vài bí quyết nhỏ để bạn thực hiện giấc mơ.
JAMES FENTON
James Fenton hiện là Art Director người Anh. Ông là nhà sáng lập Blimp Creative cùng với các chuyên gia sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, copywriting cho ngành công nghiệp web và di động.
Để bắt đầu tìm hiểu về những phẩm chất cần có cho một Art Director, trước hết ta hãy xem xét vai trò của họ trong một nhóm và tính kỷ luật liên quan.
Là Art Director, bạn phải là có óc lãnh đạo – trở thành một người truyền cảm hứng, tầm nhìn về mỹ thuật cho nhóm thiết kế của mình. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ mình là “đầu đàn”, là kẻ bất khả chiến bại, bởi thói tự mãn đó sẽ dẫn đến cả tá thất bại xấu hổ. Bạn phải biết nhận ra tài năng của mọi người quanh, đặc biết là nhân viên cấp dưới của minh, đồng thời học cách khai thác “tài năng tiềm ẩn” trong họ và kể cả bản thân. Một Art Director tự nhận “nắm trong tay quyền sinh quyền sát” chẳng qua cũng chỉ như một gã quản lý thích được tôn vinh.
Truyền cảm hứng và biết cố vấn
Không bàn cãi gì về việc Art Director sẽ bao hàm cả các khía cạnh quản lý về mặt nhiệm vụ. Bạn phải có khả năng quản lý, đánh giá công việc, đảm bảo deadline, sử dụng đúng mức ngân sách cho phép. Nhưng điều quan trọng nhất, bạn phải biết truyền cảm hứng, đưa ra lời khuyên và cố vấn cho những người mình lãnh đạo.
Để dễ hình dung, ta có thể so sánh Art Director với đầu bếp – người có khả năng nhuần nhuyễn trong việc hun đúc các nguyên liệu với nhau để tạo ra một thực đơn gồm toàn những món ăn thú vị. Chúng ta đều biết, mỗi designer đều luôn thể hiện cá tính và phong cách thiết kế riêng của mình trong từng sản phẩm. Thậm chí dù phải sáng tạo trong khuôn khổ chuẩn mực của một thương hiệu nào đó, họ vẫn có khoảng trống nhất định để tạo ra nét độc đáo riêng. Vì thế, trách nhiệm của Art Director là phải biết, phải hiểu được “hương vị” khác biệt mà mỗi thành viên trong nhóm đem lại, sau đó cẩn thận kết hợp chúng với nhau để cuối cùng tạo ra nét thú vị mà cân bằng hun đúc trong thành quả chung.
Là người kể chuyện
Hiểu được rằng định hướng sáng tạo không chỉ đơn giản là những quyết định thông qua “mắt nhìn” thực sự quan trọng. Vai trò cơ bản của Art Director là định hướng và “chỉ đường” cho đối tượng người dùng thông qua những thông tin được truyền tải tới họ. Một Art Director phải biết đánh giá cao cả nội dung văn bản cho tới hiệu ứng thị giác, phải đảm nhận vai trò của một người kể chuyện, đem tới nét nổi bật bao hàm trong thông điệp và ý nghĩa, tạo ra cảm xúc cho người dùng. Hay nói cách khác, bạn sẽ trở thành người tạo ra giải pháp “song kiếm hợp bích” hiệu quả giữa copywriter và designer, hiểu được tinh thần của từng công việc và làm việc chặt chẽ cùng họ.
Sẵn sàng học hỏi
Với James Fenton, một Art Director tốt phải là người luôn có đầu óc phóng khoáng để sẵn sàng tiếp nhận ảnh hưởng, cảm hứng hay chuyên môn từ những người xung quanh, biết đánh giá tài năng, điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ, trong khi vẫn duy trì một tầm nhìn rõ ràng trong việc truyền tải thông điệp đến người đọc, người xem hay người dùng.
Hoàn toàn chẳng có công thức nào cho việc trở thành Art Director thành công. Không có ngôi trường, khóa học hay cuốn sách thiết kế nào định nghĩa được những bước đem lại thành công cho vị trí Art Director. Mỗi Art Director phải biết tự trui rèn trên con đường mình đi, để từ đó viết nên một định nghĩa riêng về vai trò công việc cũng như cách tiếp cận giúp hoàn thành công việc, và hoàn thành hiệu quả. Đôi khi bạn có thể học hỏi từ chính người dẫn dắt mình, kết hợp với nỗ lực rèn giũa độc lập thông qua những trải nghiệm, thử nghiệm và thất bại cá nhân.
JENNY THEOLIN
Jenny Theolin từng đảm nhận nhiều vị trí Art Director và Art Director cấp cao, hiện là Creative Director cho Soapbox & Sons. Là người Thụy Điển sinh sống và làm việc tại Anh, cô còn tham gia viết bài cho tạp chí web Typetoken và được biết đến như một blogger thành công.
Art Director là gì? Nghe như một câu hỏi đơn giản, nhưng để định nghĩa vai trò của công việc này trong một hai từ quả là điều khó khăn. Designer, Art Director hay Creative Director đều đòi hỏi khả năng “tạo lập cấu trúc” vì lợi ích của khách hàng cũng như quy trình của công ty nơi bạn làm việc.
Trở thành một “người pha chế sự sáng tạo”
Từng làm việc cho các lĩnh vực tạo dựng thương hiệu, thiết kế, quảng cáo, Jenny được trải nghiệm đủ mọi dạng tổ chức: từ các tập đoàn khổng lồ như Interbrand cho đến những công ty sáng tạo quy mô nhỏ nhưng thân thiện như Muirhoward. Theo đó, Jenny tạo dựng và phát triển ý tưởng cho công cuộc quảng cáo, chiến dịch tiếp thị cùng Creative Director nhằm đảm bảo chiến lược sáng tạo được thúc đẩy, đổi mới và đáp ứng yêu cầu khách hàng. Jenny còn là người truyền cảm hứng, khích lệ và cố vấn cho nhóm nhân viên, các photographer, illustrtor, artworker và retoucher, cũng như trình bày, báo cáo trước khách hàng.
Đáp ứng mọi kỹ năng làm việc cùng con người
Với Jenny, điểm khác biệt lớn nhất để trở thành Art Director thay vì Graphic Designer là bạn làm việc cùng con người nhiều hơn máy tính. Vì thế, cô gọi ngành công nghiệp sáng tạo là “ngành công nghiệp con người”, trong đó sự hợp tác và trở thành cộng sự là chìa khóa đem lại một công việc thú vị.
Vậy đâu là điều tệ nhất khi bạn trở thành Art Director? Jenny cho biết đó là khi bạn không có khả năng thực hiện ý tưởng của chính mình, mà phải dựa dẫm vào người khác nhằm đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn “trên trời” mong muốn đạt được. Tuy nhiên, nếu được làm việc đúng nơi, cộng tác đúng người, điều này sẽ chẳng còn đáng bận tâm.
Trong khi đó, Jenny khẳng định ngồi vào chiếc ghế Art Director chính là cơ hội tuyệt vời nhất cho phép bạn làm việc với toàn những người tài năng tuyệt đỉnh, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khách hàng khó chịu hay deadline khủng khiếp như thế nào.
ED ROBINSON
Photographer, Art Director kiêm Picture Editor Ed Robinson chính là người sáng lập nên công ty tư vấn nghệ thuật OneRedEye Visual Communications. Phần lớn sự nghiệp của Ed đều liên quan đến nhiếp ảnh, vì thế, ông sẽ chia sẻ với chúng ta những trải nghiệm trong lĩnh vực này, cũng như vài bí quyết, “chỉ điểm” để bạn tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Những ngày đầu tập tành chụp ảnh
Từ khi còn rất bé, Ed đã may mắn được tham gia vào các shoot ảnh do bà nội Joan Sisley – một nhà tư vấn nghệ thuật xuất chúng thực hiện. Đến năm 12 tuổi, Ed đã có tác phẩm đầu tay chụp tại cuộc thi âm nhạc Quận Lake.
Tất nhiên vào cái tuổi loắt choắt này, Ed đơn giản chỉ là một “trợ lý tí hon”, nhưng nhờ lợi thế được tiếp xúc với những sáng tạo vô biên từ bà nội, Ed bắt đầu thích thú và muốn có những phá cách trong từng bức ảnh do mình thực hiện.
Con đường sự nghiệp
Sau vài năm làm trợ lý, lắng nghe và học hỏi về kết cấu, định hướng, bài trí hay cách tư duy sáng tạo, Ed dần dần khám phá được mình đủ tài năng để “phát minh” và “chỉ đạo nghệ thuật” cho các bức ảnh, từ đó truyền tải những câu chuyện mang thẩm mỹ đại chúng.
Hiện tại, Ed đã trở thành một Creative Director, Photographer và Carameman – tất cả đều nhờ vào những kỹ năng tích lũy, phát triển được từ cái thời “phụ tá nhiếp ảnh”.
“Trái ngọt” đầu tiên
Công việc định hướng nghệ thuật độc lập đầu tiên khi Ed đủ lông đủ cánh là chiến dịch “Stepping Out” do British Gas tài trợ. Đây là một chương trình nhằm giúp thế hệ những người lớn tuổi vẫn giữ được nhựa sống như khi còn sức dài vai rộng.
Những kiến thức có được từ quá trình học tập và trải nghiệm đã đem lại cho Ed cơ hội tham gia vào một dự án bao gồm rất đông người lớn tuổi và ngôi sao Honor Blackmann từng đóng vai Pussy Galore nổi tiếng. Ed vấp phải “đá tảng” khi mọi người thích được gặp gỡ “nàng thơ điện ảnh” hơn là chịu lắng nghe một gã Art Director “mặt búng ra sữa” như Ed.
Ed ra một quyết định quan trọng bằng cách thay đổi concept sáng tạo, chọn một gã trai “đẹp mã” đội nón rơm, để Honor và gã bước về phía nhau trên bãi biển với vài cục đá bự làm nền. Quyết định đó trở thành giải pháp đơn giản giúp đem lại sự tôn trọng cho cả Photographer, khách hàng lẫn Honor. Chính trải nghiệm này đã cho Ed những nét “vỡ lòng” đầu tiên về vai trò của Art Director.
Một vài bí quyết
Theo kinh nghiệm bản thân, Ed cho biết các dự án nhiếp ảnh khác nhau sẽ đòi hỏi những hình thức và mức độ chỉ đạo nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên, ông vẫn cho chúng ta một số bí quyết sau:
1. Phải có kế hoạch trước. Bạn cần thảo luận với khách hàng, Photographer và nhóm sản xuất của mình về cách tiếp cận sáng tạo tốt nhất có thể đáp ứng yêu cầu concept và ngân sách.
2. Sản xuất. Nếu trong nhóm không có ai đảm nhận vị trí Producer, thì Art Director là bạn phải lên kế hoạch về nhân sự, địa điểm và “đồ nghề” cần thiết cho công cuộc sáng tạo. 3. Làm việc chặt chẽ với Photographer và chia sẻ những ý tưởng truyền tải tính sáng tạo. Sự cộng tác và tôn trọng lẫn nhau chính là chìa khóa.
4. Luôn để mắt đến “thành phẩm” trong khi bám sát concept và cho phép Photographer được có khoảng trống sáng tạo của riêng họ.
5. Giao tiếp thật tử tế với nhóm cộng sự hay bất kỳ người nào khác. Bạn cần khôn khéo nhưng cũng phải thẳng thắn để đạt được mục tiêu cuối cùng.
6. Phải luôn linh hoạt, vì mọi thứ hiếm khi chịu tuân thủ chính xác lịch trình.
Dưới đây là 5 bí quyết Jenny Theolin dành tặng những người muốn trở thành Art Director.
1. Biết ứng dụng những lý-thuyết-không-suông
Là người mới tốt nghiệp hay vừa bước vào nghề, có lẽ bạn chẳng có nhiều “dự án thực tế (real project)” để làm vốn, vậy nên phải biết cách ứng dụng bất cứ thứ gì có trong đầu. 90% các cuốn sách (theo kinh nghiệm của tôi) đều dễ quên một cách buồn cười, nhưng hãy cố nhớ lấy những điều ĐÁNG NHỚ. Chẳng hạn như ngay cả bản thân tôi, tôi cũng dễ ghi vào đầu hình ảnh “cô nàng sexy cưỡi p*nis” hơn là cả đống quảng cáo đạt kỷ lục Guiness.
2. Ích kỷ một chút, nhưng đừng “khốn nạn” quá
Bạn là người của thế hệ mới, thế nên hãy cứ chộp lấy những công trình đã hoàn tác, phát triển và làm ra những phiên bản khác còn “ngon” hơn cả trăm lần! Kiếm một vài ý tưởng “hoang dã” một chút, để chúng “nhào lộn” với nhau và cho ra một ý tưởng đầy tính “dị nhân” khác thừa sức hạ gục thế giới.
3. Kết bạn và thể hiện lòng ham thích về con người cùng công trình của họ
Cứ “săn lùng” thần tượng trong mơ của bạn và xin lấy một cuộc gặp. Nhiều người rất thích khoe khoang về bản thân, nên bạn chỉ việc gợi ý cho họ “nổ” bằng cách xin lời khuyên và xâm nhập vào đầu óc họ! Có điều cũng đừng ngạc nhiên nếu thần tượng một thuở của bạn hóa ra lại già chát và…thích “xì hơi”. Một khi đã gặp được họ, nhớ khôn khéo “khiêu khích” họ rằng bạn sẽ còn… giỏi hơn họ nếu được ở cùng môi trường và cùng đồng nghiệp. Tin tôi đi, họ “thèm khát” thách thức lắm đấy.
4. “Luôn dẫn đầu xu hướng”
Tạo ra động lực và đừng bao giờ mắc kẹt với mớ “bong bóng mộng mơ”. Khai thác trí sáng tạo là một trong những điểm cộng tuyệt vời cho ngành nghề của chúng ta. Hãy bước ra ngoài kia và làm thứ gì đó thật khác biệt theo cách của bạn.
5. Làm người ta “để ý” một cách tích cực
Làm mọi cách để tiếng nói của mình được lắng nghe (nhưng không phải mở miệng là phun toàn mấy lời rỗng tuếch).
Ed Robinsons cũng liệt kê ra 4 phẩm chất ông thường tìm kiếm ở các ứng viên Art Director.
1. Tính cách
Những người làm chỉ đạo nghệ thuật, Ed từng có cơ hội tiếp xúc suốt những năm qua đều là những người có tính cách rất riêng. Đây chính là yếu tố quyết định xem bạn có được cân nhắc vào vị trí Art Director hay không.
2. Óc sáng tạo
Khả năng sáng tạo dựa trên vài dòng mô tả ngắn cũn về concept chắc chắn là điều không thể thiếu và chẳng cần bàn cãi gì thêm.
3. Kiến thức
Kiến thức là một điểm bắt buộc. Chẳng hạn như với nghề nhiếp ảnh, đó là những hiểu biết nhằm đem lại thành quả thông qua mớ thiết bị chụp ảnh và khâu sản xuất hậu kỳ.
4. “Biết trình diễn”
Đó là khả năng trình diễn một loạt những công trình thể hiện phong cách định hướng nghệ thuật mà bạn sử dụng và phấn đấu đạt tới.
Nguồn: rgb.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Học thiết kế: Top 10 lý do chọn nghề thiết kế đồ họa Học thiết kế không chỉ làm thiết kế Phim của thầy Đỗ Quốc Trung nổi bật tại LHP Busan Thầy Trần Quốc Lợi – Người thầy “bảo hành trọn đời” Arena Multimedia: Thông báo tuyển sinh tháng 02/2015 Arena Multimedia chào đón thành viên mới tràn đầy năng lượng và đam mê Tìm hiểu về hội họa Sắp diễn ra hội nghị Aptech Việt Nam năm 2015 Đồ án cuối Kỳ: Sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, tính ứng dụng cao AllGrow Labo tuyển Graphic Designer Part-time