Nhắc đến nữ biên kịch, nữ đạo diễn, thì không thể không nhắc đến cái tên Bùi Kim Quy. Cô là một trong số ít những nữ biên kịch, nữ đạo diễn trẻ xác lập được chỗ đứng riêng trong làng điện ảnh Việt Nam, là biên kịch của phim điện ảnh: Ai là cha cá vàng, Lời nguyền huyết ngải, Ngủ mơ, Cha và con, Người truyền giống… Bên cạnh việc làm biên kịch, chị cũng là đạo diễn của Phim ngắn “Cái đệm” (Giải nhất LHP ngắn Việt Nam) và phim “Người truyền giống” (chiếu ra mắt tại LHF Busan, đạt giải thưởng Best director of photography liên hoan phim AIFFA)….
Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh nghiệp biên kịch, nghiệp làm phim thành công, Bùi Kim Quy còn là một cô giáo với cái tâm, cái tài rất đáng trân quý tại Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia. Nữ đạo diễn trẻ ấy đã mang những gì vào bài giảng của mình? Có gì thú vị trong câu chuyện đi dạy của nữ đạo diễn liều lĩnh và đầy nhiệt huyết ấy?
Bùi Kim Quy là một trong số ít những nữ đạo diễn Việt Nam khiến khán giả mong ngóng các dự án của chị
Chị có thể chia sẻ về những ngày đầu tiên vào nghề đuợc không, tác phẩm biên kịch đầu tiên được lên sóng hay bộ phim đầu tiên chính tay chị làm đạo diễn?
Tôi làm phim khi vẫn còn là sinh viên. Duyên với nghề biên kịch nhưng nghiệp lại nằm ở đạo diễn nên 4 năm sinh viên tôi làm 4 phim ngắn. “Cái đệm” là phim ngắn đầu tiên viết kịch bản và làm đạo diễn và cũng là phim đầu tiên lên sóng. Với “Cái đệm”, tôi tạm hài lòng với tác phẩm này. Bây giờ mỗi khi xem lại nó, tôi tự hỏi sao mình lại viết được như vậy, tôi cũng buồn cười trước cái ngô nghê, cái hồn nhiên ở trong bộ phim. Đến nay, Cái Đệm vẫn là bộ phim chiếm tình cảm đặc biệt nhất của tôi.“Người truyền giống” không phải là kịch bản điện ảnh đầu tiên nhưng là phim điện ảnh đầu tiên tôi làm đạo diễn.
Khi nhìn những ý tưởng của mình thành hình hài, cảm nhận của chị ra sao?
Tôi thích giai đoạn viết, làm việc ở hiện trường, làm việc tại phòng dựng vì nó mang đến cho tôi nhiều xúc cảm hơn. Khi bộ phim đã ra rạp thì cảm nhận là việc của người xem, nó không còn là vấn đề tôi ra sao nữa. Điều duy nhất tôi có thể chia sẻ với khán giả là hy vọng bộ phim của tôi không khiến họ quá căng thẳng.
Bản thân làm biên kịch hay làm đạo diễn vốn chưa bao giờ là dễ dàng, vậy khi nữ giới theo đuổi hai nghề này, những khó khăn chị thường gặp phải là gì?
Có lẽ khó khăn của nữ giới hay gặp trong việc làm phim là đối mặt với những đồng nghiệp nam mang tư tưởng nữ giới phải ở nhà nấu cơm, lau nhà, rửa bát, chăm sóc con… còn làm phim là việc của họ. Nên trong công việc nhiều khi có những xung đột nho nhỏ.
Công việc đạo diễn có khiến chị mất quá nhiều thời gian cho gia đình? Làm sao để cân bằng giữa gia đình và công việc?
Sự cân bằng tùy thuộc vào mỗi giai đoạn. Ví dụ khi chưa có con thì có thể dành tới 80% thời gian cho công việc, nhưng khi có con rồi thì tùy thuộc vào độ tuổi của con để chia thời gian, con càng nhỏ càng phải dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy.
Bên cạnh những khó khăn đó, nữ giới có điểm mạnh hay ưu thế nào hơn so với nam giới không?
Điểm mạnh của nữ giới nằm ở sự dịu dàng, dễ nhịn nên đôi khi đạt được kết quả nhanh hơn và tránh những xung đột tốt hơn trong công việc.
Đạo diễn Bùi Kim Quy nhiệt huyết chia sẻ tại hội thảo “Tôi làm phim” của Arena Multimedia
Được biết, chị còn là giảng viên tâm huyết tại Trường Arena Multimedia, là một đạo diễn – biên kịch gặt hái nhiều thành công, vậy duyên nợ nào đưa chị đến với nghiệp giảng dạy?
Tôi thích việc chia sẻ những hiểu biết của mình với các bạn sinh viên. Nhiều khi chính tôi mới là người học hỏi ở các bạn ấy. Đây là cái duyên ông trời cho tôi. Làm phim, biên kịch, đi dạy, ba công việc này chính là sự cân bằng của tôi. Viết kịch bản rồi cân bằng với công việc đạo diễn. Khi làm phim mệt quá rồi thì cân bằng bằng cách đi dạy thôi.
Ở Arena Multimedia, mỗi giảng viên đều hướng tới một phong cách, một “chất” riêng trong giảng dạy: thầy Đỗ Hiệp – anh giáo xanh lá, thầy Đỗ Quốc Trung– người bạn nhiều năng lượng, hoặc thầy Trần Anh Khoa – người thầy 11 điểm,… vậy với riêng chị, chị muốn học sinh nhớ đến mình là một cô giáo như thế nào?
À, tôi không thích vào lớp với không khí quá căng thẳng, nó làm cho cả thày, trò đều không thoải mái. Nên nhiều sinh viên hay nhớ tới tôi bởi tôi hài hước. Còn sau môn học, tôi muốn họ biết quan sát, biết suy ngẫm ngay cả khi không viết kịch bản thì những điều này vẫn rất tích cực có tác động tốt cho cuộc sống.
Còn các lứa Arenaites, chị thấy sao?
Có những lứa sinh viên khiến tôi thú vị vô cùng, làm việc cùng họ giống như mình đang làm phim của mình vậy. Nhưng có nhiều sinh viên khiến tôi bối rối, vì tôi không biết họ muốn gì? Họ cần gì? Họ như thế nào?
Một đồ án của học viên Arena – Short Film “Nghiện” từng khiến nhiều người rất bất ngờ vì chị không chỉ hướng dẫn tận tình như thường lệ, mà còn tham gia diễn xuất. Bộ phim ngắn này cũng được đánh giá rất cao trong LHP Cánh diều vàng năm 2013. Có điều gì đặc biệt ở “Nghiện” thu hút chị?
Phim đầu tay thường rất duyên vì nó ngây thơ, trong trẻo dù có mắc nhiều lỗi về nghề nghiệp đến đâu cũng vẫn được thông cảm và đón nhận. Tôi đánh giá cao tinh thần làm phim của đoàn làm phim “Nghiện” – tinh thần quyết liệt, dám dấn thân và làm việc có đồng đội. Đấy chính là yếu tố thành công của bộ phim.
Short Film “Nghiện” của học viên Arena được đánh giá cao trong LHP Cánh diều vàng 2013
Hiện nay, loại hình truyền thông bằng TVC ngày càng được ưa chuộng, các bạn trẻ dễ dàng thu được lợi nhuận từ short film, video, Vlog…. Trên cơ sở đó, nhiều người cho rằng, làm phim đang là “nghề đẻ trứng vàng”, điều đó có đúng?
Bản thân điện ảnh khi mới ra đời đã được xem là nghề thu lại lợi nhuận về tài chính thế nên bây giờ gọi nó là nghề đẻ trứng vàng cũng đúng. Tuy nhiên không phải có gà là có trứng vàng đâu nhé!
Cảm ơn chị đã tham gia chia sẻ, chúc chị luôn thành công với sự nghiệp đưa đò tại Arena Multimedia.
Một đạo diễn, biên kịch giỏi được ghi nhận bằng dấu ấn trong lòng công chúng, còn một giảng viên giỏi thì đánh giá qua sự tiến bộ của học trò. Và trên địa hạt giảng dạy, cô Bùi Kim Quy đã chứng minh mình là một giảng viên giỏi khi không chỉ mang đến cho học viên kiến thức, kinh nghiệm mà còn khéo truyền lửa và định hướng con người thông qua từng bài giảng.
Trong làng điện ảnh, nhiều người nhận xét rằng, cùng với những cái tên như Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trương Quế Chi, Phan Nha Trang,… nữ đạo diễn, biên kịch Bùi Kim Quy đã đóng góp những giá trị không thể phủ nhận cho điện ảnh Việt Nam. Còn tại riêng Arena Multimedia thì với những anh giáo như Đỗ Quốc Trung, Đỗ Hiệp, Trần Anh Khoa, Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Kiên,… giảng viên Bùi Kim Quy đã góp phần đúc nên những thế hệ trẻ mới, năng động, sáng tạo, và thực sự tâm huyết trong từng sản phẩm của mình.
(Phương Dung)
Tự hào là cái nôi đào tạo nhân lực hàng đầu, Arena Multimedia đào tạo bài bản, toàn diện nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng lớn của các ngành quảng cáo, truyền thông, giải trí kỹ thuật số.Gia nhập cộng đồng sáng tạo cùng chúng tớ:
https://www.arena-multimedia.vn/tuyensinh2016/visangtao.html
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
“Arena – Nơi tôi có những người bạn mà sau này trở thành cộng sự của mình” Nghịch lý về lựa chọn Đại học và trường Thiết kế Yêu thiết kế – Tại sao chọn Arena? Cú lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm Tam hợp kiếm Trà My Wushu và cái nhân duyên Arena Multimedia Có gì ở tập thể lớp được nhận việc ngay trong buổi bảo vệ? Arena Multimedia: Tuyển sinh khóa Thiết kế Đồ hoạ & Mỹ thuật Đa phương tiện tháng 05/2016 Xúc động tâm sự của “500 ae“ khối H, V “Dồn nén” (Jam) cùng Orizon Pictures “Nỗi buồn vô tận” đã thống lĩnh kỳ 3D Animation như thế nào?