Tự nhận mình là nhóm “ham chơi”, “lười học” nhưng NBVT (Nỗi buồn vô tận) lại là nhóm thống lĩnh bảng điểm của đồ án kỳ 3D Animation khó nhằn vừa qua. Những hiệu ứng nuột nà mà NBVT thể hiện trong “Stay alert” không chỉ chứng minh tính chân thực của câu nói “tài không đợi tuổi” mà các thành viên của nhóm còn cho thấy hóa ra làm 3D không khó nhằn chút nào.
THÔNG TIN CHUNG
Tên nhóm: NBVT (Nỗi buồn vô tận)
Tên thành viên: Nguyễn Thanh Thúy; Nguyễn Thu Hằng; Lê Phương Mai; Nguyễn Quang Thông; Nguyễn Quang Đạt; Trương Thế Thiện.
Lớp: D1308H
Tên đồ án: Phim hoạt hình 3D Maya Stay Alert
Đặc điểm nhận dạng: Khá trẻ trâu
Tự đánh giá:
+ Điểm mạnh: Ham chơi
+ Điểm yếu: Lười học
Giảng viên hướng dẫn: thầy giáo Trần Anh Khoa
Stay alert – “đứa con tinh thần” nhóm NBVT
Chào nhóm NBVT, cảm ơn các bạn đã bớt chút thời gian cùng trò chuyện và chia sẻ với Arena!
Cơ duyên nào đưa đẩy mà NBVT hội tụ được một nhóm toàn “trai tài, gái sắc” như bây giờ? Nhóm hội tụ toàn những cá tính năng động và yêu đời, vậy tại sao các bạn lại đặt cho nhóm mình cái tên “Nỗi buồn vô tận” đầy tâm trạng như vậy?
Cơ duyên thì đơn giản lắm, mới gặp thấy ngứa mắt với nhau quá nên chơi thử coi sao. Chơi rồi thấy…không thân được với ai khác nữa. (Cười)
Còn về cái tên “Nỗi buồn vô tận”, thực ra tên nhóm có ý nghĩa hài hước hơn là tâm trạng cơ. Bọn mình đều còn rất trẻ, rất ham quậy, nên muốn đặt một cái tên mà mỗi khi nghĩ đến sẽ cảm thấy thật khôi hài. Mình xin phép được giữ bí mật riêng, nhưng có lẽ trí tưởng tượng phong phú của bạn đọc cũng sẽ hiểu được thôi.
Đội hình “trẻ trâu” của nhóm trong buổi bảo vệ đề tài
Mảng 3D Animation thường được coi là khó nhằn với nữ giới nhưng có tới 3/6 thành viên trong nhóm thuộc phái đẹp, vậy trong quá trình làm đồ án 3D “Stay alert”, các bạn có gặp những khó khăn gì? Và động lực nào giúp nhóm vượt qua những khó khăn đó?
Trong thời gian làm đồ án, nhóm ở luôn tại nhà của một người, nên không chỉ công việc hoàn thành nhanh, mà bất cứ việc gì cũng dễ dàng hợp tác với nhau. Có thể nói là vì nhóm có thần giao cách cảm nữa, bọn mình gần như đọc được suy nghĩ của nhau vậy, nên dù bọn mình gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng đều dễ dàng vượt qua.
Duy chỉ có một khó khăn lớn nhất mà không mấy khi vượt qua được, đó là mong muốn ra khỏi nhà… để đi uống trà đá. Còn động lực giúp bọn mình vượt qua được khó khăn đó là đi trà đá rồi đêm về làm tiếp. À, trước khi làm tiếp phải xem một bộ phim đã. 😀
Chỉ mất 45 ngày để hoàn thành một đồ án 3D vừa “mượt mà” vừa ấn tượng như vậy, bí quyết làm được điều “không tưởng” đó là gì?
Mình nghĩ không có gì là không tưởng, chỉ cần hướng đến sự vui vẻ là sẽ làm tốt được công việc thôi. Bên cạnh đó, Arena Multimedia là môi trường tốt để bọn mình gặp được những cộng sự ăn ý và là nơi có không gian thoải mái sáng tạo, điều này cũng giúp nhóm mình rất nhiều.
Hội những cô nàng “siêu quậy”
Ngoài sự nỗ lực của các thành viên, ai là người định hướng, hướng dẫn cho các bạn nhiều nhất?
Đó là “anh giáo” Trần Anh Khoa, thầy là người trực tiếp hướng dẫn bọn mình hoàn thành đồ án. Có một câu nói của thầy mình rất thích là: “Đơn giản là ai cũng chỉ sống một lần, tại sao không thử cái mà mình thích? Mình không muốn tới năm 80 tuổi, nằm trên giường và nhìn cái trần nhà trắng trong bệnh viện, vừa ngáp vừa nuối tiếc: tại sao ngày đó mình không làm thế?”
Một câu hỏi dành riêng cho trưởng nhóm, làm cách nào mà một cô gái nhỏ nhắn như bạn có thể lãnh đạo được một nhóm lên tới…6 thành viên? Chắc là bạn cũng đau đầu nhiều lắm?
Nhóm mình đều là những người bạn khá thân thiết, nên cũng không có gì khiến đau đầu nhiều cả, ngược lại còn rất hiểu nhau. Còn điều khó khăn nhất mà mình đã làm được, mình nghĩ đó là duy trì tốc độ làm việc, vì tốc độ của người lãnh đạo là tốc độ của cả nhóm. Điều quan trọng nhất có lẽ là đặt tầm quan trọng của mục tiêu nhóm trên mục tiêu cá nhân.
Cô nàng trưởng nhóm “siêu” cá tính (bên phải)
Trong nhóm có nhiều khác biệt về tính cách, giới tính và tuổi tác, vậy làm thế nào để bạn dung hòa được những điều đó?
Khi bạn không để ý đến khác biệt thì bạn sẽ không cần cố gắng dung hòa nó.Trong nhóm mình, mỗi người đều có ưu điểm riêng: Mình thiên về dựng hình và chuyển động nhân vật; Nguyễn Thu Hằng dựng và texture bối cảnh; Trương Thế Thiện chuyên về chuyển động… và quan trọng là tất cả các thành viên đều nỗ lực hết sức trong phần việc của mình, vì vậy, mỗi thành viên trong nhóm đều không thể thay thế.
Theo mình được biết, Trương Thế Thiện là thành viên nhỏ tuổi nhất trường và vẫn đang học cấp 2, các bạn có từng nghĩ “dung nạp” một thành viên nhỏ tuổi như vậy sẽ làm tăng rủi ro cho nhóm không?
Bọn mình quan tâm đến năng lực và tính cách hơn là tuổi tác. Thiện là một cậu bé rất ngoan, lễ phép, dù là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng lại cao nhất nhóm: 1m85. Và Thiện xứng đáng với câu “tuổi trẻ tài cao”.
Còn với riêng Thiện, là thành viên nhỏ tuổi nhất, liệu bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình làm đồ án không?
Hầu hết là không, nhóm làm việc với nhau rất dễ dàng . Nếu có gì không hiểu, hoặc có vấn đề gì thì hỏi các anh chị cùng nhóm thôi. (Thiện trả lời)
Cậu em út tuổi trẻ tài “cao” Trương Thế Thiện
Theo đuổi đam mê từ khi chưa tốt nghiệp THPT, hẳn với Thiện, Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện có gì đó rất thu hút?
Hồi còn nhỏ, em đã xem rất nhiều phim hoạt hình và thấy rất hứng thú nên đã tìm hiểu trên mạng về cách làm phim hoạt hình. Ban đầu em làm chuyển động 2D, xong sau đó em chuyển sang làm 3D. Sau khi thử làm một đoạn phim ngắn 3D và nhận được khá nhiều lời khen từ bạn bè, em quyết định thi vào Arena Multimedia. Lúc đó em đang học lớp 8.
Còn sau quá trình học tập ở Arena, điều thú vị nhất mà em học được đó là cách truyền tải cảm xúc tới khán giả của một bộ phim: làm sao để khán giả cùng khóc, cùng cười với tác phẩm của mình. (Thiện trả lời riêng)
Vậy còn sau kỳ học này thì sao? Với những kiến thức 3D bạn có, Thiện sẽ dùng để làm gì?
Trong tương lai, với những kiến thức 3D này, em nghĩ em sẽ tập trung nhiều vào mảng làm chuyển động. Làm chuyển động là một mảng thú vị mà em đã mày mò từ lâu, và em thấy mình khá tốt trong lĩnh vực đấy nên muốn tiếp tục học tập để phát triển hơn nữa. (Thiện trả lời riêng)
Quay lại với “Stay alert”, điều gì khiến NBVT hài lòng nhất với “đứa con tinh thần” này và điều các bạn nhận lại nhiều nhất là gì?
Mỗi người trong nhóm đều có những thích thú khác nhau đối với sản phẩm này, nhưng có lẽ điểm hài lòng chung nhất là phim đã đem lại được tiếng cười cho người xem.
Còn sau “Stay Alert” có lẽ giá trị lớn nhất nhóm nhận được là những sai sót, những khúc mắc trong quá trình làm việc nhóm. Mặc dù bọn mình đã cùng nhau trải qua 3 đồ án, nhưng mỗi lần lại là những trải nghiệm mới mẻ hơn. Điều quan trọng nhận được nữa là tiền thưởng học bổng. (Cười)
Hiện nay 3D Animation đang là một lĩnh vực thú vị và ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam, các bạn có dự định sau này sẽ theo làm và phát triển ngành này hay không?
Chắc chắn rồi. Đó là định hướng nghề nghiệp của đa số thành viên trong nhóm.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành từ các bạn. Hãy luôn nỗ lực phấn đấu để có thể cho ra đời nhiều sản phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai nhé! Chúc các bạn thành công.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
“Arena – Nơi tôi có những người bạn mà sau này trở thành cộng sự của mình” Nghịch lý về lựa chọn Đại học và trường Thiết kế Yêu thiết kế – Tại sao chọn Arena? Cú lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm Tam hợp kiếm Trà My Wushu và cái nhân duyên Arena Multimedia Có gì ở tập thể lớp được nhận việc ngay trong buổi bảo vệ? Arena Multimedia: Tuyển sinh khóa Thiết kế Đồ hoạ & Mỹ thuật Đa phương tiện tháng 05/2016 Xúc động tâm sự của “500 ae“ khối H, V “Dồn nén” (Jam) cùng Orizon Pictures “Nỗi buồn vô tận” đã thống lĩnh kỳ 3D Animation như thế nào?