Tự nhận mình từng là một học sinh cá biệt, theo học Cao đẳng Công nghệ Hải phòng vì học hết 12 mà không đi học trường chuyên nghiệp nào thì “dơ” lắm. Nhưng khi trở thành một Arenaites, được ngồi đúng chỗ, Anh Tuấn “lột xác” thành học viên ưu tú với một bảng điểm khủng, hai đồ án ấn tượng được báo chí quan tâm (đồ án Hand, Help) và nhiều đồ án được mang ra làm “hàng mẫu”. Nhưng khi ra trường, thay vì bay bổng với những dự án đậm chất “art” hoặc “nghệ”, Anh Tuấn lại đầu quân vào một siêu thị điện máy và hài hòng với công việc “ghép ảnh” tưởng như khô cứng vô cùng.
Đó là những mô tả ngắn cho câu chuyện của một cựu Arenaites hay ho, Vũ Anh Tuấn. Gặp Anh Tuấn vào một ngày Hà Nội trời thu lãng đãng, tôi đã vinh dự được nghe câu chuyện của cậu ấy, câu chuyện của designer, của tuổi trẻ mà tôi tin là ai nghe xong rồi cũng sẽ tìm thấy những sự chắp nối với chính mình và hơn thế là niềm cảm hứng để theo đuổi và chèo lái đam mê.
Bén duyên với Mỹ thuật Đa phương tiện khá muộn, bạn có thể chia sẻ một chút về khoảng thời gian trước khi bạn đến với Arena Multimedia?
Sau khi tốt nghiệp THPT, vì lực học không được tốt nên dù mình có đăng ký thi vài trường nhưng không đỗ. Hồi đó học hết 12 mà không học tiếp lên trường chuyên nghiệp nào thì “dơ” lắm nên mình cũng vơ “bừa” một trường để hàng xóm khỏi dị nghị. Vậy là mình nhập học trường Cao đẳng Công nghệ Hải Phòng. Nhưng thực sự càng học mình càng thấy đuối, số liệu làm mình “tẩu hỏa nhập ma” luôn. Mỗi ngày, mình lên lớp để điểm danh chứ chương trình học thực sự không phù hợp với mình.
Vậy cơ duyên nào đưa bạn đến với nghề Mỹ thuật Đa phương tiện?
Thật sự là rất tình cờ thôi. Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ Hải Phòng, vừa không muốn xin việc vừa không thể xin việc, mình đã rất hoang mang với chính mình. Mình đã suy nghĩ rất lâu về việc mình muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào. Sau đó, thấy mình cũng từng nghịch Photoshop với một số sản phẩm nhất định, mình đã quyết định theo học Arena Multimedia.
Rất nhiều bạn cùng lớp mình cũng vậy, mỗi người đến với Arena vì một cái duyên nào đó. Nhưng chúng mình đều rất cảm ơn cái duyên này.
Anh Tuấn rạng rỡ trong buổi bảo vệ đồ án đầu tiên: Đồ án The Fantastic
Gần đây, đồ án Help của nhóm bạn nhận được nhiều quan tâm và khen ngợi của cư dân mạng. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về nó không?
Không không, đừng nghĩ công về nhóm mình nhiều quá. Kịch bản “Help” là do bác Mahnaz Yazdani viết cơ. Khi chọn đề tài này, nhóm mình cũng rất thích nội dung của nó. Bản thân nội dung và câu chuyện “Help” cũng đã rất ý nghĩa và thú vị rồi. Nhưng có lẽ hình ảnh 3D sống động nên mọi người hứng thú xem hơn chăng?
Đồ án Help tạo được chú ý của cư dân mạng:
Được biết trước đây, đồ án “Hand” của nhóm bạn cũng có thành tích rất tốt. Là trưởng nhóm của hai trên bốn đồ án được báo chí quan tâm, nhiều “sản phẩm” được sử dụng làm “hàng mẫu” và thường xuyên được thầy cô khen ngợi, bí quyết ở đây là gì thế?
Như các thầy từng nhận xét nhóm mình: “Nhóm này chọn sản phẩm khôn quá, toàn chọn đề tài khoe khéo thế mạnh thôi…” (cười), mỗi lần chọn đề tài, nhóm mình đều cố gắng chọn một ý tưởng tốt dựa trên thế mạnh của nhóm. Vì thời gian cho một đồ án là có hạn, đồ án muốn tốt thì nên khoe trọn những điểm mạnh chúng mình có. Đây là “nhấn vào ưu điểm” chứ không phải dấu dốt đâu (Cười)
Tiếp nữa sẽ là sự cầu thị. Mục tiêu nhóm đặt ra bao giờ cũng phải là một sản phẩm thật tốt, thật chất lượng. Sau đó chúng mình sẽ tham khảo các sản phẩm thiết kế của nước ngoài để làm tư liệu.
Mình vẫn nhớ có lần, một người bạn của mình đang học Creative Advertising and Graphic Design tại Curtin University đem sản phẩm của lớp mình cho cho các bạn bên đó xem, các bạn đều trầm trồ và khen là đẹp quá, rất sáng tạo. Sau lần đó, mình nhận ra rằng, thiết kế không có biên giới. Quan trọng là ở sự học hỏi và tinh thần cầu thị của người làm thiết kế.
Mình cũng luôn lấy câu chuyện đó để nhắc nhở mình phấn đấu mỗi ngày và không quá trăn trở về việc du học nữa 😀
Đồ án Hand do Anh Tuấn làm trưởng nhóm:
Là một thành viên khá lớn tuổi trong lớp, và cũng có thời gian lăn lộn với nghề, bạn thấy nhược điểm mà các designer trẻ thường mắc phải là gì?
Theo mình thì hiện nay, thiết kế là nghề có rất nhiều đất diễn, bởi ai mà chẳng muốn hình ảnh của mình được đầu tư, chăm chút cho long lanh cơ chứ. Các doanh nghiệp tổ chức cũng vậy thôi. Nhưng chính vì nhiều đất nên các bạn trẻ thường dễ bị ảo tưởng quá. Ảo tưởng thứ nhất là nhiều bạn cho rằng nghề này nhiều việc lắm tiền mà không chịu rèn luyện những đức tính khác như tính chuyên nghiệp, sự lắng nghe, khả năng làm việc nhóm,.. Ngầu một chút, cứng đầu một chút, dị một chút mới đúng là dân thiết kế. Điều này rất sai lầm.
Ảo tưởng thứ hai là nghề này nhàn hạ. Nhưng thật sự làm thiết kế rất vất vả, và khó nhất là phải dung hòa giữa tính nghệ thuật và tính thương mại, giữa cái tôi cá nhân và mục đích của doanh nghiệp.
Từng là tác giả của những ý tưởng rất độc đáo, phá cách. Nhưng hiện giờ công việc trưởng nhóm thiết kế tại Siêu thị điện máy có vẻ hơi “khô” so với Tuấn Anh “lắm nhiệt nhiều lửa” trước đây?
Mỗi một công việc, mỗi một vị trí thì đều sẽ dạy cho chúng ta một điều gì đó, quan trọng là thứ ta muốn học là gì thôi. Ở Techone, mình học được cách làm việc chuyên nghiệp với cường độ cao. Điều này với mình hiện nay là điều cực kỳ cần thiết.
Trước đây, mình và các bạn trong lớp có thành lập một nhóm chuyên nhận các công việc thiết kế, phân chia, hoàn thiện và góp ý chỉnh sửa cho nhau. Nó tựa như một văn phòng thiết kế chuyên biệt vậy. Ban đầu thì ai cũng rất hào hứng. Nhưng dần dà, các bạn không chịu tuân theo Deadline và cuối cùng dự án đó thất bại. Khi bạn đi làm, có người giục giã, chỉ trích bạn, bạn có ràng buộc thì bạn sẽ có trách nhiệm. Còn khi bạn tự làm một mình, phải tự chịu trách nhiệm với chính mình thì rất khó để hoàn thành công việc. Sau lần đó, mình nhận ra rằng nếu như “chất” là yếu tố để khẳng định phong cách, thì sự chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng để designer đi được đường dài.
Và với những dự định trong tương lai của mình, thì học tác phong chuyên nghiệp là điều cực kỳ cần thiết.
Được theo đuổi đam mê đã là một niềm hạnh phúc
Vậy còn những dự định tương lai của bạn thì sao, hãy chia sẻ về những ý tưởng đó đi?
Chà, mình có nhiều dự định lắm. Hiện tại, mình cùng với nhóm bạn đang thực hiện hai dự án là Cheer up và Bollte. Tuy nhiên, dự án đang trong giai đoạn triển khai nên mình không chia sẻ nhiều hơn được. Sắp tới, mình còn có ý định kết hợp giữa thiết kế và thời trang – điểm mạnh của mình, và cả nhiếp ảnh nữa. Có lẽ mình hơi tham nên đang đi chậm chăng? Nhưng chậm mà chắc, mình sẽ chưa bắt tay vào làm đâu, nếu như mọi thứ chưa thực sự sẵn sàng.
Cảm ơn Anh Tuấn về những chia sẻ này.
Trong truyện “Lord of the Rings”, có một câu nói khiến tôi rất ấn tượng, đó là: “Khi bạn bước chân vào con đường, nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ không biết được con đường này dẫn mình tới đâu”. Hiểu được đam mê của mình và được theo đuổi đam mê đã là một điều hạnh phúc. Nhưng trong hành trình đam mê đó, mỗi bạn trẻ cũng nên nhìn xuống để chắc chắn rằng mình đang chèo lái đam mê đúng hướng. Giống như Anh Tuấn, luôn cẩn thận và trăn trở những dự định của riêng mình, cộng với niềm đam mê và tinh thần cầu thị, chắc chắn con đường bạn ấy đi sẽ dẫn đến thành công.
(Phương Dung)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
"Arena – Nơi tôi có những người bạn mà sau này trở thành cộng sự của mình" Nghịch lý về lựa chọn Đại học và trường Thiết kế Yêu thiết kế – Tại sao chọn Arena? Cú lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm Tam hợp kiếm Trà My Wushu và cái nhân duyên Arena Multimedia Có gì ở tập thể lớp được nhận việc ngay trong buổi bảo vệ? Arena Multimedia: Tuyển sinh khóa Thiết kế Đồ hoạ & Mỹ thuật Đa phương tiện tháng 05/2016 Xúc động tâm sự của “500 ae“ khối H, V "Dồn nén" (Jam) cùng Orizon Pictures "Nỗi buồn vô tận" đã thống lĩnh kỳ 3D Animation như thế nào?