“Nếu sinh viên làm tốt, vượt hơn cả sự mong đợi của mình, mình sẵn sàng cho 11 điểm. Có rất nhiều điểm 11 rồi?”. Câu nói của thầy Trần Anh Khoa – Giảng viên 3D trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia thể hiện sự phá cách, sáng tạo trong lối nghĩ, cách làm và bản thân thầy Khoa cũng là người thầy trên cả điểm 10 với phong cách sống và dạy cực kỳ đặc biệt.
30 tuổi nhưng thầy Khoa trông rất trẻ trung, ở thầy luôn toát lên phong thái đầy cuốn hút, những câu chuyện về thầy Khoa lúc nào cũng thú vị. Học sinh có bạn gọi thầy là thầy “Tôn Ngộ Không”, vì theo bạn thầy rất giống diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng “Em hâm mộ Thầy từ lâu lắm rồi , và cái lần Thầy vào lớp em dạy buổi đầu tiên ấy, em ko nghĩ Thầy lại nghiêm khắc như thế. Một đứa từ ngày xưa luôn nghịch ngợm trong lớp mà cứ đến giờ của Thầy em lại ngồi im re. Em thích cách của Thầy dạy, em thích những hình xăm của Thầy, Thầy đẹp trai nữa ạ”. Có bạn mê thầy Khoa quá, đến học lại môn 3D cũng nằng nặc đòi Phòng Đào tạo xếp vào vào lớp anh Khoa mới chịu. Chỉ số GPA – Grade point average – Điểm đánh giá chất lượng giảng dạy của thầy Khoa luôn ở ngưỡng cao chót vót: 3.9/4.
Thế nên, chúng tôi quyết tâm trò chuyện với thầy Khoa để giải mã sức hút bí ẩn này.
Chào thầy Trần Anh Khoa, từ khi nào thầy nhận thấy mình đam mê thiết kế 3D?
Mình đến với thiết kế như một cái “duyên”, chắc là do đam mê dẫn lối. Mình rất thích vẽ, cứ thế mình thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Tạo dáng Công nghiệp. Mặc dù trong gia đình không có ai làm việc liên quan đến mỹ thuật nhưng mình vẫn nhận được sự ủng hộ khi chọn ngành học này. Sản phẩm đầu tay 3D của mình cách đây cũng 10 năm, khi còn là một cậu sinh viên trẻ thôi. Những sản phẩm ấy khiến mình thích thú vô cùng. Trong thời gian là sinh viên mình vừa học thêm những lớp bổ trợ phần mềm, đồ họa; mầy mò trên các diễn đàn, trang tin đồ họa vừa làm việc cho một công ty về game của nước ngoài tại Việt Nam, nhờ vậy mình càng nhận ra sự yêu thích đối với không gian ba chiều.
Tại sao thầy lại chọn Úc để học Thạc sĩ về Truyền thông Đa phương tiện?
Trước hết vì Úc nói Tiếng Anh. Và khi tìm hiểu về Úc mình thấy nó là quốc gia thật đặc biệt. Một hòn đảo riêng biệt, bao quanh chỉ toàn nước, lại có những con chuột túi, có cả những văn hóa mà chẳng đâu có. Mình tới đó học trước hết vì thấy thú vị về đất nước này. Đơn giản vì thế mà mình chọn Úc. Mình học Truyền thông Đa phương tiện vì mình muốn học nhiều thứ khác nhau nhưng càng học càng bị 3D mê hoặc, nếu được lựa chọn quay trở lại ngày ấy, mình sẽ chọn một môi trường thật chuyên sâu về 3D để rèn luyện.
Ở Việt Nam, số lượng thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện rất ít, vậy tại sao khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc, thầy lại chọn đi dạy tại Arena Multimedia mà không làm chuyên ngành?
Mình có làm chuyên ngành đấy chứ. Ban đầu khi mới về nước mình làm việc tại một công ty của Indonexia và cả ở phòng showgame của VTV3. Nhưng thật sự, mình không chịu nổi sự gò bó và bị ám ảnh bởi tiếng máy chấm công. Bạn biết đấy, mỗi buổi sáng, mắt còn lờ đờ tới công sở, bạn đưa ngón tay trỏ vào cái máy chấm công vô cảm để phát ra một âm thanh duy nhất “Xin cám ơn”. Hết 8 tiếng làm, lại xách cặp, đưa tay vào chiếc máy và rồi lại “Xin cám ơn”. Hơn nữa, đi làm mình nhận thấy sức sáng tạo không được phát huy nhiều nên mình mới bắt đầu thử đi dạy. Ban đầu mình chỉ nhận các lớp buổi tối, nhà mình cũng gần Trúc Khê, mình sẽ bắt đầu giờ dạy lúc 6h tối sau cả ngày đi làm, nhưng dần thấy thích quá. Được tự do sáng tạo, được chia sẻ về những gì mình nghĩ, truyền ngọn lửa đam mê và đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân để từ đó học thêm được nhiều điều. Từ đấy mình bắt đầu bén duyên với Arena và bây giờ chuyển thành sự gắn bó gần 3 năm rồi.
Đã học tại Đại học Monash của Úc, vậy thầy đánh giá như thế nào về cách dạy tại Việt Nam và nước ngoài?
Có sự khác biệt lắm. Ở nước ngoài, họ lấy sinh viên làm trung tâm. Có nghĩa là, giáo viên sẽ định hướng cho sinh viên tự tìm hiểu, tra cứu kiến thức. Sau đó mới định hướng lại nguồn thông tin đã thu thập và tổng hợp của sinh viên. Sinh viên sẽ thật sự rất chủ động với công việc học tập của mình. Còn ở Việt Nam lại ngược lại, lấy giáo viên làm trung tâm. Giáo viên sẽ lên lớp truyền tải thông tin, mang tính một chiều, đơn thuần là giảng và cung cấp luôn kiến thức, học viên nghe, ghi chép, làm theo như cái máy. không có nhiều sự tương tác và chủ động từ sinh viên. Nguyên nhân là do cách dạy cũ và cũng do học sinh sinh viên Việt Nam khá ì.
Thầy Khoa còn là chân sút điệu nghệ trên sân bóng Arena Multimedia
Vậy khi là giảng viên thầy chọn cách nào để giảng dạy?
Mình kết hợp cả hai cách trên. Mình vẫn sẽ giảng dạy, cung cấp kiến thức cho sinh viên nhưng cũng tạo ra sức ép để sinh viên phải vận động thường xuyên và liên tục. Cả một kì học mà chỉ có một đồ án thì hơi ít. Sau mỗi bài học, mình luôn có một bài tập để sinh viên phải luôn tìm tòi. Những buổi đầu các bạn không hưởng ứng lắm với cách giảng dạy này, nhưng dần họ thích nghi. Sinh viên sẽ được khen, chê, đánh giá, động viên sau mỗi buổi học vì sự chủ động tìm hiểu của mình. Có nhiều bạn cũng khiến cho mình bất ngờ lắm. Nhiều bài tập có kết quả ngoài sức tưởng tượng, mình không nghĩ các bạn sẽ làm được đến thế, và trong trường hợp như vậy thì mình sẵn sàng cho bạn ấy 11 điểm. Đã có rất nhiều điểm 11 rồi. Có sao đâu, điều đó sẽ khích lệ các bạn học viên cố gắng hơn và cố gắng liên tục. Ngoài ra các bạn cũng thường xuyên hỏi bài mình qua Facebook, mỗi lần mình lên Facebook chủ yếu là để giải đáp cho các bạn học viên thôi.
Không update thường xuyen, thầy Khoa cho rằng mình sẽ không thể đứng dạy được
Theo thầy, dạy 3D có gì khác so với việc giảng dạy các môn hoặc ngành học khác?
Dạy và học 3D trước hết phải đầu tư rất nhiều thời gian, chủ động tìm hiểu nhiều hơn, thay đổi cách nhìn và chịu update liên tục nếu không sẽ nhanh chóng trở lên lạc hậu. Đơn giản như một phần mềm, nếu chỉ vài tháng không chú ý thì phiên bản mới của nó cũng đã có rất nhiều chức năng mới. Với ngay cả bản thân mình, chỉ cần 2-3 năm không chịu update thường xuyên chắc cũng chẳng thể dạy được. Đồng thời, mỗi lớp học thì trình độ sinh viên cũng không cân bằng, cũng có bạn sẽ ngợp khi chuyển từ giai đoạn thiết kế 2D sang 3D. Đó cũng là khó khăn trong khi dạy. Mình đã giải quyết nó bằng cách cho các bạn ấy học lồng ghép vào các lớp học khác mà mình cũng giảng dạy. Ví dụ bạn học tối 2, 4, 6 thì mình đề nghị bạn cùng vào học với cả những bạn lớp tối 3, 5, 7 và kết quả cũng khá thú vị khi các bạn ấy “nâng trình” nhanh chóng.
Thầy được đào tạo tại Úc nhưng Arena lại theo chương trình của Ấn Độ. Vậy có gì khó khăn trong quá trình giảng dạy của thầy?
Cũng không có nhiều khó khăn bởi quy trình để tạo ra một sản phẩm 3D đều tương đối giống nhau: đều phải dựng hình – làm vật liệu – gắn xương – chuyển động – kết xuất…. Ngoài khung chương trình cơ bản mà Ấn Độ hướng dẫn cho học viên, mình bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, cung cấp các nguồn học liệu, môi trường thực tế để học viên trải nghiệm, thay đổi cải tiến nhiều phương pháp để học viên có được kiến thức tốt nhất, vận dụng tốt cho sản phẩm của mình.
Đối với thầy Khoa, sinh viên Arena như thế nào?
Nói đến sinh viên Arena thì không thể nào không nói tới sự vui vẻ, hòa đồng và nhiệt tình. Trong các hoạt động thực tế, du lịch thì chắc không phải nói về tinh thần “cháy hết mình” của các bạn ấy rồi. Họ cũng rất sáng tạo và chăm chỉ trong việc học tập và rèn luyện. Có lẽ đó là điểm lớn nhất mà tôi ấn tượng về các bạn sinh viên Arena.
Trong suốt thời gian đi dạy, thầy thấy mình được gì nhất? Thầy nhớ kỷ niệm nào nhất?
Mình được nhiều lắm, vừa được chủ động về thời gian lại vừa được học hỏi rất nhiều từ chính các bạn học viên, môi trường làm việc cũng rất thoải mái, chưa bao giờ có xích mích gì với đồng nghiệp cả. Tình cảm của học viên và đồng nghiệp dành cho mình khiến mình thêm yêu công việc, nhiều niềm vui nơi giảng đường hơn
Còn về kỷ niệm ư? Không! Mà là rất nhiều câu chuyện đáng nhớ với các học trò của. Mình vẫn còn nhớ về Trung Anh – một học viên lớp D1209G, Arena Multimedia Trúc Khê. Tới cuối kì, các nhóm sẽ làm project nhưng bạn ấy lại không thể vào bất kì nhóm nào cả. Bạn ấy đã xin mình tự mình làm project riêng. Một phim 3D mà làm một mình thì quả thật vô cùng khó khăn mà sức học của Trung Anh cũng không mấy khả quan. Nhưng mình vẫn “Ok thử đi”. Ngay ngày hôm sau, bạn ấy đã tới nhà mình để học lại từ đầu. Trong khoảng 1,5 tháng, bạn ấy đã học lại toàn bộ chương trình 3D mà trước đó đã học trong 4 tháng. Cuối cùng một sản phẩm 3D cũng được hoàn thiện dù cho kết quả của nó không phải là cao nhất lớp nhưng nó thể hiện được nội lực và sự dũng cảm của bạn ấy. Mình thấy rất thích bởi lẽ đã đánh thức được cái tôi cá nhân trong bạn ấy, cùng đồng hành với bạn.
Hay mình cũng ấn tượng với đồ án lớp D1210M Arena Multimedia Trần Thái Tông. Với 7 cậu con trai cá tính, tên nhóm đầy vẻ nguy hiểm – Seven B Studio, họ có riêng bộ đồng phục trong buổi bảo vệ 3D trông rất hoành tráng. Nhóm còn tặng cho mình 1 chiếc áo đồng phục và vây giờ nó là chiếc áo ưa thích của bà xã mình.
Thầy Khoa luôn là “idol” trong lòng các sinh viên Arena. Vậy thầy nghĩ điểm gì khiến mình lại cuốn hút như vậy với các bạn sinh viên?
Hài hước chăng? Mình cũng không biết nữa. Hoặc có lẽ là sự lắng nghe và chia sẻ. Có lần, đi làm sớm thấy có bạn sinh viên ngồi khóc (Thúy – học viên Arena Multimedia Trúc Khê), mình không dám tới hỏi luôn vì sợ bạn ấy lại không kìm nén được cảm xúc. Sau khi hỏi bạn bè của Thúy mới biết ra là em ấy vừa bị một công ty lừa đảo và không trả tiền lương, họ còn đe dọa Thúy không được tố cáo chuyện này. Thân con gái tỉnh lẻ thuê trọ, một mình ở Hà Nội, Thúy không biết phải làm thế nào. Những ngày sau, mình nói chuyện và chia sẻ cùng bạn ấy, khuyên Thúy nên nghỉ việc, chuyển chỗ trọ và tìm công việc khác. Mình giới thiệu Thúy đến làm việc tại công ty của bạn mình và giờ đây Thúy đang là một nhân viên được đánh giá cao.
Ngoài lề một chút, thầy Khoa còn xăm hình, nhuộm tóc vàng nữa, đó có phải là phong cách bụi bặm của thầy? Và tại sao thầy lại xăm?
Đơn giản là ai cũng chỉ sống một lần, tại sao không thử cái mà mình thích? Mình không muốn tới năm 80 tuổi, nằm trên giường và nhìn cái trần nhà trắng trong bệnh viện, vừa ngáp vừa nuối tiếc: tại sao ngày đó mình không làm thế? Đừng phụ thuộc quá nhiều và dư luận hay nhận xét của người khác; chẳng cần phải theo một trường phái gì, phong cách nào hãy cứ làm gì mà ta thích. Hình xăm đầu tiên của mình là một chiếc chìa khóa, mình xăm cùng bạn gái nay đã là bà xã, cô ấy xăm hình chiếc ổ khóa nhỏ.
Nhưng mình cũng có những quy tắc riêng như nếu mình đi dạy muộn 10 phút sẽ phải khao cả lớp ăn pizza. Có lẽ vì thế mà các bạn sinh viên thích mình chăng?
Một câu hỏi cuối dành cho thầy Khoa. Thầy là người rất biết cân bằng giữa gia đình và công việc. Vậy, với nhiều bạn học viên khi đam mê theo đuổi nghệ thuật nhưng gia đình phản đối, thầy sẽ cho bạn ấy lời khuyên như thế nào?
Có lẽ gia đình và nghề là 2 mối quan tâm của mình nhiều nhất, rất may gia đình ủng hộ nghề nghiệp của mình. Còn trường hợp như bạn nói mình cũng không biết khuyên gì, vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, lời khuyên của mình chưa chắc đã phù hợp với hoàn cảnh của bạn ấy. Mình chỉ biết rằng bạn cần học, cần làm, cần cống hiến những gì mình đam mê thì càng tốt. Không phải “phải làm”, “phải học” mà là “được làm”, “được học” chỉ như vậy bạn mới vui vẻ và tiến xa được.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
"Arena – Nơi tôi có những người bạn mà sau này trở thành cộng sự của mình" Nghịch lý về lựa chọn Đại học và trường Thiết kế Yêu thiết kế – Tại sao chọn Arena? Cú lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm Tam hợp kiếm Trà My Wushu và cái nhân duyên Arena Multimedia Có gì ở tập thể lớp được nhận việc ngay trong buổi bảo vệ? Arena Multimedia: Tuyển sinh khóa Thiết kế Đồ hoạ & Mỹ thuật Đa phương tiện tháng 05/2016 Xúc động tâm sự của “500 ae“ khối H, V "Dồn nén" (Jam) cùng Orizon Pictures "Nỗi buồn vô tận" đã thống lĩnh kỳ 3D Animation như thế nào?