Đôi khi các màu sắc mang nhiều ý nghĩa hơn những gì bạn đang nghĩ, đặc biệt tại các vùng miền hay trong các nền văn hóa, mỗi màu sắc đều mang những biểu trưng riêng biệt. Chính vì thế, việc am hiểu ý nghĩa các màu sắc là điều mà bất kỳ designer nào cũng phải nằm lòng để các sản phẩm thiết kế có thể truyền tải ý nghĩa một cách tốt nhất qua phần màu sắc chủ đạo.
Màu sắc luôn gắn liền với bất cứ điều gì trong cuộc sống. Dù bạn đi đâu, làm gì, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp các mảng màu ở khắp mọi nơi: bầu trời, bảng hiệu, tòa nhà, tán cây, quần áo, v.v. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi rằng những màu sắc này mang ý nghĩa như thế nào? Đặc biệt là trong thiết kế, các designer đã và đang sử dụng màu sắc trong các tác phẩm của họ như thế nào? Bởi vì không phải tự nhiên mà các thương hiệu thức ăn nhanh thường lựa chọn màu đỏ cho thương hiệu của họ, còn các thương hiệu về thực phẩm chay lại lựa chọn màu xanh. Dù là chủ doanh nghiệp hay người chuẩn bị start-up, designer “ma mới” hay đã làm nghề nhiều năm thì ý nghĩa màu sắc là điều mà bạn cần nắm rõ để có thể truyền tải trọn vẹn nhất thông điệp qua phần hình ảnh của thương hiệu.
Nguồn ảnh: smartbugmedia
Ý nghĩa màu sắc đến từ đâu?
Một màu có thể có nhiều nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, ý nghĩa mặc định mà ai cũng biết của màu xanh lá là chúng gắn liền với cây cỏ. Tuy nhiên, màu xanh lại mang ý nghĩa chết chóc vào thế kỷ 18 tại châu Âu do chất nhuộm màu xanh ở thời kỳ đó mang chất độc asen. Theo thời gian, ý nghĩa của màu sắc cũng có thể thay đổi, điển hình như màu xanh giờ đây là biểu tượng của sức khỏe, bảo vệ môi trường, sức sống thay vì sự chết chóc như trước kia.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng khu vực địa lý, mỗi màu sắc cũng sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. Ví dụ tại Trung Quốc và Nhật Bản, màu cam đại diện cho hạnh phúc và thịnh vượng. Ngoài ra, màu sắc còn có thể mang ý nghĩa khi có một sự kiện lịch sử nào đó xảy ra. Ví dụ như tại Nam Phi, người dân gắn màu đỏ với sự tang tóc để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia khác lại sử dụng màu trắng hoặc đen dành cho sự mất mát khi có người qua đời.
Ngoài ra, sự kết hợp nhiều màu sắc cũng mang những ý nghĩa riêng biệt. Khi bạn kết hợp xanh nhạt và trắng sẽ đem đến cho cảm giác khá “chill”, còn nâu và hồng sẽ khiến người ta nghĩ đến sự ngọt ngào của những viên kẹo. Và để có thể kết hợp màu sắc đúng đắn, bạn cần học kỹ thêm về các nguyên lý phối màu trong thiết kế.
Nguồn ảnh: writerspace
Tất cả những điều trên để chứng minh rằng ý nghĩa của màu sắc không tự nhiên được sinh ra mà có rất nhiều yếu tố tác động để con người có thể hình thành nên từng ý nghĩa cho từng màu riêng biệt. Đó có thể là:
- Bóng râm, sắc độ hoặc tông màu.
- Cách các màu sắc được kết hợp với nhau.
- Độ bão hòa.
- Cách màu sắc được ghép nối với các yếu tố thiết kế khác như phông chữ và hình khối.
Ý nghĩa của từng màu sắc
Đỏ – Đam mê, tình yêu và sự giận dữ
Đỏ là màu sắc mang tông ấm, gắn liền với đam mê, tình yêu, sự giận dữ và những cảm xúc trào dâng. Dễ thấy nhất về sự hiện diện của màu đỏ, đó chính là máu. Bạn có để ý rằng khi con tim chúng ta đập rộn ràng và những cảm xúc dâng cao, các mạch máu đỏ sẽ hiện rõ hơn hết bên dưới lớp da. Màu đỏ được xem là màu nguyên thủy và cũng là màu đại diện cho sự nguy hiểm. Vì thế, bạn cũng sẽ thấy màu đỏ ở những biển báo cấm, cảnh báo và khi nhiệt độ gia tăng.
Sử dụng màu đỏ trong thiết kế
Khi dùng màu đỏ cho các thiết kế của mình, đó là khi bạn mong muốn đem đến cho người xem một hình ảnh mạnh mẽ, quyền lực và mang sức ảnh hưởng lớn. Khi đó, màu đỏ là sự lựa chọn tuyệt vời cho các nút CTA, các đoạn typo cần được nhấn mạnh hay bất kì điều gì mà bạn không muốn người xem bỏ qua ngay lập tức.
Nguồn ảnh: Boja
Nguồn ảnh: Mila Katagarova
Cam – Sự nhiệt tình, sáng tạo và tuổi trẻ
Cam là tông màu ấm tiếp theo mà chúng ta sẽ bàn đến. Thật ra, cam cũng mang một số ý nghĩa biểu tượng giống như đỏ, có thể kể đến như sự tươi trẻ, năng lượng và đậm đà. Tuy nhiên, màu sắc này sẽ ít mang yếu tố “sos” hơn. Có thể nói, sử dụng màu cam, chúng ta có một cảm giác an toàn hơn và đó là lý do chúng thường được sử dụng trong các thiết bị, sản phẩm về bảo hộ.
Bên cạnh đó, cam cũng là màu sắc biểu tượng cho tuổi trẻ tràn đầy năng lượng, và là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính nóng ấm của sắc đỏ cùng sự tươi sáng của sắc vàng. Vì thế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các thương hiệu dành cho trẻ em sử dụng cam làm màu sắc chính thức. Ngoài ra, cam cũng màu sắc đáng để các thương hiệu (dù là bán sản phẩm nào) cũng có thể cân nhắc khi muốn truyền tải thông điệp về một nguồn năng lượng không biên giới. Cuối cùng, màu cam trầm lại cho ta cảm giác lãng đãng của mùa thu, vì vậy đây là một màu sắc tuyệt vời cho những ai muốn gắn thương hiệu với bảng màu thiên về các sắc độ sáng của đất.
Sử dụng màu cam trong thiết kế
Nếu là một thương hiệu cấp cao, bạn cần tránh xa màu cam. Bởi vì cam là màu sắc nổi bật và đôi khi chúng có thể gây khó chịu cho người đối diện. Tuy nhiên, cam lại là màu sắc tốt cho những thương hiệu mới nhưng đi theo phong cách táo bạo và quyết liệt. Bên cạnh đó, cam cũng sẽ không phù hợp đối với các Yoga Studio hay những thương hiệu về trang sức, và nó sẽ thể hiện ý nghĩa đằng sau đó tốt nhất khi bạn muốn dùng màu cam để thể hiện sự sáng tạo, nhiệt huyết, hoạt bát, trẻ trung đến với khách hàng của mình.
Nguồn ảnh: ENIKAT designs
Nguồn ảnh: Fe Melo
Vàng – Hạnh phúc, hi vọng
Nhắc đến vàng, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến màu sắc của mặt trời, biểu tượng mặt cười hay cánh đồng hoa hướng dương. Đây là màu sắc đại diện cho tuổi trẻ, sự vui nhộn và tươi sáng. Tuy nhiên, vì màu vàng dễ dàng khiến người khác để ý nên đôi khi vàng cũng được sử dụng trong biển hiệu, biển chỉ dẫn như màu đỏ.
Giống như nhiều màu sắc, màu vàng cũng có những ý nghĩa riêng biệt khi xuất hiện ở các quốc gia khác nhau. Ở khu vực Trung Đông và Mỹ Latin, màu vàng đại diện cho sự tang tóc. Trong khi đó tại Châu Âu, chúng đại diện cho sự giàu có. Tại các nước châu Âu, vàng thể hiện cho niềm vui, sự phấn khởi. Chính vì thế, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng màu vàng để thiết kế và đặc biệt, bạn cần phải biết khách hàng của mình là ai, đến từ đâu và liệu họ có cấm kỵ gì với màu vàng hay không.
Sử dụng màu vàng trong thiết kế
Như đã đề cập trước đó, dù là màu vàng hay màu nào đi chăng nữa, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ càng trước khi chọn lựa màu sắc chính cho thương hiệu. Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng màu vàng luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Bạn có thể chọn màu vàng sáng hoặc vàng neon để tăng thêm điểm nhấn. Hoặc bạn có thể sử dụng màu vàng nhạt hơn để tạo cảm giác dịu hơn nhưng vẫn thu hút được sự liên tưởng của người xem.
Nguồn ảnh: Stephen.
Nguồn ảnh: green in blue
Xanh lá – Thiên nhiên, sự phát triển và hài hòa
Nói đến màu xanh, người ta sẽ nghĩ ngay đến cây cối, sự sinh sôi, nảy nở của thiên nhiên và vạn vật. Tại các nền văn hóa ở Đông Á, màu xanh gắn liền với tuổi trẻ, sức sống nhiệt huyết và cuộc sống mới. Ở Trung Đông, màu xanh là là biểu tượng của sự giàu có và khả năng sinh sản, nó đồng thời cũng gắn liền với đạo Hồi.
Các thương hiệu thường sử dụng màu xanh lá để khách hàng biết rằng rằng họ coi trọng sức khỏe người dùng, cũng như nhấn mạnh vào dòng thực phẩm lành mạnh, bền vững. Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng xanh lá là màu lạnh, và vì thế khi sử dụng màu sắc này, chúng thường mang lại cảm giác dịu và êm dịu cho người xem hơn.
Chưa hết, màu xanh còn đem đến ý nghĩa rằng điều gì đó đã được xác nhận và có thể tiếp cận. Ví dụ rõ ràng nhất là với đèn giao thông, khi đèn chuyển màu xanh cũng là lúc bạn được đi tiếp. Bên cạnh đó, một điều thú vị nữa là bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính rất hay sử dụng màu xanh, đó là vì màu sắc này cũng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và bền vững.
Sử dụng màu xanh lá trong thiết kế
Bạn có thể sử dụng màu xanh với nhiều thông điệp truyền tải như may mắn, giàu có, tươi trẻ hay tăng trưởng hữu cơ. Xanh cũng là màu sắc được khá nhiều designer lựa chọn khi họ muốn hướng đến ý nghĩa tiến lên hoặc sử dụng cho các thương hiệu về môi trường hay phát triển bền vững.
Nguồn ảnh: Arthean
Nguồn ảnh: Ševarika™
Xanh dương – Bình tĩnh, tin tưởng và thông minh
Nhiều người vẫn hay nghĩ rằng xanh dương và đỏ vốn là hai màu trái nghịch nhau mặc dù bánh xe màu sắc (color wheel) lại không thể hiện điều đó. Nhưng ý nghĩ đó lại phần nào ảnh hưởng đến ý nghĩa của hai màu sắc này, như đỏ tượng trưng cho sự táo bạo và mạnh mẽ, còn xanh dương lại khiến người khác cảm thấy điềm tĩnh, nhẹ nhàng và mát mẻ. Vì tính chất màu sắc mà mỗi khi nghĩ đến tông màu lạnh, mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến xanh dương đầu tiên.
Xanh dương cũng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trong các nền văn hóa khác nhau. Ở Mỹ Latin, xanh dương gắn với Đức Mẹ Maria. Ở Ấn Độ, màu sắc này gắn với thần Krishna. Còn tại Trung Đông, xanh dương là biểu tượng cho thiên đường.
Sử dụng xanh dương trong thiết kế
Nếu bạn muốn thiết kế của mình mang đến cảm giác mát mẻ, nhẹ nhàng, xanh dương chính là màu dành cho bạn. Đó là lí do mà các thương hiệu chuyên về đá hay giải pháp làm mát thường chọn xanh dương cho logo của họ.
Ngoài ra, khi sử dụng màu xanh, thương hiệu cũng muốn truyền đạt thông điệp rằng họ là người đáng tin cậy. Đó cũng là lý do mà màu sắc này khá phổ biến ở lĩnh vực công nghệ, tài chính hay bất kỳ thương hiệu nào hướng tới sự chuyên nghiệp và uy tín, luôn đem đến sự điềm tĩnh trong bất kì tình huống nào cho khách hàng.
Nguồn ảnh: green in blue
Nguồn ảnh: b.eci
Xem thêm: Ý nghĩa và nghệ thuật sử dụng màu sắc trong thiết kế (Phần 2)
Nguồn tham khảo: 99designs
Win Win
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |