Tại sao phim của chúng ta chưa hay? Chưa thu hút được khán giả? Đó là câu hỏi khá quen thuộc, được nhiều người đặt ra trên nhiều diễn đàn, hội thảo… Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh, đó chính là mảng âm thanh trong phim
Sự khởi đầu của âm thanh trong phim ảnh
Sau thời đại của phim câm (phim không có âm thanh) là sự lên ngôi của phim có tiếng, có âm thanh. Sự ra đời của phim có âm thanh đã đánh dấu một bước phát triển lớn trong nền điện ảnh thế giới. Nền nghệ thuật điện ảnh đã có thêm một phương tiện mới để diễn đạt sâu sắc và dễ dàng hơn ý đồ của các nhà làm phim.
Theo các nhà làm phim của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ thì trong một bộ phim, hình ảnh chiếm 85% còn âm thanh là 15%. Điện ảnh là môn nghệ thuật của hình ảnh, tuy nhiên họ lại khẳng định vai trò của âm thanh là rất lớn. Nếu một bộ phim chỉ có hình ảnh thôi, thì dù rất tốt nhưng sức biểu cảm và ý đồ muốn truyền tải của đạo diễn tới khán giả chỉ đạt 85% mà thôi.
Nhưng đôi khi, chỉ với 15% âm thanh lại có thể đem đến hiệu quả là 100% sức biểu cảm tới khán giả. Tại sao vậy? Bởi vì họ đã tìm hiểu rất kỹ đặc điểm nhận thức của con người là: hình ảnh chỉ tác động gián tiếp tới cảm giác, cảm xúc của con người, còn âm thanh thì tác động trực tiếp tới chúng.
Giả sử như chúng ta ngồi trước tivi và làm một phép thử như sau: chúng ta đang xem một bộ phim đến đoạn có một tên giết người hàng loạt đang rình bắt và định sát hại một cô gái, cô gái đang sợ hãi chạy trốn trong một khu xưởng bỏ hoang, rất cũ kỹ, mục nát, tối tăm. Bất ngờ, tên sát nhân xuất hiện sau bức tường cũ, tóm được tóc cô gái. Nếu chỉ xem hình ảnh, hẳn là các bạn chỉ cảm thấy hồi hộp một chút, chú ý hơn một chút tới diễn biến phim.
Nhưng khi chúng ta nghe thấy tiếng thở gấp gáp, tiếng bước chân chạy trốn vang lên trong khu xưởng vắng của cô gái, tiếng sột soạt rất nhẹ từ quần áo của tên sát nhân đang dõi theo con mồi,… Tất cả các âm thanh đó hòa trộn với phần âm nhạc là bộ dây chơi ở âm khu trầm, cộng với tiếng trống định âm cùng nhịp với bước chân chạy trốn của cô gái, một nét nhạc rất ngắn le lói, rồi một hợp âm nghịch có cường độ lớn đi kèm với cảnh cô gái bất ngờ bị tóm tóc thì cảm giác sợ hãi của cô gái đã lan truyền mạnh mẽ đến chúng ta.
Cảm giác của người xem đẩy dần lên từ chỗ hồi hộp đến thót tim, rợn tóc gáy, tim đập nhanh, căng thẳng khi cô gái bất ngờ bị bắt. Điều mà âm thanh trong phim làm được là đã đưa được khán giả vào bối cảnh phim, làm cho nỗi sợ hãi của nhân vật như là của chính khán giả đang ngồi xem.
Âm thanh trong một bộ phim bao gồm ba thành phần là: tiếng động, lời thoại và âm nhạc. Để làm được một bộ phim có âm thanh hay thì tiếng động phải sống động và chân thực, lời thoại phải có “duyên”, không thừa, không thiếu, phần âm nhạc phải rất tinh tế phù hợp với từng cảnh, từng đoạn phim, chất lượng thu âm phải tốt, sự hòa âm phải rất khéo. Để thực hiện được hết những cái “phải” như trên là điều không đơn giản. Nếu dễ dàng thì có lẽ đã có hàng lố các phim đã gặt hái được các giải thưởng điện ảnh cao quý như giải Oscar, giải Canner…
Vậy nền phim ảnh Việt Nam đã phát triển thế nào?
Các nhà sản xuất phim Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của âm thanh trong phim. Tuy nhiên làm thế nào nâng cao được chất lượng và hiệu quả của âm thanh trong phim Việt Nam thì lại là vấn đề không nhỏ.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vấn đề “con người”. Chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này, đó là các nhà “đạo diễn” âm thanh, kỹ thuật viên âm thanh, từ việc lên một kịch bản âm thanh như thế nào cho hiệu quả, đến việc cập nhật và sử dụng các trang thiết bị thu âm hiện đại ra sao, xử lý âm thanh thế nào.
Bên cạnh đó chúng ta thiếu hẳn đội ngũ nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho phim được đào tạo bài bản. Vì kinh phí làm phim ở nước ta còn quá thấp nên việc đổi mới các trang thiết bị thu âm là điều hết sức khó khăn. Phải nói rằng, nếu so sánh với các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ và chỉ xét riêng về mặt âm thanh thôi thì trang thiết bị của chúng ta còn “thô sơ” quá.
Với thực trạng như vậy mà đòi hỏi phim Việt Nam hay và thu hút khán giả đến rạp xem đông như các phim của Mỹ thì thật khó. Sau một đợt khảo sát trong năm 2007 vừa qua của các chuyên gia ở Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ sang thăm tất cả các cơ sở sản xuất phim nhà nước cũng như tư nhân ở Việt Nam, họ đã đánh giá rằng: việc sản xuất phim ở Việt Nam cái gì cũng thiếu, và cái thiếu nhất là các trang thiết bị âm thanh.
Chính vì thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị, thiếu chuyên gia âm thanh, nhạc sĩ chuyên viết nhạc phim, cộng với sự dễ dãi của các đạo diễn nên phần âm thanh trong phim Việt Nam thường bị “lép vế”. Dù rất muốn làm tốt hơn, nhưng khi xem xong, khán giả có cảm giác rằng phần âm thanh trong phim hình như chỉ được đưa vào cho…nó có, rất vụng về và thô sơ quá, đôi khi lại gây phản cảm tới người xem.
Thông thường, các bộ phim chúng ta sản xuất ra dành quá ít thời gian cho phần lồng tiếng, hòa âm nên rất khó trau truốt và sửa những lỗi mà ai cũng nhận thấy. Tất nhiên không phải tất cả đều như vậy, một số phim (chủ yếu là phim tư nhân) đã hợp tác với chuyên gia nước ngoài để thu âm, xử lý âm thanh, tiếng động hay mang ra nước ngoài làm hậu kỳ, đã thu hút được sự quan tâm của khán giả vì chất lượng âm thanh tốt hơn.
Nếu bàn sâu về từng yếu tố của mảng âm thanh trong phim thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên là yếu tố tiếng động. Tiếng động chia làm hai loại là tiếng động thật và tiếng động giả. Tiếng động thật là những âm thanh thu được trực tiếp tại hiện trường, được để thành một file tiếng riêng.
File này rất quan trọng để làm hậu kỳ, nó giúp cho những đạo diễn âm thanh, kỹ thuật viên âm thanh, nhạc sĩ….. hình dung ra “môi trường” hay “không khí” trong cảnh phim đó để chỉnh sửa, làm tiếng động giả và sáng tác nhạc phim … Ví dụ: Phim “Cô gái xấu xí” của đạo diễn…..hay phim “Những người độc thân vui vẻ”, hiện là bộ phim được nhiều khán giả truyền hình quan tâm theo dõi, phần âm thanh được sử dụng công nghệ thu âm là thu thẳng phần thoại và tiếng động.
Tuy nhiên việc xử lý căn chỉnh lại âm thanh còn hơi non nên hiệu chưa tốt, lúc to lúc nhỏ. Việc thu âm thoại trực tiếp đòi hỏi diễn viên phải có trình độ diễn rất tốt, ngoài diễn xuất về ngoại hình thì phần biểu cảm bằng ngôn từ phải rất tốt. Trong bộ phim này ta thấy có 1 nhược điểm là diên viên của ta còn thiếu kinh nghiêm, còn rất non trong cách nói, nghe đôi khi như trên “sân khấu kịch” chứ không phải là điện ảnh. Diễn viên lại ở các vùng miền khác nhau nên khi thu âm trực tiếp để sử dụng mang rất nhiều phản cảm tới người xem.
Cảm giác khi xem phim, phải nghe những giọng điệu ngữ âm của quá nhiều vùng miền khác nhau thì như ăn 1 món hổ lốn, lẩm cẩm, rất khó chịu. Tuy nhiên, phải thấy được khi sử dụng cộng nghệ thu âm này thì ta có 1 sản phẩm điện ảnh được sản xuất nhanh, đáp ứng được…. Và cũng là 1 cách thức sản xuất phim truyền hình mới trong nền công nghiệp điện ảnh của chúng ta.
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!