A‘Design Award – Nơi những bộ óc sáng tạo bậc thầy được tôn vinh, nơi những thiết kế ấn tượng được trưng bày dưới ánh sáng danh vọng và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu nhà thiết kế khắp năm châu. Vậy bạn có đang tìm kiếm cơ hội để thiết kế của mình được tỏa sáng không? Nếu có thì cùng Arena Multimedia tìm hiểu ngay về A‘Design Award qua bài viết dưới đây.
A’Design Award là cuộc thi quốc tế hàng đầu thế giới về thiết kế đồ họa. Đây là sự kiện thường niên mang đến cho những nhà làm sáng tạo từ tất cả các lĩnh vực có cơ hội được giới thiệu những tác phẩm của mình đến với cộng đồng trên toàn cầu.
Với 100 hạng mục giải thưởng, A’Design Award còn nổi bật về quy mô vượt trội khi có đến 218 thành viên giám khảo tham gia (bao gồm các học giả, chuyên gia thiết kế, nhà báo) và hơn 1.000 giải thưởng được trao tặng đến các thí sinh khắp thế giới.
Các thí sinh đạt giải trong A’Design Award sẽ không chỉ nhận được chiếc cúp danh giá, mà còn sở hữu giấy chứng nhận và những hỗ trợ về dịch vụ quảng cáo truyền thông, một chiến dịch dành riêng người thắng cuộc, từ đó giúp các nhân tài phát triển sự nghiệp sau khi bước ra khỏi cuộc thi. Qua đó có thể thấy, sức ảnh hưởng của A’Design Award không chỉ mang lại cho người tham dự cơ hội cọ xát, cạnh tranh trên đấu trường quốc tế mà còn có thể giúp dự án của các thí sinh được nâng lên một tầm cao mới.
Mỗi tác phẩm đạt giải thưởng A‘Design trong những năm qua đều mang một câu chuyện, cá tính riêng biệt. Một vài thiết kế ban đầu khi thoạt nhìn sẽ thấy có vẻ đơn giản, nhưng thực chất mỗi chi tiết đều được tác giả “cân đo đong đếm” cực kỳ kỹ lưỡng, từ sắp xếp bố cục, màu sắc cho đến lựa chọn hình ảnh và phông chữ để thể hiện đúng thông điệp của họ.
Arena Multimedia xin thông báo rằng, A’ Design Award hiện đang mở cổng dự thi cho năm 2021. Vậy bạn còn chần chờ gì nữa mà không thử sức? Đây có thể là cơ hội đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của bạn đấy!
Và nếu đang mắc kẹt trong việc tìm kiếm ý tưởng, thì hãy để 10 thiết kế đạt giải năm 2019 – 2020 dưới đây “giải huyệt” sáng tạo không giới hạn bên trong bạn, đồng thời bật công tắc ý tưởng cho các thiết kế sắp tới của bạn nhé!
1. Strange Poster Series
Strange Poster Series thiết kế bởi Danyang Ma cho Học viện Pratt.
Strange Poster Series – Giải Đồng cuộc thi A’ Design 2019 – Hạng mục “Graphics and Visual Communication Design”.
Là một trong những tác phẩm đạt giải cao trong cuộc thi, Danyang Ma chia sẻ rằng, với nguồn cảm hứng đến từ những khái niệm toán học về trục XYZ mà ai cũng đều được học trước đó, cô đã kết hợp và sáng tạo thêm các yếu tố thời gian, cảm xúc và chút gì đó điên loạn để tạo ra một thiết kế mang phong cách trực quan cho tấm áp phích của mình.
Với thông điệp “I am not weird, off, nor crazy. My reality is just different from yours” (“Tôi không hề kỳ quặc, lạc lõng và cũng không điên rồ. Chỉ là bản chất của tôi khác với bạn”), Strange là áp phích mà Danyang Ma thiết kế cho buổi triển lãm của Học viện Pratt được tổ chức vào năm 2019. Đây là buổi thảo luận về mối quan hệ giữa những tình huống hài hước trong một bộ phim hài độc lập. Chiến dịch này được tổ chức nhằm khơi gợi lại những “giao điểm” trong được sống của mỗi người, nơi giao thoa những cảm xúc, thời gian và cả những cuồng nộ đã khiến họ thay đổi theo từng ngày.
2. BlackDrop
Bộ nhận diện thương hiệu BlackDrop sáng tạo bởi Aleks Brand.
BlackDrop – Giải Bạc Cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphics and Visual Communication Design”.
Ban đầu, Aleks thiết kế bộ nhận diện thương hiệu này chỉ với mục đích hỗ trợ cho dự án kinh doanh cà phê của anh và để định hướng bản thân là một cố vấn thương hiệu đáng tin cậy trong cộng đồng khởi nghiệp.
Với tất cả sự sáng tạo của mình, Aleks đã thử thách bản thân khi vừa phải tìm ra cách thiết kế sao cho phù hợp với tính chất của thương hiệu cà phê mà còn phải theo đuổi được những xu hướng công nghệ hợp thời. Từ đó, BlackDrop được ra đời với ý tưởng mong muốn kích thích trí tò mò của mọi người về sự táo bạo và mới mẻ trong cách thiết kế cho các nhãn hàng cà phê. Ngoài ra, Aleks còn hy vọng khách hàng tiềm năng của anh sẽ nhìn nhận BlackDrop như một thương hiệu cà phê công nghệ đi đôi với chất lượng tuyệt vời.
Lựa chọn hai màu sắc tương phản trắng – đen trong thiết kế lần này, Aleks sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra được hình ảnh tách cà phê có quai cầm khi tập trung nhìn vào mảng màu trắng và gợi lên sự tưởng tượng về giọt cà phê đang rơi xuống khi nhìn vào mảng màu đen.
3. Option
Tác phẩm Option được thiết kế bởi Haolai Zhou.
Giải Đồng cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphic and Visual Communication Design”.
Làm năm chuyên viên thiết kế đồ họa tại San Francisco Ballet, nhưng Haolao Zhou luôn quan tâm đến quyền phụ nữ trên thế giới. Anh cho rằng trong xã hội hiện đại như ngày nay, phụ nữ nên được lên tiếng nhiều hơn và im lặng không phải là một lựa chọn đúng đắn cho bản thân.
Khi trò chuyện cùng những phụ nữ ở các nhóm tuổi và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Haolai Zhou đã cho mọi người thực hiện một bài khảo sát ngắn với các câu hỏi cụ thể về quyền phụ nữ. Sau đó, kết quả mà anh nhận được đã giúp nam designer có thêm nguồn cảm hứng để tạo ra thiết kế này.
Chọn những từ khóa “Women Rights, Powerful, Action, Option” (Nữ quyền, Quyền lực, Hành động, Lựa chọn) là những chất liệu theo đuổi trong quá trình nghiên cứu và thiết kế, Haolai Zhou chia sẻ rằng đây là một thách thức lớn đối với anh khi phải tìm kiếm ngôn ngữ hình ảnh vừa thể hiện được sự mạnh mẽ nhưng phải phù hợp để thể hiện chủ đề nhạy cảm này. Sau tất cả, Haolai Zhou nhận ra rằng kí hiệu chữ X sẽ giúp anh dễ dành thể hiện và đi thẳng vào thông điệp cốt lõi “Silence is not an option” mà mình mong muốn truyền tải.
4. WiseTribe education Visual Identity
Wise Tribe education Visual Identity thiết kế bởi Somethink Brand.
Giải Bạc cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphic and Visual Communication Design”.
Wise Tribe là một tổ chức giáo dục trẻ em từ 0 đến 12 tuổi và họ luôn tin rằng, mọi trẻ em lớn lên đều mang trong mình một khả năng vô hạn. Là thương hiệu đi đầu trong việc khai sáng sở thích học sinh mà không áp dụng những phương pháp giáo dục truyền thống gò bó, Wise Tribe luôn mong muốn tạo cho con trẻ cảm giác tràn đầy năng lượng và gần gũi khi làm quen với môi trường của họ.
Vì vậy, Somethink đã mô phỏng Wise Tribe như một hành tinh thông thái thu nhỏ, nơi họ mang đến sự thích thú cho thế hệ mầm non thông qua việc kết hợp nhiều màu sắc chủ đạo, cùng với những hình ảnh đồ họa được thiết kế riêng như cây xanh, người bản địa, khủng long để Wise Tribe có thể dễ dàng in sâu trong tâm trí của các em, cũng như giúp cho thương hiệu trở nên nổi bật và dễ nhận diện hơn so với các đối thủ khác trên thị trường hiện nay.
5. I Really Like Math Interactive Textbook
Tác phẩm I Really Like Math Interactive Textbook của Jaehun Kim.
Giải Vàng cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphic and Visual Communication Design”.
I Really Like Math (Em yêu toán học) là bộ sách giáo khoa tương tác dành cho thế hệ trẻ em đang sống trong thời đại kỹ thuật số lên ngôi. Ngày nay, khi công nghệ điện tử đang chiếm thế thượng phong trong đời sống của các bạn nhỏ, thì những cuốn truyện tranh hay sách giáo khoa đang dần trở nên mai một. Do đó, thể loại sách tương tác sẽ giúp bé vừa học vừa chơi, thông qua hoạt động dùng tay khám phá các hình ảnh mô phỏng trên những trang sách.
Để kích thích nhu cầu đọc sách, tăng cường những trải nghiệm thú vị của các bạn nhỏ, sách tương tác ngày càng được chú trọng sản xuất trên thị trường hơn. Vì thế, để có thể giúp “I Really Like Math” gây được ấn tượng với phụ huynh và các bạn nhỏ giữa hàng ngàn cuốn sách khác thì đây quả là một thử thách lớn đối với Jaehun Kim.
Anh đã phải mất một khoảng thời gian dài nghiên cứu về tâm lý học trẻ nhỏ, lập định hướng về ý tưởng thiết kế và vẽ ra một kế hoạch kỹ lưỡng cho hệ thống xuất hiện của các con chữ, hình ảnh, màu sắc.
Với nhiều nỗ lực, sản phẩm của Jaehun Kim đã được hội đồng Ban giám khảo công nhận là một thiết kế đạt được sự hài hòa, hoàn hảo giữa nội dung và hình ảnh cho trẻ nhỏ.
6. Typeface
Typeface thiết kế bởi Katsumi Tamura.
Giải Bạch kim cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphics and Visual Communication Design”.
Typeface – Một bộ lịch không chỉ được đánh giá là mang tính ứng dụng thực tiễn cao mà còn có thể dùng làm sản phẩm trang trí nội thất độc đáo. Để thiết kế ra Typeface, Katsumi Tamura đã lấy nguồn cảm hứng dựa trên những khái niệm về kiểu chữ để tạo ra những nét cắt độc đáo trên giấy.
Một bộ lịch sẽ bao gồm bốn tờ, mỗi tờ sẽ có ba mặt khác nhau thể hiện đủ cho 12 tháng trong năm. Vì thế khi sử dụng bạn có thể dễ dàng thay đổi bất kỳ mặt nào hoặc có di dời bất cứ nơi đâu trong phòng để làm phong phú thêm không gian của bạn.
Với bốn màu sắc cam, hồng, vàng xanh lá kết hợp cùng tông màu trắng chủ đạo, thiết kế của Katsumi Tamura đã mang đến được sự thoải mái nhưng cá tính và phù hợp với các lứa tuổi cũng như mọi giới tính.
7. Holystone Recruitment
Holystone Recruitment thiết kế bởi Triangler Co., Ltd.
Giải Đồng cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphic and Visual Communication Design”.
Holystone là thương hiệu chuyên cung cấp linh kiện hàng đầu tại Đài Loan trong hơn 40 năm qua. Tuy nhiên đã hơn 10 năm trở lại đây, họ chưa tham gia hội chợ tuyển dụng việc làm để tìm kiếm những nhân lực phù hợp với công ty. Vì thế, trong lần trở lại tại hội chợ tuyển dụng ở các trường Đại học vào năm nay Holystone mong muốn có một diện mạo hoàn toàn mới về công ty trong mắt các sinh viên, từ đó giúp họ có thể chiêu mộ được những nhân tài về với doanh nghiệp của mình.
Để đáp ứng những yêu cầu đó, Triangle bắt tay vào thiết kế lại toàn bộ những ấn phẩm nhận diện thương hiệu Holystone để giúp công ty đổi mới hơn và ấn tượng trước các ứng viên tiềm năng.
Sử dụng các màu sắc xanh dương, xanh lá, trắng, đen và lựa chọn yếu tố hình vuông, kẻ sọc, con mắt làm điểm nhấn chính cho thiết kế lần này, Triangle mong muốn Holystone vẫn giữ được sự nhất quán của thương hiệu nhưng lại có phần hiện đại, trẻ trung và hài hước hơn.
8. C’yishu Corporate Identity
Thiết kế C’yishu Corporate Identity của Wang Zhiqi.
Giải đặc biệt Cuộc thi A ‘Design 2019 – 2020 – Hạng mục “Graphics and Visual Communication Design”.
C’yishu Art là một studio có không gian sáng tạo đa dạng cho các nhóm ngành nghệ thuật – thẫm mỹ và đồ họa. Để có thể tạo ra được một bộ phận diện thương hiệu với khá nhiều chất liệu nền phong phú như trên thì không khó, nhưng làm sao dung hòa được những yếu tố ngành nghề mà C’yishu Art đang hướng tới lại là một điều không dễ dàng với các Designer.
Với tất cả những nền tảng thông tin về C’yishu, Wang Zhiqi đã lựa chọn một biểu tượng đường kẻ trực quan tượng trưng cho tất cả các ngành nghề thay vì tập trung vào tìm kiếm những yếu tố biểu trưng cơ bản của từng ngành nghề. Vì đường kẻ sẽ giúp người xem dễ dàng lên tưởng đến những phím đàn trong piano hay những đường kẻ trong thiết kế…
Thử nghiệm phong cách tối giản (Minimalism) và ứng dụng những yếu tố kẻ dọc có độ dày và độ nghiêng khác nhau, Wang Zhiqi đã tạo ra được một thiết kế đạt được sự độc đáo, dễ nhớ và dễ lan tỏa trong bộ nhận diện thương hiệu của C’yishu Art Studio.
9. Rare Proportions
Rare Proportions thiết kế bởi Pedro Panetto.
Giải Bạc cuộc thi A’Design 2019 – Hạng mục “Graphics and Visual Communication Design”.
Không giống với các thiết kế khác, cảm hứng dự án này của Pedro Pannetto được xuất phát từ tình yêu với thiên nhiên Brazil. Sự độc đáo trong sản phẩm của anh đến từ cách mà Pedro Pannetto kết hợp các đường kẻ tỉ lệ vàng, cùng với hình ảnh các loài động vật quý hiếm được thiết kế theo dạng khối hình học theo một phong cách riêng biệt.
Qua mỗi tấm áp phích, Pedro Pannett mong muốn thể hiện được sự đa dạng trong vẻ đẹp thiên nhiên của Brazil và lên án về những nguy hiểm tiềm tàng đối với các loài động vật quý hiếm nơi đây.
10. Two of Hearts Illustration
Two of Hearts Illustration thiết kế bởi Stefano Rosselli.
Giải Đặc biệt cuộc thi A’Design 2019 – 2020 – Hạng mục Graphics and Visual Communication Design”.
Two of Hearts là hình vẽ minh họa nằm trong dự án Luck of the Draw. Đây là dự án do Victoria Spady khởi xướng và tập hợp các nghệ sĩ trên khắp thế giới nhằm tạo ra bộ bài độc đáo gồm năm mươi hai quân bài và mỗi quân bài là một thiết kế của các nghệ sĩ khác nhau.
Lấy hình ảnh chú cáo trong truyện ngụ ngôn Hoàng tử bé của tác giả Antoine de Saint-Exupéry làm nguồn cảm hứng chính để thiết kế, Stefano Rosselli đã phải tìm cách để dung hòa được 2 yếu tố: Một là truyền tải được thông điệp câu chuyện, hai là giữ đúng giá trị của thẻ bài và thiết kế phải rõ ràng dễ đọc.
Và thế là Arena đã dẫn bạn đi qua 10 thiết kế đạt giải tại hạng mục Graphics and Visual Communication Design. Chúng tôi hy vọng với các tác phẩm truyền cảm hứng của những nghệ sĩ trên toàn thế giới, bạn đã có thêm nhiều ý tưởng thú vị và động lực để bứt phá bản thân mình ở các đấu trường quốc tế. Hẹn một ngày gần nhất, Arena Multimedia sẽ có cơ hội được viết về sản phẩm của bạn tại cuộc thi tầm cỡ dành cho ngành sáng tạo.
Theo Creativeboom
Bản dịch được Việt hóa bởi Arena Multimedia