Khi một font chữ được khai phá hết tiềm năng, nó có thể góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lòng khán giả. Mỗi kiểu font đều có khả năng mang đến những xúc cảm và ấn tượng khác nhau. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Arena Multimedia đi sâu hơn về chủ đề thú vị này nhé!
Font chữ là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thiết kế. Mỗi font chữ không chỉ là một loạt các ký tự được sắp xếp để tạo ra từng từ và câu mà còn là ngôn ngữ riêng biệt của cảm xúc. Font chữ có thể biến một văn bản bình thường thành một tác phẩm nghệ thuật, cũng có thể làm cho một trang web trở nên ấn tượng và hấp dẫn hơn.
Trong hành trình khám phá hôm nay, chúng ta sẽ đặt chân vào thế giới của font chữ – một thế giới mà không chỉ là đáp ứng được “phần nhìn” mà còn cả tâm lý và cảm xúc. Hãy cùng nhau khám phá cách mà font chữ được áp dụng như một chiến lược tâm lý để thu hút và gây ấn tượng với khán giả.
Tâm lý học font chữ là gì?
Về bản chất, tâm lý học font chữ là phản ứng trực quan và cảm xúc của bạn đối với font chữ bạn đang nhìn thấy. Theo Quy tắc Giao tiếp Cá nhân của Albert Mehrabian, 93% sự kết nối cá nhân là phi ngôn ngữ, điều này có nghĩa là những ý tưởng và giá trị cần phải được truyền đạt một cách đơn giản nhất có thể. Tùy thuộc vào những gì chúng ta đang quan sát hay suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta sẽ bị tác động theo những cách khác nhau.
Một lý thuyết được sử dụng trong tâm lý học để giải thích cách mà một font chữ được nhận biết bởi những người khác là Mô hình Font Kolenda. Đây là một hướng dẫn từng bước phân tích cách chúng ta nhận thức về các font chữ và những gì chúng ta liên hệ từ chúng. Khi một người nhìn thấy một font chữ, họ sẽ liên kết font chữ đó với một đặc điểm. Ví dụ, nếu ai đó nhìn thấy một thương hiệu thể hình nói về việc tăng cường sức mạnh bằng font chữ đậm, khách hàng sẽ nhìn font chữ đó và tự mô tả trong đầu: dày, cồng kềnh và nặng nề. Nhận thức này sau đó cũng sẽ được liên kết với hình ảnh về thương hiệu thể hình.
Tại sao chúng ta nên sử dụng tâm lý học font chữ?
Đằng sau tâm lý học font chữ là sức mạnh thúc đẩy các quyết định. Hiểu được cách mọi người phản ứng và tương tác với font chữ có nghĩa là bạn đã nắm được cách tạo ra phản ứng mong muốn đối với đối tượng mục tiêu.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa các font chữ cho bài đăng trên mạng xã hội giúp người tiêu dùng có nhiều khả năng tiếp tục quay lại và tương tác với nội dung của bạn hơn. Tất nhiên, điều quan trọng không kém là đảm bảo bạn không chọn sai font chữ.
Giả sử bạn đang muốn bán quà tặng trong chiến dịch Ngày của Mẹ. Bạn vừa quay một đoạn phim quảng cáo hấp dẫn hứa hẹn làm tan chảy trái tim của khán giả. Tuy nhiên, bạn sử dụng Georgia làm font chữ trong quảng cáo của mình. Thay vì cảm thấy hoài niệm, yêu thương và vui vẻ, người tiêu dùng mục tiêu của bạn sẽ có cảm giác thiết kế này có vẻ nghiêm túc và quyền lực, điều vốn không hề phù hợp với thông điệp của chiến dịch. Nếu một bánh răng hơi lỏng, toàn bộ bánh xe sẽ rời ra. Đảm bảo logo, màu sắc, hình dạng và font chữ của bạn phối hợp hài hòa với nhau là điều sẽ tạo ra sự khác biệt trong tâm lý học font chữ.
Có thể nói, tâm lý học font chữ và sự nhất quán tổng thể trong thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa thương hiệu của bạn và các khách hàng tiềm năng. Font chữ là một trong các yếu tố có khả năng khắc họa tinh tế hình ảnh và cảm xúc mà thương hiệu mong muốn truyền tải đến khán giả, chính vì vậy, chẳng có lí do gì để các thương hiệu phớt lờ yếu tố quan trọng này.
Các loại font chữ và ý nghĩa của chúng
Có sáu kiểu font chữ khác nhau, mỗi kiểu có những đặc điểm khác nhau, đem tới những ấn tượng trực quan khác nhau. Trong phần tiếp theo, hãy cùng khám phá kĩ hơn về mỗi loại font để hiểu rõ cách chúng truyền đạt những thông điệp mong muốn.
1. Font chữ Serif
Tất cả chúng ta đều đã từng sử dụng font chữ Serif. Chúng là một trong các lựa chọn truyền thống nhất trong nhóm các loại font. Chúng thường được sử dụng khi Designer muốn tạo ra một thiết kế mang lại cảm giác cổ điển, truyền thống và ổn định.
Các doanh nghiệp nhận thấy rằng sự đồng nhất và cổ điển của kiểu chữ này tạo ra một ấn tượng uy tín, chuyên nghiệp và đáng tin cậy đối với khách hàng. Với sự linh hoạt của các kiểu chữ như Times New Roman, Georgia và Garamond, các đơn vị có thể tùy chỉnh font chữ để xây dựng hình ảnh công ty trong lòng khán giả một cách lí tưởng nhất, tạo ra một ấn tượng độc đáo và dễ nhớ. Các công ty luật, công ty bảo hiểm hay công ty tư vấn là các đơn vị rất phù hợp để áp dụng kiểu chữ serif.
Nguồn ảnh: 99designs
2. Font chữ Slab Serif
Hãy tưởng tượng font chữ Slab Serif như là em trai của font chữ Serif – họ ở trong cùng một dòng họ nhưng Slab Serif mang trong mình sự tự tin và táo bạo của tuổi trẻ. Dù có thể trông giống nhau, nhưng với Slab Serif, chân chữ vuông vắn tạo ra một cảm giác mạnh mẽ và dày dặn hơn. Họ vẫn giữ được sự truyền thống nhưng lại có phần khác biệt và độc đáo hơn rất nhiều.
Font chữ Slab Serif là lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp muốn tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ và lâu dài. Khi ứng dụng vào việc thiết kế, font chữ Slab Serif có thể giúp các đơn vị truyền tải năng lượng, sự quyết đoán và tự tin. Các font chữ Slab Serif phổ biến bao gồm Courier, Rockwell và Museo.
Nguồn ảnh: 99designs
3. Font chữ San Serif
Font chữ Sans Serif được biết đến với sự sạch sẽ, sắc nét và hiện đại. Nó tối giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Những font chữ này thể hiện được sự nghiêm túc, đồng thời mang lại cảm giác hiện đại và cởi mở. Không có sự cồng kềnh hoặc phức tạp, Sans Serif được đánh giá cao với tính chất đơn giản nhưng vẫn hiệu quả.
Kiểu font này đã làm mờ đi khoảng cách giữa phong cách hiện đại với truyền thống với sự kết hợp giữa tinh thần phiêu lưu và nét tân tiến. Giao diện đơn giản và rõ ràng của kiểu chữ này rất được các công ty công nghệ ưa chuộng, ví như logo của Google đã thay đổi từ Serif sang Sans Serif vào năm 2015. Nó cũng rất lí tưởng cho các thương hiệu có xu hướng xây dựng hình ảnh đơn vị tiên phong, dẫn đầu. Arial, Century Gothic và Helvetica là những ví dụ kinh điển cho font chữ Sans Serif.
Nguồn ảnh: 99designs
4. Font chữ Script
Bạn muốn tạo điểm nhấn độc đáo cho văn bản của mình? Hãy thử sử dụng một font chữ Script. Những font này không chỉ mang lại cảm giác nữ tính và sang trọng mà còn kích thích sự sáng tạo với vẻ đẹp của chữ viết tay. Chúng làm nổi bật sự vui nhộn và lãng mạn, tái hiện lại đường nét quyến rũ và uốn cong của bút.
Font chữ Script có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau. Chúng là sự kết hợp hoàn hảo cho hình ảnh thương hiệu, tuy nhiên, vì tính nghệ thuật của chúng, các Designer cần phải cân nhắc sử dụng hợp lý để không làm cho văn bản trở nên khó đọc. Lucida Script, Lobster và Zapfino là những font chữ Script phổ biến mà bạn có thể sử dụng.
Nguồn ảnh: 99designs
5. Font chữ Modern Sans Serifs
Font Modern Sans Serifs là một nhánh phụ của font Sans Serifs và được xem là một phiên bản hiện đại hóa của các font chữ từ đầu đến giữa thế kỷ 20. Chúng thường được thiết kế với những đặc điểm tối giản, gọn gàng và linh hoạt hơn so với các font chữ truyền thống. Sự hiện đại của chúng thường được thể hiện qua việc loại bỏ các serif (dấu gạch) và tạo ra các đường nét sắc nét và đơn giản. Font Modern Sans Serifs thường được sử dụng trong các bản thiết kế đương đại, bao gồm cả trong truyền thông kỹ thuật số và truyền thống, như các tờ rơi, bảng thông báo, hay trang web.
Các font chữ Modern đều tạo ra cảm giác sang trọng và thông minh. Đây là cách tuyệt vời để đặt nền móng cho thương hiệu của bạn và đặc biệt là để thu hút sự chú ý của thế hệ Millennials. Hãy khám phá các font chữ Matchbook, Politica và Klavika để áp dụng ngay tâm lý này vào thực tế.
Nguồn ảnh: 99designs
6. Font chữ Display
Font chữ Display thường được sử dụng cho các phương tiện có định dạng lớn như bảng quảng cáo, tiêu đề hoặc bìa sách. Chúng có thể là Serif, Slab Serif hoặc Sans Serif, v.v. Chúng cũng có thể là một font chữ trang trí độc đáo. Với sự mới lạ và nổi bật, những font chữ này thường mang trong mình yếu tố hình ảnh.
Khi sử dụng font chữ Display, kiểu dáng sẽ ảnh hưởng đến những gì mà khán giả của bạn sẽ kết nối với font chữ. Nói chung, font chữ Display có thể gợi lên giao diện giản dị, vui nhộn hoặc độc đáo hơn. Một ưu điểm lớn của font chữ Display là khả năng tùy chỉnh chúng theo từng loại cá tính riêng, điều này rất lý tưởng cho các doanh nghiệp và mọi loại hình kinh doanh. Các font chữ như Bombing, Gigi và Jokerman là những ví dụ minh họa tiêu biểu cho điều này.
Nguồn ảnh: 99designs
Áp dụng tâm lí học font chữ vào thiết kế
Với những kiến thức mới về tâm lý đằng sau các loại font chữ, giờ là lúc áp dụng nó vào thực tế. Sự lựa chọn của font chữ hoàn hảo sẽ tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo với nhận diện thương hiệu mà bạn đang muốn xây dựng, đồng thời cung cấp nguồn cảm hứng bất tận cho nó.
Hãy sáng tạo và dũng cảm trong việc thử nghiệm và tinh chỉnh font chữ cho thương hiệu của bạn. Đồng thời, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và tâm lý học font chữ. Bằng cách này, bạn có thể đảm bảo rằng font chữ bạn chọn sẽ phản ánh đúng bản sắc và giá trị của thương hiệu, từ đó tạo ra một trải nghiệm độc đáo và gây ấn tượng với khách hàng.
Nguồn ảnh: 99designs
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |