“Quả táo” Apple đã lao đao sau sự ra đi của nhân vật này vào những năm 80 của thế kỷ trước, rồi tiếp tục sa sút cả sau khi ông trở lại. Việc xây dựng lại vầng hào quang cũ của cây đại thụ máy tính này chưa phải đã xuôi chèo mát mái.
Mặc dù vậy, guồng máy sáng tạo của Apple đang hoạt động hết công suất và Jobs đã đạt được một số thành tựu quan trọng, cho thấy sức phát minh chính là động lực kinh doanh cơ bản của công ty. Điều ngạc nhiên ở Apple là việc họ đã rất thành công khi vượt lên chính cái bóng cũ của mình.
Hành trình phục hưng Apple
Trở lại Apple năm 1997 và chính thức “nắm dây cương” năm 2000, nhà quản lý 49 tuổi Steve Jobs đã nhanh chóng gỡ bỏ cụm từ “tạm quyền” phía trước chức danh “Tổng giám đốc” của mình để thực sự chèo lái một trong những con tàu lớn nhất của làng công nghệ máy tính thế giới.
Nhiệm vụ đầu tiên của Jobs là thay đổi kiểu dáng thiết kế của máy tính Apple và sản xuất với nhiều màu sắc khác nhau. Điều này khiến nhiều đối thủ cười mỉa nhưng Jobs hiểu rất rõ thị trường tiêu dùng máy tính và giải pháp của ông đã có tác dụng tức thời: Apple đã ngay lập tức trở lại vai trò của một nhà phát minh lớn trên bản đồ các hãng công nghệ hàng đầu và tất nhiên điều đó cũng làm tăng đang kể doanh số bán hàng.
Khi đã bắt đầu có thêm không gian trên thị trường “để thở”, Apple dành thời gian khắc phục những khó khăn lớn hơn, chẳng hạn như củng cố hệ điều hành và hoạch định một lộ trình nhằm đưa hoạt động kinh doanh máy tính nhãn hiệu “Quả táo” trở lại đúng con đường xưa.
Kể từ đó, những ý tưởng mới liên tục ra đời và nổi bật là khả năng sẵn sàng tiếp cận thị trường bằng những sản phẩm “có tính mạo hiểm”. Apple mạo hiểm khi là kẻ tiên phong trong lĩnh vực không dây, sản xuất thiết bị nghe nhạc di động và tung ra một cửa hàng bán nhạc trực tuyến. Tất cả những hoạt động kinh doanh này đều rủi ro bởi rất khó có thể giành được thành công ngay trong những lĩnh vực ấy.
Người đầu tiên nhảy vào đơn giản chỉ làm nhiệm vụ xác định tiềm năng của một thị trường non trẻ cho những kẻ khác khai thác. Tuy nhiên, Apple đã xoay xở và tìm được cách thành công. Với sản phẩm iPod, họ đã tạo được bước đột phá, khiến cho các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thiết bị âm nhạc đứng ngồi không yên.
Những sản phẩm mới, bước tiến mới
Mặc dù đã thu hút được sự chú ý lớn của thị trường, iPod vẫn chỉ là một nhánh kinh doanh phụ bên cạnh ngành hàng chính của Apple là máy tính để bàn và xách tay, mà trong đó, họ tỏ ra vượt trội trong cuộc cạnh tranh về khả năng phát minh. Hệ điều hành Mac OS X giành được một vị thế đáng kể như hiện nay nhờ một giao diện người sử dụng ấn tượng thậm chí hơn cả Windows. Dòng máy tính xách tay Powerbook cũng đang bán chạy và Apple gần đây còn tung ra thế hệ máy để bàn iMac G5 mới.
iMac G5 có kiểu dáng rất ấn tượng cùng hệ điều hành mạnh có khả năng hỗ trợ tất cả các ứng dụng quan trọng từ phần mềm văn phòng cho đến xử lý video. Loại máy này có một màn hình phẳng mỏng kèm theo bàn phím và chuột đều không dây. Màn hình còn chứa luôn cả đầu đọc/ghi DVD/CD và có loa phát ra âm thanh trên bề mặt đặt monitor.
Màn hình cũng đựng luôn cả CPU, ổ đĩa và chỉ có một dây dẫn duy nhất để lấy nguồn điện. Có thể một hai năm nữa cả ngành công nghiệp máy tính sẽ sản xuất toàn những thiết bị kiểu tương tự nhưng hiện nay mới chỉ có một loại duy nhất và Apple chính là kẻ đi đầu, dưới sự chỉ huy của “thuyền trưởng” Steve Jobs.
Giới phân tích có những quan điểm rất khác nhau khi tranh cãi về việc liệu Apple có thể trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm 80 thế kỷ trước. Những thành tựu gần đây nhất chính là bằng chứng cho thấy thực ra họ đã trở lại. Ngành công nghệ thông tin và công nghiệp máy tính vẫn cần sự thành công của Apple.
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!