Phải mất hàng chục năm sau, khái niệm design mới được hoàn thiện ở Việt Nam, nhưng trước đó, những hạt mầm của thiết kế đã xuất hiện trong các sản phẩm báo chí, nhật trình, tiêu biểu là đồ mỹ nghệ.
Đồ họa sách có từ rất sớm, ít nhất người ta xác định được nghề làm ấn loát sách từ thế kỷ 11, sau được học hỏi thêm từ kỹ thuật của người Trung Hoa, do tiến sĩ thời Lê, Lương Nhữ Hộc, nhân đi sứ mà biết được, đem về truyền cho hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng ở Hải Dương. Nhưng phải đến thời kỳ cận đại, khi người phương Tây vào Việt Nam, ấn loát và thiết kế hiện đại mới phát triển với nhiều kỹ thuật khác nhau, chứ không đơn thuần là in khắc gỗ như ấn loát thời phong kiến.
Tờ Gia Định báo. Tư liệu khai thác mạng
Design chưa đề tên họa sĩ
Trong xã hội phong kiến, quảng cáo và báo chí coi như không có, cũng như nhà xuất bản cũng chỉ là lâm thời do triều đình và văn nhân đặt một số cơ sở ấn loát in sách không thường xuyên. Thời kỳ thực dân phong kiến, cuối thế kỷ 19, xuất hiện một số báo chí và nhà in tư nhân, khi xã hội Việt Nam bắt nhịp với cuộc sống tiền tư bản và công nghiệp. Do miền Nam sớm thành thuộc địa của Pháp, năm 1867, khi người Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ và đơn phương tuyên bố đó là đất thuộc địa của mình, thì nền báo chí cũng có mặt sớm. Đã có báo chí tất có người thiết kế, nhưng họa sĩ mang danh chính thức thì phải đợi đến năm 1925 với sự ra đời của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tờ báo in chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta là Gia Định báo. Tờ này phát hành số đầu tiên 15/4/1865 trước cả khi Nam Kỳ chính thức thành thuộc địa Pháp hai năm, và tồn tại đến 44 năm sau đó. Báo có khuôn khổ 25 x 32 cm và phát hành hàng tuần ở Sài Gòn (tham khảo Wikipedia mở). Trong khoảng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 người ta thống kê được một số báo chí như sau: Ở Nam Kỳ có Gia Định báo 1865, Phan Yên báo1868, Nhựt trình Nam Kỳ 1883, Thông loại khóa trình 1888 (số 3), Nông cổ mín đàm 1901, Lục tỉnh tân văn 1907, Nhật báo tỉnh 1905 – 1912, Nữ giới chung 1918… Ở Bắc Kỳ có Đại Nam đồng văn nhật báo 1892 in chữ Nho, Đại Việt tân báo 1905, in song ngữ Việt – Hán, Đăng cổ tùng báo 1907.
Tờ Nông cổ mín đàm. Tư liệu khai thác mạng
Những tờ báo ban đầu được thiết kế thô sơ, khuôn khổ chỉ như một cuốn sách lớn, có chữ tên báo đề to và bài báo được dàn theo cột. Lần đầu tiên, ấn loát Việt Nam biết thêm loại in chữ con chì, theo lối sắp chữ thành khuôn và đưa vào máy in báo. Do tình hình lúc bấy giờ chữ Quốc ngữ mới phổ biến, nên có nhiều đề mục còn đề chữ Hán và chữ Pháp. Vào nửa cuối thế kỷ 19, mà chữ Quốc ngữ đã thịnh hành ở Nam Kỳ là một bước tiến lớn cho nền văn hóa cận hiện đại Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20, báo chí đã thêm nhiều minh họa, đặc biệt là trang bìa có in màu. Lúc bấy giờ do công nghệ in typo còn nhiều hạn chế, các minh họa sách báo vẫn cài in khắc gỗ xen lẫn khuôn in chữ con chì, riêng những minh họa màu người ta vẫn phải chế tác thủ công khéo léo, hoặc đưa vào in lưới.
Bản vẽ trong Nguyễn Du minh họa tập của Nguyễn Tường Lân, năm 1942. Tư liệu Bùi Minh Trí
Những định danh đầu tiên
Khi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, năm 1925, thì dường như lớp họa sĩ chính thức đầu tiên của xã hội Việt Nam hiện đại hình thành. Mặc dù không có họa sĩ được đào tạo chính thức về design, nhưng rất nhiều người tham gia trang trí, thiết kế vẽ minh họa cho sách báo đương thời. Điều này cũng trùng hợp với sự phát triển của báo chí đầu thế kỷ 20 và nền văn học tiền chiến, đặc biệt là phái văn học Tự lực Văn đoàn rất nổi tiếng.
Minh họa bìa báo Ngày nay do Tô Ngọc Vân vẽ năm 1939. Tư liệu Nguyễn Mạnh Phúc
Những họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… đều tham gia minh họa và thiết kế bìa sách. Năm 1942, nhân Hội Quảng Trị – Huế xuất bản cuốn Nguyễn Du minh họa tập (Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du), các họa sĩ như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào, Nguyễn Văn Tỵ và Lưu Văn Sìn đã tham gia minh họa. Tất cả minh họa của họ đều in thành tranh rời dán vào sách, rất đẹp, bản thân những minh họa đó đã đủ thành một tác phẩm đồ họa (tham khảo tài liệu: Tranh in khắc gỗ hiện đại Việt Nam – Hoàng Minh Phúc).
Minh họa bìa báo Ngày nay do Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1938. Tư liệu Nguyễn Mạnh Phúc
Trong tài liệu của chúng tôi có 9 bản minh họa bìa báo Ngày nay, những năm 1937 – 1939, chủ yếu do Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân thiết kế. Ông Trí thì ký là Rict, tức là chữ Nguyễn Gia Trí viết ngược, còn ông Vân thì ký là Tô Tử (hiện nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc lưu giữ những bản minh họa này). Những bản thiết kế báo này cho thấy một nền design đồ họa dù còn thủ công nhưng rất phát triển lúc bấy giờ, đặc biệt chúng được những họa sĩ hàng đầu Việt Nam thiết kế với chất lượng cao và thẩm mỹ mang tính dân tộc – hiện đại sâu sắc.
Một trang số Tết báo Nam phong. Tư liệu khai thác mạng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần