Để có một bức ảnh chụp dưới sáng thật đẹp, bạn cần điều khiển được ánh sáng bằng chính ống kính máy của mình. Dưới đây là một vài tip nhỏ.
Chắc nhiều người chụp ảnh cũng đã biết đến quy tắc đo sáng Sunny 16 – theo đó , khi chụp chủ thể thuận sáng dưới trời nắng to (không bị mây che phủ) , nếu để khẩu độ là F16 thì tốc sẽ tương đương với ISO của film đang sử dụng (ISO 100 thì để tốc độ 1/100s, ISO 200 thì để tốc độ 1/200s … ). Từ quy tắc này , ta có cơ sở để xác định độ chính xác của các thiết bị đo sáng.
F16 1/100s ISO100 tương đương với EV 14,7. Do độ truyền tải ánh sáng (T stop) của ống kính thường luôn thấp hơn khẩu độ (F stop) khoảng 0,3 stops nên độ sáng thực của cảnh sẽ vào khoảng EV 15 . Đây là chỉ số mà các thiết bị đo sáng rời (ngoài) nên hiển thị nếu còn hoạt động chính xác.
Còn đối với đo sáng trong máy ảnh, đầu tiên, bạn lấy nét ống kính về vô cực, sau đó dùng chế độ đo sáng trung tâm hoặc đo sáng điểm đo vào mặt sau của bàn tay. Nếu kết quả thu được là EV 14,5-14,7 thì hệ thống đo sáng của máy được cho là chính xác.
Mặc dù là như vậy nhưng không phải cứ đo sáng chính xác là sẽ cho ra ảnh đúng sáng. Nhiều loại film khi tráng và scan cho kết quả không tương ứng với ISO ghi trên vỏ hộp, có thể tối hơn hoặc sáng hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự với máy ảnh số, không phải máy nào ISO 100 cũng sáng như nhau, nhưng máy số thường được các nhà sản xuất điều chỉnh lại hệ thống đo sáng sẵn trong máy. Bên cạnh đó, ảnh có đúng sáng hay không còn tùy thuộc vào gu của từng người. Người thì thích ảnh sáng một chút, người lại thích ảnh tối một chút.
Chính vì vậy, để xác định xem các thiết bị đo sáng có hoạt động được như ý hay không , bạn bắt buộc phải chụp thử vài lần, rồi nhìn vào kết quả thu được để điều chỉnh lại các thiết bị đo sáng cho phù hợp với nhu cầu của mình .
Nguồn: dohoafx.com