“Một thiết kế tốt sẽ làm cho sản phẩm đó biết nói, còn một thiết kế hoàn hảo là khi sản phẩm đó có thể tự giải thích được công dụng của mình”. Đó là một trong mười bí quyết làm chủ các bản thiết kế mà Dieter Rams, một nhà thiết kế nổi tiếng đã nêu ra vào thập niên 80 của Thế kỉ trước. Tuy nhiên, những nguyên tắc mà ông nêu ra vẫn rất giá trị với những nhà thiết kế thời nay.
1. Tính sáng tạo
Sáng tạo là vô tận nên chắc chắn, dù bằng bất kì cách nào, sẽ luôn luôn có chỗ cho những ý tưởng mới và độc đáo. Sự tiên tiến của công nghệ đồng nghĩa mở ra nhiều cơ hội mới cho những thiết kế sáng tạo. Sáng tạo trong thiết kế phát triển song song với sáng tạo trong công nghệ, và điều đó không bao giờ kết thúc.
Radio/phonon kết hợp, 1959, thiết kế của Dieter Rams cho hãng Braun
2. Tính hữu dụng
Sản phẩm sẽ chỉ có giá trị khi nó thỏa mãn người sử dụng, không chỉ về tính năng mà còn cả về tâm lý và cảm nhận về thẩm mỹ tới sản phẩm đó. Một thiết kế hoàn hảo thể hiện được hết tính hữu dụng của sản phẩm nhưng cũng loại bỏ hết những gì làm giảm đi sự hữu dụng đó.
Máy vắt cam đa năng, 1972, của Dieter Rams và Jürgen Greubel cho hãng Braun
3. Tính thẩm mỹ
Tính thẩm mỹ cao là một điều không thể thiếu đối với bất kỳ sản phẩm nào. Nó tác động tới cảm xúc của chúng ta hàng ngày. Tuy vậy chỉ những thiết kế nào được thực thi tốt thì mới có thể được gọi là “đẹp”.
Tischsuper radio, 1961
4. Tính dễ hiểu
Sự rõ ràng trong cấu trúc của sản phẩm khiến người dùng nhận thức được tác dụng của nó. Một thiết kế tốt sẽ làm cho sản phẩm đó biết nói, còn một thiết kế hoàn hảo là khi sản phẩm đó có thể tự giải thích được công dụng của mình.
Máy thu, 1963
5. Sự khiêm tốn
Khi thiết kế cho những mục đích nhất định, hãy ghi nhớ rằng sản phẩm đó là công cụ, không phải vật trang trí hay tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, thiết kế của chúng cần có sự tiết chế và khiêm tốn. Hãy để dành chỗ cho cảm nhận của người dùng thay vì trở nên quá phô trương trong lối thiết kế.
Bật lửa, 1968
6. Tính chân thực
Đừng cố gắng thiết kế sản phẩm thật sáng tạo, mạnh mẽ hay tốn kém hơn nhiều so với giá trị thực của nó; cũng như đem đến người dùng những kỳ vọng không thực tế. Hãy xác định rõ giá trị thực sự của sản phẩm để đem đến những thiết kế chân thực nhất.
Loa phát, máy ghi băng cuộn và bộ điều khiển
7. Độ bền
Nên tránh những yếu tố mang tính thời thượng, nhưng cũng đừng để những thiết kế đó dễ dàng trở nên lỗi thời. Khác với thiết kế thời trang, một thiết kế sản phẩm hoàn hảo sẽ tồn tại trong một thời gian dài, dù cho chúng ta đang sống trong thời đại của những xu hướng mới.
Thiết kế ghế tựa, 1962
8. Tỉ mỉ tời từng chi tiết
Đừng làm gì đó một cách tùy ý hay ngẫu nhiên. Sự cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác tới từng chi tiết nhỏ trong một thiết kế là cách thể hiện sự tôn trọng người sử dụng sản phẩm đó sau này.
Máy tính cầm tay, 1987
9. Thân thiện với môi trường
Thiết kế đóng vai trò quan trọng tới việc bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị trong tự nhiên. Hãy chứng minh đó là sản phẩm của bạn thân thiện với môi trường bằng việc hiểu rõ vòng đời của chúng và việc tái sử dụng các sản phẩm khác trước khi gọi đó là một thiết kế hoàn hảo.
Giá treo tường, 1960
10. Trở về những gì thuần túy và đơn giản nhất
Việc thiết kế sản phẩm sao cho nhỏ gọn và đơn giản sẽ giúp thiết kế đó chỉ tập trung vào những yếu tố thiết yếu nhất, không xa vời và đưa nó trở nên phức tạp quá mức cần thiết. Hãy đưa sản phẩm của bạn về những gì thuần túy và nguyên bản nhất.
Thiết kế loa,1958
(Nguồn: Designs.vn)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Tìm hiểu về hội họa Tìm hiểu về thiết kế brochure Cuộc thi Doodle 4 Google: Cơ hội sáng tạo cho các bạn nhỏ Chiêm ngưỡng mẫu thiết kế bao bì ấn tượng và phong cách Nghề biên tập phim: Kĩ năng và Trách nhiệm Một số bí quyết "gối đầu giường" về nhập môn nhiếp ảnh Trích đoạn đầy mê hoặc về ý tưởng của "một nửa 13" 37 bức ảnh "phi thường" của năm Xanh mát cùng xu hướng nội thất 2015 4 xu hướng nhiếp ảnh phải biết năm 2015