Nghề thiết kế đồ hoạ những năm gần đây bỗng trở nên “đắt giá” trên thị trường tuyển dụng lao động. Tuy vậy, lượng cung vẫn không đủ cầu do tình trạng đào tạo quá nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn tại các trường.
Thiết kế đồ họa không chỉ là sáng tạo
Hiện nay, do sự phát triển nhanh chóng của thị trường, sự đa dạng, phong phú của các chủng loại hàng hoá nên nhu cầu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng ngày càng tăng. Làm quảng cáo, panô, ápphích, thiết kế bìa sách… đều cần đến thiết kế đồ hoạ. Nhưng để ra được một sản phẩm ưng ý không hề đơn giản.
Từ ý tưởng nghệ thuật đến việc thể hiện luôn đòi hỏi người thiết kế phải sáng tạo, tìm tòi. Và cuối cùng, sau khi đã có từ vài mẫu tới vài chục mẫu hàng, người thiết kế mới chọn được cho mình một sản phẩm phù hợp nhất. Do đó, bên cạnh tính sáng tạo, công việc cũng đòi hỏi cả sự kiên trì, nhẫn nại.
Nhiều người nghĩ rằng để làm được thiết kế đồ hoạ, chỉ cần thành thạo các phần mềm ứng dụng như Photoshop, QuarkXPress, Ilustrator hay phần mềm minh hoạ Poster là đủ. Nhưng thực tế cho thấy, để giỏi nghề này không chỉ cần năng khiếu mỹ thuật, mà còn phải hiểu biết rộng và có một cái nhìn bao quát trong từng vấn đề, lĩnh vực nhất định.
Không những thế, công việc này còn đòi hỏi khá nhiều yếu tố liên quan, mà theo ông Nguyễn Việt Dũng – GĐ Cty CP kiến trúc Không gian Mở – đó là: “Phải nắm được kiến thức về marketing, khả năng tổ chức, nắm bắt sự kiện, bởi có như thế mình mới truyền tải được ý tưởng của khách hàng vào trong mỗi sản phẩm.
Nhưng tiếc là hiện nay những người hội đủ được các yếu tố này không nhiều”. “Đắt giá” nhất hiện nay là sinh viên tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, đây là nguồn được đào tạo khá cơ bản về chuyên môn. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, SV vẫn phải “nạp” thêm rất nhiều kiến thức, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các phần mềm đồ hoạ.
Anh Lê Văn Tâm – nhân viên thiết kế Cty TNHH Đất Việt Vàng – nói: “Những gì học được trên giảng đường thì chung chung, trong khi yêu cầu của các Cty luôn chuyên biệt. Và thậm chí khi đi vào thực hiện từng việc cụ thể thì lại chưa có được khả năng đưa ra các ý tưởng cho khách hàng, trong khi đây là một trong những điều rất cần thiết của nghề thiết kế”.
Khi nhân lực trở thành “hàng hiếm”
Tại VP LĐ-VL Báo Lao Động, nhân viên thiết kế đồ hoạ trở thành “hàng hiếm” do nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, nhưng đáp ứng được thì chẳng bao nhiêu. Các chỉ tiêu còn tồn khá nhiều.
Một trong những nguyên nhân chính là do số lượng đào tạo SV chuyên ngành thiết kế đồ hoạ còn ít, mỗi năm riêng khu vực phía bắc chỉ có gần 400 SV tốt nghiệp ngành này từ các trường: ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc, Viện ĐH Mở. Đó là chưa kể trong số này có khá nhiều người chủ động tự mở Cty riêng để phát huy khả năng sáng tạo và độc lập của mình.
Theo một dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN (Vinasa), trong vài năm tới VN sẽ cần khoảng 17.000 nhân viên làm về công nghệ đa phương tiện, trong đó một số lượng không nhỏ là ngành thiết kế đồ hoạ. Điều này cho thấy nếu không sớm có sự thay đổi trong khâu đào tạo thì chúng ta sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Hiện tại, nhiều trường đào tạo chuyên ngành đồ hoạ như ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc… cũng đã tăng số lượng đầu vào cho lĩnh vực này, thậm chí Viện ĐH Mở năm 2006 đã tăng số chỉ tiêu lên gần gấp đôi so với năm trước, những vẫn là quá nhỏ nhoi so với nhu cầu hiện tại.
Đó là chưa nói tới một lượng không nhỏ SV khi ra trường chưa thể đáp ứng ngay được đòi hỏi của các nhà tuyển dụng. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn cứ “đỏ mắt” tìm nhân viên thiết kế đồ hoạ thành thạo, nhưng rồi đành phải “bó tay” như ông Trần Hà Anh – Phó GĐ Cty TNHH VinaD – từng than thở: “Công việc của chúng tôi nhiều khi bị dồn lại, các đơn đặt hàng xếp đống cũng chỉ vì thiếu nhân viên thiết kế đồ hoạ”. Gia Khoa
* Ông Nguyễn Việt Dũng – GĐ Cty CP kiến trúc Không gian Mở: “Không cần thiết phải học chính quy. Đối với nghề thiết kế đồ hoạ nếu như bạn có năng khiếu thẩm mỹ, óc sáng tạo nghệ thuật, chúng tôi sẵn sàng đào tạo thêm để bạn có thể tự hoàn thiện mình. Bằng cấp không phải là điều chúng tôi cần nhất!”.
* Bà Trần Thị Ngọc Mai – GĐ kỹ thuật Cty TNHH đồ hoạ Sao Mai: “Theo nghề cần có đam mê. Bản thân tôi không được đào tạo về ngành này mà tốt nghiệp ngành thời trang, nhưng bởi yêu thích thiết kế đồ hoạ nên giờ vẫn có thể làm tốt công việc này”. A.T
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!