Nghệ sĩ giỏi mượn ý tưởng, nghệ sĩ vĩ đại “trộm” ý tưởng thành của riêng! Nếu như nhà thiết kế đại tài Steve Jobs đã cải biên câu nói của Danh họa Pablo Picasso thành ý tưởng riêng, vậy những nhà thiết kế đồ họa ngày nay “trộm” ý tưởng từ đâu?
Những nhà Thiết kế đồ họa nổi tiếng thế giới và Việt Nam sau đây chính là nguồn ý tưởng dồi dào đó – những người khổng lồ trong ngành công nghiệp sáng tạo đã chấp nhận rủi ro, đổi mới và tác động lớn đến cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ.
1. Những nhà Thiết kế đồ họa nổi tiếng thế giới mà Designer nên biết!
1.1. Ruth Ansel (1938 – )
Là đồng giám đốc nghệ thuật của Harper’s Bazaar vào những năm 60, giám đốc nghệ thuật đầu tiên của Tạp chí New York Times vào những năm 70 và giám đốc sáng tạo giám sát cải biên Tạp chí Vanity Fair vào những năm 80, Ruth Ansel không chỉ đem đến ngành công nghiệp xuất bản bóng bẩy một vài nét tinh tế của nhạc rock ‘n’ roll, bà còn đưa tạp chí trở thành một một dấu ấn quan trọng cho cả một thời đại.
Ruth Ansel thành lập studio vào năm 1900, thực hiện thiết kế sách chuyên khảo cho Leibovitz, Richard Avedon và Peter Beard, cũng như các chiến dịch cho Versace, Karl Lagerfeld và Club Monaco. Những giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo mà bà giành được:
- Huy chương Vàng Thiết kế (1970) và giải thưởng Hall of Fame (2011) từ CLB những Giám đốc Nghệ thuật của New York;
- Giải thưởng Thiết kế cho những Cống hiến Xuất sắc liên tục trong Thiết kế Xuất bản của Hiệp hội Xuất bản và Huy chương AIGA (2016).
“Ai cũng có thể chụp một bức ảnh đẹp bất kỳ lúc nào. Nhưng rất khó để tạo ra những bức ảnh xuất sắc có chủ đích, nhất quán và độc đáo.” – Ruth Ansel chia sẻ.
Ansel chưa bao giờ hé lộ một cách chính thức về các phương pháp thiết kế tạp chí của mình, nhưng có bốn quy tắc mà bà luôn tuân thủ mỗi khi bắt tay vào việc: Khiêu khích – Xu hướng – Giải trí – Nguồn cảm hứng.
1.2. Chip Kidd (1964 – )
Chip Kidd là một trong những nhà thiết kế đồ họa giỏi nhất trong thế giới xuất bản sách. Hiện ông làm Phó Giám đốc Nghệ thuật tại nhà xuất bản danh tiếng Alfred A. Knopf – nơi ông đã làm việc kể từ khi tốt nghiệp trường đại học Penn State.
Những thành tựu nổi bật nhất của ông phải kể đến như “All The Pretty Horses” của Cormac McCarthy, “The Secret History” của Donna Tartt, “Jurassic Park” của Michael Crichton, “1Q84” của Haruki Murakami và đồng sáng tạo “True Prep” với Lisa Birnbach.
“Đúng vậy. SÁCH. Bạn biết đấy, những tập giấy có bìa với mực trên những trang giấy. Bạn không thể tắt nó đi bằng một nút ấn. Hãy nói với lũ trẻ nhà bạn như vậy!”
Những lời chia sẻ hài hước, thẳng thắn, thông minh của Chip Kidd đã khiến cho bài nói “Designing books is no laughing matter. OK, it is.” trong số nhiều TED talk của ông đạt hơn 2,5 triệu lượt xem.
1.3. Alex Trochut (1981 – )
Alex Trochut là một nghệ sĩ người Tây Ban Nha, nhà thiết kế đồ họa, thiết kế kiểu chữ và họa sĩ minh họa nổi tiếng thế giới. Sinh ra ở Barcelona và hiện nay sinh sống và làm việc tại Brooklyn, New York. Alex đã phát triển công việc thiết kế kiểu chữ và minh họa cho các thương hiệu như Nike, Adidas, BBC, Coca-Cola, Pepsi; các tên tuổi âm nhạc đình đàm như Katy Perry, Rolling Stones; và các ấn phẩm như The New York Times và The Guardian.
Với các tác phẩm đóng góp cho lĩnh vực đồ họa, Trochut từng được The Type Director Club trao chứng nhận xuất sắc ở mảng Typography vào năm 2005. Tiếp đó đến năm 2008, anh được chú ý nhiều hơn bởi phong cách viết chữ sáng tạo của mình và nhận giải thưởng danh giá từ Art Directors Club Young Guns, cuộc thi thường niên nhằm tôn vinh các nhà thiết kế dưới 30 tuổi.
Năm 2013, Trochut đã khởi động một dự án cá nhân về bản in Binary Prints – sử dụng một kỹ thuật in (đã được cấp bằng sáng chế) cho phép minh họa 2 hình ảnh khác nhau ở trên cùng 1 bề mặt, trong đó 1 hình ảnh có thể thấy vào ban ngày, hình ảnh còn lại chỉ hiển thị vào ban đêm. Thành công này của Trochut được công nhận trên The New York Times, Gizmodo, Vice của tạp chí The Creators Project, Fast Company,…
1.4. Morag Myerscough (1963 – )
Khi kể tên những nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng thế giới sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Meyerscough. Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, hầu hết những tác phẩm nghệ thuật gây được tiếng vang của Myerscough đều thuộc lĩnh vực thiết kế đồ họa không gian: Mục tiêu cao cả trong sự nghiệp thiết kế của bà chính là có thể biến những nơi xa lạ thành ngôi nhà chung của mọi người.”
Morag Myerscough tạo ra hàng loạt những thiết kế sắp đặt quy mô lớn với bảng màu bắt mắt, hoa văn hình học, thông điệp neon trên đa dạng chất liệu (gỗ ép, tre, tường gạch) tại những địa điểm mà mọi người hay đến như: Bệnh viện, công viên, trung tâm nghệ thuật,…
Myerscough xuất hiện trên trang bìa của Creative Review và được vinh danh trên tạp chí Eye với lời ca ngợi “dấu ấn thiết kế đồ họa mạnh mẽ của Myerscough được thúc đẩy bởi cảm giác đối với kiểu chữ và chữ cái”. Năm 2013, dự án The Movement Café của bà đã giành một Giải thưởng Tuần lễ thiết kế và Giải thưởng FX cho Đề án Không gian Công cộng Tốt nhất.
Năm 2015, đóng góp của Myerscough cho môi trường giáo dục đã được ghi nhận khi Trường Burntwood, một dự án mà cô đã làm việc, được trao Giải thưởng RIBA Stirling. Năm 2017, bà được công nhận vì những đóng góp của mình cho xã hội khi được phong làm Nhà thiết kế Hoàng gia cho ngành Công nghiệp.
1.5. Jonathan Barnbrook (1966 – )
Sinh ra và lớn lên ở Luton (Anh Quốc), Barnbrook tiếp cận với nghề thiết kế đồ họa khi còn rất trẻ tại Trường Nghệ thuật Saint Martin và Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở London. Ông đã trở thành nhà thiết kế đồ họa, nhà thiết kế kiểu chữ, nhà thiết kế đồ họa chuyển động, nhà thiết kế công nghiệp và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thế giới.
Portfolio của Barnbrook thể hiện phản ứng mạnh mẽ của cá nhân ông đối với tất cả sự bất công trong thế giới này. Ông cùng 33 nhà thiết kế khác ký tên vào bản tuyên ngôn “Những điều đầu tiên cần làm năm 2000”, cam kết “sử dụng các kỹ năng của mình một cách xứng đáng để giải quyết các cuộc khủng hoảng xã hội, văn hóa và môi trường chưa từng được đề cập tới”.
1.6. Kate Moross (1986 – )
Kate Moross là một trong những nhà thiết kế đồ họa đa nổi tiếng thế giới, làm việc trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật minh họa và thiết kế bao gồm đồ họa chuyển động, nhiếp ảnh và hình ảnh chuyển động. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Wimbledon (London), Moross đã làm việc tích cực và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật táo bạo cho những thương hiệu hàng đầu như ESPN, Paul Smith, Mini Cooper, Fabergé, Adidas, Nike,…
Bên cạnh đó, Moross cũng dành phần lớn thời gian làm việc với các nghệ sĩ thu âm và những người khác trong ngành công nghiệp âm nhạc như Jessie Ware, Tala, Wild Beasts và Washed Out. Năm 2014, Moross thiết kế hình ảnh cho chuyến lưu diễn thế giới On the Road Again Tour của One Direction. Sau đó, ông cùng đồng nghiệp tiếp tục phát triển hình ảnh và nhận diện thương hiệu cho MTV Video Music Awards 2016.
1.7. Rob Janoff (1953 – )
Không dừng lại ở đó, Janoff giờ đây làm việc cho các agency quảng cáo hàng đầu ở Thung lũng Silicon về thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế quảng cáo trên báo in và truyền hình cho các khách hàng toàn cầu như Crooz (Nhật Bản) – một công ty trò chơi, Lucas (London) – một tập đoàn hợp đồng lớn thuộc sở hữu của gia đình, Norman Sarraf (Úc) – doanh nhân bất động sản và nhà từ thiện, R. H. Finnegan (Anh Quốc) – nhà xuất bản học thuật nổi tiếng từ Balestial Press,…
Janoff đã đi du lịch nhiều nơi và là một diễn giả xuất sắc, đưa ra các bài phát biểu quan trọng và dạy các khóa học về thiết kế cho các trường đại học, cơ sở học thuật, bao gồm cả Đại học Đông Địa Trung Hải ở Cyprus.
1.8. Peter Saville (1955 – )
Peter Saville là giám đốc nghệ thuật người Anh, được biết đến nhiều nhất với các thiết kế bao cứng đựng đĩa thu âm. Ông theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Bách khoa Manchester từ năm 1975-1978. Bị ảnh hưởng bởi “New Typography”, ông khám phá ra sau khi đọc cuốn “Pioneers of New Typography – Những người tiên phong Kiểu chữ mới” của Herbert Spencer, Saville thành lập Factory Records và hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Joy Division và New Order với Unknown Pleasures, Transmission, Blue Monday,…
Không dừng lại ở đó, hàng loạt những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang cũng săn đón chất sáng tạo của Saville như Jil Sander, John Galliano, Yohji Yamamoto, Christian Dior, Stella McCartney và Calvin Klein. Năm 2004, Saville trở thành Giám đốc Sáng tạo của Thành phố Manchester, và 6 năm sau đó, ông thiết kế áo thi đấu cho đội tuyển bóng đá Anh.
Saville nhận được 3 giải thưởng D&AD – Nhà thiết kế Hoàng gia cho ngành Công nghiệp và Huy chương Thiết kế London vào năm 2013, mới đây nhất 2020, ông được phong tước hiệu CBE (Commander of the Order of the British Empire – Sĩ quan hoàng gia Anh) vì những cống hiến cho ngành thiết kế.
1.9. Jessica Walsh (1986 – )
Jessica Walsh là nhà thiết kế đồ họa, giám đốc nghệ thuật và họa sĩ minh họa người Mỹ, đồng thời là người sáng lập agency sáng tạo &Walsh (andwalsh.com). Cô giảng dạy về thiết kế sáng tạo tại các hội nghị và các trường đại học quốc tế. Tác phẩm của cô đã giành được nhiều giải thưởng từ hầu hết các cuộc thi thiết kế lớn như Type Director’s Club, Art Director’s Club, SPD, Print, New York Festivals, D&AD, TDC Tokyo và Graphis,…
Danh sách khách hàng của Walsh trải dài từ lĩnh lực công nghệ với Snapchat, Adobe, Apple, Beats by Dre, đến lĩnh vực thời trang với Levis, Kenzo, Barneys, học thuật với Bảo tàng Do Thái, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Bảo tàng Aldrich, Trường Nghệ thuật Trực quan, Báo The New York Times,…
1.10. Michael Bierut (1957 – )
Michael Bierut là một nhà thiết kế đồ họa, nhà phê bình thiết kế và nhà giáo dục nổi tiếng thế giới. Sau khi tốt nghiệp loại ưu tại Đại học Cincinnati về Thiết kế, Kiến trúc, Nghệ thuật năm 1980, ông đã dành 10 năm làm việc tại Vignelli Associates trước khi gia nhập Pentagram với tư cách là đối tác.
Ông nói rằng “sự đơn giản, dí dỏm và kiểu chữ đẹp” là chìa khóa cho một thiết kế mang tính biểu tượng và giải thích thêm “thiết kế đồ họa là sự kết hợp có mục đích của từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố đồ họa khác để hỗ trợ truyền đạt một thông điệp rõ ràng hoặc ẩn ý”. Mục tiêu thiết kế của ông là tạo ra những tác phẩm mà mọi người muốn nhìn & đọc, và phù hợp với mọi thứ từ logo đến tài liệu quảng cáo.
Ông đã nhận được vinh dự cao nhất trong nghề vào năm 2006 – huy chương AIGA. Năm 2008, ông nhận được Giải thưởng Tư duy Thiết kế do Cooper-Hewitt, Bảo tàng Thiết kế Quốc gia, Viện Smithsonian trao tặng. Vào năm 2015, ông nhận giải Masters Series bởi Trường Nghệ thuật Trực quan và nhận được bản hồi tưởng toàn diện đầu tiên về công việc của mình.
2. Những nhà thiết kế đồ họa có tiếng tại Việt Nam
2.1. Nguyễn Sơn Tùng (1992)
Tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo Chuyên gia Thiết kế đồ họa tại Arena Multimedia, Sơn Tùng thực hiện hành trình 5 năm du học ngành Nghệ thuật Minh Họa tại trường College of Art & Design – Nhật bản. Hiện nay, công đồng biết nhiều đến Sơn Tùng với tư cách một Nhà sáng tạo nội dung, Blogger du lịch, Nhiếp ảnh gia thực hiện những dự án đáng chú ý như: Đói bụng, Sài Gòn ơi!, Ctrl S, Taihen TV, đặc biệt là LẠC với hơn 67 nghìn lượt thích trên Facebook và 5.760 lượt theo dõi trên Instagram.
2.2. Võ Hoàng Hiếu (1984 – )
Trở thành “Sư tử trẻ” khi đạt Quán quân cuộc thi Vietnam Young Lions 2011 và đứng thứ 6/40 tại Liên hoan Quảng cáo Quốc tế Cannes Lions 2011 tại Pháp, Võ Hoàng Hiếu là nhà thiết kế đồ họa, giám đốc sáng tạo và giảng viên bộ môn Design and Visualization Fundamentals tại Arena Multimedia thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo tại agency quảng cáo BIZ – EYES (Square Group), Hoàng Hiếu tiếp cận với nhiều nhãn hàng khác nhau và đối mặt với những vấn đề mà họ gặp phải. Đối với Hiếu, người sáng tạo nói chung và nhà thiết kế nói riêng cần phải tạo thông điệp chạm cảm xúc và sự tò mò của người khác, anh chia sẻ: “Không cần sinh ra làm thiên tài bẩm sinh, chỉ cần khi năng khiếu phát hiệu, bạn nên đẩy lên bằng nhiều cách để gợi mở và phát triển thành của riêng”.
Xem thêm: Trở thành nhà thiết kế đồ họa có cần bằng cấp hay không?
Những nhà Thiết kế đồ họa nổi tiếng Thế giới và Việt Nam ở trên đã đủ để truyền cảm hứng cho bạn? Theo dõi họ để có nguồn ý tưởng dồi dào và thu thập kiến thức mới khi làm Thiết kế đồ họa nhé!