Bạn có bao giờ tò mò về ý nghĩa đằng sau các logo thương hiệu của những nhãn hàng nổi tiếng chưa? Hãy cùng tìm hiểu nhé
Ý nghĩa “ẩn giấu” đằng sau logo các thương hiệu “đại gia”
Hãng máy tính IBM với logo thương hiệu truyền thống rất thực dụng, đơn giản, dễ hiểu, logo này được Paul Rand thiết kế vào năm 1972. Nhưng vào năm 1981, có lẽ để thay đổi không khí và muốn biến cái logo trở nên “xì-tin” hơn, đích thân Paul Rand đã “cải biến” và cho ra đời logo phụ rất bắt mắt và gợi mở như trên. IBM- “I” có cách phát âm giống “eye”; cái mắt, “B” có cách phát âm giống “bee” con ong, thế là IBM đã có một logo rất vui nhộn và bay bổng sáng tạo.
Hãng SUN Microsystem (chủ quản mã nền Java rất nổi tiếng) sở hữu một logo độc nhất vô nhị, có tính đối xứng tuyệt đối, có nghiêng đầu về bất cứ hướng nào bạn cũng sẽ thấy chữ “sun” hiện ra do tất cả các chữ trong từ “Sun” đều được ghép bởi chữ cái “U”.
Trên đây là hai logo của hai tờ tạp chí khá nổi tiếng ở Mỹ, chuyên về mảng hôn nhân và gia đình là Families và Marriage. Khoan hãy bàn về nội dung “chưa phù hợp” với tuổi của teen mình mà hãy nhìn và khâm phục khả năng thiết kế logo của họ: 3 chữ “I” được biến tấu thành ông bố, bà mẹ và một đứa con (rất logic, rất đúng với tiêu chí “mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con nhé!). Còn 2 chữ “R” trong từ Marriage lại quay sang “nắm tay”, “hôn nhau chùn chụt” y hệt cô dâu và chú rể vậy.
Có giống nhân vật Pacman hem nào? Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn về ý nghĩa của logo LG, một số người khác phát hiện ra rằng có một khuôn mặt pacman ẩn giấu đằng sau logo của hãng này. Pacman vốn là một trò chơi điện tử rất phổ biến ở Nhật Bản và các nước phương Tây trong thập niên 80. Sức ảnh hưởng của trò chơi này lớn đến nỗi từng có cả một “văn hóa pacman” vào thời kỳ đó.
Forkwire là tên một trang web giao đồ ăn trực tuyến rất thông dụng ở Mỹ, “fork” có nghĩa là cái dĩa nhưng logo của hãng lại “biến ảo” cái dĩa uốn theo chữ @, một biểu tượng kinh điển của ngôn ngữ mạng. Đúng là một logo thật đỉnh, nhìn vào thôi là biết ngay chức năng và cách thức làm ăn của công ty.
Chỉ cần giơ chai Pepsi vào gương là sẽ có dòng số “bí ẩn” này! “Giải thưởng” bí ẩn và khó hiểu nhất có lẽ thuộc về logo của Pepsi. Đầu tiên bạn hãy kiếm ngay một lon hoặc chai Pepsi, soi hàng chữ Pepsi và trong gương bạn sẽ có được dòng số “bí hiểm” từ chữ Pepsi ngược: 12939. Nếu đây là ngày tháng năm theo cách viết của người Mỹ thì nó sẽ là ngày 9 tháng 12 năm 1939 (mà cũng có thể là 1839). Nhưng dãy số trên lại trở nên vô nghĩa nếu như so với dòng lịch sử ra đời của Pepsi.
Logo cũ của Pepsi như này nè! Năm 1898, trước cái khí hậu nóng nực tại bắc Carolina, một dược sĩ trẻ tên là Bradham bắt đầu thí nghiệm chế tạo một thứ nước giải khát mới toanh bắt đầu từ các loại gia vị, nước quả và sirô… Và anh ta đã thành công, một loại đồ uống có tên là Pepsi-Cola đã ra đời. Đầu tuên nó có tên là “Brad’s Drink” (đồ uống của Brad) và có thành phần từ hạt cây cô-la, vani và nước hương liệu. Năm 1902, Bradham thành lập công ty và đặt chung tên của công ty và loại nước uống của mình là Pepsi – Cola.
Một cách giải thích khá thuyết phục cho sự hiện diện của dòng số đó là: Năm 1939, Bradham muốn tạo một logo mới dễ nhớ về sản phẩm của mình. Nhưng sau bao tháng suy nghĩ, ông vẫn không chọn được 1 cái nào phù hợp. Vào một ngày mùa đông tuyết rơi ở New York, ông đang suy nghĩ về nó, bước ra ban công để tìm chút thư giãn. Ông lấy tay ghi lên ô cửa sổ ngày hiện tại, 12.9.39 (ngày 9 tháng 12 năm 39, viết theo cách Mỹ).
Sau khi bước vào phòng và nhìn ra ban công, qua ô cửa kính, ông thấy những con số 12 9 39 hình như tạo nên 1 chữ gì đó. Bước lại gần để xem thì ông thấy đó là nguyên chữ PEPSI do đọc các con số ở mặt bên kia của ô cửa sổ. Do ô cửa sổ dính đầy tuyết nên các con số đã hiện ra rất rõ và qua cửa kính đã được nhìn ra thành chữ PEPSI. Một sự trùng hợp khó tin và vô cùng bất ngờ, sau đó Bradham đã nghiên cứu và cho ra đời logo Pepsi theo hình thù bây giờ.
(Theo Kenh14.vn)
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!