Ra đời đã lâu nhưng 10 năm trở lại đây, nghề thiết kế đồ họa mới thực sự “lên ngôi”, thậm chí là một trong những nghề đắt giá nhất trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. Tuy nhiên, sau 5 năm ăn học, nhiều sinh viên ngành học này vẫn không thể bắt tay được vào công việc nếu không tự “nạp” thêm những kiến thức liên quan để phục vụ cho nghề.
Nhu cầu gia tăng nghề thiết kế đồ họa
Quảng cáo, panô, áp phích rồi các tờ bướm giới thiệu một sản phẩm mới…, tất cả những thứ quá quen thuộc đối với mọi người chúng ta đều là sản phẩm của nghề thiết kế đồ họa. Theo anh Đặng Minh Vũ, giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (ĐH MTCNHN), nền kinh tế thị trường khiến nhu cầu quảng cáo ngày càng gia tăng. Chính vì thế, thiết kế đồ họa luôn nằm trong “tốp” đầu của chuyên ngành đồ hoạ – thời trang – nội thất – tạo dáng công nghiệp.
Số sinh viên theo học ngành thiết kế đồ họa của trường luôn chiếm tới một nửa số sinh viên của cả khoá gồm 13 chuyên ngành thiết kế khác nhau. Mỗi năm, trường ĐH MTCNHN cho ra đời khoảng 50 thiết kế viên ngành đồ họa (kể cả hệ Cao đẳng và Đại học). Các trường khác như Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Kiến Trúc và Hồng Bàng (TP.HCM) cũng luôn xấp xỉ ở con số 50. Chưa kể nhiều trường như Kiến Trúc, Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Văn Lang… đều có khoa đồ họa.
Anh Vũ cho biết, chuyên ngành đồ họa đang thu hút nhiều sinh viên theo học vì đây là một nghề dễ kiếm sống. Ngay từ khi học năm thứ hai đại học (sau khi phân khoa), nhiều sinh viên đã có những khoản thu thường xuyên từ việc thiết kế các ấn phẩm như tờ rơi, logo (tên công ty hoặc thương hiệu sản phẩm), catalogue…
Nhưng cung còn ít, chất lượng chưa cao
Tuy nhiên, theo đánh giá của anh Minh Đạt, giám đốc công ty TNHH In Trường Đạt, một công ty chuyên thiết kế các ấn phẩm như tờ rơi, quảng cáo… ở Hà Nội, số sinh viên ngành đồ họa hàng năm tốt nghiệp không nhiều, và số làm được việc lại càng ít.
Nhiều lần tuyển chọn, anh đã phải từ chối ngay cả những sinh viên mới ra trường có lý lịch rất “đẹp” như từng đỗ thủ khoa, điểm tốt nghiệp cao “chót vót”… chỉ đơn giản vì “các ứng viên còn hổng nhiều kiến thức về máy tính liên quan đến nghề như photoshop, QuarkXPress, Ilustrator hay phần mềm minh họa poster, phần mềm vẽ Corel Draw…”.
Các bạn trẻ hào hứng tham gia hội thảo về ngành thiết kế đồ họa tại trường Arena Multimedia
Theo anh Vũ, sinh viên của ĐH MTCNHN khi đi làm thường được đề cao hơn các trường khác vì họ được dạy rất kỹ về chuyên môn. Tuy nhiên, số sinh viên theo học chuyên ngành này hiện quá đông. Trước đây, mỗi giảng viên chỉ phụ trách 6-10 sinh viên thì nay con số đó đã lên tới 15, thậm chí 20. Thêm vào đó, nhiều giảng viên có chuyên môn giỏi nhưng tuổi đã cao, không biết sử dụng máy tính và những tính năng liên quan để truyền dạy cho sinh viên…
Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Chính vì thế, muốn làm được việc, sinh viên phải tự “nạp” thêm nhiều kiến thức về máy tính ở các trung tâm dạy nghề.
Trung Kiên, nhân viên thiết kế của một nhà sách lớn ở Hà Nội đã thú nhận, tuy đã đi làm từ giữa năm thứ hai đại học nhưng khi tiếp cận với công việc ở đây (chỉ là thiết kế bìa sách và trình bày một cuốn sách hoàn chỉnh), anh phải học thêm nhiều kỹ năng về máy tính. “Đây là những yêu cầu tất yếu của nghề thiết kế đồ họa mà lẽ ra chúng tôi phải được học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, Kiên nói.
Bên cạnh đó, có nhiều sinh viên năng động đã mở các công ty quảng cáo, thiết kế ngay sau khi ra trường. Nhưng công ty muốn “sống được” thì việc đầu tiên là các sáng lập viên phải tự… “học” thêm nhiều kiến thức, trong đó không thể thiếu các kỹ năng về các phần mềm thiết kế trên máy tính.
Theo anh Xuân Hoà, Giám đốc mỹ thuật Tạp chí Thời Trang Trẻ, một sinh viên theo học mỹ thuật công nghiệp khi ra trường không thể trở thành ứng cử viên sáng giá cho một chân giám đốc mỹ thuật của một tờ báo hay một công ty thiết kế nếu không trang bị thêm những kiến thức mà thị trường buộc phải có. Những kiến thức mà sinh viên học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường rất chung chung, trong khi yêu cầu của nhà tuyển dụng luôn chuyên biệt.
Không những thế, ông Vũ Hiền, Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng cho rằng, nghề thiết kế đồ họa có tính liên thông với các ngành khác. Người làm nghề này phải nắm được cả kiến thức về marketing, quản lý thiết kế, tổ chức sự kiện…
Với những kiến thức thu được trên ghế nhà trường hiện nay, hầu hết sinh viên mới chỉ có thể thực hiện một số công việc chuyên môn, chứ chưa chủ động gợi mở được các ý tưởng cho khách hàng- một trong những điều kiện rất cần thiết của nghề thiết kế. Chính vì vậy mà trình độ sinh viên tốt nghiệp luôn có khoảng cách với thực tế mà các công việc đòi hỏi.
(Sưu tầm)
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!