Maximalism và Minimalism là những xu hướng thiết kế đang được ưa chuộng trong những năm gần đây. Thế nhưng, việc theo đuổi phong cách nào trong 2 phong cách trên vẫn luôn khiến các designer “đau đầu”.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các phong cách nghệ thuật và thiết kế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình thế giới của chúng ta. Trong những năm gần đây, chủ nghĩa tối giản (Minimalism) và chủ nghĩa tối đa (Maximalism)- vốn là 2 trào lưu thẩm mỹ đối lập – đang dần trở nên phổ biến.
Nếu làm việc trong ngành thiết kế, các cuộc tranh luận xoay quanh 2 xu hướng thiết kế này đã không còn quá xa lạ với mọi người. Đứng từ góc độ của các doanh nghiệp, việc quyết định lựa chọn Maximalism hay Minimalism cho bao bì sản phẩm cũng là một bài toán khó.
Trong bài viết này, hãy cùng Arena Multimedia đi sâu tìm hiểu về 2 phong cách Maximalism và Minimalism, từ đó giúp bạn tìm được phong cách phù hợp nhất với thiết kế của mình nhé!
Chủ nghĩa Minimalism là gì?
Minimalism nổi lên vào những năm 1960, bắt nguồn từ chủ nghĩa Hiện đại. Đặc trưng của phong cách này là sự giản lược hết mức các chi tiết nhằm nhấn mạnh sự đơn giản và tinh tế. Các thiết kế theo xu hướng Minimalism thường có màu sắc trung tính hoặc pastel, đường nét rõ ràng, hoạt tiết đơn giản, thậm chí là không có họa tiết.
Nguồn: 99designs
Các designer đôi khi cũng tận dụng khoảng trống của các thiết kế theo phong cách Minimalism để làm nổi bật các tính năng quan trọng hay truyền đạt thông điệp một cách dễ hiểu hơn. Lý do bởi các khoảng trống này giúp tạo cảm giác cân bằng và hài hòa cho tổng thể của thiết kế.
Chủ nghĩa Maximalism là gì?
Trái ngược với Minimalism là Maximalism. Xu hướng này chịu ảnh hưởng từ phong trào hậu hiện đại (Post Modernist Movement) vào nửa sau thế kỷ 20. Maximalism là lối thiết kế ưu tiên các màu sắc táo bạo, hoa văn sắc nét và họa tiết bắt mắt nhằm thu hút sự chú ý. Không giống như chủ nghĩa Minimalism, tập trung vào sự đơn giản và tinh tế, chủ nghĩa Maximalism hướng đến sự “dư thừa” và xa hoa.
Nguồn: 99designs
Chủ nghĩa Maximalism và Minimalism trong thiết kế bao bì
Trong thiết kế, mọi người thường cố gắng tách bạch Maximalism và Minimalism. Thế nhưng, 2 phong cách này có thật sự loại trừ lẫn nhau hay không? Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm là thành quả của việc kết hợp cả Maximalism và Minimalism. Điều này đặc biệt phổ biến với thiết kế bao bì bởi các nhãn hàng luôn phải cân bằng việc truyền tải bản sắc, thông điệp của mình với việc tạo ra một sản phẩm hấp dẫn về mặt hình ảnh.
Phong cách Minimalism là sự lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu hướng đến hình ảnh hiện đại, bóng bẩy hay các dòng sản phẩm cao cấp và sang trọng. Lấy Apple làm ví dụ, mọi người có thể thấy các sản phẩm đến từ nhãn hàng này thường có lớp sơn mờ đặc trưng tạo cảm giác mượt mà khi chạm vào, tên thương hiệu được in nổi ở giữa. Với phong cách thiết kế tối giản, Apple đã thành công xây dựng hình ảnh hiện đại và trẻ trung, thu hút những người tiêu dùng coi trọng sự đơn giản và sang trọng.
Mặt khác, chủ nghĩa Maximalism có thể là một lựa chọn phù hợp với những thương hiệu muốn nổi bật và thể hiện năng lượng cũng như sự tươi trẻ. Với các màu sắc sặc sỡ, hoa văn và họa tiết sắc nét, các thiết kế Maximalism luôn mang đến cảm giác sống động, tươi vui và đặc biệt hấp dẫn các khách hàng trẻ tuổi.
Nguồn: 99designs
Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng ta sẽ phân tích các ví dụ về thiết kế bao bì thành công của 2 phong cách này nhé!
Bao bì của hãng thực phẩm dinh dưỡng Heyhale
Thiết kế bao bì của thương hiệu Heyhale thiên về Minimalism và tập trung vào những yếu tố quan trọng như logo, tên công ty và tên sản phẩm. Việc sử dụng màu đen và trắng với tông màu trầm và phông chữ đơn giản đã mang lại cảm giác hiện đại, phong cách cho nhãn hàng.
Nguồn: 99designs
Thiết kế này là một ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh của phong cách Minimalism bởi nó phù hợp với các thành phần tự nhiên và thân thiện với người ăn chay của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sử dụng tông màu đất và bao bì không làm từ nhựa đã giúp nâng cao hình ảnh thân thiện với môi trường của sản phẩm.
Bao bì của hãng Salad Xook
Ngay khi nhìn vào bao bì của sản phẩm này, không khó để mọi người có thể nhận ra đây chính là phong cách Minimalism. Ở mặt trên và mặt trước của vỏ hộp là logo công ty và tên của sản phẩm. Các khoảng trống được tận dụng triệt để cùng việc sử dụng một tông màu duy nhất và font chữ hiện đại, rõ ràng cũng góp phần tạo nên một tổng thể gọn gàng. Ngoài ra, tay cầm được thiết kế tích hợp với phần cắt trên nắp hộp đã làm nổi bật cá tính của thương hiệu mà vẫn duy trì được tính thẩm mỹ, tối giản của sản phẩm.
Nguồn: 99designs
Thương hiệu Xook cung cấp các món salad tươi ngon. Thiết kế bao bì với phong cách Minimalism phản ánh cam kết của thương hiệu về dịch vụ – đơn giản và thân thiện với khách hàng. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường cũng giúp tạo dựng giá trị bền vững của thương hiệu.
Bao bì của hãng Hoa quả sấy Ting
Thiết kế bao bì thương hiệu Ting là tiêu biểu cho phong cách Maximalism với việc sử dụng kiểu chữ đậm, màu sắc tươi sáng và kết hợp nhiều tầng layer. Bố cục bất đối xứng tạo cảm giác năng động và nổi bật về mặt thị giác, đồng thời việc sử dụng hình ảnh thật cũng mang lại cảm giác chân thực và tính liên kết cho thiết kế.
Nguồn: 99designs
Sự kết hợp giữa hình ảnh và màu sắc 2D với các chi tiết mang hơi hướng phong cách cắt dán của thập niên 90 đã làm tăng thêm tính tối đa cho thiết kế này. Packaging này được yêu thích bởi bố cục vui tươi và màu sắc sặc sỡ, tạo ra “sự hỗn loạn có trật tự” cho thiết kế, khiến nó trở nên ấn tượng hơn.
Bao bì của hãng Cà phê Pine State
Hoa văn phức tạp, màu sắc tương phản tươi sáng cùng loạt thông tin chi tiết, bao bì này của Pine State Coffee là một thiết kế thuộc phong cách Maximalism. Ngay cả những hình minh họa phức tạp cũng là ví dụ điển hình của chủ nghĩa tối đa. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết kế tối giản ở hai bên của gói cà phê giúp cân bằng lại thiết kế phức tạp của mặt trước và mặt sau, khiến thiết kế tổng thể có cảm giác hài hòa và được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nguồn: 99designs
Thiết kế bao bì này phản ánh một cách hoàn hảo thương hiệu nói chung cũng như bản thân sản phẩm nói riêng — tươi sáng, vui nhộn, sống động và thân thiện. Nó kết hợp màu sắc của hoàng hôn, hình minh họa theo chủ đề thiên nhiên và các thành phần tự nhiên của sản phẩm.
Lựa chọn phong cách phù hợp cho thiết kế bao bì của bạn
Chủ nghĩa tối giản hay chủ nghĩa tối đa – đâu mới là thiết kế phù hợp với bạn? Quan trọng hơn, phong cách nào phù hợp với thương hiệu, sản phẩm hoặc doanh nghiệp của bạn?
Hãy nhớ rằng không có ranh giới phân chia rõ ràng giữa hai phong cách thiết kế này. Nếu bạn thích sử dụng màu sắc rực rỡ tươi sáng cùng với phông chữ viết tay đơn giản, hãy cứ thoải mái làm điều đó bởi các quy tắc thiết kế đặt ra luôn là để “phá vỡ” mà. Việc tìm ra điều gì phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.
Cách tốt nhất để tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Mình nên lựa chọn Maximalism hay Minimalism?” đó chính là bước ra khỏi vùng an toàn, tìm hiểu phong cách và khách hàng của bạn. Sau đó thử nghiệm các phong cách thiết kế cho đến khi bạn tìm thấy một phong cách đại diện hoàn hảo cho thương hiệu của mình!
Nguồn: 99designs
Kem Kem
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |