Màu sắc là ngôn ngữ vô cùng mạnh mẽ trong thế giới thiết kế và truyền thông. Bài viết này sẽ khám phá sâu hơn về tâm lý học màu sắc và cách mà các gam màu ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của khán giả.
Màu sắc không chỉ là một phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày mà còn là ngôn ngữ đặc biệt có thể tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc và hành vi của con người. Bản năng của chúng ta thường cho chúng ta biết rằng màu sắc và cảm xúc có mối liên hệ mật thiết. Ví như, nhiều người lựa chọn màu sơn xanh nhạt để tạo cảm giác bình yên cho căn phòng của mình.
Maria Costantino, giảng viên tại Đại học Thời trang London, đã chia sẻ với Harper’s Bazaar rằng: “Màu sắc có mối liên hệ gần gũi với cảm xúc, chúng tô điểm cho ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta nói rằng chúng ta đang “feeling blue” (cảm thấy buồn bã), “seeing red” (nổi diên), “green with envy” (cảm thấy ghen tị) hay “in the pink” (cảm thấy hạnh phúc)”.
Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta với các màu sắc không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy và thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý, điều kiện sinh học và văn hóa. Đối với các nhà thiết kế và chủ sở hữu thương hiệu, việc hiểu biết về lý thuyết màu sắc, biểu tượng và tâm lý học màu sắc là điều vô cùng quan trọng để giao tiếp hiệu quả với khán giả. Lựa chọn sai màu sắc có thể khiến thông điệp gửi đi sai lệch hoặc không hiệu quả – ví dụ, việc sử dụng màu trắng để truyền tải sự tươi mới trong một nền văn hóa mà màu trắng thường được coi là biểu tượng cho cái chết.
Nói chung, màu sắc chính là yếu tố không thể thiếu trong việc tạo ra ấn tượng và giao tiếp hiệu quả với khán giả. Để hiểu rõ hơn về cách mỗi màu sắc có thể tác động đến cảm xúc của chúng ta và làm thế nào để sử dụng chúng một cách đúng đắn, hãy cùng khám phá từng nhóm màu và những cảm xúc mà chúng có thể gợi lên trong bài viết này!
Các nhóm màu sắc và cảm xúc cơ bản
Nếu bạn cảm thấy việc ghi nhớ ý nghĩa của từng màu sắc là quá khó, hãy nhanh tay ghi lại bốn nhóm màu cơ bản với những cảm xúc chúng có thể gợi lên trong thiết kế trong nội dung tiếp theo đây.
1. Màu sắc hạnh phúc: vàng, cam, hồng, đỏ, hồng đào, hồng nhạt và hoa cà
Màu sắc hạnh phúc thường được cho là những sắc thái tươi sáng, ấm áp như vàng, cam, hồng và đỏ hoặc màu phấn như hồng đào, hồng nhạt và hoa cà. Màu sắc càng sáng và nhạt thì bạn càng cảm thấy hạnh phúc và lạc quan.
Thêm vào đó, việc kết hợp các gam màu tươi sáng cùng nhau có thể tạo ra cảm giác vui vẻ và hứng khởi, đồng thời khuyến khích tinh thần sáng tạo và tích cực.
Nguồn ảnh: 99designs
2. Màu sắc buồn – xám, nâu, be và xanh đậm
Màu sắc biểu hiện nỗi buồn thường có tông màu tối, mờ hoặc trung tính như xám, nâu, be cùng một số sắc thái của xanh biển và xanh lá. Trong văn hóa phương Tây, màu đen thường được xem là màu sắc của sự tang thương, trong khi ở một số quốc gia Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, màu sắc thể hiện điều đó lại là màu trắng.
Nguồn ảnh: 99designs
3. Màu sắc êm dịu – xanh lam, xanh lá cây, xanh dương nhạt, màu hoa cà, bạc hà, trắng và xám
Nếu bạn muốn thiết kế của mình mang lại cảm giác thư giãn, hãy chọn những gam màu mát mẻ như xanh dương và xanh lá cây, những tông màu dịu như xanh da trời, hoa cà và bạc hà cùng những tông màu trung tính như trắng và xám. Các thiết kế đơn giản và sử dụng ít màu sắc hơn thường mang lại cảm giác êm dịu hơn.
Nguồn ảnh: 99designs
4. Màu sắc tràn đầy năng lượng – đỏ tươi, vàng, xanh neon, xanh ngọc, đỏ tươi và xanh ngọc lục bảo
Bạn đang tìm kiếm màu sắc cho sự hứng khởi và sôi động? Đỏ tươi, vàng, xanh neon, xanh ngọc, đỏ tươi và xanh ngọc lục bảo chắc chắn sẽ là các “ứng cử viên sáng giá”.
Việc sử dụng các gam màu mạnh mẽ, tươi sáng, có độ bão hòa cao và màu neon có thể làm tăng thêm sự sinh động, hoạt bát cho các thiết kế của bạn. Những màu sắc này táo bạo và nổi bật hẳn lên so với môi trường xung quanh, điều này lí giải tại sao chúng có thể khiến ta cảm thấy nhiều năng lượng như vậy.
Nguồn ảnh: 99designs
Vậy, từng màu sắc khác nhau khiến chúng ta cảm thấy thế nào?
Bốn nhóm màu cơ bản phía trên thật khó để có thể bao quát được hết ý nghĩa của tất cả các màu. Hãy tiếp tục cùng Arena Multimedia đi sâu hơn vào từng màu sắc và cảm xúc mà nó mang lại trong phần tiếp theo đây.
1. Màu đỏ – đam mê, tràn đầy năng lượng, giận dữ, nguy hiểm và may mắn
Màu đỏ mang lại cho bạn cảm giác đam mê và đầy năng lượng. Nó thường gắn liền với niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt, cùng lúc, nó cũng có thể thể hiện sự tức giận và nguy hiểm. Ở Việt Nam và một số nền văn hóa Châu Á khác, màu đỏ gắn liền với niềm vui và may mắn, đó cũng là lý do tại sao nó được coi là màu sắc chủ đạo của Tết Nguyên đán.
Nguồn ảnh: 99designs
2. Màu cam – tràn đầy năng lượng, nhiệt tình, sống động và hạnh phúc
Màu cam là sự kết hợp giữa sức hấp dẫn và năng lượng, tương tự như màu đỏ, nhưng không quá mạnh mẽ như vậy. Nó thu hút và tạo cảm giác vui vẻ, đồng thời là lựa chọn phổ biến cho các thương hiệu khi muốn khuyến khích khán giả hành động – ví như “hãy mua sản phẩm này!” hoặc “hãy đăng ký nhận bản tin này!” – một cách thân thiện và vui tươi.
Nguồn ảnh: 99designs
3. Màu vàng – hạnh phúc, ngẫu hứng, vui vẻ, lạc quan
Màu vàng gợi nhớ đến ánh nắng mặt trời và nụ cười tươi tắn. Nó thường được áp dụng để tạo cảm giác tích cực cho mọi người. Nó rực rỡ và tươi sáng. Tuy nhiên, các Designer cần phải cân nhắc kỹ trước khi sử dụng quá nhiều màu vàng trong thiết kế vì nó có khả năng phản chiếu ánh sáng mạnh mẽ và có thể gây khó chịu cho mắt.
Nguồn ảnh: 99designs
4. Xanh lá cây – tươi mát, cân bằng, êm đềm
Màu xanh lá cây có thể mang lại cảm giác lạc quan, sảng khoái hoặc thư thái, có thể bởi vì nó liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Màu xanh lá cây dễ chịu và thường được sử dụng để tạo ra sự cân bằng trong thiết kế. Đây cũng là một màu sắc tuyệt vời cho các thương hiệu muốn thể hiện sự phát triển, sự an toàn hoặc khả năng truyền cảm hứng.
Nguồn ảnh: 99designs
5. Màu xanh lam – an toàn, thoải mái, tinh thần, bình tĩnh và lạnh lẽo
Màu xanh lam là “vua của màu sắc”. Nó gợi lên cảm giác bình tĩnh và đáng tin cậy. Đó cũng là lý do tại sao xanh lam được các tập đoàn lớn như Twitter, Facebook, LinkedIn và nhiều nơi khác ưa chuộng. Màu xanh lam xuất hiện trong hơn một nửa số thiết kế logo.
Màu xanh đậm được các tập đoàn ưa chuộng vì nó tạo cảm giác an toàn và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều màu xanh có thể tạo ra cảm giác lạnh lẽo và thiếu gắn kết. Trong khi đó, màu xanh nhạt được coi là thư giãn và thân thiện hơn.
Nguồn ảnh: 99designs
6. Màu tím – sáng tạo, bí ẩn, hoàng gia và sang trọng
Màu tím thường được gắn liền với sự bí ẩn, sáng tạo, hoàng gia và sự giàu có. Các sắc thái nhẹ hơn của màu tím thường được sử dụng để xoa dịu hoặc bình tĩnh, vì vậy đây là màu được các thương hiệu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp yêu thích.
Nguồn ảnh: 99designs
7. Màu hồng – vui tươi, lãng mạn, dịu dàng, dễ thương và vui vẻ
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy rằng, màu hồng mang lại cảm giác lãng mạn, ngọt ngào và dịu dàng. Tuy nhiên, màu hồng cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Nó có thể mang vẻ hiện đại trong sắc hồng nhạt nhưng cũng có thể táo bạo, sặc sỡ hay thậm chí nổi loạn như “hot pink” với sắc hồng đậm nóng bỏng.
Nguồn ảnh: 99designs
8. Màu nâu – ấm áp, vững chắc, thiết thực và thoải mái
Màu nâu mang lại cảm giác ổn định, thoải mái và ấm cũng, nó giống như một ly cà phê buổi sáng. Nó ấm áp và thân thiện, thiết thực và đáng tin cậy, đồng thời cũng có thể đại diện cho nét cổ điển, truyền thống hoặc lâu đời.
Nguồn ảnh: 99designs
9. Màu đen – tinh tế, cổ điển và nghiêm túc
Màu đen gợi lên sức mạnh, sự sang trọng và thanh lịch nhưng cũng có thể đại diện cho tính chuyên nghiệp, trung tính và đơn giản, giống như chiếc áo cổ lọ màu đen mà ta thường thấy của Steve Jobs. Nó có thể tạo ra cảm giác táo bạo, mạnh mẽ và bí ẩn, giống như “ma thuật đen” trong bộ trang phục toàn đen của Darth Vader hoặc áo choàng đen của ninja Nhật Bản. Trong một số ngữ cảnh và văn hóa cụ thể, màu đen cũng có thể ám chỉ sự tang tóc hoặc nỗi buồn.
Nguồn ảnh: 99designs
10. Trắng – đơn giản, yên bình, thanh lịch và lạnh lùng
Sử dụng nhiều màu trắng trong thiết kế có thể mang lại vẻ đẹp tối giản, tươi mới và thoải mái. Trong nhiều nền văn hóa, màu trắng đại diện cho sự trong sáng hoặc yên bình, ví như sắc trắng trên đồng phục của trẻ em và ý nghĩa của chim bồ câu trắng. Tuy nhiên, quá nhiều màu trắng có thể tạo ra cảm giác lạnh lẽo, thiếu cá tính và quá mức sạch sẽ. Ngoài ra, trong văn hóa phương Đông, màu trắng còn thường xuất hiện trong tang lễ.
Nguồn ảnh: 99designs
11. Gray – nghiêm túc, chuyên nghiệp và đáng tin cậy
Màu xám thường được xem là màu sắc của sự trưởng thành và trách nhiệm, vì vậy, khi bạn mặc trang phục màu xám đi làm, bạn có thể cảm thấy cực kỳ “ra dáng” và đáng tin cậy, điều này đặc biệt rõ ràng khi so sánh với việc chọn màu cam sáng. Màu xám đôi khi được coi là một sự thay thế nhẹ nhàng hơn, ít trang trọng hơn so với màu đen. Tuy nhiên, nó cũng có thể được xem là thiếu quyết đoán, không có gì nổi bật và nhàm chán.
Nguồn ảnh: 99designs
Màu sắc và cảm xúc gắn bó chặt chẽ với nhau
Dù bạn đang thiết kế logo, xây dựng thương hiệu hay đang chọn trang phục để tự tin xuất hiện trong các buổi gặp gỡ, hãy nhớ rằng màu sắc có thể thay đổi cảm giác của bạn và cách người khác nhìn nhận về bạn. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực đầy tính chủ quan: một logo sáng màu vàng neon có thể khiến một người vui vẻ, nhưng lại có thể khiến người khác cảm thấy chói mắt và phiền lòng. Do đó, khi làm việc với màu sắc, hãy lưu ý và cân nhắc để tạo ra ấn tượng phù hợp và chuyên nghiệp nhất.
Nguồn: 99designs
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |