Ngày càng nhiều phim quảng cáo ấn tượng và hấp dẫn được phát sóng trên truyền hình khiến người xem thích thú vì được giải trí. Nhưng ít ai biết rằng để làm được 15 giây, 30 giây cho một bộ phim quảng cáo ấy thì ê kip làm phim chuyên nghiệp không kém gì một bộ phim truyền hình. Ðây đang là nghề rất hấp dẫn với các bạn trẻ năng động và nhiều ý tưởng. Tuy nhiên để làm được công việc này chỉ đam mê thôi thì không đủ.
Làm phim quảng cáo “Điên” nhưng phải chất
Hồ Minh Ngọc, sinh năm 1987 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, Ngọc vào Sài Gòn đầu quân cho một công ty quảng cáo với thu nhập khá cao và đáng để nhiều bạn trẻ mơ ước. Ở đây, công việc của Ngọc là nghĩ ý tưởng cho TVC (Theo cách hiểu hiện nay của nhiều người, TVC là các mẫu quảng cáo bằng video clip ngắn với sự kết hợp của hình ảnh, chuyển động và âm thanh, được trình chiếu trên màn hình tại bất kỳ nơi đâu, không chỉ riêng trên truyền hình nữa.
TVC đã trở thành vũ khí khôngthể thiếu của rất nhiều nhãn hàng để tấn công vào tâm trí người tiêu dùng); làm concept (ý tưởng chủ đạo); làm kịch bản phân cảnh; đi gặp khách hàng để giới thiệu. Thông thường, phải chuẩn bị từ 3- 5 concept để khách hàng lựa chọn. Họ mua cái nào thì Ngọc sẽ chuyển kịch bản phân cảnh hoàn chỉnh đã có chỉnh sửa theo ý khách hàng cho các nhà sản xuất.
Từ ý tưởng ban đầu, người ta sẽ viết thành một kịch bản quay chi tiết gồm góc quay, ánh sáng, phong cách, màu sắc theo nhãn hàng và sản phẩm. Ngoài ra, Ngọc còn tham gia làm diễn viên trong một số phim quảng cáo của một số hãng nước giải khát nữa.
Ðể làm được như vậy, Ngọc phải tìm hiểu rất kỹ về sản phẩm. Khách hàng sẽ gửi sản phẩm mẫu cho Ngọc dùng thử và cảm nhận để từ đó nghĩ ra concept phù hợp. Concept hay “ý tưởng chủ đạo” chính là linh hồn cho một bộ phim quảng cáo. Ðể sáng tạo concept, Ngọc cần hiểu sản phẩm, thông điệp cần truyền thông, và phải tìm hiểu cả thị trường nữa. Ðây là công việc đòi hỏi không ngừng phải sáng tạo, nếu không có tư duy mới mẻ, không nhảy vào thị trường, không bắt nhịp xu thế mới thì không thể nào làm được.
Ngọc chia sẻ, “làm quảng cáo cực lắm. Không có thời gian cố định, làm đến khi nào hết việc mới gọi là xong. Ði quay thì từ sáng sớm tới khuya không nghỉ. Công việc cũng rất nhiều áp lực và căng thẳng vì nó luôn đòi hỏi bạn trong đầu phải đầy ý tưởng mới mẻ, nếu không sẽ bị khách hàng cắt hợp đồng và khả năng bị sa thải cũng rất cao”. Ngọc cho biết, làm công việc này bạn sẽ có một nguồn thu nhập tốt nhưng khâu tuyển chọn vào cũng rất khắc nghiệt và gắt gao.
Ngọc vẫn nhớ ngày đầu nộp CV xin việc vào công ty mà hiện tại bạn đang làm: “Có rất nhiều bạn trẻ thích và xin việc vào công ty như em. Họ đòi hỏi rất cao, chẳng hạn CV phải ấn tượng, sáng tạo, độc đáo, phô bày được khả năng cũng như ý tưởng của mình hoặc cái “điên” riêng, càng điên, càng không giống ai càng tốt, nhưng quan trọng điên nhưng phải tốt, phải đẹp và chất”.
Ðạo diễn Ðào Thanh Hưng, hiện đang là giảng viên tại Trường Ðào tạo mỹ thuật Ða phương tiện Arena Multimedia. Tại đây, anh Hưng dạy các học viên về lên Concept cho phim quảng cáo. Là một người am hiểu về lĩnh vực này, anh cho biết: “Thị trường phim quảng cáo hiện tại chia ra làm nhiều phân khúc, tuy nhiên, đa phần các TVC cho các thương hiệu lớn hiện nay đều do các công ty quảng cáo lớn thâu tóm”.
Làm quảng cáo là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo không giới hạn, khả năng tư duy và một sự đam mê lớn nhưng cũng vì công việc này đòi hỏi cao như thế nên áp lực và thách thức của nó cũng không nhỏ. Cũng vì vậy, nó là một công việc rất “hot” hiện nay với thu nhập cao và cơ hội được làm việc trong một môi trường trẻ trung, năng động và hiện đại. Ðể làm được và tồn tại được trong môi trường công việc như Hồ Minh Ngọc đang làm không đơn giản chút nào.
“Khó khăn” nhưng đáng để thử sức
Là một nghề hấp dẫn nhưng thực tế cơ hội được tuyển chọn vào các công ty quảng cáo, đặc biệt là các công ty lớn cũng khá khắt khe. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề của chúng ta là chưa có một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào cho lĩnh vực này dẫn đến nhân lực và trình độ nhân lực còn hạn chế.
Ông Vũ Anh Ðức, Giám đốc đào tạo Trường Ðào tạo mỹ thuật Ða phương tiện Arena cho biết: “Ở Việt Nam chưa có trường lớp nào chỉ chuyên đào tạo nghiệp vụ về ngành làm phim quảng cáo. Không có đào tạo diễn viên quảng cáo chuyên nghiệp, đạo diễn quảng cáo chuyên nghiệp, quay phim chuyên nghiệp… mà chỉ các ê kip làm phim truyện, phim truyền hình chuyển sang làm phim quảng cáo.
Ngay tại Arena Multimedia, chương trình đào tạo của trường mua của Ấn Ðộ cũng chỉ có kỳ 3 học viên được học môn kỹ xảo điện ảnh. Kết thúc kỳ này, các học viên có thể chọn theo học làm phim ngắn, phim truyền hình hoặc làm phim quảng cáo.
Cuối kỳ, các bạn có thể chọn đề án làm TVC và được các thầy hướng dẫn kỹ hơn ở khâu này”. Ông Ðức cũng chia sẻ, các học viên chỉ có vài tháng để học về làm phim, máy quay, viết kịch bản, học làm các kỹ xảo đơn giản… còn để chuyên sâu thì cần nhiều thời gian và bản thân các học viên cũng phải nỗ lực, đam mê nghiên cứu thêm.
Trần Quốc Bách, sinh năm 1993, một học viên của Arena Multimedia bày tỏ: “ban đầu em không có khái niệm gì về phim quảng cáo, chỉ là xem ti vi và thấy thích thế thôi. Sau càng học thì càng thấy thích. Cái hấp dẫn nhất là nó luôn đòi hỏi sự sáng tạo, chắt lọc”. Chính vì thích thú như vậy cho nên Bách thậm chí còn tự bỏ tiền ra để thuê máy quay, rủ các bạn sinh viên khác cộng tác và vừa học vừa tự làm những phim ngắn chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân.
Càng tự mày mò, càng tự học, tự làm càng thấy tay nghề lên cao và khả năng sáng tạo của mình hoàn toàn không có giới hạn. Chính vì chịu khó và năng động như vậy nên dù vẫn chưa tốt nghiệp, Bách đã nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ một số công ty quảng cáo.
Khó nhưng không phải không có cơ hội. Trong những năm gần đây, Quảng cáo Việt Nam đang có những nhịp phát triển mạnh mẽ. Ðây là lĩnh vực đòi hỏi tính ứng dụng cao ngành thiết kế đồ họa và Mỹ thuật đa phương tiện, một mảnh đất màu mỡ cho những nhà thiết kế trẻ yêu thích thử sức mình trong lĩnh vực lao động sáng tạo, năng động và cạnh tranh dữ dội.
Tuy nhiên đúng như Ðạo diễn Ðào Thanh Hưng có chia sẻ: “Nghề quảng cáo là một nghề rất hay, rất hấp dẫn nhưng không có chỗ cho những cá nhân “làng nhàng” mà phải giỏi, giỏi thật sự”. Ðể không “làng nhàng” thật chẳng dễ chút nào nhưng rõ ràng, với một thế hệ trẻ Việt Nam càng ngày càng năng động, dám nghĩ dám làm như hiện nay chúng ta đang có thì công việc này lại càng thích hợp để họ thử sức.
Theo vtc.vn
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!