Dù còn tương đối mới tại Việt Nam, nhưng kỹ xảo điện ảnh – nghề được mệnh danh tạo nên những “phù thủy” của điện ảnh hiện đại đã thu hút không ít bạn trẻ tìm hiểu và quyết định dấn thân theo con đường này.
Từ sức hút của X-Men, người nhện…
“Cày đêm” đã trở thành thói quen của Trần Duy Nam (19 tuổi) – học viên đang theo học học kỳ 3 tại trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia. Vào học kỳ này, Nam bắt đầu nhập môn phim ảnh kỹ thuật số, được thử sức với kỹ thuật xử lý âm thanh, xử lý kỹ xảo hình ảnh trong điện ảnh.
“Nhiều kiến thức mới và các bài tập cũng đòi hỏi phải chỉnh sửa rất tỉ mỉ nên tốn nhiều thời gian của em hơn, từ cách dựng phim, chỉnh sửa hậu kỳ, đến xử lý âm thanh sao cho khớp với hình ảnh… Phải nói môn học làm em say mê ngay từ đầu. Nếu đã ngồi xuống làm, chỉ khi hoàn thiện tác phẩm mới thoải mái đứng lên”, Nam tâm sự.
Bài tập Nam nhắc đến ở trên chính là những kỹ năng sơ đẳng nhất trong việc xử lý kỹ xảo điện ảnh, qua đó khi thành nghề có thể tạo ra những hình ảnh khói lửa, bom nổ… gần thật nhất cho cảnh quay trong phim.
Nam cho hay, từ nhỏ khi xem các bộ phim nước ngoài, em đã luôn thắc mắc, bằng cách nào người ta có thể quay những cảnh nhào lộn của người nhện, bay trên không trung với tốc độ cực cao của siêu nhân…? “Đó cũng là động lực thôi thúc em theo học Mỹ thuật Đa phương tiện, mà đẳng cấp cao nhất chính là xử lý đồ họa 3D, kỹ xảo trong phim ảnh”, Nam nói.
Tuy việc học xuất phát từ đam mê, nhưng Nam thừa nhận, nhiều khi cảm thấy nản chí vì môn phim ảnh kỹ thuật số thực sự không “dễ chịu” với bất kỳ ai, đặc biệt đối với những ai mong muốn hướng đến sự hoàn mỹ.
Bên cạnh việc học lý thuyết trên lớp, kết hợp thực hành liên tục, Nam cùng bạn bè thường xuyên phải tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng, cũng như tham gia diễn đàn chuyên môn để học hỏi, nâng cao tay nghề.
Nói về sức hấp dẫn của nghề, Nam cho biết: “Làm kỹ xảo điện ảnh là nghề mới tại Việt Nam. Thu nhập đối với các bạn trẻ như em khi mới ra trường cũng khá hấp dẫn, trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/ tháng trở lên. Thế nhưng, cảm thấy ưng ý khi hoàn thiện kỹ thuật hậu kỳ cho một đoạn phim hay clip mới là điều làm em thấy hưng phấn nhất”.
Hiện, Tp.HCM và Hà Nội là nơi tập trung nhiều Studio mạnh về kỹ xảo điện ảnh (VFX – Dynamic Simulation), trong đó phải kể đến một số cái tên như Sparx, BlueR Production, BadClay Studio, Cyclo, Pixel Garden…
… đến giấc mơ làm phim “bom tấn” thương hiệu Việt
Cùng theo đuổi ước mơ trở thành một bậc thầy “phù thủy” trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh như Trần Duy Nam, nhưng Nguyễn Quang Huy (24 tuổi) được xem là người thuộc thế hệ tiên phong trong nghề và đã thành danh từ khá sớm. Nếu nhắc đến tên Huy, không ai còn xa lạ với những bộ phim điện ảnh “đình đám” mà cậu tham gia tạo hiệu ứng kỹ xảo như “Quyên”, “Ngày nảy ngày nay”, “Siêu trộm”, và mới nhất là “Tấm cám: Chuyện chưa kể”.
Bộc bạch về lý do chọn nghề, Huy kể: “Ba mình rất khoái xem phim, cũng đam mê mỹ thuật, và mình thì muốn tìm hiểu cách họ làm ra như thế nào nên mới bắt đầu mày mò trên mạng. Năm cấp 3 gặp được vài đứa bạn cùng lớp có chung sở thích tin học với đồ họa, lúc đó mình chưa xác định cái ngành muốn theo tên gọi nó là gì, cho tới lúc vô tình tìm thấy trường Arena. Nói chung mọi thứ đến cũng khá ngẫu nhiên, chắc do may mắn. Mình cũng từng đậu công nghệ thông tin của một trường đại học, nhưng quyết định không theo nó mà dốc toàn lực học tại Arena”.
Đến nay, sau một thời gian tiếp xúc nhiều với phim ảnh, quảng cáo và MV, Huy đánh giá, nhìn chung thời nay xu hướng của khán giả không còn dễ dãi như trước. Mọi người không còn dễ chấp nhận một sản phẩm “trông được” mà nó phải “trông đẹp”, ý tưởng hay, sạch sẽ và được trau chuốt nhiều hơn. Nên việc luôn phải trau dồi về mỹ thuật và khả năng ứng dụng kĩ thuật là rất cần thiết.
Về chuyên ngành VFX, nó là một mảng của đồ họa máy tính, nhưng có 1 đặc thù là chuyên mô phòng thực tế (nước, cháy nổ, khói lửa, đổ vỡ, quần áo, lông tóc…) và áp dụng các mô phỏng đó cho phim ảnh.
Theo kiến thức của Huy từ khi còn học tại Arena, việc điều chỉnh các thông số sẽ quyết định đến độ thật và độ đẹp của mỗi hiệu ứng. Ví dụ như làm hiệu ứng cho một vụ cháy nhà phải tùy thuộc vào ngôi nhà nhỏ hay to, xây bằng xi măng hay gỗ. Với kích thước khác nhau, chất liệu khác nhau sẽ cháy khác nhau, màu sắc của lửa cũng khác nhau. Vì thế sẽ có những thông số khác nhau để làm cho hiệu ứng đám cháy giống thật nhất mà khán giả không thể nào phát hiện được thật hay giả.
Khi được hỏi so sánh giữa trình độ kỹ xảo điện ảnh của Việt Nam với các nước có nền điện ảnh tiên tiến như Hàn, Thái Lan, Nhật, hay xa xôi là Mỹ, Huy cười cho biết: “Rõ ràng họ khác mình nhiều lắm. Như Thái với Hàn bỏ mình 20-30 năm, còn Hollywood thì xa mình chắc hơn trăm năm quá! Họ hơn mình về bề dày kinh nghiệm, cách quản lý, các chính sách đầu tư, mức độ chuyên môn, ứng dụng kĩ thuật…”.
“Nếu muốn đạt được đỉnh cao như họ, có lẽ mình cũng không đoán được. Cái mình có thể mong là điện ảnh nước nhà có những sản phẩm chất lượng về cả nội dung và hình thức, tự tin đưa đến với các bạn bè quốc tế là ổn quá rồi”, Huy thẳng thắn nói.
(Theo Dân Trí)