Khi “Teamwork” là bí quyết để chiến thắng. Hai bạn trẻ Nguyễn Huy Cường (21 tuổi) từ Buzz Communication và Võ Hoàng Hiếu (25 tuổi) – Đội Deadline, vừa đoạt giải nhất nội dung quảng cáo báo chí, chủ đề Bạo lực học đường trong cuộc thi Sư tử trẻ 2011, Liên Hoan Quảng cáo Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà thiết kế trẻ Việt Nam đạt được kết quả cao trong cuộc thi. Tháng 6 năm sau, nhóm đoạt giải sẽ được tài trợ một chuyến sang Pháp dự liên hoan Cannes Lions 2011. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với nhóm thắng cuộc.
Võ Hoàng Hiếu và Nguyễn Huy Cường nhận giải nhất cho thể loại quảng cáo báo chí tại Liên Hoan Quảng cáo 2010
Cơ duyên nào khiến hai bạn lập đội đi thi chung?
Cường: Mình chưa có ý định đi thi trong năm nay nhưng anh Hiếu đã đề nghị mình tham gia chung trước khi hết hạn nộp bào dự thi vòng loại ba ngày. Thời gian quá gấp nên khi bọn mình hoàn tất bài thi vòng loại cũng là hạn chót nộp bài và cả hai đã quyết định lấy tên đội là Deadline.
Hiếu: Thực ra, mình có kinh nghiệm trong công việc và cũng rất muốn thử sức trong một sân chơi thế này. Sau nhiều lần lần lữa, mình quyết tâm phải tham gia lần này, và bọn mình quyết định gấp rút tham gia và những ngày sau cùng.
Có phải Teamwork giúp nhóm thành công và đạt giải thưởng cao?
Cường: Biết cách làm việc nhóm hiệu quả. Cường và Hiếu là hai người bạn rất thân, từng học và làm việc chung, nhưng đến khi cùng làm bài thi dưới áp lực thời gian, nhiều lúc chỉ vì để thống nhất ý tưởng, cả hai cãi nhau nảy lửa, tưởng chừng đánh lộn hoặc bỏ cuộc. Nhưng sự đoàn kết, trao đổi, tranh cãi, và quên cái tôi quá lớn của mình để lắng nghe đồng đội đã giúp cả hai đã tìm được tiếng nói chung và giải thưởng chính là phần thưởng lớn nhất dành cho nỗ lực chung của cả hai trong 24 giờ căng thẳng này.
Hiếu: Teamwork! Mỗi đứa đều có thế mạnh riêng, nếu không biết nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau thì không thể có được thành công lần này.
Tạo sao nhóm lại chọn hình thức nhật ký để chuyển tải bài thi?
Hiếu: nhật ký là ý tưởng đầu tiên, sau đó còn nhiều ý tưởng khác cũng được đưa ra. Tuy nhiên, cuối cùng, ý tưởng khả thi hơn chính là nhật ký đã được chọn. Vì nó đơn giản nhưng lại gây cảm xúc rất mạnh. Người mẹ sẽ xúc động thế nào sau khi con gái mất đi rồi mới tìm thấy cuốn nhật ký con mình viết lý do cô bé tự sát. Có người xem tác phẩm đã khóc.
Cường: Bạo lực học đường là một đề tài thời sự, nóng hổi. Việc phản ánh một đề tài qua bốn poster cần sự liên hoàn và phải cho người xem thấy họ có mặt đây đó trong tác phẩm. Nhật ký là phương tiện mà phản ánh tốt nhất đời sống nội tâm, suy nghĩ của lứa tuổi học đường và của rất nhiều người khác. Chúng tôi quyết định truyền đạt thông điệp bằng bốn cuốn nhật ký.
Các bạn tâm đắc điều gì nhất đối với tác phẩm sau khi hoàn thành?
Bốn poster được tạo lên một cách rất liên hoàn, bổ sung cho nhau, thể hiện bạo lực học đường có những tác động trước mắt và lâu dài, nhưng nếu tách riêng từng poster, người xem vẫn thấy một câu chuyện riêng xúc động trong đó.
Những gì các bạn học tại trường bổ sung tốt cho công việc hiện nay?
Từ lúc đi học đến lúc đi làm, bọn mình đang đi trên một đường thẳng. Khi đi học, giáo viên tạo cho mình cảm hứng, gieo cảm hứng đó vào mình để mình tự khám phá bản thân và chọn cho mình một hướng mà mình phải tự trau dồi, phát triển, khi đi làm, được chọn đúng lĩnh vực mình thích và trong khả năng của mình, sức sáng tạo được khuyến khích rất lớn.
Sau phần thưởng này, các bạn có dự tính gì?
Cường: Mình vẫn tiếp tục gắn bó với Buzz Communication vì đây là môi trường tốt để mình phát triển. Hơn nữa, mình muốn tham gia một khóa về copywrite để chuẩn bị tốt hơn cho chuyến tham dự Cannes Lion vào tháng 6 sang năm.
Hiếu: Có thể có định hướng tốt hơn trong công việc. Mình sẽ mạnh dạn quyết định những ý tưởng mình đưa ra và cũng tự tin hơn trong các ý tưởng đề xuất. Tuy nhiên, bọn mình vẫn còn phải học thêm rất nhiều, cả chuyên ngành và ngoại ngữ.
Xin cám ơn hai bạn
An Hòa(thực hiện)
Theo Dân trí
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!