Trong bài viết này, Arena Multimedia cùng bạn khám phá 21 phong cách hội họa độc đáo và đa dạng trong thế giới nghệ thuật. Mỗi phong cách là một câu chuyện riêng, mang đến trải nghiệm độc đáo và sáng tạo không giới hạn.
Trong thế giới nghệ thuật, mỗi nét vẽ là một câu chuyện, mỗi bức tranh là một hành trình sáng tạo. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc hành trình khám phá sâu vào 21 phong cách vẽ độc đáo. Từ sự tĩnh lặng của kỹ thuật truyền thống đến sự sáng tạo độc đáo của xu hướng hiện đại, mỗi phong cách mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ và thời đại. Hãy cùng nhau đắm chìm vào thế giới đa dạng và phong phú của nghệ thuật hội họa để khám phá những cảm xúc, ý tưởng và tài năng vô hạn của những người nghệ sĩ.
1. Doodling (Vẽ nguệch ngoạc)
Trong lĩnh vực hội họa, hầu hết mọi người thường bắt đầu bằng những nét vẽ nguệch ngoạc. Doodling là một phong cách vẽ “không chính thức”. Nó được coi là một hình thức sáng tạo tự do theo trí tưởng tượng và không tuân theo bất kỳ một quy tắc nào. Nó có thể bao gồm bản phác thảo sơ lược của các vật thể, những bản vẽ nhỏ về ý tưởng hay những nét vẽ lan man. Nó không chỉ là một kỹ thuật cụ thể mà còn là một cách đơn giản để thể hiện suy nghĩ và cảm xúc.
Những điều bạn có thể làm với Doodling là vô hạn. Mọi thứ, từ việc vẽ đi vẽ lại một hình dạng đơn giản cho đến việc tạo ra các nhân vật sống động như “nhảy ra khỏi trang giấy”, đều có thể được coi là Doodling .
Nguồn ảnh: Linearity
Nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời được bắt đầu với những nét vẽ nguệch ngoạc đơn giản và phát triển thành các bức vẽ hoàn chỉnh. Nhiều người khám phá ra tình yêu vẽ của mình bằng cách vẽ nguệch ngoạc từ thời thơ bé.
Vẻ ngoài đơn giản có phần “dang dở” của một bức vẽ nguệch ngoạc có thể bắt mắt và phù hợp với một số thương hiệu. Phong cách vẽ nguệch ngoạc tự do đặc biệt thịnh hành đối với các công ty internet và các công ty khởi nghiệp theo mô hình SaaS (Phần mềm dưới dạng dịch vụ).
Hãy thử vẽ nguệch ngoạc bất cứ khi nào bạn có thời gian. Đây là cách rất tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng hội hoạ của bạn đó!
2. Photorealism (Phong cách mô phỏng ảnh chụp)
Nếu bạn có đam mê mãnh liệt với việc tái hiện thế giới sống động như thật qua từng nét vẽ, đây chính là phong cách dành cho bạn. Phong cách mô phỏng ảnh chụp (Photorealism) chính là mảnh đất đầy hứa hẹn cho những tâm hồn nghệ sĩ can đảm và kiên trì.
Hãy thử tưởng tượng về sự choáng ngợp của bản thân khi đứng trước những kiệt tác như thể bước ra từ thế giới thực được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ Photorealism. Khát khao chinh phục nghệ thuật tinh tế này sẽ thôi thúc bạn dấn thân vào hành trình đầy thử thách nhưng vô cùng xứng đáng.
Nguồn ảnh: Linearity
Bạn có thể cảm thấy được truyền cảm hứng bởi những nghệ sĩ có khả năng tái hiện hình ảnh một cách chân thực trong các tác phẩm của họ và muốn thử sức với điều tương tự. Để đạt được điều này, bạn cần thực hành và cống hiến cho nghệ thuật. Tuy tài năng đóng một vai trò quan trọng nhưng chỉ khi bạn chăm chỉ luyện tập và rèn luyện, bạn mới có thể đạt được kết quả.
Vẽ theo phong cách mô phỏng ảnh chụp thường đòi hỏi nhiều bản phác thảo và nhiều lần tẩy đi vẽ lại từ đầu để cải thiện. Kỹ năng này không chỉ giúp bạn trở nên nhạy bén hơn mà còn cải thiện kỹ năng thiết kế trong mọi lĩnh vực. Nó cũng giúp bạn vẽ các bức tranh đơn giản và chính xác nhanh chóng hơn.
3. Hyperrealism (Phong cách cực thực)
Là một nhánh con của trường phái siêu thực, nghệ thuật cực thực mang tham vọng “vượt xa thực tế”. Với độ chi tiết được đẩy lên mức tối đa, các bức tranh cực thực có khả năng đánh lừa thị giác người xem đến mức khó có thể phân biệt được đâu là vật thể thật và đâu là hình ảnh vẽ.
Nguồn ảnh: Linearity
Đối với những ai đam mê vẽ chân dung, đây là một phong cách vô cùng lý tưởng. Bạn sẽ được rèn luyện khả năng nắm bắt mọi sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt một cách tinh tế, từ đó tạo nên những tác phẩm chân dung sống động và tràn đầy cảm xúc.
Tuy nhiên, để hoàn thiện một bức tranh cực thực đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khả năng tập trung cao độ vào từng chi tiết nhỏ nhất. Để tránh cảm giác nản lòng, hãy chia nhỏ quá trình vẽ thành nhiều giai đoạn, dành đủ thời gian cho từng phần và đặc biệt quan trọng là nghỉ ngơi thường xuyên để giữ cho tinh thần luôn tỉnh táo và sáng tạo.
4. Cartoon (Phong cách Hoạt hình)
Phong cách Hoạt hình là một cách tiếp cận hội họa được cách điệu hóa. Có nhiều phong cách khác nhau được bao hàm trong phong cách này. Bạn có thể khám phá các kỹ thuật như vẽ biếm họa, truyện tranh theo ô hoặc tự sáng tạo ra phong cách hoạt hình riêng của bạn.
Vậy phong cách vẽ hoạt hình thực sự là gì? Nó thường là một phong cách vẽ đơn giản hóa, không phản ánh thực tế. Các đặc điểm, chi tiết bên trong thường được phóng đại. Điều đặc biệt về phong cách hoạt hình chính là bạn có thể thiết kế vẻ ngoài và hành động của các nhân vật như thế nào tuỳ thích.
Nguồn ảnh: Linearity
Có siêu anh hùng với cơ bắp khổng lồ và cánh tay robot, trẻ em có siêu năng lực siêu phàm, động vật mặc quần áo và nói chuyện cũng như các địa điểm ngoài thế giới thực này. Dường như không có giới hạn nào trong thế giới hoạt hình.
Mặc dù các bản vẽ theo phong cách hoạt hình thường tạo ra cảm giác dễ thương và kỳ quặc nhưng chúng không nhất thiết phải dành cho trẻ em. Nhiều chuyên gia đã thành công trong việc áp dụng phong cách này vào lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo và giải trí.
5. Line drawing (Nghệ thuật đường nét)
Phong cách vẽ đường nét đã trở nên vô cùng phổ biến trong những năm gần đây, nó thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, trong các thiết kế online cũng như trên bao bì các sản phẩm như mỹ phẩm, áo phông và túi tote.
Vẽ đường nét cơ bản thường có tính thẩm mỹ cao và tạo ra các hình ảnh đơn giản, thanh lịch. Nó cũng có thể là phong cách trang trí tinh tế cho không gian sống hoặc làm việc của bạn.
Nguồn ảnh: Linearity
Kỹ thuật này đặc biệt phù hợp cho người mới bắt đầu vì các bức vẽ đường nét thường được tạo ra nhanh chóng và không quá phức tạp. Nó cũng thú vị khi bạn có thể biến các hình ảnh phức tạp thành hình ảnh đơn giản hơn thông qua việc sử dụng kỹ thuật vẽ đường nét.
Mặc dù bạn không cần phải là một nghệ sĩ hoặc nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra các bức vẽ với phong cách nghệ thuật đường nét đẹp nhưng luyện tập bài bản có thể giúp các đường nét của bạn trở nên uyển chuyển hơn.
Nguồn ảnh: Linearity
Picasso đã tạo ra một số tác phẩm nổi tiếng của mình chỉ bằng một vài đường nét đơn giản nhưng hiệu quả. Bạn cũng có thể thử thách bản thân bằng cách áp dụng kỹ thuật vẽ đường nét liên tục trong các bức chân dung, hãy thử sức với một bức tranh được vẽ bằng một kiểu đường nét duy nhất. Mặc dù kết quả trông có vẻ đơn giản nhưng kỹ thuật này lại không hề đơn giản.
6. Architectural drawing (Vẽ Kiến trúc)
Minh họa kiến trúc có thể là một thách thức đối với kỹ năng hội họa và khả năng cảm nhận ba chiều của bạn.
Các kiến trúc sư thường tập trung vào việc phát triển kỹ năng này ở mức độ cao, việc thiết kế các công trình kiến trúc đẹp mắt có thể giúp các nghệ sĩ hiểu sâu hơn về chi tiết, khối lượng, phối cảnh và độ chính xác.
Nguồn ảnh: Linearity
Bạn có thể vẽ lại ảnh chụp của các tòa nhà đẹp trong thành phố nếu bạn có thể hình dung được cấu trúc của tòa nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sáng tạo bằng trí tưởng tượng của mình (mặc dù điều này sẽ khó khăn hơn một chút).
Việc dành thời gian để học hỏi về kiến trúc và phương pháp vẽ kiến trúc có thể mang lại trải nghiệm vô cùng phong phú. Bạn sẽ không chỉ học được các kỹ năng kỹ thuật quan trọng mà còn mở ra “ánh mắt tinh tường” để cảm nhận và đánh giá vẻ đẹp của các công trình kiến trúc.
Xem thêm: Khám phá sự đa dạng trong nghệ thuật qua 21 phong cách hội họa độc đáo (Phần 2)
Nguồn: Linearity
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |