Màu sắc là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp các tác phẩm điện ảnh đẹp hơn và còn là công cụ để đạo diễn kể câu chuyện của họ. Một bộ phim sử dụng màu sắc độc đáo sẽ chứng minh tài năng và tư duy thẩm mỹ của một người sáng tạo chuyên nghiệp. Bài viết này sẽ cung cấp ý nghĩa của màu sắc trong điện ảnh và cả thủ pháp phối màu của các nhà làm phim là bậc thầy về màu sắc.
Nguồn: premiumbeat
Phối màu trong điện ảnh không chỉ đơn giản là thực hiện đúng các quy tắc pha màu. Trong mỗi khung hình, màu sắc của các vật thể phải kết hợp được với ánh sáng để truyền tải đúng nhịp điệu và cảm xúc của từng phân cảnh. Hai yếu tố này luôn phải song hành với nhau không thể tách rời. Các nguồn ánh sáng tự nhiên và nhân tạo sẽ được sắp xếp để tạo ra các chiều kích khác nhau nhằm thay đổi sắc độ của màu sắc nhằm truyền tải thông điệp mà đạo diễn hướng tới.
Nguồn: pinterest
Trước hết, bạn cần biết đến các dạng ánh sáng sẽ tác động trực tiếp đến sắc độ của màu sắc khi lên hình:
- · Key light – Ánh sáng chính.
- · Fill light – Ánh sáng phụ
- · Back light – Ánh sáng ngược.
- · Sidelight – Ánh sáng bên.
- · Practical light – Ánh sáng thực tế
- · Bounce – Ánh sáng phản chiếu.
- · Soft light – ánh sáng mềm mịn.
- · Hard light – ánh sáng gắt
Những gam màu rực rỡ tràn đầy đam mê
Để diễn tả cảm xúc thăng hoa trong tình yêu hay cảm giác đau đớn của bạo lực và giận dữ, màu đỏ là lựa chọn được các nhà làm phim ưu tiên sử dụng để truyền tải ý nghĩa đó.
Bộ phim đầu tiên mà bạn phải xem để nghiên cứu về màu sắc đỏ chính là Raise the red lantern (Đèn lồng đỏ treo cao) của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu. Cái tên đã đủ để chúng ta hình dung ra một bức tranh thắm màu ngọn lửa xuyên suốt bộ phim. Đạo diễn đã rất tài tình khi đưa màu đỏ vào phim của mình để lưu giữ và truyền tải biểu tượng quan trọng trong văn hóa Trung Hoa. Màu đỏ của họ tượng trưng niềm vui, hạnh phúc. Trong phim này, nó tượng trưng cho sự sủng ái, chỉ người vợ được yêu mới có quyền thắp đèn trong căn phòng của mìn. Đó là màu đỏ của khát khao được yêu thương, chiếu rọi tâm hồn và cả những dục vọng.
Đây là một ví dụ tuyệt vời để nói đến hai mặt ý nghĩa của màu đỏ. Bên cạnh hạnh phúc, chúng còn thể hiện sự đau khổ và tàn bạo khi những người phụ nữ trong gia đình đó luôn ám ảnh việc đấu đá, ganh ghét lẫn nhau để được yêu chiều…
Nguồn: fwstiras.wordpress
Và khi nhắc đến Hoa ngữ, mọi người yêu điện ảnh đều phải biết đến Vương Gia Vệ, một bậc thầy màu sắc mà cả thế giới ngưỡng mộ. Ông thao túng các màu sắc rực rỡ nhất, sử dụng chúng với cường độ cao mà vẫn tạo ra những khung hình tương phản dưới nền ánh sáng gắt.
Màu đỏ tràn ngập trong In The Mood For Love (Tâm trạng khi yêu) là biểu tượng tình yêu cháy bỏng trong thầm lặng giữa hai nhân vật chính. Màu vàng từ ánh đèn gắt tạo nên cảm giác cô đơn buồn bã đầy ám ảnh. Tương phản với nó, sắc xanh lạnh lẽo diễn tả cảm giác tù túng giác tù túng và ngột ngạt của hai người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau. Thứ giam cầm họ chính là những định kiến cay nghiệt, họ phải sống vì ánh mắt dèm pha của người đời để rồi đánh mất đi người mình thật sự yêu thương.
Nguồn: colorpalette.cinema
Hãy làm dịu đôi mắt của bạn với gam màu hồng nhẹ nhàng hơn. Màu hồng biểu tượng cho ngọt ngào của tuổi trẻ, những cảm xúc vui tươi ngây ngô thường có trong các bộ phim học đường, hài hước hay lãng mạn. Và để hiểu rõ hơn về gam màu này, bạn nên tham khảo các bộ phim của đạo diễn Wes Anderson, bậc thầy của tông màu tươi sáng và rực rỡ. Ông là một nghệ sĩ thực thụ khi tạo ra những khung hình giàu chất điện ảnh với tính thẩm mỹ cực kỳ cao.
The Grand Budapest Hotel (Khách sạn đế vương) đã khẳng định tên tuổi và phong cách nghệ thuật đặc sắc đạo diễn Wes Anderson. Vị đạo diễn đã sáng tạo ra một khách sạn cổ kính với những bức tường xung quanh màu hồng và mái ngói màu xanh ngọc đẹp như tranh vẽ tại một bối cảnh hoàn toàn hư cấu. Màu hồng lúc này phù hợp để diễn tả cái đẹp vô cùng tận trong kiến trúc tòa nhà cũng như tính mơ mộng, bay bổng của bộ phim.
Nguồn: colorpalette.cinema
Bên cạnh đó, màu hồng thường dành cho những cô gái nhiều hơn do xuất phát từ định kiến giới trong xã hội. Nhưng trong các bộ phim, nó thể hiện sự ngọt ngào và đầy mạnh mẽ của nhân vật nữ với những tính cách độc đáo đang tận hưởng cuộc sống theo ý của mình chứ không hề mềm yếu và dựa dẫm.
Nguồn: tiin
Ngoài màu hồng, màu cam chính là lựa chọn tốt nếu như bạn muốn tạo ra những khung hình trẻ trung nhưng phóng khoáng và ấm áp hơn. Moonrise Kingdom (Vương quốc trăng lên) lại là một tác phẩm gắn mác Wes Anderson. Những gam màu tươi mới bay bổng trong phim của ông luôn tạo ấn tượng sâu đậm cho khán giả. Ở đây, Anderson đưa vào phim của mình những gam màu nóng đỏ, cam, vàng… kết hợp với một chút sắc lạnh tương phản. Quy luật này xuất hiện liên tục trong phim tạo nên tính thống nhất về phong cách cũng như nhấn mạnh ý đồ tạo nên một không khí vui tươi của những chuyến phiêu lưu tuổi trẻ đầy vui nhộn và cũng nhiều cam go.
Nguồn: colorpalette.cinema
Còn nếu như kết hợp màu cam với các gam màu nóng ở cường độ cao sẽ thúc đẩy sự quyết liệt và tăng kịch tính cho câu chuyện. Chẳng hạn như bảng màu của một khung hình trong phim Malèna phía trên đã cho thấy sự bừng cháy trong nhân vật trung tâm. Người phụ nữ trẻ đẹp buộc phải hạ thấp bản thân mình để kiếm miếng cơm manh áo. Tuổi trẻ và những đam mê mãnh liệt trong con tim cô bị chính ngọn lửa của đồng tiền và quyền lực thiêu đốt.
Nguồn: colorpalette.cinema
Nguồn: colorpalette.cinema
Những gam màu lạnh lẽo và huyền bí
Có thể khó tin rằng một màu sắc tươi sáng tràn đầy năng lượng như màu vàng lại tượng trưng cho những điều điên rồ và nguy hiểm trong điện ảnh. Đôi khi màu vàng đem lại cảm giác ấm áp thư giãn tựa như ánh mặt trời tự nhiên, nhưng nó thường được dùng trong phim với nguồn ánh sáng ngược hoặc gắt để tạo ra tông màu u uất của sự hoài nghi và phán xét.
Nguồn: colorpalette.cinema
The Cabinet of Dr. Caligari (Cabin của Tiến sĩ Caligari) của đạo diễn Robert Wiene là đứa con đầu lòng đáng tự hào của dòng phim câm kinh dị. Bộ phim được sản xuất vào năm 1919 được đánh giá rất cao về tính nghệ thuật với các góc quay xuất sắc với nguồn sáng được cách điệu có chiều sâu với nhiều hiệu ứng khác biệt nhằm mô tả thực tại méo mó. Mỗi khung hình là một bức tranh tuyệt đẹp mang hơi hướng của trường phái hội họa ấn tượng. Hai sắc xanh và vàng được bổ sung bằng cách tô trực tiếp lên cuộn phim để gây cảm giác kinh sợ về gã bác sĩ tâm thần và kẻ mộng du. Cũng từ đây, xanh và vàng được định hình trong tâm trí người xem rằng chúng biểu trưng cho những thứ ma quái và bất thường. Các bộ phim kinh dị sau này vẫn tiếp tục áp dụng tông màu này vào phim của mình để gây ấn tượng tương tự. Hãy tìm hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra trong Cabin của Tiến sĩ Caligari nếu bạn muốn theo đuổi thể loại giật gân tâm lý này.
Nguồn: youtube
Tiếp tục về màu xanh, đây là một sắc lạnh thường được dùng trong những phân cảnh đặc tả cảm xúc buồn bã, cô liêu của nhân vật. Đặc biệt là khi nó ở cạnh với màu xám với cường độ thấp sẽ tạo nên một không gian đầy tù túng và ngộp thở.
Nguồn: colorpalette.cinema
Nhưng chỉ cần tăng cường độ của màu và các chiều kích ánh sáng khác, màu xanh lập tức đại diện cho sự trong trẻo và thuần khiết như một ngày tuyệt đẹp trời xanh mây trắng. Hoặc nó có thể trở thành tông màu chủ đạo trong các bộ phim huyền bí viễn tưởng, vì nó cũng chính là biểu tượng của vũ trụ bao la mà con người chưa thể khám phá hết.
Nguồn: ecartelera
Bên cạnh màu xanh, màu tím nhẹ nhàng cũng có thể biểu thị sắc thái mơ hồ và kì quái. Khi tím phối với một chút xanh sẽ thật phù hợp để tô vẽ một thế giới mới lạ hay một cuộc sống hoang dại điên rồ.
Nguồn: colorpalette.cinema
Màu sắc cuối cùng được đề cập trong phần này là xanh lục. Màu xanh lá cây dễ dàng khiến chúng ta sẽ nghĩ ngay đến thế giới tự nhiên và hàng loạt các ấn phẩm về môi trường. Trong điện ảnh cũng thế, màu xanh nguyên bản với ánh sáng tự nhiên sẽ gợi lên cảm giác dễ chịu và kết nối cực tốt với người xem.
500 days of Summer (500 ngày yêu) là một trong những bộ phim được đánh giá rất cao về thủ pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên. Sắc độ của màu xanh lá cây vừa phải đã thể hiện tốt tông phim nhẹ nhàng vui tươi và tính cách hồn nhiên trẻ trung của các nhân vật. Màu xanh trong phim đôi lúc được phối với các sắc lạnh khác đã kể những mâu thuẫn trong tình yêu một cách âm thầm, bình lặng chứ không hề mãnh liệt như màu đỏ.
Nguồn: phimlearning
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu màu xanh ấy bị tác động bởi nguồn ánh sáng gắt với độ tương phản cao? Nó sẽ tạo nên một khung hình đầy đen tối và nguy hiểm như một khung hình từ những phút đầu của The Master (Giáo chủ). Yếu tố dàn cảnh các vật thể và nhân vật trong khung hình kết hợp với sự pha trộn của hai sắc xanh lục và vàng đã bộc tả được chấn thương tâm lý của một cựu quân nhân Hải quân Mỹ. Quell từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Thái Bình Dương và buộc phải rời bỏ quân ngũ vì chứng nghiện rượu và ám ảnh tình dục.
Nguồn: colorpalette.cinema
Mỗi sắc màu sẽ truyền tải nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh và đặc biệt là cách sắp đặt ánh sáng trong từng khung hình. Trên đây là một số quy tắc về các màu sắc cơ bản trong điện ảnh. Chúng có thể được điều chỉnh cường độ và pha trộn để tạo nên những khung hình đầy tính nghệ thuật. Nếu có hứng thú nghiên cứu thêm, bạn có thể theo dõi Color Palette Cinema trên mạng xã hội. Ở đó, họ liên tục cập nhật các bảng màu của những bộ phim nổi tiếng trên thế giới. Bạn sẽ dễ dàng học được cách phối màu đúng chuẩn và phù hợp với nhịp điệu phim.
Nguồn: blog.snappa
Để theo kịp các chuẩn mực thẩm mỹ hiện đại, bảng màu ngày càng được khai thác nhiều hơn và các xu hướng màu sắc đa dạng thay nhau thống trị các ngành nghệ thuật. Để đảm bảo cho sự sáng tạo ấy diễn ra suôn sẻ nhất, chúng ta phải công nhận vai trò của các thiết bị ghi hình với độ phân giải cao. Thường xuyên nâng cấp các thiết bị trong công việc sẽ giúp bạn truyền tải màu sắc chuẩn nhất để kể câu chuyện của mình một cách hoàn hảo.
Tóm lại, phối màu trong điện ảnh không chỉ là tuân theo các quy tắc màu sắc mà còn phải kết hợp cả kiến thức về ánh sáng và kỹ thuật một cách tốt nhất để tạo ra những tác phẩm vừa mang tính thẩm mỹ cao vừa truyền tải những câu chuyện hấp dẫn và ý nghĩa. Hy vọng bạn đã nắm được một vài quy luật cơ bản của màu sắc trong phim ảnh. Bạn cũng có thể áp dụng nó vào việc phân tích và sáng tạo các các sản phẩm video đồ họa, ca nhạc, quảng cáo…