Game Design là gì mà lại hấp dẫn giới trẻ hiện nay đến vậy? Vai trò, vị trí và mức lương của ngành nghề này như thế nào? Cùng tìm câu trả lời chi tiết trong bài viết ngay dưới đây bạn nhé.
1. Hiểu đúng về Game Design
1.1. Game Design là gì?
Để dễ hình dung nhất, bạn có thể tưởng tượng Game Design là nghệ thuật xây dựng, thiết kế, kết hợp với thẩm mỹ để sản xuất ra một sản phẩm game. Từ các ý tưởng về trò chơi, luật chơi, nhân vật, chiến thuật chơi đều được tạo ra trong quá trình Game Design.
Game Design hướng đến 3 yếu tố chính:
- Mục tiêu (goal): Tương tác game và người chơi. Mỗi trò chơi được tạo ra sẽ dành cho đối tượng cụ thể, có thể vì mục đích như giải trí, giáo dục, nâng cao kỹ năng… Sau cùng, game giúp người chơi đạt được mục tiêu tâm lý nhất định.
- Luật chơi (Rule): Quy tắc game. Bất kỳ trò chơi nào được sáng tạo ra cũng đi cùng những nguyên tắc nhất định, về tổ chức Game Mechanic, Game Element,… và cách chúng hoạt động với nhau.
- Thử thách (Challenge): Các ý tưởng thách thức này tạo sự hấp dẫn, lôi kéo trải nghiệm từ người dùng đồng thời kiểm soát được cảm nhận của họ khi chơi game.
Thoạt đầu, nhiều bạn lầm tưởng rằng Game Design chỉ cần có thật nhiều ý tưởng. Song Ideation chỉ là một yếu tố trong quá trình làm việc. Làm sao để các ý tưởng đó được cụ thể hóa kèm bản thảo thiết kế chi tiết, hoàn chỉnh cần tới sự tìm tòi, nghiên cứu không ngừng.
1.2. Game designer là làm gì?
Người tham gia chính trong quá trình Game Design được gọi là Game Designer. Đóng vai trò là người thiết kế ra các khái niệm, quy tắc và cơ chế trong game. Với từng giai đoạn sản xuất và vận hành game, Game Designer sẽ tập trung vào các mục tiêu cơ bản riêng.
- Thiết kế & góp phần xây dựng các bản mẫu thô
- Thiết kế các hệ thống cốt lõi
- Viết Game Design Document trong từng giai đoạn sản xuất và bảo trì
- Cập nhật & tinh chỉnh các tính năng
Ngoài ra, trong một đội ngũ làm game, bên cạnh Game Designer còn có nhiều vị trí khác. Đặc biệt, trong giai đoạn sản xuất, 3 vị trí này là những cộng sự quan trọng nhất:
- Game Developer: Người lập trình, viết code game, tối ưu hóa,… – Người làm ra “khung xương” cho game.
- Game Artist: Người thực hiện đồ họa, animation, hiệu ứng,… – Người tôn tạo “da thịt, bộ mặt” của game.
- Game Designer: Người thiết kế quy tắc & hệ thống, định hình game,… – Người mang lại linh hồn cho game.
1.3. Phân biệt Game Designer và Graphic Designer
Có những bạn thường nhầm lẫn rằng thiết kế game là một phần trong thiết kế đồ họa. Bởi thiết kế đồ họa hay thiết kế game thì bạn đều được học về hình ảnh 2D, 3D. Trước đây, điều đó không hoàn toàn sai nhưng với sự phát triển của hình họa 3D và thế giới game hiện nay, thiết kế game đã rộng hơn rất nhiều và có những chiều sâu khác biệt hẳn so với thiết kế đồ họa.
Người thiết kế game sẽ thực hiện lên ý tưởng, phát triển một trò chơi cho mục đích cụ thể, như giải trí hay giáo dục. Các khía cạnh này liên quan đến câu chuyện, mục tiêu, nhân vật, quy tắc, thử thách hấp dẫn gia tăng tương tác với người chơi.
Mặt khác, người thiết kế đồ họa là người tập trung tạo nên hình ảnh thương hiệu cho công ty, tổ chức hay một mặt hàng.
Dưới đây là một số công việc chính của hai ngành nghề này để bạn phân biệt được rõ hơn:
Game Designer | Graphic Designer |
– Phát triển cốt truyện game, cốt truyện nhân vật, đối thoại game – Phát triển quy tắc, lối chơi, chiến thuật, hệ thống tính điểm trò chơi – Phân tầng mức độ khó – Chỉnh sửa kỹ thuật, kết xuất hình ảnh – QA test lại chất lượng đầu ra bằng cách trải nghiệm game… | – Gặp gỡ, thảo luận với khách hàng để hiểu tính chất sản phẩm – Tư vấn thiết kế, dạng poster hay hình thức truyền tải thu hút người quan tâm – Tạo nên bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm – Chọn màu sắc, hình ảnh, kiểu văn bản, bố cục,… kiểm tra lỗi trước khi xuất bản… |
2. Cơ hội và thách thức khi trở thành Game Designer
2.1. Cơ hội
Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp game là không thể chối cãi, với tốc độ xấp xỉ 2.5 tỷ người chơi toàn thế giới hiện nay. Theo báo cáo của NewZoo, thị trường game có giá trị kỳ vọng lên tới 152.1 tỷ đô. Nền công nghiệp này dường như không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, và vẫn rất khát nhân lực.
Cùng với xu hướng Digital trên thế giới, ngày càng nhiều công ty game tại Việt Nam là bằng chứng cho thấy ngành nghề này đang được rất nhiều người trẻ quan tâm. Niềm đam mê với game dần dần là điều được xã hội đón nhận một cách tích cực. Game không chỉ mang tính giải trí nữa mà còn giúp cho các bạn trẻ đạt được ước mơ có một công việc liên quan đến game. Ví dụ như sự phát triển của cộng đồng streamer đã khẳng định phần nào điều này.
Môi trường tự do, sáng tạo là động lực lớn để thế hệ Z trải nghiệm, khám phá và tìm được công việc phù hợp. Khi theo đuổi con đường trở thành Game Designer chuyên nghiệp, người học còn có thể làm nhiều vị trí khác nhau như:
- Game Writer
- Programmer/ System designer
- Storyline developer
- Content Designer
- Lead designer
- Creative director
- Game Artist
- User interface designer
- Level designer
2.2. Thách thức
Designer nói chung luôn là một nghề đầy tính thử thách. Đặc biệt, khi muốn trở thành Game Designer, bạn phải tập trung và dành thời gian học tập nhiều thứ, nhiều mảng hơn. Từ biên tập ván chơi (level editing), dựng chuyển động animation, coding, mỹ thuật, minh họa, kỹ thuật phần mềm và âm thanh… Dù không đi chuyên sâu vào tất cả nhưng Game Designer vẫn phải có vốn kiến thức nhất định bởi họ là người có cái nhìn toàn diện, bao quát và điều chỉnh đội nhóm sao cho đúng định hướng sản phẩm game nhất.
Sự thay đổi liên tục xu hướng game, thị hiếu người dùng cũng là điều mà các Game Designer phải đối mặt. Bởi vậy ngành luôn cần nguồn chất lượng nhân sự tốt, trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm cùng như khả năng nắm bắt thị trường, hiểu biết kinh doanh.
3. Mức lương của Game designer
Theo số liệu hiện tại, tại Việt Nam, mức lương của một Game Designer có khởi điểm từ 14.863 USD/ năm (327 triệu đồng/năm ~ 27 triệu đồng/tháng). Đây là một khoản thu nhập cực kỳ hấp dẫn với những bạn mới có kinh nghiệm làm việc trên 1 năm. Đối với người có nhiều năm kinh nghiệm hay các cấp bậc quản lý, mức lương sẽ còn cao hơn nữa.
4. Các vị trí và yêu cầu kỹ năng trong nghề Game Design
Vì phạm vi rộng lớn mà Game Design còn chia thành nhiều vị trí khác nhau, cụ thể như:
4.1. System Designer
System Designer thực hiện công việc thiết kế các hệ thống quan trọng trong game. Đây là một vị trí đòi hỏi bạn là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Không chỉ làm việc với khách hàng, System Designer sẽ phải làm việc với cả Game Devs. Nếu phát triển game online, đó sẽ là Client Devs và Server Devs.
Yêu cầu công việc:
- Thiết kế hệ thống game lõi
- Thiết kế Coreloop, Gamefowl
- Định hướng Metagame, Game Economy
Yêu cầu kỹ năng:
- Thiết kế hệ thống game tổng quát
- Viết mô tả kỹ thuật (Technical Writing)
- Phân tích dữ liệu thị trường
4.2. Gameplay Designer
Gameplay Designer là người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế gameplay. Đây là người đưa ra quyết định về việc “ Game sẽ được chơi như thế nào?” “Có cách chơi, cơ chế điều khiển ra sao?” “Sự khác biệt so với các game khác?”… Bên cạnh đó, vị trí này còn thực hiện thiết kế Game Mechanic và đóng góp tạo ra các Game Element thiết yếu.
Yêu cầu kỹ năng:
- Vốn kiến thức sâu về các thể loại game
- Tư duy logic
- Cảm quan và phân tích tốt về game (Game Sense)
4.3. Scripting Designer
Hầu hết các công ty, studio game hiện nay cần huy động tính sáng tạo cao nên Scripting Designer là một vị trí rất quan trọng. Họ sẽ là cây cầu trung gian, kết nối ý tưởng và khả năng triển khai. Vị trí này đòi hỏi cả kỹ năng tổng quát về Game Design lẫn Coding cơ bản.
Yêu cầu công việc:
- Tạo bản mẫu thô
- Khởi chạy các demo tính năng
- Xây dựng module phát triển game
- Tham gia xây dựng công cụ phục vụ công việc team Game Design
Yêu cầu kỹ năng:
- Có kiến thức về các ngôn ngữ kịch bản
- Sử dụng thành thạo kỹ thuật các Game Engine thông dụng (Unreal, Unity…)
- Đọc hiểu, truyền đạt, logic tốt
4.4. Level Designer
Level Designer là người sáng tạo ra các màn game khác nhau trong một trò chơi. Để thiết kế ra các cấp bậc (level) game như vậy, họ phải nắm bắt được tâm lý người chơi. Từ đó, hợp tác và làm việc với Game Artist, Animator hay thậm chí là Environment Modeler (nếu là game 3D) để tạo ra phiên bản game trọn vẹn, thu hút nhất.
Yêu cầu công việc:
- Thiết kế các màn chơi
- Hiểu và kiểm soát được trải nghiệm người chơi
Yêu cầu kỹ năng:
- Phân tích, đọc vị tâm lý
- Phân tích dữ liệu người dùng
- Sắp xếp bố cục
4.5. UX Designer
UX Designer là người thực hiện công việc liên quan đến đồ họa nhiều nhất trong đội ngũ Game Design. Họ thường xuyên phải làm việc với Game Artist, Animator, VFX Artists hay cả các Composer, Sound Designer… để tạo ra giao diện tương thích theo kịch bản, đem ại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Yêu cầu công việc:
- Thiết kế trải nghiệm người dùng
- Thiết kế giao diện, nghe nhìn,…
Yêu cầu kỹ năng:
- Hiểu biết về trải nghiệm người dùng đối với game
- Sáng tạo trong cách viết (Creative Writing)
- Óc logic, cẩn thận, tỉ mỉ
4.6. Operation Designer
Trong thời gian đầu của ngành công nghiệp game tại Việt Nam, Operation Designer là một vị trí tương đối phổ biến. Còn được biết đến với tên gọi như nhà vận hành game hay Game Master (GM). Họ đảm nhận việc cập nhật, bảo trì cho sản phẩm game đã hoàn thiện và ra mắt chính thức.
Mục tiêu chính của nghề này là tối ưu hóa lợi nhuận và duy trì trạng thái, đời game. Bởi vậy mà Operation Designer sẽ phối hợp nhiều với các System Designer và Marketer, phục vụ thông báo các tính năng mới, sự kiện cho khai thác và chạy sản phẩm.
Yêu cầu công việc:
- Thiết kế các tính năng cho vận hành game
- Khai thác game hợp lý để giữ được số người chơi và doanh thu từ game
- Xây dựng và dẫn dắt cộng đồng người tham gia game
Yêu cầu kỹ năng:
- Khả năng phân tích dữ liệu tốt
- Kiến thức thống kê, toán, xác suất…
- Cải thiện các chỉ số vận hành đảm bảo cân bằng game
Đến đây, nếu bạn còn băn khoăn Game Design là gì hoặc cần tư vấn thêm về lĩnh vực này, hãy liên hệ với Arena để được hỗ trợ nhé!
Tại thành phố Hồ Chí Minh:
- 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 1800 1525
Email: [email protected]
- 778/10 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 1800 6325
Email: [email protected]
- Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 1800 2074
Email: [email protected]
Tại thành phố Hà Nội:
- 80 Trúc Khê, phường Láng Hạ. quận Đống Đa, TP Hà Nội
Số điện thoại: 1800 1542
Email: [email protected]
- D29 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Số điện thoại: 1800 1542
Email: [email protected]
- 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội
Số điện thoại: 1800 1542
Email: [email protected]