Các xu hướng UI/UX không ngừng thay đổi, chuyển mình để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị hiếu và thời đại. Đừng bỏ lỡ cơ hội đón đầu các xu hướng thiết kế UI/UX mới nhất cho năm 2024 ngay trong bài viết này!
Bước vào năm 2024, thế giới thiết kế UI/UX đang một lần nữa trải qua bước ngoặt của những thay đổi. Những thách thức mà lĩnh vực này phải đối diện ngày càng tăng, ví như việc làm sao để cân bằng giữa nghệ thuật và tính năng hay làm thế nào để thích nghi và bắt kịp những thay đổi không ngừng trong đặc điểm tâm lí và hành vi của khách hàng. Đặc biệt, chúng ta không thể phủ nhận – yêu cầu của khách hàng về UI/UX đang trở nên phức tạp hơn mỗi ngày. Do đó, việc đáp ứng kì vọng của khán giả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bài viết này, Arena Multimedia sẽ đào sâu vào các công nghệ, phong cách và công cụ tiên tiến sẽ tái định nghĩa trải nghiệm kỹ thuật số, cung cấp các giải pháp và cơ hội cho sự phát triển trong lĩnh vực thiết kế UI/UX. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu ngay bây giờ!
1. Thiết kế tạo sinh (Generative Design)
Thiết kế tạo sinh là một xu hướng mới nổi trong lĩnh vực UI/UX, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán để tạo ra giao diện và trải nghiệm người dùng chuyển động và linh hoạt. Bạn có thể tạo bố cục, phối màu, lựa chọn kiểu chữ và thậm chí cả nội dung dựa trên tương tác của người dùng, dữ liệu đầu vào hoặc thông số được xác định trước, tất cả đều hoàn toàn tự động.
Việc thiết kế 3D tự động bằng AI dựa trên một số hình ảnh thực sự đã làm cho toàn bộ ngành công nghiệp phải kinh ngạc.
Nguồn ảnh: Youtube
2. Kiểu chữ in đậm (Bold Typography)
Phong cách này vẫn sẽ là xu hướng vào năm 2024. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển hướng từ những kiểu chữ thông thường, mảnh khảnh, tinh tế sang những phông chữ đậm, cứng, quyết đoán hơn và lớn hơn. Nó cho phép chúng ta đưa khẳng định thông điệp và thu hút sự chú ý của người dùng ngay lập tức. Việc sử dụng kiểu chữ in đậm một cách có chiến lược sẽ bổ sung cá tính vào các giao diện, tạo ra một hệ thống phân cấp nội dung trực quan rõ ràng, giúp điều hướng mọi người sử dụng và tiếp cận các thông tin một cách dễ dàng.
Hơn nữa, để làm cho thiết kế của bạn trở nên quyến rũ hơn, bạn có thể kết hợp kiểu chữ đậm với các phong cách khác, ví dụ như thiết kế 3D, in nghiêng hoặc kết hợp với các hình minh họa.
Nguồn ảnh: Shakuro
3. Sử dụng hiệu ứng Gradient phức tạp và chuyển động
Đến năm 2024, hiệu ứng gradient đã và đang tạo ra một cơn sốt trong thế giới thiết kế UI/UX, mang đến một phong cách năng động và quyến rũ cho các giao diện kỹ thuật số. Xu hướng này đánh dấu một sự khởi đầu mới – kết thúc giai đoạn chỉ sử dụng các cách phối màu tĩnh. Nhờ có hiệu ứng gradient, các Designer có cơ hội tạo ra trải nghiệm người dùng sống động và ấn tượng hơn về mặt thị giác.
Với các dải chuyển màu phức tạp và chuyển động, bạn có thể mang tới chiều sâu, cảm giác phong phú nhưng không kém phần tinh tế cho các thành phần trong giao diện người dùng như nền hay tiêu đề. Gradient đem tới những phông nền hấp dẫn cho các thông điệp, thu hút sự chú ý của người dùng từ cái nhìn đầu tiên. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng tâm lý học màu sắc để gợi lên những cảm xúc cụ thể hoặc truyền tải thông điệp thương hiệu.
Nguồn ảnh: Shakuro
4. Hiệu ứng thủy tinh (Glassmorphism)
Phong cách này được lấy cảm hứng từ các yếu tố giống như kính mờ – kết hợp cảm giác về chiều sâu, độ trong suốt và tính thẩm mỹ của kính mờ vào các giao diện kỹ thuật số. Hiệu ứng này có thể được áp dụng cho các thành phần khác nhau của giao diện, chẳng hạn như các thẻ, các pop-up hoặc khung điều hướng.
Mặc dù đã tồn tại nhiều năm nhưng phong cách thiết kế này chưa bao giờ là lỗi thời. Điều này cũng giống như trong ngành thời trang, chúng ta chứng kiến những chu kỳ nhất định. Các xu hướng thích ứng và nâng cấp trong mỗi chu kỳ, đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại và thị hiếu.
Nguồn ảnh: Shakuro
5. Thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR)
Thực tế tăng cường (Augmented Reality) hay còn được gọi với cái tên AR đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây, mặc dù AR cũng có những lúc có vẻ “lép vế” hơn những công nghệ khác, nó vẫn đang khẳng định được tiềm năng vô hạn của mình trong lĩnh vực thiết kế UI/UX.
Apple là một trong những đơn vị đã ứng dụng AR trong sản phẩm của mình và kỳ vọng rằng nó sẽ mang lại thêm lợi nhuận. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nhu cầu về giao diện người dùng có hỗ trợ thực tế tăng cường sẽ tăng trở lại.
Nguồn ảnh: Shakuro
Với công nghệ này, bạn có thể làm mờ đi ranh giới của thế giới vật chất và hợp nhất nó với thế giới kỹ thuật số. Bằng cách đó, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu các sản phẩm của bạn hơn.
6. Hiệu ứng Thị sai (Parallax effect)
Đây là một kỹ thuật hình ảnh thường được sử dụng để tạo chiều sâu và cảm giác đắm chìm trên trang web hoặc ứng dụng. Các hiệu ứng cuộn tạo cảm giác về chiều sâu, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn về mặt trực quan. Hiệu ứng này được áp dụng thông qua việc di chuyển các yếu tố trong nền, trung cảnh và tiền cảnh ở các tốc độ khác nhau, tạo ảo giác về không gian ba chiều.
Khi cân nhắc sử dụng xu hướng thiết kế này, bạn vẫn nên tập trung vào khả năng đáp ứng của nó trên nhiều thiết bị và kích cỡ màn hình khác nhau. Đừng quên rằng người dùng di động cần và ưu tiên trải nghiệm mượt mà và thú vị.
Nguồn ảnh: Shakuro
7. Chủ nghĩa Thô mộc (Brutalism)
Chủ nghĩa Thô mộc hay Brutalism đại diện cho một cách tiếp cận tối giản và có phần gây tranh cãi trong thiết kế web. Được lấy cảm hứng từ những ứng dụng của Brutalism trong lĩnh vực kiến trúc, Brutalism trong UI/UX đặc trưng với sự rõ ràng, thô sơ và thường độc đáo.
Xu hướng này bổ sung thêm sự cá tính, nét mạnh mẽ và có phần tách biệt vào các nội dung trong giao diện. Bạn có thể “chơi đùa” với các yếu tố tương phản về kích thước trong văn bản, hình minh họa hay thậm chí là ảnh. Bằng cách này, bạn mang tới các yếu tố tương phản nổi bật lên khi đặt trong nền chung. Phong cách này hứa hẹn sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả từ cái nhìn đầu tiên.
Nguồn ảnh: Shakuro
8. Chủ nghĩa cực thực (Hyperrealism)
Khi áp dụng xu hướng thiết kế UI/UX này, các Designer có thể tạo ra các giao diện và trải nghiệm người dùng mô phỏng gần giống các đối tượng và môi trường trong thế giới thực một cách rất chi tiết và sống động. Các lĩnh vực có thể ứng dụng phong cách này bao gồm thiết kế xây dựng thương hiệu, thiết kế ứng dụng, mô hình mô phỏng, v.v. Mục tiêu của phong cách này chính là tạo ra trải nghiệm người dùng phong phú và hấp dẫn.
Tận dụng các kỹ thuật như rendering quang học, hoạt họa 3D và hoạt ảnh tiên tiến, giao diện mang phong cách cực thực mang tới cho người dùng cảm giác như họ đang tương tác với các vật thể thực. Nó tạo ra cảm giác “Tôi hiểu những gì tôi thấy” và từ đó làm tăng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Nguồn ảnh: Shakuro
Hãy tận dụng các xu hướng thiết kế của năm 2024
Bằng cách tích hợp những xu hướng thiết kế UI/UX này vào quy trình làm việc và chiến lược thiết kế sản phẩm, bạn không chỉ giữ cho mình luôn được cập nhật mà còn giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không khám phá và áp dụng ngay hôm nay?
Nguồn: Shakuro
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |