Làm sao để sáng tạo dưới áp lực công việc luôn là vấn đề đối với cộng đồng Designer. Và sau khoảng thời gian dài làm trong nghề, mỗi người sẽ có những bí quyết riêng cho mình để khi đối mặt với những áp lực từ deadline, khách hàng, họ vẫn có thể cho ra đời những thiết kế sáng tạo nhất. Nếu bạn vẫn là “ma mới” hay vẫn đang loay hoay mắc kẹt trong hàng núi task, hãy để Arena Multimedia mách bạn vài tips nhỏ để đối mặt thật vững vàng trước áp lực công việc nhé!
Vào thời điểm các bình dưỡng khí nổ tung trên tàu Apollo 13 năm 1970, phi hành đoàn cùng các kỹ sư và điều phối viên chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để giải quyết các vấn đề nhằm tìm cách cứu lấy chính mình.
Với lượng CO2 tăng nhanh, các thành viên phi hành đoàn gồm Lovell, Swigert, và Haise chỉ có 96 giờ để quay trở lại trái đất trước khi điều tồi tệ nhất xảy ra, nhiệm vụ của họ là tìm ra giải pháp thay đổi kích thước các bộ lọc dự phòng sao cho tương thích với Lunar Module. Khi đó, NASA đã làm việc ngày đêm và ngay khi CO2 đạt đến mức giới hạn, họ đã thành công tạo ra máy lọc khí CO2 bằng một chiếc tất, bìa sổ tay và băng keo, đưa phi hành đoàn an toàn trở về trái đất.
Bạn có thể không bao giờ phải sáng tạo dưới áp lực sống còn đó, nhưng hầu hết mọi người đều sẽ cần giữ đầu bình tĩnh và sáng suốt vào một thời điểm nào đó trong đời để đưa ra những ý tưởng sáng tạo trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng dưới áp lực công việc và cuộc sống, làm sao để bạn có thể luôn giữ được “đầu lạnh, tim nóng”?
Dưới đây là 6 bí quyết giúp khả năng sáng tạo trong bạn không bị mai một đi giữa núi công việc chất chồng mỗi ngày.
1. Tận dụng Deadline
Deadline thường có vẻ giới hạn mọi nỗ lực sáng tạo, nhưng nếu không có lịch trình và mục tiêu để hướng tới, bạn khó có thể tập trung năng lực của mình vào nhiệm vụ được giao và khả năng bạn trì hoãn hoặc bỏ dở công việc sẽ tăng theo cấp số nhân. Dù vậy một deadline quá dài cũng không phải là cách tốt nhất để hoàn thành công việc.
Những deadline ngắn hạn sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực khi phải hoàn thành khối công việc quá lớn và thay vào đó, cho phép bạn tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt.
Nhưng deadline liệu có thực sự giúp ích gì không?
Theo lý thuyết truyền thống thì câu trả lời là có, mọi người sẽ làm việc tốt hơn khi chịu áp lực và deadline là một giải pháp với hầu hết mọi người. Thế nhưng nghiên cứu khoa học lại đang chống lại ý tưởng này.
“Ngày nay người ta thường nghĩ rằng, mặc dù bạn có thể hoàn thành công việc nhanh chóng nhưng khả năng sáng tạo sẽ không được phát huy khi bạn cảm thấy áp lực đè nặng”.
Teresa Amabile, giáo sư ngành Quản trị kinh doanh trường Havard Bussiness, đã nghiên cứu 177 người đang làm việc cho một số công ty hàng đầu ở Hoa Kỳ, yêu cầu họ viết nhật ký về những ngày làm việc của họ và ghi chép lại thời điểm họ nghĩ rằng họ phải chịu nhiều kiểu áp lực khác nhau và mức độ sáng tạo của họ như thế nào.
Điều mà Amabile và nhóm của cô ấy đã nghiên cứu được là, việc đặt mọi người làm việc dưới áp lực hiếm khi đưa đến những quyết định sáng tạo hơn. Ngoài ra áp lực về thời gian còn có nhiều khả năng dẫn đến sự phân tâm cả ngày, chẳng hạn như thay đổi kế hoạch các cuộc họp và cả các hoạt động không liên quan.
Hầu hết chúng ta có lẽ đã từng trải qua những vấn đề này, trước khi kết thúc một dự án quy mô lớn, đột nhiên có rất nhiều cuộc họp để đảm bảo rằng mọi người đều được cập nhật tiến trình, nhiều kế hoạch thay đổi khi có vấn đề phát sinh, và các hoạt động khác, như vậy bạn không có thời gian để ngồi xuống và suy nghĩ giải pháp sáng tạo hơn.
Nhóm nghiên cứu đã xác định những gì thực sự cần thiết để mọi người tiếp tục sáng tạo dưới áp lực. Đó là áp lực phải có ý nghĩa. Những người tham gia cho biết họ trở nên sáng tạo hơn dưới áp lực nếu họ cảm thấy mình đang “thực hiện sứ mệnh”. Nếu họ thấy những gì họ đang làm thực sự quan trọng thì bất kể họ đang phải chạy deadline hoặc chịu áp lực lớn, họ vẫn có khả năng đưa ra những giải pháp độc đáo, sáng tạo cho bất kỳ vấn đề nào phải đối mặt.
Giờ thì bạn đã hiểu lý do tại sao các kỹ sư Apollo 13 cố gắng phát minh ra một thiết kế tuyệt vời trong một thời gian ngắn, vì đó là sứ mệnh của họ, cứu sống các phi hành gia.
2. Rèn khả năng tập trung
Một phát hiện khác từ nghiên cứu của Ambile cho rằng, việc kiểm soát sự xao nhãng quan trọng hơn là quản lý thời gian. Nếu bạn cứ dán mắt vào đồng hồ khi đang chạy deadline thì chính sự phân tâm đó sẽ giết chết năng suất và sự sáng tạo của bạn.
Khi sự xao nhãng bắt đầu xâm chiếm, có thể từ sự mất tập trung của bản thân hoặc các yếu tố bên ngoài, chúng ta cảm thấy ngày trôi tuột đi và áp lực thêm chồng chất. Những người tham gia nghiên cứu Ambile đã báo cáo rằng “những ngày làm việc đứt đoạn” là vấn đề nghiêm trọng trong việc duy trì sự sáng tạo dưới áp lực.
Hãy tìm hiểu xem điều gì đang khiến bạn mất tập trung và loại bỏ nó ngay lập tức. Nếu bạn thấy mình đang dành hàng giờ xem Youtube thì hãy cân nhắc việc tìm một chương trình chặn nó hoặc cắt luôn cả Internet.
Ban đầu bạn có thể cảm thấy không quen, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ tự hỏi tại sao mình không làm điều đó sớm hơn.
Con người cũng có thể là một yếu tố gây phân tâm. Ở nơi làm việc bạn bè và đồng nghiệp của bạn thường đến hỏi thăm và trò chuyện. Khi bạn đang chạy deadline thì điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến năng suất của bạn. Nếu bạn làm việc ở nhà, con cái hoặc vợ/chồng cũng có thể khiến bạn mất tập trung.
Vậy thì hãy thử làm theo lời khuyên của các hãng hàng không trên thế giới, áp dụng quy tắc “Sterile cockpit rule”. Đây là quy định mà các phi công tuyệt đối không được phép nói chuyện riêng trong suốt quá trình cất cánh hạ cách và toàn bộ thời gian khi máy bay ở độ cao dưới 3000m.
Hãy thiết lập “Sterile cockpit rule” cho chính bạn bằng cách đảm bảo rằng mọi người sẽ không làm phiền nếu bạn đóng cửa văn phòng hoặc nếu bạn đang đeo tai nghe thì đó là tín hiệu cho thấy bạn đang ở chế độ làm việc.
3. Thảo luận mang tính xây dựng
Điều thú vị là, nghiên cứu của Ambile cho thấy việc trò chuyện cùng đồng nghiệp khi gặp áp lực khiến nhân viên giảm đi sự sáng tạo. Họ phát hiện ra rằng khi những người tham gia nghiên cứu đang “thực hiện sứ mệnh” họ thích được ở một mình để suy nghĩ hơn là nói chuyện với một nhóm. Họ đã áp dụng “Sterile cockpit rule” của riêng mình để đảm bảo sự tập trung, ít bị phân tâm.
Tuy nhiên khi bạn và đồng nghiệp cùng ngồi xuống và tập trung vào một vấn đề, khả năng sáng tạo sẽ cao hơn. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ý tưởng hay ho, hãy cân nhắc tìm một người thực sự hiểu vấn đề và hợp tác. Khi cùng trao đổi với nhau các bạn có khả năng đưa ra những ý tưởng sáng tạo hơn nhiều.
Và mặc dù không được đề cập trong nghiên cứu, nhưng việc thảo luận với sếp của bạn hoặc khách hàng về dự án cũng là một ý tưởng không tồi.
Thứ nhất: Bạn sẽ yên tâm rằng mình đang đi đúng hướng mà thỏa thích sáng tạo. Nếu bạn chỉ chăm chăm làm việc một mình cho kịp deadline rồi sau đó thuyết trình, bạn sẽ luôn lo lắng rằng liệu mình có đang đi chệch hướng không, có đúng ý sếp hoặc khách hàng không, điều đó chỉ tăng thêm áp lực cho bạn.
Thứ hai: Khi tách deadline dài hạn thành những deadline ngắn hạn hơn bạn sẽ dễ quản lý cả về thời gian lẫn tinh thần, sếp hoặc khách hàng của bạn sẽ nắm được trạng thái của dự án trong suốt quá trình, vì vậy bạn sẽ giảm được phần nào áp lực trong bài thuyết trình hoàn thiện.
Cuối cùng: Hãy cứ than vãn! Thỉnh thoảng bạn cũng cần xả hơi, cáu kỉnh, càu nhàu về sếp và khách hàng với những người bạn thân thiết, gần gũi. Việc giải tỏa cảm xúc này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn trắc trở đang cản bước bạn, đồng thời gột rửa tâm trí để nhường chỗ cho những ý tưởng sáng tạo mới mẻ hơn.
4. Cho não đi nghỉ dưỡng
Dưới áp lực công việc bạn có thể cảm thấy tội lỗi nếu cho phép mình nghỉ ngơi dù chỉ chốc lát, thậm chí nghỉ trưa hoặc đi vệ sinh, nhưng thời gian nghỉ giải lao cực kỳ quan trọng để nạp lại tinh thần cảm xúc và thể chất cho phép bạn sáng tạo tốt hơn.
Để có thể tiếp tục làm việc ở trạng thái tốt nhất bạn phải đứng dậy rời khỏi bàn làm việc mỗi giờ và thư giãn. Hãy tập thói quen nghỉ giải lao hằng ngày bằng cách uống một tách cà phê, 5 phút đi bộ, hoặc dùng bữa trưa. Và quan trọng là, hãy rời mắt khỏi màn hình máy tính trong thời gian này.
Thỉnh thoảng bạn cần nghỉ ngơi lâu hơn để sạc đầy lại năng lượng, ví dụ như dành thời gian đi bộ mỗi ngày chẳng hạn.
Còn đi bộ buổi chiều sau khi tan làm sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần và nguồn cảm hứng đã lụi tàn sau ngày dài làm việc mệt nhoài.
Việc đi bộ và các bài tập khác cũng sẽ giúp ích bạn về lâu dài. Người ta đã chứng minh rằng tập thể dục vừa làm tăng khả năng sáng tạo vừa giúp bạn giữ tâm trạng tích cực, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Ngoài ra, bạn càng khỏe mạnh thì càng ít mệt mỏi, cả về tinh thần lẫn thể chất, khi bạn phải vật lộn với deadline eo hẹp, đòi hỏi một thời gian dài.
5. Tìm nguồn cảm hứng mới
Đối với những người cảm thấy họ đang “thực hiện sứ mệnh”, thì nguồn cảm hứng sẽ dễ dàng đến. Thông qua công việc, các ý tưởng tự nhiên sẽ được nảy sinh và tập trung tìm ra giải pháp.
Như Edison đã nói: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm mồ hôi.”
Cảm hứng rõ ràng rất quan trọng đối với sự sáng tạo nhưng lại khó để duy trì dưới áp lực công việc. Một trong những điều quan trọng nhất cần làm nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm cảm hứng, là đứng dậy và nghỉ ngơi.
Đi dạo bộ, xem TV, nghe nhạc – bất cứ điều gì cho phép bộ não của bạn không phải suy nghĩ trong một thời gian. Điều này cho phép phần vô thức trong não của bạn bắt đầu hoạt động và nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.
6. Đừng quá nghiêm khắc với bản thân
Khi deadline kết thúc, mọi người thường bắt đầu bị ám ảnh về những tiểu tiết. Bạn cố gắng làm một cái gì đó thật hoàn hảo trong khi bạn thực sự đã làm rất tốt rồi. Quá cầu toàn thường đâm ra hỏng việc. Nếu bạn cứ khăng khăng làm mọi việc thật hoàn hảo có thể đem đến kết quả không như mong đợi, thậm chí không ở mức tốt chứ chưa nói đến hoàn hảo. Vậy nên đừng quá khắt khe với chính mình, bạn đã làm tốt hơn bạn nghĩ rồi.
Bạn học được gì từ những sai lầm của bạn? Bạn có cần một deadline nhất định không? Bạn có cần đi bộ mỗi ngày không? Bạn có cần một bàn làm việc ngăn nắp? Bạn nên thảo luận một vấn đề với đồng nghiệp, hay nhốt mình trong “sterile cockpit” của bạn? Bạn không thể biết được câu trả lời cho đến khi bạn thử và tìm ra điều gì hiệu quả điều gì không.
Một khi bạn tìm ra điều gì tốt và điều gì không tốt trong cách làm việc của mình, bạn sẽ có khả năng đối phó với áp lực tốt hơn và công việc của bạn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ tự nhiên thuận buồm xuôi gió hơn.
Hãy rèn luyện việc nuôi dưỡng cảm hứng mỗi ngày để “be more creative”, Arenaites nhé!
Phước Thùy
Nguồn tham khảo: Canva
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia