Quy chuẩn thẩm mỹ của xã hội luôn thay đổi theo từng năm, một thương hiệu nếu muốn đem đến những ấn tượng mới mẻ và độc đáo trong lần đầu tiên lọt vào mắt xanh của khách hàng, họ cần thường xuyên tái thiết kế và nâng cấp logo theo các tiêu chuẩn hiện đại. Đó là lý do mà cứ sau vài năm, chúng ta lại thấy sự thay đổi không ít thì nhiều trong bộ nhận diện thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng.
Nếu bạn đang có dự định tái thiết kế logo để làm mới thương hiệu cho khách hàng và cần một vài gợi ý tham khảo, hoặc bạn chỉ đơn giản muốn xem logo nguyên bản của Canon từng ngớ ngẩn như thế nào thì hãy xem bạn sẽ học hỏi được gì qua 10 ví dụ về sự phát triển logo của các thương hiệu nổi tiếng dưới đây.
1. Shell
Từ thời mà logo còn thiết kế theo đúng nghĩa đen của tên công ty, Shell chỉ cần dùng hình minh họa không rõ nét của vỏ sò đã đủ làm hài lòng người tiêu dùng. Logo vỏ sò lần đầu tiên xuất hiện từ năm 1900 nhưng phải đến 4 năm sau đó (1904), người ta mới thấy thiết kế thời bấy giờ của Shell có sự liên quan với phiên bản logo hiện tại.
Mặc dù hình dáng mặt trước của vỏ sò thông thường đã rõ nét hơn so với logo năm 1900, nhưng những kiểu thiết kế đó ngày nay không còn phổ biến vì chúng khó nhận ra ở khoảng cách xa và rất nhiều chi tiết bị mất khi sao chép ở kích thước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, điều thú vị là các đường gờ trên vỏ sò trên logo ban đầu của Shell vẫn được giữ và áp dụng trong logo hiện tại. Cụ thể hơn, logo Shell ngày nay có một loạt các đường dẫn hướng đến gần trung tâm của thiết kế, thương hiệu này đã bỏ phần chữ “Shell” trên logo, chỉ để lại duy nhất biểu tượng vỏ sò vốn đã in sâu trong tâm trí khách hàng.
Năm 1948, Shell giới thiệu tông màu biểu tượng của họ, sự phối hợp vàng – đỏ sau khi cân nhắc về màu sắc và công nghệ ở thời đại đó đã cho phép việc in màu dễ dàng hơn. Sự kết hợp màu sắc này thường phổ biến với các thương hiệu trong ngành công nghiệp thực phẩm như McDonalds, Denny’s, v.v… bởi tông màu ấm áp kích thích vị giác người xem. Tuy nhiên, đối với đội ngũ thiết kế của Shell, dường như không có gì là không thể và việc áp dụng tông màu vàng – đỏ cho logo lại đem đến sự thu hút, năng động và tích cực trong hình ảnh mới của thương hiệu nổi tiếng này.
Sau khi đưa màu sắc vào biểu tượng, logo của Shell càng ngày càng được cải thiện theo thời gian để trở nên tối giản hơn, các cạnh mượt mà hơn, đường viền đậm nét hơn và giảm thiểu chi tiết thừa. Trải qua gần một thế kỷ liên tục đổi mới logo của mình cho phù hợp với thời đại, Shell đã giữ nguyên phiên bản logo năm 1999 đến tận ngày nay mà không hề trở nên tụt hậu giữa bối cảnh xu hướng thay đổi từng ngày từng giờ.
2. Baskin-Robbins
Logo đầu tiên Baskin-Robbins sử dụng không xấu, chỉ đơn thuần đã lỗi thời. Nhưng sự phát triển logo của thương hiệu kem này là một trường hợp cải tiến trên bản gốc thay vì “sửa chữa” nó. Ngay từ đầu, lợi thế của Baskin-Robbins so với các nhà cung cấp kem đối thủ chính là sự đa dạng về mùi hương với 31 vị kem. Vì thế, đây được xem là quyết định thông minh trong khâu thiết kế của Baskin-Robbins khi đưa luôn con số 31 vào logo để khách hàng luôn nhớ đến ưu điểm của hãng.
Con số 31 luôn được gắn với logo của Baskin-Robbins từ những ngày đầu thành lập cho đến tận những năm 90. Khi đó, hãng kem này vẫn trung thành với lựa chọn phong cách hiện đại, tối giản và phối màu tập trung vào hồng và xanh lam. Tuy nhiên, ở lần cải tiến này, trung tâm vẫn là con số 31 mang tính biểu tượng, nhưng được được bao quanh bởi một vòng tròn bị cắt đi ở phần dưới cùng để tạo thành hình một muỗng kem được lồng ghép một cách tinh tế, giúp Baskin-Robbins cài cắm nhiều ý nghĩa hơn về sản phẩm của mình bên trong một chiếc logo tối giản.
Năm 2006, Baskin-Robbins thiết kế lại logo của mình với lối chơi chữ một cách trực quan: Bóc tách con số 31 từ 2 chữ cái “B” và “R” để đem đến hình ảnh “đóng đinh” vào tâm trí người xem ngay từ lần đầu lướt qua. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, từ phiên bản đầu tiên cho đến lần “cập nhật” mới nhất và được sử dụng cho đến tận bây giờ, thương hiệu kem này vẫn giữ được ý nghĩa cơ bản trong logo của mình: Thế mạnh của chúng tôi nằm ngay trên logo của chúng tôi.
Như vậy, dựa trên màu sắc chủ đạo và mục tiêu bán hàng cốt lõi, Baskin-Robbins đã phát triển logo ngày càng tinh tế hơn mà không đánh mất nguyên bản, giữ cho mình một chỗ đứng rất riêng giữa hàng nghìn thương hiệu cùng dòng khác.
3. Levi’s
Không giống như quá trình phát triển logo của những thương hiệu khác, Levi’s vẫn sử dụng thiết kế ban đầu của họ thay vì “chôn vùi” chúng. Bạn vẫn có thể thấy một biến thể của logo đầu tiên trên vài chiếc quần jean hàng đầu của Levi’s dưới một phiên bản đơn giản hơn. Rốt cuộc, hình ảnh hai con ngựa không thể nào xé rách một nửa chiếc quần jean vẫn truyền tải được độ bền của sản phẩm như Levi’s đã dùng để gửi thông điệp đến khách hàng vào những năm 1890.
Câu chuyện về sự phát triển logo của Levi’s là một trong ví dụ điển hình cho chủ nghĩa tối giản và đơn giản hóa mọi thứ. Mặc dù phong cách logo sở hữu nhiều chi tiết và chữ thông dụng vào những năm 1800, nhưng sau hơn một thế kỷ, kiểu thiết kế như thế đã không còn phù hợp trên màn hình máy tính bảng hoặc các bảng quảng cáo kỹ thuật số. Vì vậy, Levi’s đã tối giản mọi thứ, kể cả tên thương hiệu của họ.
Logo hiện tại của Levi’s đủ nhỏ và đơn giản để in rõ ràng trên những chiếc mác dài vài cm. Lựa chọn màu đỏ, một trong những màu thu hút sự chú ý nhất, cũng giúp thương hiệu này dễ dàng trở nên nổi bật dù cho sản phẩm Levi’s có được đặt chung với những sản phẩm của thương hiệu khác. Và khi Levi’s có cơ hội thiết kế một logo chi tiết hơn, họ vẫn có thể quay lại với hình ảnh logo đơn giản ban đầu của mình để nhắc nhở khách hàng rằng: “Này, chúng tôi đã làm điều này hơn một trăm năm rồi đấy!”.
Tối giản logo để tăng độ nhận diện thương hiệu và phù hợp với xu hướng hiện đại, nhưng cũng không phủ nhận đi nguồn gốc ban đầu, Levi’s đã hoàn toàn ghi dấu ấn bởi sự trung thành trên chính logo và chất lượng sản phẩm của mình.
4. Apple
Có thể nói Apple là thương hiệu sở hữu “cuộc cách mạng” logo mạnh mẽ nhất khi hình ảnh logo ban đầu mà công ty tung ra vào giữa những năm 70 có phần hơi lạ lùng – Issac Newton ngồi dưới gốc cây táo. Sau đó, Apple đã chuyển sang hình ảnh quả táo mang tính biểu tượng của mình vào năm 1976.
Dù quả táo cắn dở có thay đổi nhiều hay ít về mặt màu sắc, Apple vẫn trung thành với biểu tượng này trong gần 50 năm qua kể từ khi giới thiệu đến công chúng. Và tất nhiên, thương hiệu này không chỉ thành công với những sản phẩm mang tính đột phá của mình, mà logo của họ còn in sâu trong lòng khách hàng với tư cách là một thương hiệu quốc dân về công nghệ. Vì cứ nói đến biểu tượng trái táo, người ta sẽ nghĩ ngay đến Apple.
Cuộc cách mạng logo của Apple từ năm 1976 đến hiện tại là ví dụ điển hình của việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đi vào lòng người thành công vượt mọi thời đại.
5. Canon
Hầu hết chúng ta đều cho rằng Canon được bắt nguồn từ từ tiếng Anh “Cannon”, nhưng thực tế, đó là cách viết là cách viết khác từ từ tiếng Nhật “Kwanon”, tên của một nữ thần Trung Quốc trong thần thoại Phật giáo. Tuy nhiên, vì tên thương hiệu gắn với hình ảnh tôn giáo lại không “được lòng” thị trường Mỹ, vì vậy công ty đã nhanh chóng sửa đổi và đăng ký nhãn hiệu “Canon” vào năm 1935.
Nhiều thập kỷ trôi qua, thiết kế logo của Canon hầu như không có sự thay đổi rõ rệt, tuy nhiên các nét chữ trở nên đậm và rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, thương hiệu này áp dụng màu đỏ vào logo thay vì màu đen đơn điệu, đem đến sự hứng thú cho khách hàng về mặt thị giác ngay từ ánh nhìn đầu tiên mà không cần bất kì hình ảnh nào khác.
Khá tương đồng với sự phát triển logo của Apple, Canon đã có sự thay đổi vượt bậc từ hình ảnh cầu kỳ năm 1934 đến logo tối giản ngày nay và hoàn toàn thanh công trong việc tạo dựng thương hiệu trong lòng khách hàng đam mê nhiếp ảnh.
6. Starbucks
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về hành trình phát triển logo của các thương hiệu nổi tiếng luôn phải nhắc đến Starbucks: Vịt con xấu xí hóa thiên nga xinh đẹp. Nếu bạn cho rằng nàng tiên cá lúc nào cũng có vẻ ngoài xinh đẹp thì có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy biểu tượng ban đầu của Starbucks vào những năm 1970.
Có lẽ bạn sẽ không cần Arena giải thích lý do tại sao họ thay đổi logo, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống, vì dĩ nhiên rồi, bạn muốn thu hút khách hàng chứ đâu phải khiến họ sợ hãi. Tuy nhiên, điều đáng nói về sự phát triển trong logo của Starbucks đó là thương hiệu này bất chấp những điều kì quặc của bản gốc và vẫn trung thành với biểu tượng nàng tiên cá trong sự ngạc nhiên của giới thiết kế.
Năm 1987, Starbucks lần đầu tiên giới thiệu phiên bản logo mới với màu xanh lá và được xem là bước tiến đáng kể so với bản gốc. Và hãy dành một tràng pháo tay cho người đã thiết kế đã giúp cho logo của Starbucks trở nên vô cùng đẹp mắt, đủ đơn giản, tinh tế và không quá cầu kì để có thể in lên ly một cách hoàn hảo nhất.
Đến năm 2011, Starbucks đã trở thành thương hiệu đồ uống quen thuộc với sắc xanh lá cây riêng biệt luôn có “chỗ đứng” trong tâm trí khách hàng. Thương hiệu này trở nên phổ biến đến mức họ không cần phải để tên của mình trên logo, chỉ cần biểu tượng của cô nàng tiên cá cùng màu xanh lá là đã đủ độ nhận diện đối với khách hàng của mình,
Trải qua 40 năm cải thiện và đổi mới nàng tiên cá của mình, Starbuck ngày nay đã tạo dựng cho mình một đế chế cà phê vươn tầm thế giới không hoà lẫn đi đâu được.
7. Pepsi
Pepsi khá nổi tiếng trong giới giới thiết kế với 12 lần “phẫu thuật thẩm mỹ” cho logo của mình trong 122 năm hình thành và phát triển. Từ năm 1898 đến năm 1940, thương hiệu này sử dụng logo chữ với màu đỏ để giữ cho hình ảnh luôn rực rỡ trong mắt khách hàng, và may thay, đối thủ truyền kì Coca-Cola đã không sử dụng màu đỏ cho đến những năm 1950. Các thiết kế cải tiến trong thời kỳ này của Pepsi vẫn xoay quanh các kiểu chữ và phông chữ khác nhau và đôi lúc họ còn thêm các từ kêu gọi hành động như “drink” (“Uống Pepsi Cola ngay nào!”).
Logo Pepsi vào năm 1906 (Ảnh: Wikimedia.org)
Chúng ta không thấy bất cứ điều gì gần giống với logo hiện tại của Pepsi cho đến năm 1950, khi thương hiệu nước uống nổi tiếng này đóng khung các sọc lượn sóng màu đỏ, trắng và xanh lam mang tính biểu tượng hiện nay trên nắp chai.
Vào nửa sau của thế kỷ 20, Pepsi vẫn duy trì biểu tượng độc đáo và từ đó trở thành dấu hiệu nhận diện thương hiệu của mình. Những thay đổi lớn nhất về mặt hình ảnh của logo Pepsi trong những năm này là phần chữ Pepsi: Đôi khi xuất hiện ở giữa, đôi khi lại ở dưới cùng, đôi khi nó chữ màu đen nhưng có khi được đổi lại thành màu xanh.
Đến năm 2008, Pepsi tiếp tục phát triển về mặt hình ảnh với logo mà chúng ta thấy ngày nay. Biểu tượng vòng tròn ba tông màu vẫn tiếp tục được giữ trong logo nhưng với tỉ lệ phân chia màu sắc bất đối xứng khác với trước. Sự thay đổi này giúp logo trở nên mới mẻ, sắc sảo và hiện đại hơn. Đồng thời, Pepsi bỏ phiên bản viết hoa toàn bộ tên của mình, chọn kiểu chữ viết thường phù hợp với xu hướng tối giản vào thời gian cuối những năm 2000.
Logo Pepsi ngày nay chẳng cần đến tên Pepsi mà chỉ dựa vào hình dáng và màu sắc chủ đạo thì người ta đã nghĩ ngay đến một chai nước ngọt mát lạnh cho mùa hè oi bức.
8. Chevrolet
Những người yêu thích ô tô có thể nhận ra logo “cây thánh giá” của Chevrolet từ cách đó một dặm, nhưng thực ra đó không phải là lựa chọn đầu tiên của họ. Logo ban đầu của công ty từ năm 1911 là chữ viết tay điểm thêm chút tinh tế bằng đường gạch dưới. Biểu tượng chữ thập nổi tiếng đã không xuất hiện cho đến 3 năm sau vào năm 1914, và theo “truyền thuyết”, ý tưởng này đến từ người đồng sáng lập Willian Crapo Durant khi ông lấy cảm hứng từ giấy dán tường mà mình vô tình nhìn thấy trong một khách sạn ở Paris. Với hình ảnh ấn tượng như vậy, Chervolet dĩ nhiên cứ thế mà phát triển logo của mình từ đó.
Logo Chevrolet vẫn giữ nguyên phần lớn trong thế kỷ 20, chỉ có những thay đổi nhỏ về kiểu chữ, và vào những năm 70, thương hiệu này chuyển màu logo từ đen trắng sang xanh lam. Nhưng vào năm 2003, Chevrolet đã tái thiết kế logo với cách phối màu bạc và vàng cùng hiệu ứng giúp cho nó trở nên sang chảnh hơn.
Cả hai lựa chọn màu sắc sang trọng và kết cấu “sáng bóng” làm cho thương hiệu có vẻ thanh lịch và giá trị hơn. Đây được xem là chiến lược thông minh trong việc công cuộc định vị thị trường từ Chervolet.
Qua hơn 100 năm gắn bó với hình ảnh chữ thập, Chevrolet đã trở thành một trong những logo lâu đời, có sức lan toả mạnh mẽ trong giới mê xe, yêu tốc độ ngày nay.
9. Doritos
Quy tắc để áp dụng các xu hướng trong thiết kế logo đó là phải hợp thời. Các phong cách thiết kế phổ biến trong khoảng thời gian đó làm cho thương hiệu của bạn có vẻ hiện đại và tiên tiến, sành điệu và phong cách. Tuy nhiên, chỉ một vài năm ngắn ngủi trôi qua theo thời gian, những lựa chọn thiết kế từng khiến bạn từng trông sành điệu giờ đây lại trở nên lỗi thời. Logo ban đầu của Doritos với việc sử dụng các ô vuông nhiều màu thời thượng xung quanh mỗi chữ cái được xem là “trend” trong những năm của thập niên 60. Và đáng ngạc nhiên là họ vẫn giữ xu hướng lỗi thời này quá lâu.
Nhưng không có gì trên logo giúp cho người dùng định nghĩa được sản phẩm mà Doritos đang bán, ngoại trừ dấu chấm tam giác cho chữ I trong phiên bản năm 1985. Năm 1992, họ quyết định đại tu logo của mình với hình ảnh tam giác, để đại diện cho các con chips hình tam giác của họ. Bên cạnh đó, Doritos thậm chí còn sử dụng cặp tông màu đỏ và vàng được yêu thích trong ngành công nghiệp thực phẩm (được đề cập ở trên với logo của Shell).
Hình tam giác rất phù hợp với Doritos, không chỉ vì nó phù hợp hơn với sản phẩm của họ mà còn vì hình tam giác trong thiết kế logo mô tả công ty như một người có thẩm quyền hoặc nhà lãnh đạo. Trong suốt những năm 2000, Doritos đã thử nghiệm với các phiên bản khác nhau của tam giác, tất cả đều liên quan đến phong cách vẽ nguệch ngoạc tự do nhưng không hề lộn xộn.
Phiên bản logo cuối cùng được Doritos giới thiệu vào năm 2013. Thương hiệu này cải thiện lại phong cách cũ bằng tông màu đỏ-vàng-đen quen thuộc nhưng với hình ảnh tổng thể gai góc và mạnh mẽ hơn.
Với chiến dịch #logogoeshere năm 2019, Doritos đã quyết định loại bỏ logo của mình, chỉ để lại những hình tam giác cùng dòng quảng cáo: “Không logo, không tiếng leng keng, không mánh lới quảng cáo. Đây là một sản phẩm mang tính biểu tượng, chúng tôi không cần đặt tên cho nó”. Nhưng chiến dịch này đã không mang lại thành công cho Doritos như mong đợi, và nói lên tầm quan trọng của việc thay đổi logo như thế nào để bắt kịp xu hướng hiện tại.
10. Buick
Giống như Pepsi, Buick đã nhiều lần tái tạo logo chính mình. Họ đã sử dụng tất cả các loại biểu trưng trong suốt 116 năm hình thành và phát triển, từ những biểu tượng có chữ gần như không đọc được cho đến huy hiệu chiếc khiên hoàng gia với biểu tượng con nai.
Tuy nhiên, có hình ảnh chiếc khiên mới có logo hiện tại của Buick. Chúng ta thấy rất nhiều yếu tố tương tự ngoài tấm chắn: phối màu đỏ, trắng và xanh lam, cũng như dải caro chéo. Bạn có thể tự mình thấy những điểm tương đồng khi nhìn vào phiên bản 1959 và có vẻ như Buick biết chính xác những gì họ muốn giữ lại và những gì họ muốn loại bỏ.
Bạn sẽ nghĩ rằng đó là một bước nhanh chóng từ đây đến biểu tượng hiện đại của họ, nhưng cuộc hành trình đó không chính xác là một con đường thẳng. Vào những năm 70, Buick đã mạo hiểm thay đổi biểu tượng đặc trưng của mình bằng hình ảnh chim săn mồi và không mấy được đón nhận như các logo trước đó.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng mang tính đột phá nhưng thất bại này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và bằng chứng là đến năm 1980, Buick trở lại con đường cũ với biểu tượng ba chiếc khiên. Thay đổi lớn duy nhất kể từ đó cho đến bây giờ là vào năm 2002, thương hiệu này từ bỏ logo màu để chuyển sang logo đơn sắc màu bạc mà chúng ta biết ngày nay.
Buick Logo là điển hình của sự đứng lên sau thất bại, không ngại thử cái mới, và nếu không được thì thử lại, và thất bại là mẹ thành công, qua hơn 100 năm thử nghiệm và đổi mới, Buick ngày này đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong nhận thức của khách hàng.
Kết
Trên đây là 10 ví dụ về sự phát triển logo của các công ty nổi tiếng, logo vẫn luôn là yếu tố quan trọng của thương hiệu, mang lại độ nhận diện và đánh giá của khách hàng, nắm bắt xu hướng, sáng tạo và không ngại thử cái mới là những điều mà dân thiết kế cần để phát triển thương hiệu của mình đi vào lòng người xem.
Phước Thùy
Nguồn tham khảo: 99designs
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia