Nối tiếp những câu chuyện về các em nhỏ trên khắp đất nước, tuần này chúng ta cùng theo chân Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung trở về vùng đất Bình Phước để khám phá câu chuyện tiếp theo trong dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” của anh. “Cũng khác đặc biệt, khi đây là bộ ảnh mà đáng lẽ mình nên thực hiện từ rất lâu rồi, một bộ ảnh kể về cuộc sống của trẻ em S’tiêng ở Bình Phước. Mình có người bạn thân người S’tiêng, rồi nhìn thấy bạn ấy ra đi vì bệnh tật, thấy những đứa trẻ ở đây lao động từ rất sớm và thấy người S’tiêng chịu thiệt về điều kiện sống hơn người Kinh rất nhiều. Những điều đó đã làm mình dành cho họ một tình cảm rất đặc biệt, cũng vì vậy mà không quá khó để đi tìm nhân vật cho bộ ảnh này” – chia sẻ của Chí Trung.
Điểu Sỹ năm nay 13 tuổi, thân hình nhỏ thó nhưng khuôn mặt khá già dặn. Em là con cả trong một gia đình có 3 anh em, vậy nên từ nhỏ em đã sớm làm quen với công việc phụ giúp gia đình.
Đây là nhân vật khiến tôi khá vất vả để ghi lại công việc thường ngày của em ấy, bởi vì mỗi ngày Điểu Sỹ phải di chuyển rất xa, phần lớn là đi bộ. Với sức lực của mình tôi không thể hình dung được một đứa trẻ có thể làm được như vậy.
Trên tay Sỹ là những cọng môn dại, công việc sáng nay của em là đi cắt môn về làm thức ăn cho heo.
Môn dại thường mọc ở vùng ẩm ướt. Hồ nước này bị cỏ mọc phủ lên rất dày, lớp cỏ dày vô tình tạo nhà một lớp phao nổi trên mặt nước. Mình có thể bước đi trên nó, có thể bị lún xuống và bị ướt đến đầu gối nhưng không chìm được.
Thời gian này là mùa mưa ở Bình Phước nên môn dại mọc khá nhiều, chỉ trong chốc lát là Sỹ đã gom được một bó.
Bình thường tóc của Sỹ rất dài và bù xù, nhưng ngay trong buổi tối khi biết tôi xin đi theo chụp hình, em ấy nhanh chóng nhờ cậu mình cắt cho một mái tóc thật ngầu. Sáng hôm sau khi nhìn thấy mái tóc này, tôi cảm thấy khá buồn cười cho cách điệu đà của cậu bé.
Sỹ rửa mặt ở một con mương trước khi trở về nhà.
Sỹ trông nhỏ xíu trên chiếc xe chở đầy môn, băng qua rừng điều để trở về nhà.
Đây là nhà bà ngoại của Sỹ, môn dại sẽ được đổ đống ở đây để làm thức ăn cho heo.
9 giờ sáng Sỹ bắt đầu cùng những đứa trẻ khác đi chăn bò.
Việc chăn bò rất đơn giản, đàn bò sẽ tự đi trên con đường mà chúng đã quen, một con đầu đàn sẽ quyết định cả đàn nên đi hoặc dừng lại ở nơi mà chúng muốn. Bọn trẻ chỉ đi theo chúng, và đưa đàn bò trở về đúng giờ.
Nhưng vấn đề là đàn bò sẽ di chuyển liên tục và Sỹ phải đi theo chúng rất xa. Thời gian di chuyển kéo dài từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khi tôi tỏ ra bất ngờ thì cậu bé chỉ trả lời ngắn ngọn: “Chỉ đi 7 tiếng thôi”. Tức là 7 tiếng di chuyển trên địa hình toàn là đồi dốc và suối.
Đôi giày đã không còn mang vừa, nhưng nó có thể giúp em tránh được gai trên đường.
Sỹ trở về nhà vào đúng 3 giờ chiều. Sỹ đang ẵm em trai 5 tháng tuổi, trên vai em là chiếc khăn truyền thống của người S’tiêng.
Ngôi nhà tre rộng tầm 10 mét vuông với nền đất ẩm ướt.
Đồ đạc trong nhà khá bừa bộn.
Một bữa cơm của gia đình Sỹ.
Sau khi đi chăn bò về, điều mà Sỹ thích nhất là cùng đá banh với bạn ở bãi đất trống trong làng.
Trẻ con ở đây rất thích xem đá banh, ba của Sỹ nói chúng thích xem đá banh hơn cả người lớn.
Bạn có thấy bóng dáng của Balotelli ở đây không?
Tụi nhỏ rất thông minh khi biết cách phối hợp với nhau để lấy banh khi bị văng vào bụi gai.
Trẻ con người S’tiêng lớn lên như cỏ, chúng được ba mẹ để cho tự do chơi đùa mà không nghĩ nhiều về những nguy cơ do kém vệ sinh.
Trẻ con ở đây chống chọi với bệnh tật rất tốt, chúng rất hiếm khi bị bệnh nặng nhưng bệnh cảm thì xảy ra thường xuyên.
Nhà của Sỹ, bà ngoại, nhà của các cậu và dì ở sát với nhau. Vì vậy những đứa trẻ con thay nhau được người lớn chăm sóc.
Việc vệ sinh cá nhân ở đây khá khó khăn, họ hầu như không xây nhà vệ sinh. Những đứa nhỏ trong làng không được người lớn tập cho thói quen dùng xà phòng nên chúng thường bị chí ký sinh trên đầu. Vì vậy trên đường đến đây, mình đã kịp ghé mua đủ các loại nhu yếu phẩm.
Cô bé thích thú vì lần đầu tiên được rửa tay bằng bằng thứ bọt trắng xóa.
Đi đâu đó trong làng vẫn có thể sẽ bắt gặp cảnh người lớn bắt chí cho trẻ con như thế này. Nhìn Sỹ và những đứa trẻ khác mình không thể hình dung bằng một cách kỳ lạ nào mà bọn trẻ ở đây có thể lớn lên như một phép màu. Những lần đỗ bệnh, tụi trẻ con như Sỹ có thể bỏ lỡ vài trận banh trên sân, những buổi học ở trường, uống vài ba viên thuốc từ trạm xá đến khi khỏe mạnh lại tiếp tục phụ giúp ba mẹ. Tôi chỉ mong cho các em biết yêu quý bản thân mình hơn, ý thức được rằng các em ấy luôn xứng đáng với những điều tốt đẹp, bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân chính là cách để cách để các em không phải bỏ lỡ những hạnh phúc của mình.
Tối nay lại cúp điện, bé Loan em gái Sỹ đốt nến cho mẹ.
Kết thúc một ngày dài cùng với Sỹ, mình trở về nhà nhưng vẫn nhớ rõ ánh mắt đen và thật đẹp của cậu bé. 1 ngày của Sỹ dù phải đi bộ 7 tiếng đồng hồ, đi tìm từng cọng môn sâu trong đầm lầy, có thể bước chân trần đi mọi nơi, môi trường sống kém vệ sinh, áo quần nhem nhuốc… nhưng lúc nào em ấy cũng vui vẻ hết. Kiểu được sống một cuộc sống đơn giản như vậy là vui rồi. Sỹ khồng có ước mơ chắc là vì em cũng không dám và không biết ước mơ gì, vì thấy như vậy là đủ vui rồi.
Nếu bị bệnh 1 ngày, niềm vui đó sẽ bị sứt mẻ đi một chút, bớt trọn vẹn, nhưng sẽ là gánh nặng rất lớn đối với gia đình. Mình mơ về một ngày, khi mà những buôn làng của người S’tiêng vẫn giữ cho mình chiếc khăn truyền thống và phong tục tốt đẹp của họ, nhưng lời ca tiếng hát của người S’tiêng sẽ vang lên trong những ngôi nhà khang trang, có đường nhựa trải đến từng nhà, sạch sẽ tinh tươm, những đứa trẻ S’tiêng thơm tho với bàn tay không còn lấm lem đất đỏ. Ngày đó chắc chắn còn dài nhưng phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, đó là thói quen trân trọng và chăm sóc thật tốt cho bản thân, tập cho các em yêu bản thân hơn cũng là tập cho mưu cầu hạnh phúc cao hơn để tìm cách vượt lên số phận của mình.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |