Hình ảnh bé Uyên với chiếc nón của vùng Bắc Bộ chắc hẳn còn lưu luyến trong lòng bạn đọc. Và nối tiếp những câu chuyện về các em nhỏ trên khắp đất nước, tuần này chúng ta cùng ngược xuống miền Trung tới vùng đất Quảng Nam đầy nắng – gió để nối dài thêm những “Chuyện kể của con” với tác giả Đinh Chí Trung.
Theo nguyện vọng của ba, tôi trở về vùng đất Quảng Nam để thực hiện bộ ảnh tiếp theo, quê hương gắn với tuổi thơ nghèo khó và nhọc nhằn của ba mẹ tôi. Quả thật sau vài chục năm từ lúc ba mẹ nam tiến, mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng vùng đất này vẫn khô cằn và nhiều thách thức đối với con người. Cậu bé này là một trong những đại diện cho ý chí và sự lạc quan mà tôi có thể nhìn thấy ở người dân nơi đây, em tên là Hiếu.
Hiếu mồ côi mẹ từ sớm, ba bỏ xứ ra đi biền biệt. Mặc dù đã 12 tuổi nhưng em chỉ mới học lớp 5. Nguyên nhân là sau khi mẹ mất, em được đưa sang Lào sống với cậu. Cuộc sống bên kia biên giới khiến em gần như quên tiếng mẹ đẻ, vì vậy lúc được đưa về Việt Nam em bắt nhịp trễ hơn với bạn bè cùng trang lứa.
Đây là con heo nái mà bà ngoại cho em làm vốn liếng, đó cũng chính là gia tài bé nhỏ của em. Hiếu chăm con heo của mình chu đáo lắm, hàng ngày em cắt rau và đến chợ xin thức ăn thừa về cho nó. Em tắm rửa, nhìn ngắm và vuốt ve nó giống như cách người ta chăm một con thú cưng. Nay heo mẹ vừa sinh được ba chú heo con, niềm vui của Hiếu lại càng nhân lên nhiều lần.
Con heo mẹ vừa đẻ nên rất hung dữ, nó luôn nhìn tôi với cặp mắt cảnh giác. Chỉ cần phát hiện tôi có ý định lại gần con của nó, thể nào nó cũng lao tới ra hiệu cảnh báo.
Hiện tại Hiếu đang sống cùng gia đình nhà dì, dì của Hiếu đi làm xa, bôn ba nhiều nơi, trong khi dượng và một trong hai anh họ của em mất khả năng lao động do bị mắc chứng bệnh tâm thần. Hằng ngày một buổi đến trường, thời gian còn lại em phụ việc nhà và chăm sóc đàn heo của mình.
Em vẫn giữ cho mình sự hồn nhiên như bao đứa trẻ khác.
Hiếu cho tôi xem bức tranh em vẽ dì của mình trong bài tập về nhà. Tôi nghĩ dì là người chiếm một phần quan trọng trong trái tim em.
Tôi đã nhìn thấy những bức tranh chân dung của các em học sinh khác trong lớp, chúng rất khác nhau và mang nét rất đặc trưng của mỗi em, không hề gò bó một nguyên tắc cứng nhắc nào cả. Vì vậy mà tôi rất ngưỡng mộ cách dạy của thầy giáo Hiếu.
Một nhà hảo tâm sau khi biết hoàn cảnh đặc biệt của Hiếu đã hỗ trợ em xuất cơm ở trường, nhờ vậy mà Hiếu và gia đình dì đã đỡ đi một phần lo toan.
Chén cơm này làm tôi nhớ đến câu chuyện Totochan – cô bé ngồi bên cửa sổ. Một bữa cơm dinh dưỡng cần có món của núi và món của biển, đó là lời căn dặn của người thầy hiệu trưởng kính mến với ngôi trường là toa tàu. Nhìn các em tận hưởng bữa trưa ngon lành, vui chơi thỏa thích, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tôi cảm nhận đây cũng chính là ngôi trường nhiều tình thương giống như ngôi trường của Totochan vậy.
Mặc dù lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp nhưng nếu nhìn vào thân hình nhỏ bé của em thì không thể nhận ra điều đó.
Tôi thích một ngôi trường có một khoảng đất trống, không phủ hết bê tông như thế này, cảm giác chạm tay chân trên mặt đất rất mát và dễ chịu. Trẻ con không quan trọng việc chúng bị lấm bẩn, chúng chỉ quan tâm đến điều mình thích mà thôi.
Tan học, đối với những đứa trẻ khác sẽ về nhà ăn tối hoặc xem truyền hình nhưng với Hiếu thì còn nhiều công việc khác.
Hiếu ghé vào chợ để mua thức ăn về chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Hiểu kể với tôi, các cô các dì ở chợ đều biết em vì em đã là khách thường xuyên của họ.
Hiếu trở về nhà, chiếc giỏ xe chứa đủ rau và cá.
Công việc tiếp theo là phải chuẩn bữa tối cho chú heo của em nữa.
Hôm tôi đến thăm nhà, dượng của Hiếu tỉnh táo và tiếp chuyện với tôi rất vui vẻ. Ngôi nhà với 4 người đàn ông, tự chăm sóc nhau.
Những ngọn rau này sẽ được em băm nhỏ rồi trộn với cám để cho heo ăn.
Ở chuồng kế bên là đàn heo của người anh họ, sau khi chăm sóc cho những con heo xinh xắn của mình, Hiếu sẽ phụ anh tắm cho đàn heo chuồng bên.
Vườn hoa của Hiếu. Những hạt giống hoa được Hiếu đem về từ khắp nơi, chúng được em gieo trồng và chăm sóc đầy kiên nhẫn. Chỉ là những loài hoa dân dã nhưng chúng có sức sống rất mạnh, bén rể và đua nhau trổ hoa ngay trên khu đất nghèo dinh dưỡng.
Khi tôi hỏi về ước mơ của mình, Hiếu chỉ cười và nói em không có những dự định xa xôi. Đối với em những ngày sống yên lành bên gia đình dì, được cắp sách đến trường là hạnh phúc đang có thật. Chỉ mong cho dì đi làm xa khỏe mạnh và kiếm được nhiều tiền, ước cho dượng và anh có thể sớm khỏi bệnh, mong cho đàn heo chóng lớn, để em lấy đó làm vốn liếng , tài sản dành dụm cho mình.
Chúng ta vẫn nghĩ rằng ước mơ của của trẻ con giống như trong những câu chuyện cổ tích, là sự diệu kỳ giống trong phim thần thoại. Nhưng thật tế đó là giấc mơ, câu chuyện của người lớn nghĩ ra và thổi vào tâm hồn của trẻ. Còn ước mơ của trẻ con thì không quá phức tạp như vậy, chỉ cần lắng nghe chúng sẽ nhận thấy mỗi người lớn đều có thể trở thành bà tiên và ông bụt cho trẻ con, bởi vì rất nhiều trong số ước mơ đó người lớn có thể thực hiện được.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |