Len lỏi mọi cung đường, qua những con ngách nhỏ trên khắp đất nước để tiếp tục hành trình hiện thực dự án ảnh ”100 câu chuyện trẻ em Việt Nam”. Lần này, Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung quyết định dừng chân tại làng Chuông thuộc huyện Thanh Oai – Hà Nội để viết nên câu chuyện về bé Uyên và làng nghề làm nón lá truyền thống suốt hơn 3 thế kỷ.
Cô bé có nụ cười rụt rè này tên là Uyên, một cô gái Bắc bộ lanh lợi, rất giỏi giang và cũng có phần đanh đá. Trên tay Uyên là chiếc nón lá em đang thắt dở, chiếc nón lá vốn dĩ quá quen thuộc với mỗi người Việt, nhưng ít ai biết đôi khi chúng được làm ra từ những bàn tay bé nhỏ như em ấy.
Uyên sống ở làng Chuông, thuộc huyện Thanh Oai – Hà Nội. Một ngôi làng còn giữ nhiều nét cổ kính và vẫn chung thủy với nghề làm nón lá truyền thống suốt hơn 3 thế kỷ.
Mặc dù mới 8 tuổi nhưng Uyên tỏ ra là một cô bé tháo vát vì hoàn cảnh của gia đình buộc em phải như vậy.
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện từ phiên chợ nón mùng 4 âm lịch của làng Chuông…
Chợ làng Chuông ngày nào cũng họp, nhưng chợ nón chỉ diễn ra rầm rộ vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Phiên chợ thường diễn ra rất sớm, từ 5 giờ sáng người bán đã bày hàng ra, khoảng ít phút sau người mua đã tìm đến. Cảnh trao đổi buôn bán diễn ra ngay trong lúc trời chưa tỏ. Chợ nón diễn ra ở đình làng, đây là hình ảnh để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng, nét văn hóa này chỉ có thể bắt gặp ở khu vực Bắc bộ mà thôi.
Thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, tôi lái xe máy từ trung tâm Hà Nội về làng Chuông. Lúc này trời chưa sáng và vẫn còn mưa nhưng mọi người đã bắt đầu bày hàng. Những chiếc xe đạp chở đầy hàng của các cô, các bà lũ lượt được đẩy vào chợ. Cảnh bày bán diễn ra trong màn đêm với những âm thanh vang lên rõ ràng.
Chỉ vài phút sau người mua hàng đã tìm đến, cảnh mua bán bắt đầu nhộn nhịp bởi tiếng mặc cả.
Chợ phiên cũng là nơi các bà, các cô gặp gỡ, với những câu chuyện bất tận của những người phụ nữ.
Khắp nơi là nón.
Tại phiên chợ, người ta còn bán các nguyên liệu để làm nón. Những người này thường sẽ di chuyển chỗ khắp nơi quanh đình, một lát nữa đây khi đến giờ mở cửa đình, họ sẽ di chuyển sang một chỗ khác gần đấy.
Những chiếc lá này thường được mua từ Thanh Hóa, sau đó họ sẽ phơi khô và đem ra chợ bán lại cho người làm nón.
Mặc dù sống với nghề làm nón từ nhiều thế hệ, nhưng người dân ở đây không phải ai cũng biết chính xác tên của loại lá này vì chúng được đem từ nơi khác đến. Cuộc sống của nhiều người phụ nữ ở làng Chuồng cũng tương tự như vậy, họ không đi quá xa khỏi ngôi làng của mình.
Tầm 8 giờ sáng chợ nón bắt đầu vãn khách, cảnh mua bán diễn ra chóng vánh như vậy. Cụ bà này đang thu xếp lại hàng hóa để trở về.
Sân đình mới đây thôi trông rất đông đúc nhưng giờ chỉ còn lại 1 gian hàng.
Nghề làm nón lá gắn bó với mỗi người dân ở đây, hầu như phụ nữ ở làng Chuồng đều biết làm nón. Từ người buôn bán ngoài chợ đến cô giáo già ở đầu làng mà tôi biết.
Qua mỗi bước chân của mình, tôi càng khẳng định hình ảnh người phụ nữ ở ngôi làng này luôn gắn bó với chiếc nón lá. Tôi có thể bắt gặp họ đang cần mẫn với cây kim và sợ chỉ, với nan tre và những chiếc lá bạc trắng ở từng ngõ ngách, từng nếp nhà.
Nằm sâu trong làng, mà ở đó có một người mẹ cùng ba đứa con gái sống nương tự vào nhau dựa vào nghề làm nón lá truyền thống. Đây là cảnh thường thấy của gia đình Uyên. Khi tôi đến đây, người con gái lớn không có ở nhà. Ba mẹ con quây quần bên nhau trong ngôi nhà quá đổi hoang sơ. Nếu quan sát kỷ sẽ thấy ngôi nhà này đang xây dở dang, đáng lẻ ra nó sẽ là một ngôi nhà khang trang, với tường vôi và nền gạch. Ba của Uyên là một thợ xây, ông mất khi Uyên lên 4 tuổi trong một cơn đột quỵ, khi chưa kịp hoàn thành tổ ấm cho cả gia đình.
Vài ngày nữa sẽ khai giảng năm học, hôm nay Uyên được nhận bộ sách giáo khóa lớp ba mới tinh, quyển sách tập vẻ khiến cho Uyên và chị Ánh rất thích thú.
Uyên là cô bé khá hoạt ngôn và lanh lợi. Cô bé làm tôi nhớ đến cô bạn người Thanh Hóa thời tiểu học của mình, rất đanh đá và thông minh, giờ thì cô bạn đó đã là một giảng viên, là người đỡ đần gia đình rồi.
Ánh thì ngược lại với em mình, là một cô bé 13 tuổi dịu dàng, tôi cảm nhận được cô bé có một tâm hồn rất sâu lắng và hiền lành. Tiếc là Ánh rất ngại trước ống kính, cô bé chỉ cho phép để tôi chụp vài tấm hình.
Uyên đang hoàn thành công đoạn cuối cùng của chiếc nón. Để làm một chiếc nón lá, người ta phải trải qua 5 công đoạn chính: Bức vòng (đan các vòng tre vào khung), quai (trải lá), thắt (khâu chỉ để cố định lá), nứt (làm viền nón), nhôi (đan chỉ màu để làm nơi luồn dây nón). Đó là chưa kể các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu.
Da tay Uyên còn rất mỏng nên khi em cầm kim cảm thấy khá trơn và đau, nhưng điều đó không gây quá nhiều khó khăn cho cô bé. Tôi vẫn thấy bàn tay cô bé thoăn thoắt, dù cho có khá nhiều lần trượt tay khỏi chiếc kim bé nhỏ.
Như đã giải thích bên trên thì đây là công đoạn thắt, tức là khâu chỉ. Ánh nói rằng công việc này khiến em rất nhiều lần bị kim đâm vào tay. Tôi hỏi em thế sao em vẫn làm, cô bé chỉ đáp gọn lỏn “cháu không sợ”.
Đây không phải là một khoảnh khắc mà là một thói quen kì cục và buồn cười của cô bé.
Mẹ của Uyên đang thực hiện công đoạn quai nón, tức là xếp các lá lên trên nón và cố định chúng tạm thời bằng dây. Nhìn kỹ hơn sẽ thấy dưới lớp lá là những vòng tròn đồng tâm được xếp đều đặng lên trên khung, đó chính là công đoạn nứt vòng. Nứt vòng rồi đến quai nón, trong các công đoạn làm nón thì 2 công đoạn này là khó nhất, do đó mẹ phải làm sẵn để các chị em của Uyên thực hiện phần còn lại.
Tôi là người Miền Nam đầu tiên mà mẹ của Uyên từng nói chuyện, chính vì vậy mà đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy “bất lực” trước giọng nói của mình. Do tiếp xúc khá nhiều với mọi người ở các vùng khác nhau nên tôi có thể hiểu được giọng nói của chị, nhưng ngược lại tôi thật sự vất vả để truyền đạt lời nói của mình cho chị hiểu. Chị cho biết một ngày làm được hơn 1 chiếc nón. Mỗi chiếc nón chị bán lại cho thương lái giá 50.000đ. Trừ các chi phí về nguyên liệu, thu nhập mỗi tháng của lao động chính trong gia đình chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
Lớp mo tre này được lót bên trong chiếc nón lá, giúp cho chiếc nón cứng cáp hơn và chống nước tốt hơn.
Uyên đang phụ mẹ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Rau lang rất dễ tìm thấy ở quanh nhà.
Uyên rất vui khi khoe với tôi việc em biết chiên trứng, cô bé vừa làm vừa nói rất nhiều. Em chia sẻ cho tôi bí quyết làm sao để có món trứng thật ngon: “Phải rán cháy một chút mới ngon chú ạ”. Câu nói của cô bé khiến tôi không khỏi bật cười, một cô bé già dặn trước tuổi.
Tôi hỏi Uyên về ước mơ của em, sau này em muốn trở thành một thợ may. Nếu không hỏi rõ hơn từ mẹ của Uyên thì tôi đã không biết được một câu chuyện khác về ước mơ đó. Nghề thợ may mà Uyên mơ ước thật ra là trở thành một cô công nhân may ở các xí nghiệp. Thanh Oai là một huyện vùng ven của thành phố Hà Nội, các cụm, khu công nghiệp cũng bắt đầu hình thành, việc lao động ở các công ty đem lại cho người dân mức sống tốt hơn. Vì vậy với mức lương 5-8 triệu đồng của một công nhân thì đó đã trở thành mơ ước của nhiều người. Ước mơ đó đã truyền đến Uyên qua những câu chuyện của những người lớn trong làng.
Đây là món trứng được Uyên chiên với mỡ, không phải bằng dầu. Một thứ hương vị mà tôi khó có thể nào quên được.
Ba mẹ con vẫn cần mẫn với những chiếc nón lá trong ngôi nhà chưa kịp hoàn thành của người chồng quá cố, yên ắng và tịch mịch, đây là cảnh tượng khó có thể nào phai nhòa trong tâm trí của tôi.
Từ chuyến đi này, những điều tôi nhìn thấy, nghe thấy khiến tôi biết trân trọng và yêu thương những chiếc nón lá của đồng bào mình nhiều hơn. Vì tôi biết rằng sau mỗi chiếc nón lá là mỗi câu chuyện riêng tư, bởi nó không thể được làm từ những cổ máy vô tri vô giác, mà đã được nhiều bàn tay tỉ mẫn, nâng niu, mang trong mình gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Những lời này đã thoát ra khỏi những bài văn mẫu mà tôi từng được dạy, chỉ có những chuyến đi thật xa mới khiến cho tôi cảm nhận đầy đủ những tính từ này.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |