Trên hòn đảo nhỏ rất nhỏ của thành phố Hồ Chí Minh, nơi nước ở hạ lưu sông hòa vào biển lớn, có những chiếc ghe dường như không bao giờ cập bến. Đó là ghe của những con người sống an nhiên giữa biển cả, với nguồn tài nguyên ít ỏi còn sót lại của thiên nhiên. Địa điểm mà Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung thực hiện bộ ảnh lần này là ấp đảo Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ. Anh chàng cho biết, đây là chuyến đi phát sinh sau khi không tìm được nhân vật ở đảo Thạnh An, một đảo khác nổi tiếng hơn ở gần đó. Sau 1 ngày lang thang trên hòn đảo nhỏ bé, định bụng quay về Sài Gòn thì được chủ nhà giới thiệu sang đây bằng một chiếc đò lãi (loại đò có thể thuê), cũng nhờ vậy mà Trung mới có cơ hội tìm thấy Cường và viết nên câu chuyện về em.
Cường cùng với cha và các anh em của mình theo ghe từ Long An đến đây sinh sống và làm nghề đánh cá. Sau mỗi chuyến kéo lưới họ lại neo ghe ngoài biển, mọi sinh hoạt thường ngày đều diễn ra trên ghe. Tôi bị chú ý bởi nước da đen óng và mái tóc màu nắng của Cường, đây thật sự là một chàng trai của biển, nắng và gió.
Sự xuất hiện có phần đột ngột của tôi trên ghe kèm theo chiếc máy ảnh khiến cho mọi người có chút bất ngờ, nhưng sau đó không khí trở nên vui nhộn hẳn lên.
Cường năm nay 13 tuổi, cũng giống như anh hai của mình, cả hai đều học xong lớp 5 thì nghỉ để theo ba đi biển. Với Cường cuộc sống trên biển rất thú vị và vui hơn việc đến lớp mỗi ngày.
Đây là Kiệt, em trai út. Kiệt vốn sống với mẹ ở Long An nhưng do thời gian này là kỳ nghỉ hè nên em muốn theo ba đi biển. Thằng bé khá thích thú với việc quan sát ba và các anh của mình.
Sau khi kéo lưới xong, Cường lái ghe trở về nơi neo đậu. Từ năm 7 tuổi Cường đã biết cách điều khiển chiếc ghe này nên vị trí khoan lái là chỗ ngồi thường xuyên của em. Khoan lái cũng là nơi nghỉ ngơi yêu thích của Cường và em trai.
Ngăn chứa đồ trên khoan lái.
Mẻ lưới hôm nay không thu được nhiều tôm cá. Loại lưới thường được người dân nơi đây sử dụng là loại mắt lưới nhỏ, vì vậy những loại sinh vật biển chưa trưởng thành cũng khó thoát ra được.
Đây là con ốc mượn hồn lớn nhất mà tôi từng nhìn thấy.
Hai con tôm tích lớn này là thành quả lớn nhất của mẻ lưới sáng nay. Anh hai của Cường vui vẻ khoe với tôi.
Các loại hải sản được phân loại rồi sau đó được bảo quản để đem vào chợ bán cho thương lái.
Cường đang vá lại lưới sau chuyến đi. Lúc này tôi vẫn chưa tạo được sự thoải mái đối với Cường, cuộc sống trên biển khiến cậu bé ít tiếp xúc với người ngoài, vì vậy việc làm quen với Cường trở thành thử thách lớn đối với tôi.
Kiệt nhỏ tuổi hơn nên ít ngại ngần hơn, thằng nhỏ khá bướng bỉnh nhưng vẫn có nét đáng yêu của một đứa trẻ.
Mọi người đang say mê với đoạn phim phát qua điện thoại. Trên các ghe đều sử dụng điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên mọi người sử dụng điện cũng khá tiết kiệm. Và một điều nữa là họ chỉ ăn cơm vào hai buổi trong ngày, buổi sáng và buổi chiều.
Đứa bé gái này là cháu của Cường, con của anh hai. Từ mới 2 tháng em đã theo ba mẹ ra biển rồi.
Sau chuyến đánh cá, chiếc ghe được neo lại trên biển, cách bờ không xa lắm. Lúc này trên ghe không còn nhiều việc để làm, mọi người thường nghỉ ngơi còn Cường lại thích thú với việc bơi lội, không thể đếm được mỗi ngày cậu bé nhảy xuống biển bao nhiêu lần.
Hai vợ chồng sống trên chiếc ghe nhỏ này làm nghề giăng câu cá ngát, họ cũng là bà con với gia đình Cường.
Những con bạch tuột được cắt nhỏ để làm mồi, chuyến giăng câu thường bắt đầu vào buổi chiều và họ sẽ quay về vào sáng mai.
Đến chiều thì trời bất chợt nỗi giông, một cơn giông nhỏ nhưng đủ làm tôi nhận ra giông bảo trên biển thật quá đáng sợ.
Một gia đình khác quay về chỗ neo đậu khi trời bắt đầu nỗi giông.
Những chiếc ghe neo đậu ngoài biển thường phải nối lại với nhau để chống chọi với mưa bão và tránh va đập. Cậu bé mặc áo đen ở trong hình tên là Được, Được đang học lớp 10 và đi biển vào dịp nghỉ hè để phụ ba mẹ. Cậu bé này có gương mặt thông minh và khá lanh lợi, em chia sẻ với tôi rằng em thích đi học hơn thay vì cuộc sống lên đênh trên biển như thế này.
Mặc dù các ghe thường neo đậu gần nhau Cường không thích chơi với những đứa trẻ khác. Những lúc tôi thấy Cường một mình, đó là lúc nhìn thấy một khoảng riêng tư rộng lớn của em.
Im lặng và quan sát người lớn.
Trong khi ba của Cường đang nhậu cùng các vị khách, tôi và bọn trẻ di chuyển trên khoan lái. Tôi nhận thấy Cường và các anh em của mình có sự kính trọng đặc biệt đối với ba.
Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung: Sau này lớn lên con muốn làm gì?
Bé Cường: Làm biển giống ba.
Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung: Sau này biển không còn nhiều cá tôm như bây giờ đâu.
Bé Cường: Đâu có.
Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung: Nhiều người đánh rồi cũng hết, mốt con lớn thì cá tôm cũng đâu còn.
Bé Cường: Không hết được đâu, dễ dầu gì.
Đó là cuộc đối thoại ngắn giữa tôi và Cường. Trong tâm trí của em, cuộc sống lênh đênh trên ghe, được vẫy vùng giữa biển và phơi mình giữa nắng gió là niềm vui thú. Cường vẫn luôn tin rằng biển sẽ luôn rộng lượng với con người, để sau này lớn lên em vẫn nối nghiệp ba của mình.
Khi tôi trở nên thân quen hơn với Cường cũng là lúc tôi phải kết thúc cuộc hành trình. Trong tâm trí của mình, tôi vẫn luôn nhớ về em như một chàng trai kiên cường của biển. Tôi mong rằng em sẽ là một thế hệ ngư dân mới, cuộc sống sẽ tốt hơn, vẫn tung hoành giữa biển nhưng luôn có bến đỗ vững chắc.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |