Với Hà Nội, tháng 5 là lúc mà oi bức và nóng nực bủa vây khắp thành phố. Nó làm con người ở Hà Nội trở nên vội vã và nóng nảy hơn. Với Sài Gòn, tháng 5 liệu có thế không mà sao lại thấy nụ cười vẫn nở ở trên đất Thủ Thiêm vỡ vụn? “Chuyện kể của con” là vậy! Nó là chuỗi hành trình mưu sinh của lũ trẻ được thể hiện dưới ống kính anh chàng Đinh Chí Trung. Ở đó có nụ cười của Hân, của Thiết, của Ngà và hôm nay là nụ cười của Đại.
Thời gian thực hiện: Tháng 5 năm 2018.
Địa điểm: Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Đây là bộ ảnh chứa nhiều tiếng cười của hai chị em Linh và Đại. Đại năm nay được 3 tuổi, còn chị hai chỉ nhỉnh hơn em 1 tuổi. Hai chị em đều được sinh ra ở Cai Lậy – Tiền Giang rồi theo ba mẹ vào Sài Gòn sinh sống. Giống như nhiều đứa trẻ khác, Đại và chị hai được sống trong tình thương và sự bảo bọc của ba mẹ. Mặc cho cuộc sống nay đây mai đó, sống trong những ngôi nhà tạm bợ nhưng ba mẹ vẫn giữ cho các em nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Nếu một lần đi ngang qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ không khó để bắt gặp một vài ngôi nhà cũ nát đứng lạc lõng giữa những cánh đồng hoang, giữa những đống bê tông vỡ vụn. Đây là một trong những ngôi nhà như thế, chủ của nó đã cố gắng giữ lại nó với rất nhiều nổ lực phản đối quy hoạch giải tỏa của chính quyền. Ba mẹ đưa Đại và chị hai về sống ở ngôi nhà này được vài tháng nay, sau khi được chủ nhà cho phép. Lúc mới về đây, hai chị em Đại rất sợ vì ngôi nhà quá cũ và hoang vắng, nhưng bây giờ các em đã rất dạn dĩ rồi, sẳn sàng đi thăm khắp nơi.
Đại và chị hai bên ngôi nhà của mình. Ngôi nhà vốn dĩ không có cửa sổ lẫn cửa ra vào, ba của Đại đã phải tốn rất nhiều công sức để sửa sang lại nó.
Đại đi xung quanh nhà, đây là nơi hai chị em thường vui chơi mỗi ngày
Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây dại xung quanh nhà vươn lên tươi tốt, buổi sáng ở đây khá mát mẻ và trong lành. Đại khá tò mò, vì nấp sau những chiếc lá đó có những điều bí mật.
Không hiểu sao lúc nhỏ mẹ không bao giờ mua dép vừa khít vơi chân của mình.
Tiếng cười đùa của hai chị em Đại làm cho không gian ở đây tươi vui hẳn lên
Nước sinh hoạt được mua từ nơi khác và chở về đây. Mặc dù hay bị ba mắng nhưng Đại vẫn rất thích nghịch nước. Thằng bé chốc chốc lại viện đủ lý do như rửa tay, rửa chân để có thể tiếp cận với thùng chứa nước.
Chiếc bánh rất dai do để lâu ngày nhưng bé Linh vẫn ăn rất ngon lành.
Gian bếp của gia đình. Trước khi gia đình Đại chuyển đến đây, ngôi nhà không có người trông giữ nên tất cả những vật có giá trị đều đã bị mất. Họ tháo cả những cánh cửa, dây điện lẫn mái tôn lợp nhà. Vì vậy ba của Đại phải dùng gạch để xây bít lại các cửa sổ như thế.
Sau bữa cơm trưa.
Đại rất ghét để ba chà chân và lau mình, vì ba không nhẹ nhàng chút nào.
Chiếc bồn tắm giúp người ta hiểu rằng ngôi nhà này cũng từng tiện nghi, những đống đổ nát còn sót lại cho thấy dân cư ở đây trước kia cũng không hoang vắng như bây giờ. Có vẻ dự án Thủ Thiêm đã làm mọi thứ thay đổi.
Bữa cơm chiều của hai chị em Đại, hôm nay mẹ về trễ nên ba cho tụi nhỏ ăn trước. Gia đình của Đại được chia sẻ điện từ một gia đình khác cách đó khá xa, nhưng để tiết kiệm điện, bọn trẻ được dùng bữa ở ngoài trời. Thật ra hai chị em Đại cũng thích như vậy. Buổi chiều không khí ở cánh đồng hoan này rất dễ chịu, ở giữa Sài Gòn thì đó lại là sự tận hưởng.
Rời đi khi trời vừa chập tối, khi tiếng côn trùng bắt đầu ngâng lên. Bên kia cánh đồng lau sậy, không xa là những ánh đèn lung linh rực rỡ. Đứng ở đây hướng mắt về phía trung tâm thành phố mới thấy rõ hoảng cách giữa sự giàu và nghèo chỉ cách nhau một con sông, nhưng tưởng như khoản cách giữa như núi cao và vực thẳm. Hai chị em Đại vẫn nô đùa với nhau trên mảnh đất hoang, nhìn bọn trẻ mà ước rằng sẽ giữ cho tâm hồn mình mãi hồn nhiên như các em, để dù cuộc sống có ra sao vẫn luôn hạnh phúc và mỉm cười.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |