Nối tiếp hành trình “100 CÂU CHUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM” với chủ đề “Chuyện kể của con” của anh chàng Đinh Chí Trung, tuần này chúng ta sẽ được di chuyển cùng nhau đến Phước Long, Bình Phước để ngắm nhìn những hình ảnh vô cùng bình dị của Thiết và ngôi nhà trên nước của em.
Thời gian thực hiện: tháng 4 năm 2018.
Địa điểm: Phước Long, Bình Phước.
Thiết cùng tấm lưới trên tay
Thiết xuất thân từ một gia đình gốc Campuchia. Khoảng 20 năm trước, vì cuộc sống quá khó khăn nên ông nội em đã đưa gia đình rời bỏ quê hương, họ đến Việt Nam, định cư tại lòng hồ lớn thuộc tỉnh Bình Phước. Gia đình Thiết không có đất, họ sống trong một ngôi nhà nổi giữa lòng hồ, ngôi nhà bé nhỏ bằng tre, trôi nổi theo con nước.
Cuộc sống của cả nhà em gắn bó với lòng hồ, phần lớn mọi người trong đại gia đình làm nghề đánh cá, vì vậy tấm lưới trên tay em là vật dụng rất đỗi thân thuộc, là một phần tuổi thơ của em.
Đây là Thiết và ngôi nhà của đại gia đình, bạn có thể thấy họ có tất cả 3 ngôi nhà nhỏ được nối lại với nhau. Ngôi nhà lớn nhất nằm giữa là nhà của ông bà, cái kế bên là của gia đình người chú, cái bé nhất là nhà của gia đình Thiết. Trong tấm hình này, không phải Thiết đang tắm, mà em đang bơi vào bờ để chèo thuyền đưa tác giả ra thăm nhà.
Với chiếc thuyền lớn, thì một cậu bé 6 tuổi khiến cho người ta phải hồi hộp rằng không biết cậu sẽ chèo sao cho vững. Nhưng với Thiết, tay lái của em điêu luyện đến nỗi người trên thuyền có cảm giác việc lái một chiếc thuyền hẳn đã trở thành chuyện thường ngày đối với cậu bé nhỏ xíu.
Đối với Thiết, mặt nước từ lâu đã là nhà.
Ở đây còn có những đứa trẻ khác, chúng thường nô đùa với nhau trên những bè cá mà không một chút lo lắng.
Ông nội của Thiết đang vá lại tấm lưới để chuẩn bị cho một chuyến đánh cá mới. Phía sau lưng ông, đất liền ở rất gần.
Thiết đang xem anh Có vá lưới. Có năm nay đã 18 tuổi rồi nhưng trông khá nhỏ con, Có nghỉ học từ rất sớm và phụ ba mẹ đi đánh cá.
Ở đây mọi thứ đều chật hẹp.
Bữa cơm trưa của gia đình Thiết. Thiết còn có một người anh lớn hơn mình 2 tuổi, cậu bé này tên là Tha. Tha Thiết, cái tên của 2 đứa bé làm tôi không khỏi hình dung về tâm tư của ba mẹ chúng.
Đây là khoảnh khắc mà gia đình Thiết được đề nghị chụp một bức hình lưu niệm, ánh lên trong bức ảnh là niềm vui khi cả gia đình cùng nhau chụp. Ngôi nhà này quá bé nhỏ đến nỗi khó có thể đứng thẳng người khi bước vào đây, ấy vậy mà nó là nơi che nắng mưa cho đến 4 người của gia đình Thiết.
Sau bữa cơm trưa, ba mẹ Thiết tiếp tục đi làm. Ông bà nội và gia đình anh Có lên đường đi đánh cá, họ sẽ đi suốt đêm và hôm sau mới quay trở về.
Khu nhà nổi này trở nên vắng ngắt, chỉ còn một mình Thiết rong rủi trên những bè cá. Dù đã 6 tuổi rồi nhưng ba mẹ Thiết vẫn chưa đủ khả năng để cho em đi học. Vì vậy khi ba mẹ đi làm và anh Tha đi học, ngôi nhà của Thiết chỉ còn mỗi mình em.
Đất liền ở rất gần, nhưng theo lời ông nội của Thiết, ước mơ di dời gia đình vào đất liền thật sự quá xa vời.
Đến chiều, Thiết quay vào bờ để đón Tha và những đứa trẻ khác đi học về. Ở khu nhà nổi, tính luôn cả Thiết là có 5 đứa trẻ.
Thiết vui mừng chia bánh kẹo cho các anh chị của mình, đây là số bánh kẹo Thiết được mua trước đó tại một tiệm tạp hóa nhỏ với vẻ mặt bồi hồi đầy trong sáng.
Một ngôi nhà nổi đã hư hỏng, chủ của nó buộc phải bỏ nó lại đây để vào đất liền và xin ở nhờ vào một gia đình khác.
Ngôi nhà củ nát và có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào, nhưng nó lại trở thành chỗ vui chơi yêu thích của những đứa trẻ.
Đây là cách bọn trẻ tắm mỗi ngày.
Ở ánh mắt, làn da hay gương mặt của các em đều ánh lên điều gì đó. Thật khó để nói lên được…
Chiều tối, hai anh em Tha Thiết đưa tác giả trở lại bờ. Hai đứa trẻ với thân hình nhỏ nhắn nhưng tháo vát nhanh nhẹn.
Liệu những ngôi nhà nổi kia có thể tồn tại được bao lâu nữa trên mặt nước, liệu giấc mơ trở về đất liền của ông và ba mẹ chúng có thành hiện thực.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |