Sau 12 câu chuyện Chí Trung bắt đầu thấy khó khăn nhiều hơn trong việc đi tìm nhân vật, để tìm được một cô bé, cậu bé có cuộc sống thật sự thú vị và đáng để kể lại thì đó chính là một thử thách lớn chàng trai này!
Hơn 3 tháng dậm chân tại chỗ dù Chí Trung đã thực hiện những chuyến đi xa đến Thanh Hóa, Ninh Bình, nhưng vẫn không tìm được câu chuyện mà Chí Trung mong muốn. Chí Trung tự hỏi tiêu chí mà bản thân đặt ra có khắt khe quá hay không, liệu dự án này có khả năng hoàn thiện hay không. Hãy nghe chàng trai Đinh Chí Trung kể về hành trình rong ruổi tìm kiếm những câu chuyện thú vị về những trẻ em Việt Nam.
Đề 14 tuổi – bên trái; Chuyển 15 tuổi – bên phải
Khi có thời gian để nhìn lại những bộ ảnh đã thực hiện, lúc này mới nhận ra mình chẳng những không khắc khe mà còn dễ dãi với bản thân, riêng xét về góc độ nhiếp ảnh thì vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn phải cố gắng hơn rất nhiều.
Chuyến đi lần này kéo dài 12 ngày, đến lúc lên đường trong suy nghĩ của mình vẫn còn mơ hồ lắm. Khi đáp máy bay xuống Hà Nội, củng cố một vài thông tin mình mới quyết định bắt xe đi thẳng lên Phú Thọ, dựa theo lời giới thiệu của một anh Youtuber kênh Hành Trình Hoang Dã.
Thế rồi trải nghiệm về cuộc sống hoang dã của mình cũng bắt đầu từ đây.
Chuyển và Đề sống tại một bản nhỏ trong rừng cùng với mẹ và 2 người em nữa, ba thì đi làm công ở Hà Nội, vài tháng lại về một lần. Chính bởi nhà nghèo nên tụi nhỏ biết tự lực sớm, ngoài việc học ở trường chúng còn có thể làm mọi công việc trong gia đình, từ việc bắt cá, tìm rau, rủ nhau săn chuột, hái măng rừng rồi đem về tự nấu những bữa cơm.
Hôm đầu tiên mình đi theo tụi nhỏ bắt cá, cảnh đẹp ở cái bản nhỏ lọt thỏm trong rừng đẹp và yên bình lắm, mình nhớ nhất là những cây cọ cao lớn đứng sừng sững trên những ngọn đồi, người dân trồng ngô, trồng sắn nhưng vẫn giữ lại chúng.
Bắt cả buổi chiều nhưng cả cá, cua các loại gom lại tuy không nhiều nhưng cũng được một món cho bữa cơm. Chiều hôm đó trời bắt đầu mưa lớn, dân miền nam như mình vốn không chịu được lạnh, lại không đem đủ đồ ấm nên run cầm cập dù nhiệt độ mới xuống 14 độ C.
Đề tranh thủ hái bó rau én mọc dại trên nương cho bữa tối
Hôm chia tay, mình cùng tụi nhỏ cũng nấu cơm như vậy, mình nghĩ người Mường vẫn dùng việc mời cơm và cùng dùng cơm với nhau là cách bày tỏ tình cảm của mình.
Đến tối thì trời tạnh mưa hẳn, mình đội đèn theo Chuyển và Đề đi săn chuột dù vẫn còn lạnh. Đề cầm theo một cây nỏ trông khá chuyên nghiệp, nhưng cơn mưa lúc chiều khiến lũ chuột rút vào hang hết, suốt tối hôm đó chỉ bắt được vài con nhái và cua.
Ngày hôm sau, hơn sáu giờ sáng Đề đã xuất hiện trước ngõ nơi mình trọ, lũ trẻ con trong bản cũng lân la quanh đó để xem mình còn kẹo cho chúng không. Buổi sáng ở đây không có gì ăn ngoài bánh mì ngọt, ba chú cháu ăn đại chiếc bánh rồi xuất phát lên ngọn đồi ở khá xa trong rừng.
Đề và Chuyển đi men theo khe nước để leo lên đồi tìm những chú cua, đó cũng là con đường mà những người gác rừng hay đi tuần, khắp các con đường dẫn vào rừng đều có những biển báo kêu gọi người dân giữ lấy rừng, yêu lấy rừng.
Họ không dùng những biển cấm phá rừng đầy nguyên tắc, đó là điều khiến mình cảm nhận được tâm huyết của người quản lý rừng, trong đó mình thích nhất tấm bản ghi “yêu rừng sẽ giữ được rừng”, ngắn gọn nhưng sâu sắc. Những chuyến đi kiếm ăn của Đề và Chuyển là sự vui chơi nhiều hơn việc mưu sinh, tuổi thơ của tụi nhỏ là trải nghiệm mà không phải ai cũng có được, bởi chúng được lớn lên cùng sự bao bọc của thiên nhiên.
Tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng khiến tụi nhỏ trở nên mạnh mẽ và khéo léo. Đề tuy nhỏ tuổi hơn nhưng lanh lợi và giỏi việc, Chuyển lại tỏ ra là một người anh điềm đạm. Mình tin rằng từ cánh rừng ấy, sẽ làm nên những con người giỏi giang, mang trong mình tình yêu đối với rừng, giữ lấy rừng.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể. Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung tại đây nhé! |