Mỗi đứa trẻ lớn lên đều mang trong mình những chuyến phiêu lưu đầy màu sắc, đứa trẻ nhà Dính trong câu chuyện số 11 thì gắn tuổi thơ mình với núi rừng với con suối, em bé Thiết ở câu chuyện số 2 thì gắn tuổi thơ mình với sông nước mênh mông, câu chuyện số 7 thì lại có hình ảnh bé Uyên gắn tuổi thơ mình trong hình ảnh những chiếc nón lá. Dù là gì hay ở đâu thì các em đều có những chuyến phiêu lưu đầy thú vị. Hôm nay, lại tiếp tục với chuyến hành trình nữa trong “Chuyện kể của con” của anh Đinh Chí Trung, chúng ta cùng đến vùng biển Phú Yên để thấy cái nắng, cái gió, cái dạn dĩ trong gương mặt cậu bé Tiến.
Địa điểm: Tuy An, Phú Yên
Thời gian: Tháng 11 năm 2018
Đây là một trong số ít bé nhớ tên mình ngay chỉ sau 1 lần giới thiệu. Cậu bé này tên là Tiến, năm nay em ấy 8 tuổi và đang học lớp 3, một cậu bé thông minh và cực đáng yêu, mình thật sự đã bị chinh phục bởi sự đáng yêu của em ấy. Mỗi ngày của Tiến diễn ra giống như một cuộc phiêu lưu đầy màu sắc. Mình đã có may mắn theo chân em ấy trải nghiệm một ngày thật thú vị và đáng nhớ.
Sau giờ học ở lớp, Tiến có một công việc đặc biệt là đi bắt còng để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ở địa phương này nghề nuôi tôm hùm khá phát triển, vì vậy nhu cầu về nguồn thức ăn dành cho tôm hùm cũng tăng theo. Người lớn lẫn trẻ con thường đi bắt các loại thức ăn tự nhiên đem bán cho các trại nuôi tôm, loài còng biển cũng là một trong những loại thức ăn được thu mua thường xuyên.
Những hạt cát luôn bám đầy trên khuôn mặt của em ấy.
Việc bắt còng tưởng như là một thú vui của bọn trẻ nhưng thật ra cũng phải cần một số kỹ năng. Ban ngày sẽ bắt còng theo cách khác và ban đêm sẽ bắt theo cách khác.
Vào ban ngày, muốn bắt còng thường phải đào vào hang của chúng. Tiến có thể nhận biết hang nào có còng bên trong, hàng nào không có, và có thể biết dc hang đó nông hoặc sâu.
Ban đêm còng hoạt động nhiều hơn, chúng tự ngoi lên mặt cát, có những đêm bờ biển sáng trắng những còng. Nhưng đó cũng là lúc chúng lanh lợi nhất, rất khó bắt. Lúc này Tiến sẽ đem theo một cây tre dài để phá hang không cho chúng trốn vào lòng đất, sau đó thật nhanh nhẹn tóm lấy chúng.
Những con còng lớn như thế này còn có thể nấu thành những món khoái khẩu, do còng chứa rất nhiều dinh dưỡng nên ăn quá nhiều cũng dễ bị say đấy nhé!
Đôi khi có những hang quá sâu, cánh tay nhỏ bé của Tiến không thể với tới nên đành phải bỏ cuộc.
Một ký còng được mua lại với giá 30 ngàn đồng, có những ngày Tiến có thể bắt được 1 đến 2 ký. Hôm nay biển động nên chỉ bắt được rất ít.
Một ngày của Tiến bắt đầu từ 5h30 sáng. Gốc cây bàng là nơi tụ tập các gánh đồ ăn, Tiến ra đây để mua cho mình ổ bánh mì, trong lúc ngồi đợi thằng bé tiện thể nướng giúp cô chủ quán những ổ bánh giòn tan.
Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, chẳng ai hỏi ai, vì mọi thứ đã theo thói quen rồi.
Thế là hai chú cháu bắt đầu một ngày với ổ bánh mì chả cá cực ngon, giòn tan với giá 5 ngàn đồng.
Tiến cùng nhiều người khác đang di chuyễn đến gành đá, nơi ngư dân chuẩn bị cập vào bờ sau chuyến đánh bắt cá. Công việc mỗi sáng là như vậy.
Mình tiếp tục theo chân Tiến để biết công việc sáng nay của cậu bé là gì.
Đây là gành đá, nơi cập bờ của ngư dân.
Tiến cùng mọi người đang chờ những chiếc thuyền thúng cập bờ. Mỗi sáng Tiến đến đây để chờ cậu mình đánh cá trở về và phụ cậu gỡ cá. Công lao của em ấy sẽ được trả bằng những chú cá đem về làm thức ăn cho gia đình.
Vì những ngày này biển động, để tránh sóng biển, ngư dân phải cập bờ ở nơi gành đá cheo leo này thay vì cập bờ vào sâu trong đất liền.
Sau một đêm thả lưới vất vả, những người ngư dân còn phải đưa thúng và lưới vượt qua gành đá này để vào bờ.
Hôm nay biển động nên mẻ lưới của tất cả mọi người đều thu được rất ít cá.
Tiến đã thạo việc nên có thể gỡ cá mà không bị rách lưới.
Cá liệt (theo tiếng địa phương) là loại cá rất phổ biến ở đây.
Hầu hết mọi người ở đây đều biết tên của Tiến, họ đã quen với sự xuất hiện của em ấy.
Tiến đang phụ cậu thu lưới, chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào ngày mai.
Sau 7h30 sáng, các thúng cá đều đã cập bờ. Việc mua bán cá diễn ra ngay trên bãi biển. Tiến lân la xem các cô các chị buôn bán, mặc cả. Cậu bé đặc biệt để ý quan sát và lắng nghe người lớn đối thoại với nhau.
Cá đánh bắt được một phần đem bán, người ngư dân không quên chừa lại một ít để ăn và cho người thân.
Do hôm nay ông cậu không đánh được nhiều cá nên Tiến không có cá để đem về, tuy nhiên cậu bé vẫn rất vui vẻ, vì hôm nay còn nhiều thú vui khác để giới thiệu cho chú chụp hình.
Đây là dây dưa lê mọc dại mà Tiến đã theo dõi từ rất lâu.
Tiến khoe với mình đã hái ăn một trái rồi, trái này chưa chính nên em để dành. Còn 2 trái nữa nhưng nó đã bị hư mất rồi.
Gai bàn chải (theo tiếng địa phương) là loại cây dại phổ biến ở Phú Yên, mình nghĩ tuổi thơ của không ít người dân địa phương đã gắng với vị trái của nó.
Tiến chỉ cho chú chụp hình cách ăn trái bàn chải.
Thật tình là vị của nó không ngon lắm đâu, đổi lại lưởi của mình sẽ có màu tím đỏ kèm theo cảm giác ngứa khắp người do bất cẩn để lông tơ của trái bàn chải bám vào người.
Tiến hái một bông hoa trâm ổi khi đưa mình ngang qua ổ rắn mà lần trước em nhìn thấy.
Những chú còng cũng trở thành món đồ chơi của em ấy.
Việc đi bắt còng đem lại cho Tiến nhiều niềm vui, có những đêm cùng những đứa trẻ khác trong làng rọi đèn đi suốt đêm, đem về những xô còng đầy ấp là niềm hạnh phúc của em ấy. Niềm vui vừa được vui chơi, vừa đem lại thu nhập cho gia đình. Ba mẹ của Tiến tuy nghèo nhưng dành cho em hết thảy tình thương, mình nhìn thấy tình thương đó qua sự nuôi dưỡng tâm hồn tốt đẹp của cậu bé. Lần đầu tiên mình đến Phú Yên và nhận thấy nơi đây quá đổi xinh đẹp, thế rồi nhờ theo chân Tiến suốt một ngày mà mình hiểu hơn về cuộc sống của người dân địa phương, càng thấy yêu quý vùng đất này.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể.
Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |