Tiếp nối câu chuyện số 10 “Chạ và tiếng khèn trên cao nguyên đá” chúng ta cùng theo chân Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung để tìm hiểu thêm về nếp nhà, nếp nghĩ của những đứa trẻ H’mông khác trong hành trình hiện thực dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” đầy ý nghĩa của anh nhé.
Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc Dính là ai, đó là tên một người bạn H’mông đã đưa mình đi tìm nhân vật trên cao nguyên Đồng Văn suốt 3 ngày trời. Tụi mình đã vạch ra nhiều kế hoạch cho việc tìm nhân vật, nào là trẻ em biết làm bánh tam giác mạch, trẻ em ở hợp tác xã làm vải lanh… Nhưng cũng như nhiều chuyến đi khác, thực tế không phải lúc nào cũng theo ý muốn, không thể tìm được nhân vật như suy đoán.
Ngày trước khi rời khỏi Đồng Văn, mình muốn ghé thăm gia đình của Dính. Đó là ngôi nhà nằm lọt thỏm dưới chân của những ngọn núi đá, mất khoảng 2 cây số đường mòn mới có thể đến nơi, đường rất khó đi nhưng cảnh đẹp thì thật sự khiến mình phải choáng ngợp. Vì người trong cùng họ hàng thường ở gần nhau nên nhà của Dính rất đông trẻ con, những đứa trẻ đáng yêu và câu chuyện các bé cũng đặc biệt. Suốt chuyến đi Dính không kể quá nhiều về gia đình, nên khi đến đây mình khá bất ngờ. Thế là Đồng Văn đã níu chân mình thêm một ngày nữa, để kể câu chuyện về những đứa cháu của Dính.
Đây là Phương, cậu bé đáng yêu này mới chỉ 5 tuổi thôi. Phương học trường mẫu giáo cách nhà khoảng 2 cây số nhưng đã tự biết băng đèo để đi học rồi.
Đây là Chá, Chá học lớp 4 ở trường nội trú; vào cuối tuần em lại trở về nhà để phụ giúp ba mẹ lấy củi, cắt cỏ cho bò và lợn.
Đây là Say, Say là anh trai của Phương nhưng chỉ nhỉnh hơn 1 tuổi thôi.
Còn đây là em gái 4 tuổi của Chá, em tên Mỹ, hàng ngày Mỹ cũng theo Phương và Say theo đường mòn để đến trường. Mặc dù còn rất nhỏ tuổi nhưng bọn trẻ đã biết phụ giúp ba mẹ bằng những việc đơn giản.
Buổi chiều là lúc bọn trẻ tụ tập đông đủ nhất, tiếng trẻ con làm không khí vui hơn rất nhiều.
Chá đang đợi các em tan học để cùng trở về nhà, xa xa nơi thấp thoáng những ngôi nhà kia là trường của lũ trẻ. Đồng Văn có núi cao trùng điệp, chính vì vậy khi nhìn những ngọn núi đó như lúc ẩn lúc hiện, cảm giác giống như một tấm hình bị cắt ghép vậy.
Không gian yên ắng bị phá vỡ bằng tiếng cười nói của trẻ con vọng lại từ phía xa.
Một đám con nít nối đuôi nhau băng qua đèo để trở về nhà, tiếng cười nói rôm rả rất đáng yêu. Ở Đồng Văn rất dễ bắt gặp hình ảnh này, trẻ con cùng nhau đi đến trường rồi lại theo nhau trở về nhà, không cần người lớn bận tâm.
Mình trở thành nhân tố đặc biệt trên đường của bọn trẻ, Phương và Say cùng những đứa trẻ khác tỏ ra hiếu kỳ trước ống kính.
Cơn mưa của những ngày qua khiến cho đường trở về nhà trở nên lầy lội.
Trẻ con ở vùng cao lấm lem cũng là vì vậy.
Chỉ cần một vũng nước nhỏ cũng là chỗ rửa chân của bọn trẻ.
Đây là công việc quen thuộc của Chá sau khi trở về nhà vào cuối tuần.
Giống bò có u là giống bò đặc trưng của người H’mông, chúng to lớn, có bộ lông rất dày và đẹp.
Đá cũng là thứ gắn bó với đời sống của người dân nơi đây, chỉ có chiếc máng bằng đá được đục đẽo kỳ công này mới có thể chống lại hàm răng háu ăn của những chú lợn.
Chiều hôm đó, mình theo Chá và bọn trẻ đi cắt cỏ cho bò.
Chá và các em của mình đã quen với việc di chuyển trên những ngọn núi đá chênh vênh.
Phương tuy nhỏ tuổi nhưng đã biết sử dụng liềm khéo léo, nhìn cậu bé cắt những ngọn cỏ ngọt sớt khiến mình cảm thấy thích thú.
Bọn trẻ tìm thấy một trái bí còn sót lại của vụ mùa trước đó.
Mỹ còn bé nên chỉ miệt mài với những nhánh hoa dại.
Trên cao nguyên này cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng đổi lại là sự yên bình mà không phải nơi nào cũng có được.
Phụ nữ H’mông có thói quen quấn lên mình mình những sợ lanh khi lên nương, họ sẽ tranh thủ se sợi lanh trong lúc đi bộ hoặc lúc nhàn rỗi. Chá tuy chưa se lanh khéo léo bằng mẹ nhưng cũng đã rất thành thạo.
Vải lanh sau khi dệt xong thường sẽ được đem bán hoặc dùng trong những lễ đặc biệt, thay vì may làm trang phục thường ngày như trước kia.
Những đoạn đường quá xấu được người dân góp tiền để làm lại bằng xi măng, trước đây khi vào mùa mưa, phải cần đến 2 người mới có thể đưa xe máy qua được con dốc này. Con đường về nhà Dính vẫn còn nhiều đoạn lầy lội khó đi.
Sợi vải đỏ cột vào nhánh cây là một nghi thức do thầy cúng thực hiện, nhằm xua đuổi tà ma, đem lại may mắn và sức khỏe cho người trong gia đình.
Khép lại một chuyến đi dài ngày, mình sẽ nhớ hoài về một cao nguyên yên bình và xinh đẹp. Mặc dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng mình cảm thấy những đứa cháu của Dính là những đứa trẻ thật hạnh phúc, các em có được tuổi thơ tươi đẹp giữa quê hương cùng với tình thương và lòng đoàn kết của gia đình. Con đường phía trước của các em ấy sẽ còn nhiều vất vả, nhưng mình nghĩ đó sẽ là những hạt mầm giỏi giang nhất, chỉ cần những cơn mưa thuận lợi sẽ đâm chồi, tỏa sáng.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể.
Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |