Người H’mông có mặt tại Việt Nam khoảng 200 – 300 năm trước, do tập tính dân tộc nên họ thường sống ở nơi cao hơn các dân tộc khác. Theo chân nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung với “100 câu chuyện về trẻ em Việt Nam”, chúng ta cùng đến vùng cao nguyên đá có người H’mông sinh sống, để có thể cảm nhận cuộc sống của họ đằng sau những ánh mắt và nụ cười vô cùng giản dị.
Từ lâu mình bị ấn tượng mạnh về gương mặt của trẻ em H’mông qua những bức ảnh, những thước phim lướt qua từng gương mặt, rất tươi đẹp và đặc trưng. Những hình ảnh ngắn ngủi và ít thông tin càng khiến mọi thứ mơ hồ hơn. Và rồi mình đã đến được vùng đất xa xôi ấy, cảm nhận cuộc sống của người H’mông không chỉ bằng mắt, để có thể kể nhiều hơn về câu chuyện chân thật phía sau ánh mắt và nụ cười của họ.
Vàng Mí Chạ là một cậu bé người H’mông, mới 12 tuổi nhưng dạn dĩ và tháo vát. Là người anh cả trong gia đình, mình cảm nhận được tính cách sớm trưởng thành của em ấy. Người H’mông ở trên núi cao nên việc lao động của họ càng trở nên vất vả, việc leo dốc và vác nặng là chuyện thường ngày của họ, Chạ cũng không ngoại lệ.
Do chỉ học đến lớp 5 nên Chạ vẫn chưa thạo tiếng Kinh, việc trò chuyện với em ấy hầu như mình đều phải thông qua người bạn bản xứ đi cùng. Chiếc ná này là thứ đồ chơi thường được em mang theo bên mình, mình rất thích nhìn ánh mắt của Chạ khi kéo căng dây ná, ngắm bắn những chiếc lá trên cao.
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, rất dễ để bắt gặp hình ảnh người H’mông đi lấy củi như thế này. Từ trẻ con đến phụ nữ, việc lấy củi là công việc thường ngày.
Ở đây, việc có một bếp lửa để nấu nướng và sưởi ấm vất vả hơn rất nhiều so với miền xuôi.
Sau một khoảng thời gian khá lâu Chạ mới đốn hạ được cái cây này. Đất ở Đồng Văn tuy là đồi núi nhưng đều có chủ, vì vậy việc lấy củi phần lớn cũng diễn ra ở trên khu đất của gia đình họ.
Mẹ của Chạ đang bó những cành cây lại.
Đường núi dốc khiến Chạ cần dừng lại nghỉ một chút, ánh mắt mông lung thả về phía thung lũng khiến cậu bé lớn hẳn so với tuổi của mình.
Mình cùng hai mẹ con của Chạ quay trở về nhà.
Mình cảm thấy rất thú vị vì được đến thăm nhà của Chạ. Ngôi nhà với tường đất rất dày này là kiểu nhà khá phổ biến của người H’mông. Nhà hầu như không có cửa sổ, bên trong có một gác lửng để chứa ngô và đồ đạc. Những gia đình khá hơn thì tường được thay bằng gạch bê tông nhưng không gian thì tương tự.
Chạ xếp củi lại cho ngăn nắp.
Đây là em gái út của Chạ, cô bé khá dễ gần và cười rất nhiều khi gặp mình.
Chạ đang cho heo và bò ăn, thức ăn của heo đều được nấu chính và cỏ cho bò luôn được cắt nhỏ.
Người H’mông không còn sử dụng phổ biến loại vải lanh trong trang phục thường ngày, thay vào đó quần áo được may bằng các loại vải hiện đại, kiểu dáng thì vẫn khá giống với trang phục truyền thống.
Chạ đang phụ mẹ chuẩn bị cho bữa tối, những đứa trẻ cùng với chú cún con đứng ngay ngắn nhìn anh trai trông thật đáng yêu.
Ngô là loại lương thực chính của gia đình, ngô được xay nhuyễn và nấu theo cách riêng của họ. Bếp lửa là nơi quây quần, giữ ấm cho các thành viên.
Vì thời tiết lạnh nên hầu như mọi sinh hoạt đều diễn ra bên trong nhà.
Bàn tay của Chạ làm tôi cảm nhận được nhiều điều về cuộc sống của em. Một cậu bé 12 tuổi, thạo tất cả những công việc phụ giúp gia đình nhưng vẫn chưa biết chăm chút cho bản thân.
Tiếng khèn vang vọng trên cao nguyên là thứ âm thanh dễ đi vào trí nhớ. Chạ không ngại ngần kể về tài thổi khèn của em ấy, mặc dù tiếng khèn của Chạ vẫn còn vụng về nhưng đủ khiến mình cảm thấy rất thích thú.
Khá nhiều con trai H’mông biết thổi khèn, nhưng không phải ai cũng có thể thổi thành bài hoàn chỉnh. Làm ra một chiếc khèn cũng không đơn giản, nhà của Chạ không có khèn nên mỗi lúc rảnh rỗi ba của Chạ thường mượn để dạy cho em ấy.
Ở cao nguyên đá Đồng Văn, luôn có thể bắt gặp những cô bé cậu bé giống như Chạ, có thể là các em đang vác củi trên đường, đang cắt cỏ trên những ngọn núi chênh vênh, đang mặc những chiếc áo mỏng manh giữa trời giá rét… Trẻ con ở vùng cực bắc Tổ quốc đã phải quen với những điều kiện khó khăn như vậy, nhưng có vẻ như vùng đất cao nguyên nhiều vất vả này đã nuôi lớn tâm hồn của người H’mông, để lúc trưởng thành họ cũng luôn muốn gắn bó cùng mảnh đất quê hương. Lúc chia tay Chạ, mình tiếc vì đã không chào em ấy bằng một cái ôm, khi nhìn thấy ánh mắt long lanh của em ấy. Mong rằng Chạ sẽ quay lại trường để tiếp tục việc học như cái gật đầu hứa với mình, vì đó là chiếc chìa khóa quan trọng để mở ra nhiều cơ hội. Chuyến đi này thật sự có quá nhiều ấn tượng tốt đẹp, và mình sẽ còn sẽ viết tiếp những câu chuyện ở nơi đây.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể.
Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số. Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người… Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |