Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Đó cũng chính là động lực thôi thúc anh chàng Đinh Chí Trung (cựu học viên Arena Multimedia) thực hiện một dự án cá nhân vô cùng ý nghĩa với chiếc máy ảnh của mình để ghi lại “100 CÂU CHUYỆN TRẺ EM VIỆT NAM” với chủ đề “Chuyện kể của con”. Nào, hãy cùng ngắm nhìn hình ảnh bình dị, hồn nhiên của những đứa trẻ và tuổi thơ của chúng qua những bộ ảnh sau nhé!
Câu chuyện đầu tiên của dự án này chính là câu chuyện “Hân và mùa điều năm lên 4”. Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 3 đến tháng 4 năm 2018 tại Phước Long, Bình Phước.
Bé Hân sinh ra tại Sóc Trăng, mẹ em là người Tiều còn ba em là người Khmer. Năm nay em mới được 4 tuổi nhưng đã theo ba mẹ đi làm công. Đây là lần đầu tiên em rời xa quê hương của mình, từ đồng bằng lên vùng núi hoang vu, quang cảnh ở đây quá đỗi xa lạ đối với một đứa bé sinh ra ở vùng sông nước. Những trái điều chín mọng trên tay em là mục đích của cuộc hành trình này, nó giúp ba mẹ em có được việc làm và sẽ trở thành một phần ký ức vào tuổi lên 4 của em.
Hân còn có một em gái, em gái Hân mới 8 tháng tuổi nhưng cũng theo ba mẹ đi làm xa. Em rất ngoan và rất ít khóc.
Cuộc sống thiếu thốn giữa một nơi không có điện và cách xa dân cư dường như không thể làm cho Hân buồn và lo sợ. Một miếng dưa hấu nhỏ cũng khiến cho em hạnh phúc.
Những con gà được thả rong. Ban ngày, chúng có thể chạy đến bất cứ đâu trên ngọn đồi này, nhưng khi trời tối chúng sẽ tự quay về lều của gia đình Hân và tìm cho mình chỗ trú. Hân đang cho chúng ăn gạo nhưng chỉ cho ít thôi, vì những con gà này sẽ tự tìm mối làm thức ăn.
Đây là giang bếp. Người miền tâythường thích ăn ngọt, vì vậy giang bếp của mẹ Hân luôn có một bịch đường. Hân cũng thích ăn ngọt nên lâu lâu chạy ra đây ăn vụng đường của mẹ.
Buổi trưa là lúc mọi người trở về lều ăn uống và nghỉ ngơi. Trong đoàn công nhân thu hoạch điều, ngoài ba mẹ Hân còn có nhiều người cùng quê nữa. Mọi người ở đây đều rất quý mến và dành sự quan tâm đặc biệt đối với hai chị em Hân.
Ở đây rất nóng và nhiều nắng, người lớn pha sẳn ly một cà phê đá ở đây và ai muốn uống cũng được, kể cả Hân.
Sau bữa cơm trưa, mọi người quay trở lại với công việc. Còn Hân mê mang trong giấc ngủ trưa oi ả.
Hân còn quá nhỏ để phụ giúp ba mẹ, em rong rủi xung quanh lều và tự làm bạn với mình.
Ở trên đồi có rất nhiều sóc, có những loại sóc to, lông xù; có loại nhỏ xíu với đôi tai màu trắng; cũng có loại trông rất giống những chú chuột. Hai chú sóc trên tay Hân còn rất nhỏ và chưa mở mắt, em sẽ nuôi chúng lớn và trở thành thú cưng của mình.
Để thu hoạch điều, người ta thường sẽ không hái chúng mà sẽ nhặt những trái điều rụng, chúng ở khắp nơi trên mặt đất, vì vậy trên khắp những vườn điều hầu như chỉ nhìn thấy những dáng người lom khom, cặm cụi. Trái điều rất nhiều mũ và mùi khá nồng vì vậy đôi tay của họ đều thâm đen và có hương của những trái điều.
Những hạt điều đen đúa và xấu xí này lại làm nên loại thực phẩm nổi tiếng. Giống điều địa phương ở Bình Phước được đánh giá rất cao về hương vị, nó trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Hân có thói quen gọi ba là Chuột, ba đang tách những hạt điều cháy do đốt lá cho Hân.
Dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” kể về cuộc sống của những nhân vật trẻ em khắp nơi trên đất nước. Đó không phải là những bức ảnh đơn lẻ lưu lại một vài khoảnh khắc, mà là những câu chuyện về những đứa trẻ cụ thể.Vì vậy để thực hiện nó phải nhờ rất nhiều vào duyên số để gặp được các em, làm quen và trở nên thân thiết, quấn quýt với từng em ít nhất một ngày trời để biết cuộc sống thường nhật của các em ấy diễn ra như thế nào, có những lúc để hoàn thành một album ảnh, phải lui tới chỗ của các em đôi ba lần. Cũng có những chuyến đi không gặt hái được kết quả nào cả, và cũng có những chuyến đi tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng thì bỗng vỡ òa vì tìm được nhân vật của mình như duyên số.Mỗi con trẻ là một câu chuyện, một cuộc sống với những niềm vui và cả “suy tư” rất riêng trong chính nếp sống thường ngày mà con được ban cho. Và tuổi thơ là nơi phản xạ tương lai của tuổi trưởng thành, khi chúng ta không còn bé thì ký ức tuổi thơ sẽ vẫn sống động và ảnh hưởng suốt cả đời người…Dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của con, giúp con có được tuổi thơ xứng đáng nhất và cuộc đời đẹp nhất. Cùng ủng hộ dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam ” tại trang cá nhân của bạn Đinh Chí Trung ở đây nhé! |