Xây dựng thương hiệu (Branding) là yếu tố bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp, trở thành phương thức hữu ích đầu tiên giúp kết nối thương hiệu và người dùng. Trong bài viết này, hãy cùng Arena Multimedia tìm hiểu 6 bí quyết hỗ trợ quá trình tạo dựng thương hiệu. Điều này sẽ đặc biệt thiết thực với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ – những cá nhân vốn không sở hữu nguồn tài chính dồi dào.
Branding là gì?
Xây dựng thương hiệu (Branding) là tất cả mọi thứ mà khách hàng tiềm năng có thể nhìn thấy và tương tác với thương hiệu, đây cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Branding bao gồm một số khía cạnh điển hình: giọng điệu trên trang web, bài đăng mạng xã hội hay bất kỳ sự hiện diện, tần suất sử dụng, mức độ tương tác của người dùng đối với thương hiệu hoặc hình ảnh giao diện, bao bì sản phẩm được tạo nên từ phông chữ, logo, màu sắc, v.v…
Tầm quan trọng của Branding
Branding giúp thương hiệu xây dựng mối quan hệ với khách hàng lý tưởng, đó là cách thức mà nhãn hàng chia sẻ về đam mê hoặc những gì có thể khiến họ trở nên nổi bật và tạo ra sự công nhận cho thương hiệu.
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi OrangeCrush
Với cùng một loại sản phẩm nhưng phong cách thiết kế bao bì, màu sắc, biểu tượng và các đặc điểm khác của thương hiệu sẽ phục vụ cho những đối tượng người dùng riêng biệt. Mỗi thương hiệu sở hữu tính cách và sự hiện diện cụ thể trong tâm trí khách hàng. Điển hình, một số nhãn hàng nước uống đóng chai gắn liền với yếu tố “tự nhiên”, một số khác được đại diện bởi sự “tinh khiết”.
Ảnh: 99designs, theo Packaging News
Phương thức xây dựng thương hiệu với chi phí tối thiểu
1. Xây dựng tệp khách hàng lý tưởng
Sản phẩm của mỗi thương hiệu sẽ phù hợp với một đối tượng khách hàng cụ thể. Vậy họ là ai? Mong muốn của họ là gì? Khi bạn có thể trả lời những câu hỏi này, khách hàng lý tưởng của bạn đang dần hình thành. Hãy ghi nhớ đặc điểm của người dùng và sử dụng chúng xuyên suốt quá trình xây dựng thương hiệu. Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn định hình chân dung khách hàng lý tưởng:
- Tên của khách hàng là gì?
- Tuổi tác, nơi ở của họ
- Giá trị cốt lõi mà người dùng hướng đến là gì?
- Họ sẽ sử dụng sản phẩm của thương hiệu như thế nào?
- Làm thế nào để sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp có thể giúp người dùng cải thiện chất lượng cuộc sống?
Nếu bạn sở hữu thông tin nhân khẩu học về đối tượng khách hàng mà bạn đã phục vụ, hãy tạo thành một hồ sơ khách hàng lý tưởng cho từng đối tượng và lưu trữ thành dữ liệu cho riêng mình. Bằng cách này, bạn có thể nhận ra điểm tương đồng và khác biệt giữa từng đối tượng mục tiêu, giúp bạn dễ dàng sắp xếp sự ưu tiên trong quá trình thiết kế.
Ảnh: 99designs, theo Hubspot Blog
Trên cơ sở đó, nhiều quyết định trở nên đơn giản hơn khi tự bản thân có thể đặt ra các câu hỏi. Chẳng hạn, “Tôi tự hỏi khách hàng của tôi sẽ cảm thấy thế nào về điều đó?” hay “Tôi nghĩ người dùng của tôi sẽ bị thu hút hơn với bảng màu này?”
Cần ghi nhớ rằng việc tạo dựng chân dung khách hàng lý tưởng không đồng nghĩa sẽ giới hạn phạm vi đối tượng mà bạn hợp tác. Thay vào đấy, điều này trở thành công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa ra các quyết định quan trọng như lựa chọn phong cách thiết kế hay nền tảng truyền thông xã hội cần phải tập trung.
2. Tăng cường sự hiện diện về hình ảnh thương hiệu
Logo là yếu tố quan trọng đối với hình ảnh của một thương hiệu. Theo một khảo sát được thực hiện với 2.000 người dân Hoa Kỳ, 42% cho biết họ tin rằng logo có thể biểu hiện cá tính thương hiệu, 40% thuộc về loại sản phẩm được cung cấp và 39% cho rằng logo có liên quan đến chất lượng thương hiệu.
Trong 5 người được hỏi sẽ có khoảng 1 người đánh giá chất lượng sản phẩm dựa trên biểu tượng logo. Do đó, đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của logo đối với quá trình xây dựng thương hiệu. Đây là lĩnh vực doanh nghiệp có thể cân nhắc phân bổ nguồn tài chính nhằm lựa chọn một chuyên gia hoặc đầu tư vào các công cụ thiết kế.
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi EWMDesigns, RobertEdvin
Dưới đây là một số tùy chọn với từng mức tài chính cụ thể:
Miễn phí ≈ 50$
- Sử dụng nhà sản xuất logo: Sở hữu chi phí phù hợp và dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, lựa chọn này có nhược điểm là không tạo ra sự khác biệt và độc đáo cho thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không nhận được sự tư vấn từ những Designer chuyên nghiệp. Trước khi bắt đầu, hãy tìm hiểu kỹ lưỡng về các hãng sản xuất logo.
- Tự thiết kế: Nếu bạn có đôi mắt thẩm mỹ hay một chút kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể tự tay thiết kế logo thương hiệu. Chỉ cần tải xuống phông chữ miễn phí từ DaFont hoặc Font Space. Sau đó, sử dụng nền tảng thiết kế như Canva hoặc Adobe Express để tạo ra logo theo ý muốn bản thân.
Tự thiết kế logo sẽ mất nhiều thời gian so với việc sử dụng các trình tạo logo. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng sẽ độc đáo hơn vì trình tạo logo thường cho ra những thiết kế khá giống nhau.
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi Zatul, curtis creations
Từ 300$ đến 800$
- Thuê một nhà thiết kế: Bạn có thể thuê Designer giúp thực hiện toàn bộ quá trình thiết kế. Chi phí để thuê một Designer tự do có thể khác nhau, vì vậy cần đảm bảo bạn đã nhận được báo giá từ một số nhà thiết kế và tìm thấy sự phù hợp với phong cách cũng như ngân sách.
- Tổ chức cuộc thi thiết kế: Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn chỉ có ý tưởng chung chung nhưng vẫn chưa hình dung cụ thể logo thiết kế sẽ trông thế nào. Xuyên suốt cuộc thi, bạn có thể đưa ra phản hồi giúp các Designer định hướng và hoàn thiện sản phẩm thiết kế phù hợp với mong muốn bản thân.
3. Lựa chọn giọng điệu (tone) & giọng nói (voice) của thương hiệu
Giọng điệu (tone) và giọng nói (voice) góp phần định hình bản sắc thương hiệu. Hiểu đơn giản, giọng nói là tính cách thương hiệu và giọng điệu là cách bạn thể hiện cá tính. Đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể thuê ngoài hay kết hợp cùng các công ty dịch vụ khác hoặc dành thời gian nghiên cứu nhằm đưa ra những quyết định nội bộ giúp phát triển và định hình tính cách thương hiệu.
Điều này phụ thuộc vào lĩnh vực chuyên môn của bạn và liệu rằng bạn có mong muốn thương hiệu sẽ thể hiện tiếng nói và giọng điệu của chính bản thân hay không. Nếu ai đó đang lẻ loi trên hành trình này, dưới đây là một số phương thức hữu ích giúp tạo ra cá tính thương hiệu, bắt đầu với những ví dụ về giọng điệu và giọng nói thương hiệu mà bạn có thể lựa chọn:
- Thân thiện và sôi nổi
- Hiệu quả và hữu ích
- Chuyên nghiệp và ấm áp
- Khách quan và thú vị
Bạn mong muốn khách hàng nhớ đến thương hiệu với tư cách người bạn tốt hoặc người cố vấn đáng tin cậy? Không có đúng hay sai trong vấn đề xác định cá tính thương hiệu, chỉ cần ghi nhớ rằng khi đưa ra bất kỳ quyết định nào hãy đảm bảo sự thống nhất của giọng nói và giọng điệu mà doanh nghiệp hướng đến trên tất cả nền tảng.
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi OrangeCrush
Một số câu hỏi tự vấn giúp bạn dần khám phá cá tính thương hiệu:
- Tôi muốn cho ra đời bài viết đúng 100% ngữ pháp hay muốn viết như thể tôi đang nói và sử dụng kèm một số từ lóng?
- Tôi sẽ đóng vai trò người kể chuyện hay thực hiện bài viết chủ yếu dựa trên các nghiên cứu?
- Tôi mong muốn khách hàng hình dung về tôi với tính từ như thế nào? (vui vẻ, hiểu biết, kỳ quặc, chuyên nghiệp, v.v…)
Thực hành những câu hỏi nêu trên sẽ giúp bạn định hình nhất quán giọng điệu và tính cách của loạt nội dung trên trang web, mạng xã hội, bao bì sản phẩm hoặc bất kỳ nền tảng thông tin nào khác.
4. Triển khai kế hoạch Social Media
Social Media là một phần tất yếu trong bối cảnh xây dựng thương hiệu hiện nay. Đây là cách thức dễ dàng giúp thương hiệu gia tăng kết nối với lượng lớn người dùng tiềm năng, cũng như chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh mà doanh nghiệp hướng đến. Những công ty quy mô lớn thường sở hữu đội ngũ chuyên nghiệp đảm nhận việc quản lý các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ với một vài công cụ hữu ích bạn đã có thể tự kiểm soát hoạt động trên những nền tảng mạng xã hội mà chưa cần đến lượng lớn nhân sự.
Đầu tiên, bạn nên thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến các đối thủ cạnh tranh trong ngành hoặc sở hữu quy mô tương đương. Bạn cần kiểm tra tần suất đăng bài, thể loại nội dung giúp họ thu về nhiều tương tác.
Ảnh: 99designs, theo Bloom and Wild
Ngoài ra, hãy dành thời gian để tìm hiểu về đặc điểm của những nền tảng mạng xã hội khác nhau, cũng như cách thức tìm kiếm khách hàng lý tưởng từ chúng dựa trên dữ liệu và số liệu thống kê người dùng. Từ đó, bạn có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên và tập trung vào một số nền tảng nhất định, điều này có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính xác đối tượng người dùng phù hợp.
Khi hoạt động trên Social Media, hãy lựa chọn thời điểm đăng bài thích hợp nhằm thu hút tối đa lượt tiếp cận từ người dùng. Trong cuộc khảo sát với hơn 2.000 người dùng mạng xã hội tại Hoa Kỳ, Vương Quốc ANh và Ireland, 74% cho biết họ cảm thấy các thương hiệu nên đăng bài tần suất 1-2 lần/ngày. Trên thực tế, tồn tại nhiều công cụ có thể giúp bạn lên kế hoạch và quản lý các tài khoản mạng xã hội cũng như phân tích hiệu suất và thiết kế bài đăng.
Để tạo nội dung Social Media chất lượng, bạn có thể sử dụng đa dạng các công cụ thiết kế khác nhau. Mỗi nền tảng sở hữu cấu trúc và tính năng thay đổi theo thời gian, vì vậy cần kiểm tra thường xuyên để tìm kiếm nền tảng phù hợp nhất với nhu cầu và ngân sách của bạn.
5. Phát triển hệ thống Newsletter
Newsletter là nguồn tài nguyên quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu. Đến cuối năm 2021, email thu hút khoảng 4,1 tỷ người dùng và trở thành một trong những phương tiện truyền thông kỹ thuật số được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Người nhận Newsletter hầu hết thuộc đối tượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm của bạn. Bởi lẽ, họ đã đồng ý cung cấp địa chỉ email và tiếp nhận thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp. Newsletter là phương thức giúp nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng và tạo ra doanh số cho thương hiệu.
Đa phần Newsletter đều sở hữu các gói dịch vụ miễn phí dành cho số lượng người đăng ký nhất định. Đây là thông tin tuyệt vời đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những khách hàng vừa đăng ký nhận Newsletter qua email. Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng người dùng phát triển và phải thực hiện đăng ký các gói trả phí, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Newsletter rất đáng để đầu tư.
Ảnh: 99designs, theo Really good emails
Dưới đây là một số tùy chọn cung cấp dịch vụ Newsletter chất lượng dành cho các nền tảng trực tuyến:
- Mailchimp: phiên bản miễn phí giới hạn gửi 10.000 email/tháng.
- Convertkit: phiên bản miễn phí dành cho dưới 1.000 người đăng ký.
- Sendinblue: phiên bản miễn phí cho phép tối đa 300 email/ngày.
Việc xác định chính xác tỷ số ROI (lợi nhuận đầu tư) từ Email Marketing là một thách thức. Tuy nhiên, DMA (Hiệp hội Marketing và Data Anh Quốc) đã thực hiện một khảo sát với 2.000 người làm Marketing tại Anh vào năm 2019. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng tỷ số ROI với mỗi Email Marketing sẽ đạt được 42 Bảng Anh lợi nhuận/1 Bảng Anh chi tiêu. Đến năm 2021, Litmus – nền tảng Email Marketing có trụ sở tại Hoa Kỳ tiến hành cuộc khảo sát khác với sự tham gia của hơn 2.000 Marketer cho biết tỷ số ROI đạt được là 36 USD lợi nhuận/1 USD chi tiêu.
Trong quá trình xây dựng hệ thống Newsletter, cần duy trì đạo đức khi tiếp cận thông tin người dùng, luôn đảm bảo sự minh bạch, không spam email và cho phép hủy đăng ký bất cứ lúc nào.
6. Chú trọng vào thiết kế website
Khi đã tìm ra màu sắc, phông chữ, logo, giọng điệu, tích cách hay những khía cạnh khác của thương hiệu. Lúc này, bạn cần sử dụng tất cả yếu tố đấy để tạo sự liên kết hài hòa cho trang web thương hiệu.
Việc thuê nhà thiết kế website mặc dù rất tiện lợi và hữu ích nhưng có thể mất thêm nhiều chi phí. Thay vào đó, bạn có thể tận dụng các nền tảng, công cụ giúp tạo lập website đơn giản và dễ dàng. Vì thế, bạn cần dành chút thời gian tìm kiếm những địa chỉ thiết kế website phù hợp với nhu cầu thực tế. Giá cả để xây dựng và duy trì trang web có thể dao động từ 100 USD đến 300 USD/năm. Hầu hết, nền tảng cung cấp dịch vụ thiết lập website đều sở hữu lựa chọn riêng biệt tùy vào nhu cầu và mục đích của người dùng. Những gói hỗ trợ đắt hơn sẽ bao gồm nhiều tính năng bổ sung như khả năng xóa ảnh mờ hay tăng cường quyền truy cập vào kho dữ liệu thiết kế.
Ảnh: 99designs, theo DSKY
Ngoài ra, cộng tác cùng các Freelance Designer cũng trở thành lựa chọn được nhiều thương hiệu ưa chuộng. Đây là quá trình tương hỗ lẫn nhau trong công việc, website của bạn sẽ đảm bảo tính độc đáo và linh hoạt hơn so với việc sử dụng một nền tảng thiết kế website cộng đồng. Chi phí cho lựa chọn này tùy thuộc vào ngân sách doanh nghiệp, kinh nghiệm của Designer cũng như độ phức tạp từ yêu cầu thiết kế. Để chuẩn bị tốt nhất, bạn cần tham khảo các mức giá khác nhau đến từ nhiều nhà phát triển web nhằm tìm ra sản phẩm thích hợp nhất với nhu cầu và tài chính doanh nghiệp.
Tạm kết
Xây dựng thương hiệu là cơ hội giúp doanh nghiệp cất lên tiếng nói với thế giới về tất cả những gì họ đang sở hữu. Để tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra các quyết định thông minh. Branding là câu chuyện tìm ra sự cân bằng giữa nhiều yếu tố, bạn cần biết rõ thời điểm nào nên tự làm mọi thứ, thời điểm nào cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để tối ưu hóa thời gian nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển của thương hiệu.
Xem thêm:
#Branding101 – Phần 1: 8 yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc thương hiệu
#Branding101 – Phần 2: Giác quan, cảm xúc giúp định vị thương hiệu như thế nào?
Nguồn tham khảo: 99designs
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia