Ngành công nghiệp điện ảnh và hiệu ứng hình ảnh (VFX) đang phát triển mạnh mẽ, mang đến vô số cơ hội cho những nghệ sĩ tài năng. Tuy nhiên, để khiến nhà tuyển dụng chú tâm đến bạn trong thị trường cạnh tranh này, bạn cần sở hữu một showreel VFX ấn tượng. Bài viết này sẽ chia sẻ những bí quyết giúp bạn làm nên một showreel VFX đầy hấp dẫn, chinh phục nhà tuyển dụng và thành công trong lĩnh vực VFX đầy hứa hẹn.
Bạn đang ấp ủ ước mơ làm việc trong ngành công nghiệp VFX? Nếu vậy, chắc hẳn bạn đã biết tầm quan trọng của một showreel VFX xuất sắc để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Bởi vì trong ngành VFX, kỹ năng của bạn mới là yếu tố quan trọng nhất, bất kể bằng cấp cao nhất bạn đạt được là gì, các khóa học bạn đã tham gia hay những công ty bạn từng cộng tác. Thực tế, các nhà tuyển dụng thường chỉ xem xét CV của bạn nếu showreel VFX thể hiện được năng lực của bạn một cách xuất sắc. Do đó, việc sở hữu một showreel chất lượng là việc mà bạn cần phải đầu tư kỹ lưỡng và cẩn thận nếu muốn có công việc mơ ước.
Tuy nhiên, việc tạo dựng một showreel ấn tượng không hề đơn giản. Để giúp bạn tránh khỏi những sai lầm thường gặp, bài viết này sẽ chia sẻ các bí quyết giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng bằng “đứa con tinh thần” của mình. Cùng Arena Multimedia tìm hiểu đó là những bí quyết nào nhé!
1. Mở đầu ấn tượng
Trong thời đại bận rộn ngày nay, con người thường có xu hướng chỉ tập trung vào một việc gì đó trong thời gian rất ngắn. Ngay cả các nhà tuyển dụng trong ngành VFX cũng vậy, họ có rất nhiều hồ sơ để xem xét và không có nhiều thời gian để dành cho từng ứng viên. Vì vậy, việc tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ những giây đầu tiên của showreel VFX rất quan trọng.
Hãy tưởng tượng 10 giây đầu tiên của showreel VFX giống như đoạn mở đầu của một trailer phim bom tấn với mục tiêu là khiến người xem bị cuốn hút và muốn khám phá thêm về kỹ năng của bạn. Một ví dụ tuyệt vời về phần mở đầu ấn tượng mà bạn có thể học hỏi từ anh Nguyễn Minh Nhật – VFX Creative Director tại Sparx*, cựu học viên Arena Multimedia khi showreel của anh ấy bắt đầu bằng một hình ảnh đầy mắt bắt (eye-catching comp) và gây tò mò cho khán giả.
Từ showreel của anh Nguyễn Minh Nhật, chúng ta có thể thấy rằng đoạn mở đầu của showreel không nhất thiết phải là một đoạn video quá hoành tráng hay ngập tràn hiệu ứng, kỹ xảo. Cách mở đầu video độc lạ và gây tò mò sẽ giúp bạn giữ chân người xem lâu hơn.
Một điểm bạn cũng cần lưu ý chính là không nên dành quá nhiều thời gian cho phần giới thiệu (intro) hoặc thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, hãy sắp xếp thứ tự các cảnh quay một cách logic để tạo ra sự liền mạch và câu chuyện xuyên suốt showreel.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Bắt đầu showreel bằng tác phẩm xuất sắc nhất hoặc thứ nhì của bạn. Nó giống như một cú hích thu hút sự chú ý của người xem ngay lập tức.
- Tiếp nối với một cảnh quay ấn tượng khác để duy trì sự hấp dẫn cho người xem.
- Kết thúc bằng tác phẩm thứ hai hoặc thứ ba hay nhất của bạn để củng cố ấn tượng tích cực.
2. Thông tin liên lạc rõ ràng và ngắn gọn
Hãy đảm bảo thông tin liên lạc của bạn được hiển thị nổi bật và dễ nhìn. Phần thông tin ngắn gọn xuất hiện trong 3-5 giây đầu có thể hiệu quả, nhưng cần đảm bảo nội dung rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề. Chỉ bao gồm các chi tiết liên lạc cần thiết, chẳng hạn như email, số điện thoại hoặc liên kết đến LinkedIn hoặc ArtStation của bạn. Ưu tiên các phương thức liên hệ bạn thường xuyên kiểm tra để tránh bỏ lỡ cơ hội việc làm. Ngược lại, đừng “nhồi nhét” quá nhiều thông tin không cần thiết hoặc liên kết đến các trang mạng xã hội mà bạn ít khi kiểm tra. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng khó liên lạc với bạn và có thể khiến bạn bỏ lỡ cơ hội việc làm mơ ước.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Giới thiệu bản thân ngắn gọn (tên, chuyên môn) trong danh thiếp điện tử.
- Chỉ hiển thị các phương thức liên lạc chính (email, điện thoại, LinkedIn, ArtStation).
- Ưu tiên các kênh liên lạc bạn thường xuyên kiểm tra.
- Đặt thông tin liên lạc ở đầu và showreel để nhà tuyển dụng dễ dàng tham khảo.
Ví dụ về một showreel đáng để bạn học hỏi là showreel của anh Trần Chí Linh – Compositor @ Cyclo VFX, cựu học viên Arena Multimedia. Chỉ với khoảng 2 phút, anh đã thể hiện được những sản phẩm đặc sắc do mình thực hiện và cụ thể hơn về vai trò của anh trong chính dự án mà anh đảm nhận. Hơn nữa, trong khoảng 5 giây đầu, người xem đã nhìn thấy rất rõ ràng các thông tin cơ bản về anh như họ tên, năm sản xuất showreel, chức danh, email. Đây đều là các thông tin ngắn gọn và trích lọc cụ thể những gì nhà tuyển dụng cần khi muốn liên hệ với người đứng sau đoạn video mãn nhãn này.
3. Chỉ chọn những sản phẩm xuất sắc nhất
Đây có lẽ là lời khuyên quan trọng nhất: Showreel VFX của bạn không nên chứa những cảnh quay tầm thường. Đừng lo lắng nếu nó không đạt đúng 2 phút. Ngay cả khi bạn chỉ có khoảng 1 phút tác phẩm chất lượng cao thì vẫn tuyệt vời. Vì thế, mỗi cảnh quay mà bạn thêm vào showreel đều phải nằm trong danh mục “tuyệt tác của tôi”. Đừng cung cấp cho nhà tuyển dụng lý do để nghi ngờ kỹ năng của bạn!
Nếu bạn khó khăn trong việc lựa chọn cảnh quay xuất sắc nhất, hãy nhờ đến sự trợ giúp của những người bạn khác. Chỉ khi trình diễn những tác phẩm đỉnh cao, bạn mới thể hiện năng lực và sự nghiêm túc trong con đường nghệ thuật của mình.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Độ dài lý tưởng cho showreel VFX nên nằm trong khoảng 1-2 phút.
- Chọn lọc kỹ càng các cảnh quay, đảm bảo chúng thể hiện được sự đa dạng trong kỹ năng và phong cách làm việc của bạn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không nên nhồi nhét quá nhiều kỹ năng vào một showreel ngắn.
Hãy tham khảo đoạn video giới thiệu các sản phẩm VFX của anh Đinh Hoàng Long – Compositor @ AIOI & Bad Clay. Chỉ vỏn vẹn 1 phút 39 giây nhưng đã đủ để người xem có cái nhìn rõ ràng nhất về khả năng, điểm mạnh của anh cũng như có sự tin tưởng nhất định khi xem được những dự án nổi bật mà anh đã từng làm.
4. Khẳng định đóng góp cá nhân trong từng dự án
Đối với mỗi dự án xuất hiện trong showreel VFX, hãy thêm chú thích hoặc mô tả ngắn gọn nêu bật những đóng góp cụ thể của bạn, đặc biệt nếu bạn làm việc theo nhóm. Bởi vì chắc chắn rằng ai cũng có một vài cảnh quay được thực hiện với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp khác. Khi thêm cảnh quay vào showreel, hãy luôn ghi nhận công sức của họ. Điều này giúp làm rõ một cách cụ thể vai trò và kỹ năng của bạn đối với nhà tuyển dụng, cũng như thể hiện thêm một điều rằng bạn luôn ghi nhận công sức của đồng đội.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Không cần liệt kê tất cả thành viên trong một nhóm sản xuất lớn, chỉ một vài người quan trọng là đủ.
- Thay vào đó, hãy tập trung chi tiết vào các nhiệm vụ cụ thể của bạn trong dự án, chẳng hạn như “Stranger Things 3: mô phỏng nước, hiệu ứng sét, phát triển ngoại hình (lookdev)”.
5. Nội dung phù hợp và mới mẻ
Như đã đề cập ở trên, showreel VFX không nhất thiết phải dài đúng 2 phút. Mặc dù việc trình bày quá trình phát triển kỹ năng và phong cách làm việc qua thời gian có thể thú vị, nhưng điều quan trọng nhất là nhà tuyển dụng muốn xem bạn có thể đóng góp gì cho họ ngay lúc này. vì thế, hãy tập trung vào các tác phẩm gần đây nhất, thể hiện tốt nhất kỹ năng và phong cách hiện tại của bạn. các tác phẩm cũ hoặc không liên quan có thể khiến nhà tuyển dụng mất tập trung và giảm hiệu quả của showreel.
Một showreel sở hữu những nội dung phù hợp và mới mẻ, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang luôn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu công việc hiện tại. điều này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ và tăng cơ hội được nhận việc hơn.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Sắp xếp thứ tự các cảnh quay trong showreel theo thứ tự thời gian, bắt đầu với các tác phẩm gần đây nhất.
- Nếu có những dự án cũ hơn nhưng vẫn thể hiện kỹ năng quan trọng, hãy cân nhắc giữ lại một vài cảnh quay tiêu biểu. tuy nhiên, đảm bảo chúng không chiếm quá nhiều thời lượng của showreel.
- Để trình bày chi tiết hơn về quá trình phát triển kỹ năng, bạn có thể cân nhắc tạo một website hoặc portfolio online riêng biệt. đây là nơi bạn có thể giới thiệu các tác phẩm cũ hơn cùng với mô tả chi tiết về chúng và quá trình thực hiện.
6. Âm nhạc: Điểm nhấn bạn không thể bỏ qua
Mặc dù một bản nhạc nền hay có thể làm cho showreel VFX của bạn thêm hấp dẫn, nhưng điều quan trọng cần nhớ là trọng tâm chính phải nằm ở nội dung hình ảnh. Do đó, hãy chọn nền phù hợp với nội dung, bổ sung cho các cảnh quay mà không lấn át chúng. Có thể bạn chưa biết nhưng nhiều người xem (kể cả nhà tuyển dụng) có thể tắt tiếng trong khi xem để tập trung quan sát và phân tích hình ảnh. Vì thế, hãy chọn một bản nhạc thật phù hợp để bổ trợ thêm cho phần nội dung của bạn thêm phần ấn tượng nhé!
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Chọn nhạc có giai điệu, nhịp điệu và phong cách phù hợp với loại dự án và tâm trạng bạn muốn truyền tải.
- Tránh sử dụng nhạc có lời vì nó có thể gây mất tập trung cho người xem.
- Đảm bảo âm lượng nhạc nền vừa phải, không át tiếng hiệu ứng âm thanh trong các cảnh quay.
- Sử dụng nhạc nền miễn phí có bản quyền để tránh vi phạm bản quyền.
- Nên thử nghiệm với nhiều loại nhạc nền khác nhau để tìm ra bản phù hợp nhất với showreel của bạn.
7. Bổ sung breakdown
Mặc dù không bắt buộc nhưng việc thêm các đoạn breakdown, phân tích kỹ thuật cho từng cảnh quay có thể giúp showreel VFX của bạn nổi bật hơn. Bên cạnh đó, breakdown cho phép nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về quy trình làm việc của bạn và các kỹ thuật cụ thể bạn đã sử dụng để tạo ra các hiệu ứng hình ảnh. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn có các hiệu ứng hình ảnh phức tạp và các phân cảnh ấn tượng. Chưa kể việc bổ sung breakdown cho thấy sự đầu tư và chuyên nghiệp của bạn trong quá trình thực hiện showreel. Theo đó, bạn chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng hơn bất kỳ ứng viên nào khác.
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Breakdown không nên quá dài, chỉ cần cung cấp thông tin chính xác và cần thiết.
- Giữ cho breakdown dễ hiểu, tránh sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành.
- Nếu có website hoặc portfolio online, hãy cân nhắc thêm một phần dành riêng cho breakdown, nơi bạn có thể trình bày chi tiết hơn về kỹ thuật và quy trình làm việc của mình.
8. Tùy chỉnh showreel phù hợp với vị trí ứng tuyển
Mặc dù bạn có thể là một nghệ sĩ kỹ thuật số đa tài, thành thạo nhiều mảng như diễn hoạt (animation), hiệu ứng hình ảnh (vfx), ghép ảnh (compositing), ánh sáng (lighting), v.v., nhưng điều quan trọng là bạn cần tùy chỉnh showreel để nổi bật các kỹ năng liên quan nhất đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Bởi vì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một ứng viên với các kỹ năng cụ thể, họ không cần xem tất cả khả năng của bạn. Do đó, họ muốn biết bạn có chuyên sâu và xuất sắc trong các kỹ năng cần thiết cho vị trí đó hay không. Ví dụ: Nếu thông tin tuyển dụng ghi rõ là “Senior FX artist”, hãy tập trung vào các cảnh quay VFX của bạn, thay vì trình diễn kỹ năng tạo khung nhân vật (character rigging), tạo asset (asset modeling), ánh sáng, v.v.
Ngoài ra, hãy thêm thông tin về phần mềm bạn sử dụng cho từng cảnh quay để nhấn mạnh kỹ năng liên quan. Ví dụ nếu biết công ty đang tìm kiếm Houdini Artist và 90% tác phẩm của bạn được thực hiện bằng Houdini, hãy đề cập đến điều này trong phần mô tả cảnh quay nhé!
Ở phần này, bạn cần nhớ:
- Việc tùy chỉnh showreel sẽ giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng nắm bắt được năng lực cốt lõi của bạn và liệu bạn có phù hợp với yêu cầu của vị trí hay không.
- Bạn có thể tạo nhiều phiên bản showreel khác nhau, mỗi phiên bản tập trung vào một nhóm kỹ năng cụ thể.
- Ghi nhớ tên các phần mềm phổ biến trong ngành VFX và cập nhật chúng thường xuyên trong showreel của bạn.
9. Các lưu ý khác
Feedback: Trước khi hoàn thiện showreel, bạn hãy nhờ bạn bè đồng nghiệp hoặc người hướng dẫn trong ngành VFX góp ý. Bởi vì những đánh giá khách quan từ người khác có thể mang lại cái nhìn mới mẻ và góp ý để cải thiện các lỗi mà có thể bạn chưa để ý đến. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các cộng đồng online hoặc sự kiện VFX để chia sẻ showreel và nhận phản hồi, nhận xét từ các chuyên gia.
Hấp dẫn xuyên suốt: Một showreel cần thu hút người xem từ đầu đến cuối, cân bằng giữa việc thể hiện kỹ năng kỹ thuật và phong cách sáng tạo của bạn. Do đó, hãy chú ý đến lưu lượng (flow) và nhịp điệu (pacing) tổng thể của showreel để đảm bảo sự dõi theo của người xem từ đầu đến cuối.
Chất lượng cao nhất: Luôn kiểm tra kỹ lưỡng showreel trước khi xuất bản để đảm bảo không có lỗi hình ảnh hoặc âm thanh. Một video showreel chất lượng tốt cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và chú ý đến từng chi tiết của bạn. Và đây là một trong những điều mà nhà tuyển dụng đánh giá rất cao ở một ứng viên đầy tiềm năng. Bạn cẩn thận với “đứa con tinh thần” của mình cũng có nghĩa là bạn sẽ cẩn thận với các dự án của công ty.
Nguồn ảnh: vfxvoice
Tạm kết
Tạo showreel VFX là một quá trình đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng và sự kiên trì. Tuy nhiên, với những bí quyết chia sẻ trong bài viết này, bạn hoàn toàn có thể tự tin tạo ra một showreel ấn tượng, thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và bước vào hành trình chinh phục ước mơ trong ngành công nghiệp điện ảnh đầy tiềm năng.
Hãy nhớ rằng, showreel là đại diện cho năng lực và sự chuyên nghiệp của bạn. Hãy đầu tư thời gian và công sức để tạo ra một showreel chất lượng cao, thể hiện được phong cách và kỹ năng độc đáo của bạn nhé. Chúc bạn thành công!
Nguồn tham khảo: actionvfx
Win Win
Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo & Game Arena Multimedia sở hữu hai chương trình đào tạo tiên tiến mang tên Graphic Design & Interactive Media (GDIM) và Animation, VFX & Gaming (AVG). Với mục tiêu đào tạo chuyên sâu về Thiết kế Truyền thông (Communication Design) và Sản xuất nội dung giải trí (Entertainment Design), GDIM và AVG có sự rút gọn về thời gian nhưng sẽ có sự tập trung cao hơn, học và rèn luyện học sâu hơn về kiến thức và kỹ năng làm nghề, nhằm chuẩn bị cho một tương lai có nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức và đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn từ phía doanh nghiệp tuyển dụng. Chương trình Graphic Design & Interactive Media (GDIM): – Học kỳ 1: Thiết kế hình ảnh truyền thông (Visual Communication Design) – Học kỳ 2: Thiết kế thương hiệu (Branding Design) – Học kỳ 3: Đồ họa chuyển động và xây dựng nội dung video (Motion Graphics & Video content) – Học kỳ 4: Phát triển sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Development) Chương trình Animation, VFX & Gaming (AVG): – Học kỳ 1: Tiền sản xuất Hoạt hình và Games (Pre-Production for Animation & Games) – Học kỳ 2: Thiết kế tạo hình 3D cho Game, VFX và hoạt hình (3D Art and Design for Animation, Games & VFX) – Học kỳ 3: Diễn hoạt 3D trong Hoạt hình, Game và VFX (Advanced 3D for Animation, Games & VFX with Electives & Generative AI) – Học kỳ 4A (lựa chọn): 3D thời gian thực và Thiết kế đồ hoạ Game (Real Time 3D & Game Art) – Học kỳ 4B (lựa chọn): Kỹ xảo trong Hoạt hình, Phim và Game (Visual Effects for Animation, Films & Game) Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |