Sự từ chối là yếu tố không thể tránh khỏi trong lĩnh vực Sáng tạo. Một số người trở nên tiêu cực khi đối diện với lời từ chối, một số khác biến chúng thành động lực vươn đến thành công. Trong bài viết này, hãy cùng Arena Multimedia tìm hiểu những “mẹo nhỏ” giúp người làm sáng tạo đối mặt khi sản phẩm bị khước từ.
Sự từ chối có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau: từ chối một đơn xin việc, một dự án hoặc thậm chí là những lời từ chối mang tính chất tiêu cực. Cho dù bất kỳ trường hợp nào xảy ra, điều này cũng gây nên sự tổn thương đối với một số cá nhân.
Lòng tự trọng của người làm sáng tạo thường gắn chặt với việc tạo nên những sản phẩm xuất sắc và có giá trị. Với lĩnh vực này, sự từ chối là điều thường xuyên xảy ra, bởi lẽ không ai đảm bảo rằng mọi ý tưởng mà bạn đề xuất đều nhận được sự chấp thuận. Lời từ chối trong tình huống này có thể mang đến nhiều tổn thương, thậm chí làm bạn nhụt chí. Do đó, những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật cần trang bị cho bản thân tâm lý vững chắc, cũng như một số “kỹ thuật” để đối diện và giải quyết lời từ chối sản phẩm sáng tạo theo hướng tích cực nhất.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn dễ dàng xử lý và thích ứng với cảm giác khó khăn khi bị “client” trả sản phẩm, thậm chí biến trải nghiệm khó chịu trở nên tích cực hơn.
1. Việc khách hàng “say no” không phản ánh chính xác tài năng của bạn
Trên thực tế, tồn tại vô số lý do cho bất kỳ lời từ chối nào. Chẳng hạn, bạn sở hữu nền tảng tốt về kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhưng vị trí công việc không giúp bạn phát huy tối đa tiềm năng bản thân, hay phong cách sáng tạo mà bạn theo đuổi không có nhiều sự tương đồng với giá trị thẩm mỹ của thương hiệu, hoặc đơn giản bởi vì thị trường mà bạn đang làm việc không thật sự phù hợp với thế mạnh bản thân.
Ngoại trừ trường hợp bạn nhận được phản hồi chính xác về nguyên nhân mà “đứa con” của mình bị “trả về nơi xuất phát” từ chất lượng sản phẩm hay vấn đề kỹ thuật, các tình huống còn lại chắc hẳn không liên quan trực tiếp đến chuyên môn của bạn. Và bạn có thể yên tâm về điều này, lời từ chối không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác kỹ năng cũng như gu thẩm mỹ của bạn.
2. Xem xét nguyên nhân dẫn đến việc bị trả sản phẩm
Trong lĩnh vực thiết kế, việc nhận sự từ chối từ những đối tác khách hàng lớn, điều này có thể tạo nên cảm xúc tiêu cực và thất vọng đối với một số cá nhân.
Nếu người đưa ra quyết định không chấp nhận sản phẩm thiết kế của bạn là những cá nhân/tổ chức có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực sáng tạo, hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao họ lại đưa ra phản hồi như thế. Nếu câu trả lời mà họ cung cấp mang đến cho bạn một số gợi ý hữu ích trong việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bạn có thể cân nhắc nghiêm túc về điều này. Tuy nhiên, nếu đấy là phản hồi không thiện chí hoặc cố tình làm suy giảm tinh thần của bạn; từ đây, có thể dự đoán nguyên nhân cho lời từ chối mà họ đưa ra chỉ đơn giản là sự đố kỵ.
Tóm lại, cần nghiêm túc tìm hiểu, cũng như xem xét những lời phản hồi mà bạn nhận được và xác định rõ ràng chúng có thật sự hữu ích hoặc đáng để lắng nghe hay không.
3. Biết ơn những lời khước từ
Nếu ai đó mà bản thân luôn mong đợi được làm việc cùng liên tục từ chối những sản phẩm hoặc dự án của bạn, có lẽ bạn sẽ cảm thấy đôi chút thất vọng. Tương tự, nếu bị sa thải hay mất khách hàng, bên trong bạn chắc hẳn tồn tại một “nỗi đau” liên quan trực tiếp đến trải nghiệm đấy.
“Hãy cho phép bản thân cảm nhận và trải qua nỗi đau bị từ chối cũng là một phương thức tự chữa lành.”
“Chìa khóa” ở đây là không nên chôn vùi và né tránh sự từ chối hoặc duy trì tâm lý tích cực độc hại (toxically positive) bất chấp tình trạng cảm xúc thật sự mà bạn đang gặp phải. Hãy cho phép bản thân cảm nhận và trải qua nỗi đau bị từ chối cũng là một phương thức tự chữa lành.
Một số phương pháp bạn có thể thử nghiệm như viết xuống giấy lý do vì sao trải nghiệm này gây ra đau đớn cho bạn, cho phép bản thân thư giãn hoặc buồn bã trong một khoảng thời gian. Sau đó, lập danh sách bài học kinh nghiệm mà bạn tiếp nhận được từ sự từ chối này. Hãy biết ơn vì những việc đã xảy ra và tiếp tục tiến về phía trước, bạn nhé!
4. Chấp nhận thay đổi bản thân
Nếu bạn đã nỗ lực sáng tạo tuy nhiên vẫn liên tục nhận về những cái lắc đầu và các phản hồi từ khách hàng đều có nội dung giống nhau, điều này chứng tỏ đã đến lúc bạn cần thay đổi. Đây là trường hợp không bao gồm những lời từ chối xuất phát từ nỗ lực tiếp cận đối tượng khách hàng mới.
Khi người quản lý hoặc khách hàng nhiều lần nhận xét rằng thẩm mỹ của bạn đã lỗi thời, bạn cần cân nhắc nghiêm túc về việc thay đổi phong cách. Điển hình, nếu các đề xuất màu sắc mà bạn đưa ra không phù hợp với khách hàng, hãy chủ động đặt câu hỏi về những điều mà họ thật sự cần thay vì tự phỏng đoán.
Hãy nhớ rằng, đôi lúc bạn cũng cần lắng nghe những phản hồi cụ thể và cải thiện trên sản phẩm của mình.
5. Biến những lần bị “say no” trở thành chất liệu sáng tạo
Theo Tâm lý học, sự từ chối từ người khác có thể khiến đầu óc chúng ta trở nên rối bời. Vì vậy, bạn cần tách mình khỏi công việc để dần hiểu rằng đó là phần tất yếu trong công việc và cuộc sống. Thậm chí, đây là động lực giúp tạo nên những tác phẩm xuất sắc sau này.
Thông qua cách khai thác cảm xúc từ sự từ chối, bạn có thể biến chúng trở thành khát khao vươn đến thành công. Trên thực tế, vô số vận động viên, nhà đầu tư, tác giả hay thương hiệu nổi tiếng đều bắt đầu bằng những lần lủi thủi ra về vì không được chấp nhận, và bạn không thể đếm xuể trên thế giới hiện nay có bao nhiêu câu chuyện như thế.
Để những lời từ chối tiếp thêm động lực, thúc đẩy bạn tiến lên, hãy ghi nhớ lời từ chối từ khách hàng và đừng “cay cú” chúng. Chúng ta khiêm tốn nhưng phải không ngừng nỗ lực phát triển.
Tạm kết
Bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà sáng tạo đích thực nếu chỉ giữ bản thân trong vùng an toàn. Việc thử nghiệm những điều mới mẻ có thể làm tăng nguy cơ bị từ chối nhưng điều này giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về năng lực thực sự của bản thân. Bởi lẽ, tự mãn là kẻ thù của sáng tạo. Và để vươn đến mục tiêu, bạn cần duy trì động lực và sẵn sàng đón nhận lời từ chối bất kỳ lúc nào trong một tâm thế tích cực nhất.
Nguồn tham khảo: dribbble.com
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia