Khi xem các chương trình truyền hình, nhiều người đã phải thốt lên vì có những hình ảnh đẹp xuất hiện, bên cạnh yếu tố của góc độ, cỡ ảnh thì ở những hình ảnh này người quay phim đã chọn và sử dụng ánh sáng khá hoàn hảo… bạn có tò mò họ đã làm như thế nào?
Có ai đó đã nói ánh sáng chính là bút vẽ của người quay phim, ánh sáng là bảng pha màu trong tay nhà quay phim… hay là gì đi nữa thì hình ảnh trong quay phim được tạo dựng nên cũng từ ánh sáng. Do vậy, ánh sáng là yếu tố quyết định tạo nên hình ảnh nghệ thuật của người quay phim.
Khi xem các chương trình truyền hình, nhiều người đã phải thốt lên vì có những hình ảnh đẹp xuất hiện, bên cạnh yếu tố của góc độ, cỡ ảnh thì ở những hình ảnh này người quay phim đã chọn và sử dụng ánh sáng khá hoàn hảo… Đã có một thời vẫn hình ảnh ấy, vẫn góc độ máy quay ấy sao các phóng viên Trung ương lại quay đẹp hơn phóng viên truyền hình địa phương, ấy là vì họ được học hành bài bản và quan trọng là họ đã sử dụng ánh sáng rất hiệu quả…
Trong vài năm trở lại đây khi phim truyền hình Hàn Quốc được trình chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình, đã thu hút rất nhiều các bà các cô, thậm chí cả thanh niên… cứ đến giờ phát sóng phim lại chăm chú trước cái ti vi của nhà mình, nội dung thì cũng tầm tầm, có những phim nội dung hết sức sơ sài, thua xa phim của ta… hỏi ra mới biết, ngoài tài năng diễn xuất của diễn viên thì vấn đề cốt lõi là diễn viên quá đẹp… đây là một thành công rất lớn của các nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc. Bí quyết chính ở đây là sử dụng ánh sáng hợp lý, hiệu quả đã tôn được vẻ đẹp rạng ngời của diễn viên, cũng từ sử dụng ánh sáng tốt mà gương mặt, làn da của họ trở nên mịn màng, trắng sáng (mặc dù trong thực tế không được như vậy) trong các tập phim truyền hình, khiến các bà, các cô mơ ước…
Nói rộng một chút là vậy, trong thực tế hiện nay khi xem các chương trình truyền hình nhất là của các Đài địa phương người xem đôi khi khó chịu khi bắt gặp những hình ảnh “đen xì”, “ trắng xóa”, những hình ảnh mà nói theo nghề của chúng tôi đó là lộ ánh sáng hay thiếu sáng…Trong nghề làm quay phim của tôi có những lúc dở khóc, dở cười khi sử dụng ánh sáng không tốt! Có những khi hình ảnh mình quay về mở lên xem lại thì như là đổ mực vào hình, lúc đen xì, lúc lại xanh lè…hay nhiều khi quay phỏng vấn về thì chỉ thấy mỗi cái đầu nhân vật lúc lắc trên màn hình , mà những chi tiết, hậu cảnh chẳng thấy đâu, hay nhân vật xuất hiện trên truyền hình thì chẳng thấy đôi mắt đâu chỉ thấy hai hốc tối đen…Đã có nhiều người khi phóng viên đặt vấn đề phỏng vấn thì họ cứ chối đây đẩy chỉ vì lý do lên hình “xấu” quá, thậm chí những người quen thân cũng chẳng nhận ra mình trên truyền hình, đấy là chưa kể đến hình ảnh do sử dụng ánh sáng không tốt đã gây nên những hình phản cảm, suy diễn của người xem… Tất cả những điều này chung quy cũng là vấn đề sử dụng ánh sáng của người quay phim. Vậy sử dụng ánh sáng ra sao? Sử dụng như thế nào để có hiệu quả nhất trong từng khuôn hình, từng cảnh quay?
Ở đây tôi chỉ bàn về một số nguồn sáng chính mà ta vẫn thường gặp trong quá trình quay phim:
Về cơ bản có 2 dạng ánh sáng sau:
+ Ánh sáng ngoại cảnh: Là ánh sáng trong tự nhiên có gồm – ánh sáng thẳng, ánh sáng khúc xạ, ánh sáng phản xạ.
+ Ánh sáng nội cảnh: Là ánh sáng nhân tạo từ các loại đèn, nến, lửa, phản quang
Đây cũng là 2 phương pháp sử dụng ánh sáng chủ yếu. Trong thực tế người quay phim còn có nhiều cách sử dụng ánh sáng hơn.
Những hệ thống sử dụng ánh sáng nhân tạo cũng có nhiều nhược điểm đáng tiếc, chủ yếu là những dấu ấn do ánh sáng nhân tạo lộ quá rõ. Chẳng hạn để miêu tả tính cách độc ác, nham hiểm của một nhân vật nào đó người ta dùng một thứ ánh sáng lạnh đánh ánh sáng từ dưới chân đến cằm, nhưng thực tế làm gì có nguồn sáng như vậy mà chỉ trên sân khấu kịch người ta mới chiếu sáng chân diễn viên.
Nói đến hình ảnh là nói tới ánh sáng. Không có ánh sáng sẽ không quay được phim. Nguồn sáng ngoài chức năng chính còn là một yếu tố để diễn tả cái đẹp, sang trọng của sự sống. Ánh nắng ban ngày vàng rực rỡ, trong đêm có ánh sáng tỏa một vùng chìm chìm nổi nổi, những ánh hào quang xung quanh sự vật, ánh đèn tỏa xuống lung linh, huyền ảo hay ánh đèn sân khấu đầy màu sắc… Tất cả hiện tượng của nguồn sáng đó chính là cái đẹp mà bạn sẽ cảm nhận được khi quay thực hiện các cảnh quay.
Không phải lúc nào ta cũng có được một nguồn sáng thuận tốt nhất. Để bù vào những nguồn sáng thiếu, người quay phim thường mang theo một tấm hắt sáng (hay còn gọi là phản quang). Hắt sáng cũng góp phần làm cho khuôn mặt người được quay sáng đều hoặc với nhiều cách khác nhau, phương pháp này tạo được chiều sâu, tạo khối cho đối tượng. Với một miếng bìa cỡ chừng 100 x 60cm gấp đôi lại được, bạn sẽ có tấm hắt sáng rất hay và hiệu quả. Ánh sáng từ những mẩu giấy bạc này sẽ xua tan những chỗ tối, những điểm khuất từng vùng của đối tượng như hốc mắt, hốc mũi, vùng cổ…đánh bạt những nếp nhăn nhỏ già nua, rất khó chịu của con người, toạ cho bức ảnh những nét tươi trẻ, hoàn mỹ.
Nguồn sáng phụ cũng rất quan trọng. Là một yếu tố để diễn tả cái đẹp, cái thần của con người. Ánh đèn dầu lung lay tỏa sáng một vùng nhỏ trên gương mặt người trong ảnh. Nắng chiếu xiên từ phía sau hoặc từ bên cạnh có thể làm cho sợi tóc nổi bật lên, thấp thoáng những viền trắng xung quanh nhân vật lúc sợi nằng tỏa xuống bờ vai…hoặc khi quay phỏng vấn nếu người quay phim biết gối nhân vật vào hậu cảnh có ánh sáng sẫm màu hơn nhân vật, cho nhân vật đứng ngược sáng và dùng tấm phản quang đánh hắt vào mặt nhân vật thì bạn sẽ thấy ngay hiệu quả hình ảnh như thế nào, tôi khẳng định chắc chắn lần sau nếu bạn quay phỏng vấn họ thì họ sẽ nhận lời ngay, mà không lo về hình ảnh của mình bị xấu…!Tất nhiên ở đây tôi đang nói đến việc quay phim chính luận còn quay phim trong các thể lọai như: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim nghệ thuật… sử dụng ánh sáng theo ý đồ kịch bản còn hiệu quả hơn rất nhiều.
Hy vọng rằng một vài kinh nghiệm sử dụng ánh sáng trong quay phim trong bài viết này sẽ mang đến cho các đồng nghiệp đôi điều bổ ích trong quá trình tác nghiệp.
Nguồn: dohoafx.com