Xu hướng thiết kế của các nền tảng E-commerce trong năm 2023 không chỉ hướng đến sự tiện lợi mà còn mô phỏng một cách chân thật trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng.
Những năm gần đây, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng cao đột biến cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số. Đáng chú ý, nhiều khách hàng cho biết trải nghiệm shopping của mình bị ảnh hưởng đáng kể bởi thiết kế của các trang web mua sắm. Họ muốn những điều mới mẻ và sáng tạo, muốn tương tác với các công nghệ mới như AI, AR và cả VR.
Thực tế này đã đặt nền móng cho một xu hướng thiết kế mới đối với các sàn thương mại điện tử trong năm 2023, đó chính là theo đuổi tính chân thật, tối đa hóa trải nghiệm cá nhân và gây dựng sự tin tưởng nơi khách hàng.
Ngày hôm nay, xin mời mọi người cùng tham khảo 8 xu hướng thiết kế hàng đầu dành cho các sàn thương mại điện tử trong năm 2023 cùng Arena nhé!
1. 3D Animated Product
Sự kỳ vọng đối với các sản phẩm được bày bán trên các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng càng ngày càng gia tăng. Mức độ nổi tiếng của các thương hiệu giờ đây chưa đủ để thu hút sự chú ý của khách hàng. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn tới những trải nghiệm mang tính tương tác cao, tạo cảm giác giải trí và chân thật khi shopping online.
Những hình ảnh mô phỏng 3D sản phẩm sẽ góp phần thu hút sự chú ý của người dùng vào các chi tiết cũng như tính năng chính, đồng thời mức độ uy tín của sản phẩm lúc này cũng tăng lên đáng kể so với khi được quảng cáo bằng hình ảnh 2D.
Nguồn: 99designs
Trên thực tế, không ít thương hiệu đang sử dụng phong cách thiết kế 3D Animated cho nền tảng mua sắm online của mình. Bởi lẽ, họ tin rằng những hình ảnh 3D có thể truyền tải nội dung một cách phong phú, đa dạng, giúp khách hàng hình dung sản phẩm một cách dễ dàng. Thậm chí, các trang web ứng dụng lối thiết kế này còn mang đến cảm giác tươi vui, mới mẻ cho người dùng khi họ thực hiện các thao tác, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm của họ.
2. Tập trung xây dựng hình ảnh cho dòng sản phẩm chủ chốt
Sự nổi lên của metaverse và sự nở rộ của các công nghệ tiên tiến đã không chỉ mang đến trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, tiện lợi mà còn cung cấp đa dạng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự đa dạng này đôi khi lại khiến khách hàng bị “ngợp” và không biết nên lựa chọn sản phẩm nào.
Nguồn: 99designs
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia designer cho rằng khi thiết kế nền tảng mua sắm online, các nhãn hàng nên tập trung xây dựng hình ảnh cho các mặt hàng chủ chốt hoặc ra mắt các phiên bản giới hạn. Cách này sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhớ tới thương hiệu của bạn, đồng thời dồn sự chú ý của họ vào dòng sản phẩm chất lượng cao.
3. Neo-Brutalism
Xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950, phong cách thiết kế Neo-Brutalism tôn vinh tính thẩm mỹ thực dụng thay vì đi theo những quy tắc thiết kế truyền thống. Trọng tâm của phong cách này là phô bày bản chất thật thay vì khoác lên các sản phẩm một lớp áo lấp lánh.
Neo-Brutalism “chơi đùa” với các quy tắc thiết kế truyền thống, chẳng hạn như cố tình sắp xếp sai các hình ảnh hoặc các yếu tố một cách bất đối xứng, tạo ra một tổng thể vô cùng thú vị. Nói cách khác, sự xáo trộn trong bố cục của phong cách thiết kế này chính là điểm nổi bật, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Nguồn: 99designs
Những năm gần đây, Neo-brutalism đang “hồi sinh” trở lại khi các designers có xu hướng sử dụng lối thiết kế này cho sản phẩm của mình. “Neo-Brutalism sử dụng các chất liệu thô nhằm hướng đến sự tối giản nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và táo bạo”, Art Director Justin Hamra nói về phong cách thiết kế này.
4. Whimsigothic
Lướt nhanh mạng xã hội TikTok, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp hàng triệu bài đăng với hashtag #whimsigoth. Phong cách này được ưa chuộng bởi nó nó tôn vinh cá tính riêng của mỗi người, song lại không quá dị biệt để xã hội vẫn có thể chấp nhận. Whimsigoth cũng tượng trưng cho những yếu tố tâm linh và đôi khi nó là biểu tượng của sự nổi loạn chống lại thực tại. Tiêu biểu cho phong cách Whimsigoth là thời trang của Lisa Bonet những năm 90.
Nguồn: 99designs
Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang đã lấy cảm hứng bởi Whimsigoth để thiết kế trang web bán hàng online của mình. Các thương hiệu này sử dụng hình ảnh minh họa theo chủ đề chiêm tinh hoặc bùa hộ mệnh, màu chủ đạo là tím đậm, đen hoặc đỏ sẫm để gợi nhớ đến phong cách gothic.
5. Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến một cách sinh động
Mua sắm trực tuyến được ưa chuộng bởi sự thuận tiện, khách hàng có thể xem lại sản phẩm trước khi mua và cũng không phải xếp hàng đợi thanh toán. Mặt khác, lợi thế của việc mua hàng trực tiếp đó chính là nhận được sự hỗ trợ của nhân viên ngay lập tức.
Nguồn: 99designs
Để tạo cảm giác mua hàng online “thật” như mua hàng trực tiếp, đồng thời giúp trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng được cá nhân hóa tối đa, các bạn có thể triển khai một cuộc khảo sát sở thích của họ. Những dữ liệu thu thập được sẽ cho phép nền tảng đề xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng hơn.
6. Maximalism
Vượt qua chủ nghĩa tối giản, maximalism đang sẵn sàng chiếm lĩnh không gian thương mại điện tử. Các thương hiệu hiện nay có xu hướng sử dụng cách phối màu ấn tượng và những hình ảnh trực diện nhằm lấp đầy các khoảng trống trên trang web, từ đó kích thích thị giác của người tiêu dùng bằng các yếu tố hình ảnh có tính liên kết với nhau.
Nguồn: 99designs
Đã quá lâu rồi, người dùng chỉ sử dụng thanh menu trên trang web. Giờ đây, các thương hiệu đang dần chuyển sang những phương thức điều hướng mới, thay đổi UX của trang web để khiến khách hàng cảm thấy như họ đang chơi trò chơi. Mục đích cuối vẫn chỉ là mua hàng, song cách thức thực hiện giờ đây đã giải trí và thú vị hơn nhiều.
7. Font chữ đậm nét với màu sắc tươi sáng
Khi mà thế giới chúng ta đang sống đôi khi trở nên ảm đạm và tẻ nhạt, những màu sắc tươi sáng đương nhiên trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các thương hiệu. Font chữ Sans Serif đậm, hoặc Chunky không chỉ thu hút người dùng đến trang web ngay lập tức mà còn tạo cảm giác ấm áp, thân thiện cho tổng thể của thiết kế.
Nguồn: 99designs
Bên cạnh đó, với niềm tin rằng màu sắc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiềm thức và suy nghĩ của con người, nhiều nhãn hàng ưu tiên lựa chọn các màu sắc vui tươi như vàng, cam hoặc hồng nhằm để lại ấn tượng lâu dài cho người tiêu dùng.
8. Viền cong
Trong kiến trúc, việc sử dụng các đường cong khi thiết kế nhà mang lại sự chuyển đổi mượt mà và liền mạch giữa các phòng. Nó cũng tạo cảm giác ấm cúng hơn so với các đường thẳng. Khi được sử dụng trên các nền tảng thương mại điện tử, hiệu ứng mà nó mang lại cũng tương tự.
Nguồn: 99designs
Phong cách thiết kế này tương đối phổ biến với trang web của các hãng mỹ phẩm và thời trang hướng tới sự sạch sẽ, hiện đại và tối giản. Ngoài ra, bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy trang chủ của YouTube cũng sử dụng các khung hình bo tròn, tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng khi lướt qua.
Những năm gần đây, người dùng đang tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm trực tuyến đáng tin cậy. Hiểu được điều này, các thương hiệu đang dần loại bỏ các góc nhọn của đường viền, thay vào đó sử dụng các đường cong mềm mại. Đặc biệt, khi kết hợp với các thiết kế bất đối xứng, nó lại càng trở nên độc đáo và chân thực hơn bao giờ hết.
Nguồn: 99designs
Kem Kem
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |