Mất đi niềm đam mê trong công việc hay hiệu năng sáng tạo bị giảm sút không phải là vấn đề hiếm gặp trong cộng đồng thiết kế. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hồi phục “100% mana” bằng những tip được chọn lọc trong bài viết này.
Làm công việc sáng tạo, chắc chắn ai rồi cũng sẽ một lần lâm vào tình trạng cạn kiệt năng lượng hay trầm trọng hơn là mất đi khả năng sáng tạo. Đây là vấn đề vô cùng phổ biến, đặc biệt là với cộng đồng những người làm thiết kế – nghệ thuật. Vì thế đừng lo lắng, bạn không hề đơn độc trên hành trình này vì đã và đang có rất nhiều người cùng đồng cảnh ngộ với bạn.
Dưới đây là 8 cách mà bạn có thể tham khảo và xem xét áp dụng mỗi khi mất đi niềm đam mê trong công việc. Từ việc trải nghiệm những điều mới, nghỉ ngơi, tìm cảm hứng hay thậm chí là học cách chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực, những tip này ít nhiều đều sẽ đem đến những hiệu quả nhất định dù bạn làm trong lĩnh vực sáng tạo hay bất kỳ ngành nghề nào đi nữa.
Bây giờ, hãy cùng Arena Multimedia điểm qua đó là những tip nào nhé!
1. Thử những điều mới mẻ
“Hãy thử điều gì mới đi!” – Đây chắc chắn là lời khuyên mà các designer sẽ được nghe ít nhất một lần trong đời, tuy nhiên, cách này chưa bao giờ là cũ. “Cái mới” ở đây có thể được hiểu theo nhiều cách, đó có thể là môi trường, thiết bị, công cụ hay cũng có thể là phương thức làm việc mới. Bất kỳ sự thay đổi nào dù lớn hay nhỏ so với trước đó vẫn có thể đem lại niềm vui và sự tích cực cho bạn. Và một khi bạn đã cảm thấy sảng khoái, đó cũng là lúc bạn đã sẵn sàng để trở lại với guồng quay công việc.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử các hoạt động thư giãn khác như đan len, làm gốm hay ra ngoài hít thở không khí trong lành với cắm trại và leo núi. Hãy cho bản thân mình khoảng thời gian reset đầu óc, được một ngày nghỉ ngơi mà không nghĩ tới cơm áo gạo tiền. Thật ra, đó cũng là cách mà bạn đang yêu thương bản thân mình sau những ngày “bỏ bê” nó đấy.
Cuối cùng, việc trải nghiệm những điều mới đôi khi cũng sẽ giúp bạn nảy sinh thêm những ý tưởng tuyệt vời có thể áp dụng vào công việc. Chính vì thế, cách giải trí tuy cũ mà mới này đôi khi sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn bạn có thể nghĩ!
2. Tạo dựng các thói quen mới
Hãy đặt ra kỷ luật hoặc một thói quen nhất định cho bản thân khi làm việc cũng là một cách giúp bạn tìm lại khả năng sáng tạo. Cũng là công việc đó nhưng bạn làm với một phương thức hay một trình tự khác đi.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thêm các hoạt động mới để tạo dựng thói quen thư giãn đầu óc trước khi ngồi vào bàn, như họa sỹ truyện tranh Sam Hardacre chia sẻ rằng: “Tôi từng bị khủng hoảng về mặt sáng tạo và trong suốt cả tháng đó, tôi đã chẳng thể vẽ được cái gì cả. Mỗi khi cứ cố gắng để vẽ, tôi lại chẳng thể vẽ được cái gì ra hồn. Sau đó, tôi biết đến nền tảng Inktober và bắt đầu tham gia một số hoạt động hàng ngày trên đó. Thật ra nó cũng chỉ là một số bài tập sáng tạo vẽ hình đơn giản thôi (mà trước đó tôi cũng đã từng làm) nhưng lại mang đến kết quả tốt đến không ngờ về mặt tinh thần. Chưa kể một số bài tập này cũng giúp tôi “đẻ” ra không ít ý tưởng hay ho để áp dụng trong công việc hiện tại.”
Tạo dựng thói quen mới không hẳn chỉ là hoạt động trong các công việc thường ngày, mà đôi khi nó cũng là thói quen suy nghĩ. Nếu trước đây bạn thường làm việc khi hướng về kết quả cuối cùng thì bây giờ, bạn có thể vừa làm vừa tận hưởng quá trình làm ra thành quả đó. Quan tâm đến chất lượng hơn là tạo ra số lượng sẽ giúp bạn không chỉ thư thả đầu óc hơn mà kết quả cuối cùng cũng sẽ khiến bạn bất ngờ.
3. Nghỉ ngơi
Hãy thử nghĩ nhé! Nếu bạn đang làm việc mà laptop bỗng dưng bị hư. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ thử mọi cách, bật tắt công tắc liên tục hay tìm kiếm nguyên nhân trên Google để chiếc laptop hoạt động trở lại. Thế thì khả năng sáng tạo của bạn cũng vậy. Chúng cần sự nghỉ ngơi hay sự “sửa chữa” hợp lý để có thể hoạt động lại bình thường. Bởi vì chúng ta ai cũng vậy, đều có thể đến điểm giới hạn nếu như bản thân đang ngày một “overload”.
Illustrator Ananya chia sẻ rằng, đây là điều khá phổ biến trong giới sáng tạo: “Cứ đến giai đoạn deadline “dí” và phải làm việc thâu đêm suốt sáng, tôi lại cảm thấy mất đi đam mê dành cho những gì mình đang làm. Đó là lúc não tôi phát ra tín hiệu rằng mình cần phải nghỉ ngơi. Và thế là đi theo những gì con tim mách bản, tôi gạt hết mọi thứ liên quan đến công việc sang một bên, dành thời gian cho bản thân, hoàn toàn nghỉ ngơi 100% để lấy lại năng lượng.”
Nghỉ ngơi trong bao lâu là tùy thuộc vào mỗi người. Có người chỉ cần chuyến đi vài ngày là đủ “sạc” lại năng lượng, nhưng có không ít Artist dành hẳn vài tháng để tìm lại niềm vui. Dù là vài ngày, vài tháng hay vài năm thì cách bạn sử dụng thời gian đó như thế nào sẽ quyết định tính hiệu quả của cách thức này. Với nhà sáng tạo nội dung Masooma, chuyến nghỉ ngơi dài hơi đã giúp cô hoàn toàn lấy lại tinh thần: “Những kỳ nghỉ dài và làm những thứ hoàn toàn khác biệt với công biệt đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Trong thời gian đó, tôi đã đi du lịch và về thăm bố mẹ. Tận hưởng khoảnh khắc cùng những người thân yêu và yêu chiều bản thân mình sau nhiều năm chỉ biết cắm đầu vào máy tính thật sự là phương thức hiệu quả giúp tôi có thể quay lại với công việc một cách tốt nhất.”
4. Tìm nguồn cảm hứng từ các hoạt động sáng tạo khác
Dành thời gian để đi tìm nguồn cảm hứng cũng là cách mà bạn có thể xem xét áp dụng mỗi khi stress với công việc. Hoặc bạn có thể tham khảo những cách làm việc mới, khác với những gì mà thường ngày bạn vẫn đang làm để tăng hiệu năng sáng tạo. Illustrator Amy Lauren khuyên rằng: “Hãy đi xem bộ phim mà bạn muốn, đi xem nhạc, xem kịch hay chơi nốt ván game mà bạn đang bỏ dở. Hãy trải nghiệm những hoạt động đó và tham khảo các khía cạnh thuộc về sáng tạo ở chúng như thế nào, rất có thể bạn sẽ học thêm được nhiều về concept, màu sắc, cách sắp xếp từ những loại hình nghệ thuật đó đấy!”.
Bên cạnh đó, một số hoạt động khác mà bạn có thể cân nhắc như đi nhà sách, bảo tàng, triển lãm tranh ảnh hoặc lượn một vòng trên mạng xã hội để xem dân tình dạo này đang sáng tạo những gì hay có xu hướng nào đang trending. Hãy dành thời gian để tìm nguồn cảm hứng từ những nơi khác, chắc chắn bạn sẽ tìm được rất nhiều điều thú vị đấy.
5. Fake it till you make it
Chúng ta vẫn thường hay so sánh sản phẩm của mình với những người khác dù biết rằng đây là hành động này có thể khiến mình ít nhiều tự ti. Nhưng bạn cũng cần biết rằng chúng ta đều có thể cải thiện và kết quả sẽ đến như một điều hiển nhiên nếu bạn có những nỗ lực và chăm chỉ nhất định. Vì thế, không việc gì phải vội vã, hãy chậm mà chắc.
Illustrator Connor Parker cũng là người không nằm ngoài tôn chỉ này: “Thật sự mà nói rằng ‘fake it till you make it” cũng là kiểu của tôi đấy. Chẳng ai có thể khích lệ mình bằng chính bản thân của mình cả. Tôi vẫn luôn tự nói với chính mình rằng ‘à mấy thứ mình làm ra cũng ổn phết đấy’, lấy đó làm động lực và tin rằng rồi sẽ có ngày, mọi người cũng sẽ nhận ra điều đó. Ngoài ra, tôi cũng thường đọc sách và nghe podcast để xem các Illustrator ngoài kia đang nghĩ như thế nào. Và khi đó tôi mới rằng hóa ra mình cũng không phải là người duy nhất sở hữu suy nghĩ đó.”
Một cách khác có thể giúp bạn biết rằng mình đã tiến bộ như thế nào đó là so sánh với những sản phẩm trước đó. Đảm bảo điều đó sẽ khiến bạn tự hào hơn về bản thân, cũng như đem đến một niềm tin rằng bạn sẽ còn tiến bộ và cải thiện nhiều hơn nữa trong tương lai. Với Artist Hannah Brown, dù có những suy nghĩ tiêu cực sau những lần hoàn thành một dự án nào đó, nhưng cô chủ động chấp nhận chấp nhận những suy nghĩ đó và thường so sánh sản phẩm hiện tại với các sản phẩm cách đây một năm để biết rằng mình vẫn đang làm tốt. “Bởi vì nếu không làm như vậy và không tự mình chấp nhận bản thân, tôi sẽ không làm được gì cả”, Hannah chia sẻ.
6. Thay đổi không đồng nghĩa với thất bại
Nếu bạn đã thử hết mọi cách ở trên mà niềm đam mê cho công việc vẫn chưa “comeback”, vậy hẳn bạn sẽ cần một sự thay đổi lớn hơn và mang nhiều sự ảnh hưởng hơn. Niki Groom trước khi đến với với thế giới Illustration, cô từng là một nhà thiết kế thời trang: “Sau 20 năm thiết kế quần áo, tôi dần mất đi tình yêu cho lĩnh vực này. Và vì thế, tôi chuyển sang vẽ minh họa. Hãy giữ cho mình một suy nghĩ cởi mở để có thể sẵn sàng cho sự thay đổi và hãy nhớ rằng: Thay đổi không đồng nghĩa với thất bại.”
Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi từ một người “làm công” sang một người “làm chủ” cuộc đời mình, hay nói cách khác là làm Freelancer. Không ít người thừa nhận rằng sau khi chuyển sang làm Freelancer, chuyển đổi tôn chỉ làm việc thành “vì mình” thay vì “vì công ty”, họ cảm thấy yêu nghề hơn cả. Và khi đã yêu nghề, chúng ta mới có thể làm ra những sản phẩm chất lượng.
Vì thế, khi đã quá mệt mỏi với hiện tại, bạn hãy dành ra khoảng thời gian để nhìn nhận lại mọi thứ, xem điều gì làm mình hạnh phúc và có thể đem đến động lực cho mình. Sau đó, dũng cảm thay đổi dù là cách sống, cách làm việc hay cả một sự nghiệp mà mình đã gầy dựng để có một cuộc đời đáng nhớ hơn.
7. Sự giúp đỡ từ sách vở và nhật ký
Sách và các khóa học đem đến kiến thức mới khi bạn muốn học điều gì đó. Nhưng bạn có biết rằng, chúng cũng có thể giúp bạn tìm lại đam mê với công việc đấy. Trong đó, quyển “The Artist’s Way: A Spiritual Path to Higher Creativity” của Julia Cameron khá được cộng đồng Artist ưa chuộng. Quyển sách đã thành công giúp các Artist có thể “đứng dậy” sau mỗi lần não tắc nghẽn vì hoạt động quá công suất. Bên cạnh đó, các bài tập trong sách cũng sẽ giúp bạn khơi dậy nguồn cảm hứng và hình thành các thói quen sáng tạo mới.
Ngoài ra, nhật ký cũng là hình thức giúp bạn giải tỏa nỗi lo âu đầy hiệu quả. Vào mỗi buổi sáng, hãy viết hết tất cả những gì bạn nghĩ, đó có thể là giấc mơ tối qua, cảm xúc của bạn hiện tại hay bất kỳ một ý tưởng nào đó. Đó cũng là cách mà bạn trò chuyện với bản thân mình và lưu giữ những gì thuộc về bản ngã. Hãy dành vài phút mỗi ngày để viết hết tất cả những gì đang vướng bận bên trong tâm hồn, rồi bạn sẽ thấy những tích cực dần đến qua thời gian.
8. Chia sẻ với người khác
Chia sẻ vấn đề của mình với người khác cũng là lúc vấn đề của bạn đang dần vơi đi. Đừng ngại gặp gỡ và than thở chúng với những người bạn thân nhất hoặc những đồng nghiệp đang có cùng mối lo âu, để biết rằng bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này và chúng đều có thể biến mất nếu chúng ta có những giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, nói chuyện cùng những người khác cũng sẽ đem đến cho bạn những góc nhìn khác biệt, đôi khi là rộng hơn, để bạn có thể đánh giá vấn đề của mình một cách toàn diện hơn và có những quyết định đúng đắn. Vì thế, khi gặp bất kỳ vấn đề nào đó, dù là trong công việc hay cuộc sống, bạn cần có những người thân thuộc và tin tưởng để có thể bày tỏ nỗi lòng của mình. Nó không chỉ giúp tinh thần và đầu óc bạn cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp bạn giữ vững niềm tin rằng: Mọi chuyện đều sẽ ổn thôi.
Kết
Cuộc sống sẽ không chỉ toàn màu hồng và những khó khăn và thử thách đôi khi sẽ trở thành gia vị giúp cho sự nghiệp của bạn thêm phần đậm đà hơn. Không gì là không thể và nếu có mất đi đam mê trong công việc, mong rằng những gì trong bài viết này sẽ giúp bạn tìm lại được “kim chỉ nam” để hướng đến “work-life balance” và chinh phục sự nghiệp mà mình mong muốn.
Nguồn tham khảo: Creative Boom
Win Win
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |