Đối với cộng đồng designer, Internet dường như không phải là kho tài nguyên duy nhất đem đến nguồn cảm hứng. Sở hữu bề dày lịch sử từ vài chục năm cho đến vài năm, các tạp chí bản in chuyên về Thiết kế – Sáng tạo thời nay vẫn giữ được cho mình lượng “fan” hùng hậu và được đặt mua đều đặn. Vậy đó là những tạp chí nào, cùng Arena Multimedia ngay trong bài viết này nhé!
Trong thế giới đầy màu sắc và đa dạng của nghệ thuật và thiết kế đồ họa, việc tiếp cận và tiếp tục đổi mới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối mặt với thách thức này, cộng đồng designer đang tìm kiếm những nguồn cảm hứng sáng tạo để nâng cao kỹ năng và khám phá những khía cạnh mới của nghệ thuật thiết kế. Mà trong đó, các tạp chí nổi tiếng như Eye Magazine, TYPEONE, Communication Arts hay Creative Review được xem là nguồn cảm hứng bất tận dành cho cộng đồng thiết kế.
Từ nghệ thuật chữ đến hình vẽ minh họa, từ thiết kế đồ họa đến thiết kế nội thất, các tạp chí dưới đây không chỉ là những nguồn kiến thức vô tận, được cập nhật liên tục mà còn là người dẫn đường đưa bạn đến những ngóc ngách mới của thế giới đồ họa, giúp bạn mở rộng tầm nhìn mở ra những ý tưởng mới.
Hãy cùng Arena Multimedia khám phá ngay bây giờ nhé!
Nguồn ảnh: TYPEONE Magazine
1. Eye Magazine
Nguồn ảnh: Eye Magazine
Tạp chí Eye Magazine là một ấn phẩm nổi tiếng và uy tín trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và văn hóa thị giác. Với hơn 30 năm tồn tại, tạp chí này đã trở thành nguồn thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho cộng đồng thiết kế trên toàn thế giới.
Với nội dung kiến thức vô cùng chất lượng nhưng không hề khô khan, Eye Magazine không chỉ là một nguồn cung cấp thông tin chuyên ngành mà còn là nguồn cảm hứng sâu sắc cho cả những người làm nghệ thuật và những người đam mê thiết kế đồ họa.
Nguồn ảnh: Eye Magazine
Trong nội dung của mình, Eye Magazine tập trung vào việc khám phá và phân tích xu hướng mới, cũng như mang đến cái nhìn độc đáo về nghệ thuật thiết kế. Bên cạnh đó, tạp chí cũng thường xuyên giới thiệu những ngôi sao mới trong làng thiết kế và những cái nhìn chiều sâu về các sự kiện nghệ thuật quan trọng. Vì lẽ đó, Eye Magazine không chỉ đem đến những thông tin mới mẻ mà còn là nơi để độc giả hiểu rõ hơn về bối cảnh ra đời của các tác phẩm nổi tiếng.
Nguồn ảnh: Eye Magazine
Không ngừng cập nhật qua từng số, Eye Magazine mang đến cái nhìn sâu sắc cho những ai quan tâm đến quá trình sáng tạo và tư duy thiết kế một sản phẩm. Và đó cũng là kim chỉ nam giúp tạo chí này trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng đối với cộng đồng thiết kế và những người đam mê nghệ thuật.
Vì sao bạn phải xem Eye Magazine: Tạp chí không chỉ trưng bày các thiết kế; nó kể câu chuyện đằng sau chúng, mang đến cho các nhà thiết kế cái nhìn toàn diện về ‘tại sao’ và ‘làm thế nào’ để ra đời một tác phẩm đẹp.
2. Communication Arts
Được thành lập vào năm 1959 bởi Richard Coyne và Robert Blanchard, Communication Arts đến nay vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên của những ai yêu thích thiết kế đồ họa. Trong tạp chí này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mọi thứ thuộc về thiết kế truyền thông, từ typography, thiết kế đồ họa, visual art, hình minh họa, nhiếp ảnh và tất cả những lĩnh vực liên quan khác đến ngành Sáng tạo. Điều này giúp tạo ra một không gian độc đáo, nơi các nhà thiết kế và nghệ sĩ có thể tìm kiếm cảm hứng và kiến thức chuyên sâu.
Nguồn ảnh: Communication Arts
Communication Arts không chỉ là một nguồn cung cấp thông tin mà còn là một nền tảng quan trọng cho sự sáng tạo và đổi mới trong ngành thiết kế. Với trụ sở tại California, nơi có sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa sáng tạo và công nghệ, Communication Arts đã luôn đảm bảo mang đến những thông điệp mới nhất, xu hướng độc đáo và những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao qua mỗi số phát hành.
Nguồn ảnh: Metropolitan Waterfront Alliance Branding — Julie Ghimenti
Ngoài ra, thông qua cuộc thi thiết kế được tổ chức hàng năm, Communication Arts không chỉ tôn vinh những dự án xuất sắc mà còn giới thiệu rộng rãi những tài năng mới và xu hướng “trending” trong ngành. Trải qua hơn 60 năm phát triển, tính đến ngày nay, tạp chí vẫn tiếp tục là một nguồn cảm hứng quan trọng và không thể thiếu cho cộng đồng thiết kế toàn cầu.
Vì sao bạn phải xem Communication Arts: Ngoài nội dung được chọn lọc một cách tỉ mỉ, chính tạp chí này cũng là một minh chứng sống về một tác phẩm thiết kế tốt khi mỗi trang đều tỏa sáng với sự tinh tế và sáng tạo.
3. Idea
Idea là tạp chí chuyên về thiết kế đồ họa và typography được phát hành theo quý tại Nhật Bản. Trải qua hơn 70 năm phát triển, Idea đã không ngừng cung cấp cảm hứng và thông tin chất lượng cao cho cộng đồng thiết kế toàn cầu. Đặc điểm nổi bật của Idea là sự đa ngôn ngữ, với bài viết được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh, mở rộng phạm vi tác động và tương tác với độc giả quốc tế. Bên cạnh phiên bản in truyền thống, tạp chí còn có sẵn dưới dạng số điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập thông tin từ mọi nơi.
Nguồn ảnh: Idea
Idea luôn hướng tới việc đưa ra những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và chữ viết. Tạp chí này không chỉ giới thiệu các tác phẩm nổi bật mà còn chia sẻ ý kiến và phân tích về những phong cách mới, kiểu chữ mới, công nghệ mới và những sự đổi mới trong ngành.
Nguồn ảnh: Idea
Vì sao bạn phải xem Idea: Bản thân tạp chí này là sự kết hợp độc đáo giữa màu sắc, bố cục và loại giấy, đem đến cho người xem những cảm giác rất khác biệt khi cầm trên tay. Ngoài ra, Idea giúp người đọc hiểu thêm về bối cảnh và tình hình hiện tại của ngành sáng tạo tại Nhật và các nước khác, đồng thời “flexing” sản phẩm thiết kế ấn tượng của các designer trong nước.
4. Creative Review
Ban đầu khi được ra mắt vào năm 1981, Creative Review được xem như một bản phụ lục hàng quý của Marketing Week, sau đó nó được phát triển thành tạp chí riêng và phát hành độc lập hàng tháng.
Creative Review nổi tiếng đến mức tạp chí này được xem là “kinh thánh” của ngành quảng cáo. Creative Review tập trung vào các lĩnh vực thuộc về Sáng tạo – Nghệ thuật như thiết kế, quảng cáo, nhiếp ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, digital art, điện ảnh và trò chơi điện tử. Điều này giúp Creative Review trở thành một tạp chí đa chiều, đa góc nhìn, phản ánh sự đa dạng và phức tạp của ngành công nghiệp sáng tạo.
Nguồn ảnh: Creative Review
Nguồn ảnh: Creative Review
Mặc dù Creative Review đã trở thành một nền tảng đa phương tiện, bản in của tạp chí vẫn được phát hành cho đến ngày nay và giữ một vai trò quan trọng trong việc trở thành nguồn cảm hứng của cộng đồng sáng tạo thế hệ mới. Đó là nhờ các bài viết, hình ảnh, cách dàn layout luôn đi cùng xu hướng, là nơi mà chắc chắn designer nào cũng sẽ ghé mỗi lần “bí” ý tưởng.
Bên cạnh đó, Creative Review thường xuyên đăng tải các bài phỏng vấn và hồi ký với các nghệ sĩ, designer, và những cá nhân có ảnh hưởng trong ngành, giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình sáng tạo và tư duy của những người làm nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Nguồn ảnh: lawsonwooddesign
Vì sao bạn phải xem Creative Review: Tạp chí luôn cập nhật các xu hướng mới nhất, sở hữu nhiều góc nhìn đa chiều giúp bạn có thể nhìn nhận thiết kế theo nhiều hướng khác nhau.
5. Slanted
Slanted được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2004 và chi ra mắt 2 lần trong năm. Quyển tạp chí có hình dạng như một cuốn sách này chủ yếu khai thác các portfolio được chọn lọc, thảo luận về các sự kiện thiết kế tầm cỡ, cũng như bàn nhiều về bối cảnh của văn hóa đại chúng ở thời điểm hiện tại.
Nguồn ảnh: Slanted
Slanted nổi tiếng với các bố cục thiết kế độc đáo, sáng tạo và thường xuyên đầu tiên trong việc thử nghiệm với kiểu chữ, hình vẽ, và nghệ thuật đồ họa. Các trang của Slanted thường là một tác phẩm nghệ thuật trong chính mình, mang lại trải nghiệm đọc độc đáo và hoàn toàn ghi điểm với độc giả.
Nguồn ảnh: Slanted
Bên cạnh đó, một trong những điểm đặc biệt của Slanted chính là mỗi số sẽ tập trung vào một địa phương cụ thể, từ đó khám phá gu nghệ thuật, thẩm mỹ mà nơi đó đang hướng đến. Gần đây nhất, Slanted tập trung vào Amsterdam, giới thiệu một số nhà thiết kế và những tác phẩm nổi tiếng tại đây. Ngoài tạp chí, Slanted còn quản lý một công ty thiết kế typography, nhà xuất bản và một blog chuyên cập nhật tin tức, xu hướng, và sự kiện trong ngành thiết kế đồ họa.
Nguồn ảnh: edcat.net
Vì sao bạn phải xem Slanted: Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ cách dàn trang, bố cục cũng như nghệ thuật typography mà Slanted đem vào các trang của mình. Chưa kể những bài đánh giá, phân tích về các xu hướng mới hay một vấn đề nào đó trong tạp chí cũng đem đến những góc nhìn mới mẻ dành cho các designer muốn tìm hiểu chuyên sâu về ngành hơn.
6. TYPEONE
TYPEONE lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2020, cho đến nay, tạp chí này duy trì phát hành hai lần mỗi năm. Như chính cái tên của mình, TYPEONE tập trung khai thác nội dung về sự phát triển và mối tương quan giữa chữ viết và thiết kế đồ họa. Về mặt nội dung, tạp chí không chỉ giới thiệu về nghệ thuật typography mà còn đem đến nhiều bài phỏng vấn với các tài năng trẻ trong ngành Sáng tạo trên toàn thế giới.
Nguồn ảnh: TYPEONE
Ngoài tạp chí, TYPEONE còn quản lý You Creative Media, nền tảng hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp và kỹ năng cá nhân cho cộng đồng sáng tạo, và Type Department – “chợ” phông chữ nổi tiếng của cộng đồng designer.
Mỗi số của TYPEONE không chỉ là một bản in đẹp mắt mà còn là một hành trình sâu sắc đưa designer vào thế giới của chữ viết và thiết kế đồ họa. Ở số mới nhất (số 6), tạp chí này xoáy sâu vào các vấn đề như sự ảnh hưởng của AI, mối giao thoa giữa chữ viết và thời trang đường phố, cũng như cuộc phỏng vấn với những người làm sáng tạo hàng đầu như Bareis + Nicolaus và TWOMUCH.
Nguồn ảnh: TYPEONE
Vì sao bạn phải xem TYPEONE: TYPEONE không chỉ giúp các nhà thiết kế liên tục cập nhật các xu hướng mới về typography, mà còn mang đến một trải nghiệm đọc độc đáo với mọi thứ được trình bày một cách tinh tế. Ngoài ra, khi lấy typography làm trọng tâm, TYPEONE đóng vai trò là nguồn thông tin quan trọng cho những người muốn đào sâu vào thế giới đa dạng và sáng tạo của chữ viết.
7. Wallpaper*
Wallpaper* được ra mắt lần đầu tại London vào năm 1996,sáng lập bởi nhà báo người Canada Tyler Brûlé và nhà báo người Áo Alexander Geringer. Tạp chí không chỉ chú trọng đến thiết kế, nội thất mà còn đem đến nguồn nội dung phong phú về lối sống và nghệ thuật.
Nguồn ảnh: Wallpaper*
Điểm độc đáo của Wallpaper* là sự kết hợp linh hoạt giữa nghệ thuật thiết kế và văn hóa, lối sống, đưa độc giả đến những trải nghiệm khác biệt. Dù tạp chí không tập trung chủ yếu vào đồ họa và minh họa như một số tạp chí thuần về thiết kế đồ họa nói trên, Wallpaper* vẫn mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho cộng đồng designer khi sở hữu những bố cục và cách dàn trang ấn tượng.
Nguồn ảnh: ebay
Ở số mới nhất (tháng 10/2023), độc giả sẽ được tìm hiểu về nghệ thuật ánh sáng cùng Biên tập viên mảng nội thất Olly Mason, chiêm ngưỡng bộ ảnh của Giám đốc Trang điểm đến từ Dior – Peter Philips. Ngoài ra, tạp chí cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 20 năm của dự án Rolex Mentors & Protégés, ghé thăm công trình kiến trúc độc đáo của Omer Arbel tại Vancouver, v.v.
Vì sao bạn phải xem Wallpaper*: Wallpaper* đem đến các lĩnh vực đa dạng, tìm hiểu về mối quan hệ giữa thiết kế, sáng tạo ảnh hưởng đến văn hóa, đời sống như thế nào, cũng như khuyến khích thế hệ nhà thiết kế trẻ đổi mới và tư duy đa chiều trong hành trình làm nghề sáng tạo.
Tạm kết
Từ sự sâu sắc trong phân tích thiết kế đến việc khám phá các xu hướng mới và cái nhìn chi tiết về những dự án độc đáo, những tạp chí này đều đóng góp một cách đặc sắc vào sự phát triển của ngành nghệ thuật và thiết kế đồ họa.
Chúng không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là những “người hướng dẫn” chuyên sâu, đưa ra những bí quyết và câu chuyện đằng sau những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Điều này không chỉ giúp cộng đồng designer nắm bắt tốt xu hướng và kỹ thuật mới mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy đột phá.
Dù bạn là người đam mê nghệ thuật chữ viết, thiết kế nội thất, hoặc muốn khám phá những dự án đa dạng trên toàn thế giới, những tạp chí sẽ mang đến cho bạn những thế giới mới trong ngành sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng và giúp bạn “ra đời” những sản phẩm bứt phá hơn trong tương lai.
Nguồn tham khảo: Creative Boom
Win Win
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |