Dẫu biết work-life balance là niềm mơ ước xa xỉ trong thế giới Thiết kế quay cuồng. Nhưng để tồn tại ở lĩnh vực này, Designer cần đến khoảng thời gian thư giãn để thiết lập lại trạng thái tinh thần tốt nhất, sẵn sàng đón nhận các thách thức tiếp theo. Bài viết cung cấp một số phương pháp giúp Designer chăm lo cho đời sống tinh thần, từ việc đặt ra giới hạn đến cách đón nhận thất bại và nuôi dưỡng đam mê của bản thân.
Lĩnh vực Thiết kế là thế giới tuyệt vời để làm việc và “bung xõa” hết mình cùng sự sáng tạo nhưng đây không phải địa hạt dành cho những người “yếu bóng vía”. Bởi lẽ, nhịp độ phát triển nhanh chóng với hàng loạt đòi hỏi khắt khe nhằm bắt kịp xu hướng công nghệ, giải trí và tư duy thẩm mỹ thời đại, cũng như hàng trăm nghìn yêu cầu khác biệt từ phía khách hàng, chính các yếu tố này đã khiến Thiết kế trở thành ngành nghề có mức độ sàng lọc cao độ, và chỉ những ai thực sự có năng lực thích ứng tốt cùng niềm đam mê to lớn mới có thể theo đuổi đến cùng.
Vòng quay của việc làm thêm giờ, chỉnh sửa thiết kế, nhăn nhó, cau có mỗi khi nhận được feedback chẳng như ý từ đối tác là điều khó tránh khỏi trong ngành. Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng hay kiệt sức có thể diễn ra bất cứ khi nào. Đây là một số phương án mà Designer có thể áp dụng để “reset” lại tinh thần của chính bản thân.
1. Tìm thời điểm thích hợp để “reset” lại mọi thứ
Tại thời điểm mà công việc Thiết kế diễn ra tốt đẹp, bạn thường cảm thấy bản thân đang đi theo đúng quỹ đạo và mọi thứ đều rất trôi chảy. Theo bản năng, các Designer sẽ làm việc chăm chỉ nhất có thể trong tình huống này, liên tục kiểm tra tin nhắn, check email cho đến tận khuya hay thậm chí tranh thủ làm thêm vài giờ vào cả cuối tuần. Lúc này, tâm trí bạn sẽ bị chiếm lấy bởi những câu nói đại loại như “mọi thứ đang diễn ra ổn thỏa thì tại sao phải dừng lại để nghỉ ngơi?”
Giám đốc phụ trách vấn đề tăng trưởng của JDO – Steph Dove từng thừa nhận: “Làm việc không ngừng nghỉ là phần tất yếu của thế giới Agency. Môi trường Agency luôn luôn có việc cho bạn làm và điều này dễ dàng dẫn đến sự quá tải vào thời điểm nào đấy. Mặc dù yêu thích lĩnh vực mình đang làm nhưng sự thật là nó có quá nhiều thứ và tôi thật sự cần ‘reset’ lại mọi điều.”
Để bắt đầu khoảng thời gian “reset” này, điều bạn cần làm đầu tiên là nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Steph nhấn mạnh: “Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không phải đang thực hiện một cuộc đại phẫu để cứu lấy mạng sống của ai đó.” Vì thế, “xác định quan điểm rõ ràng trong công việc và cố gắng đừng khiến bản thân rơi vào tình trạng kiệt sức, đây là bài học quan trọng nhất mà tôi tiếp nhận được khi làm việc trong môi trường này.”
2. Đặt ra giới hạn rõ ràng cho bản thân
Khi nhận thức rõ ràng bản thân đang quá sức, vậy Designer cần làm gì tiếp theo? Steph đưa ra lời khuyên: “Hãy vạch ra giới hạn và những điều không thể xâm phạm cho chính mình. Bạn cần ưu tiên hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nhất của một ngày.” Nữ Giám đốc bổ sung: “Cần nghiêm túc suy nghĩ làm sao để quản lý thời gian biểu một cách thông minh hơn. Hãy đặt ra một số câu hỏi như: Tôi có nhất định phải tham dự tất cả cuộc họp trong danh sách hay không? Task này có thể được giải quyết nhanh gọn chỉ qua 1 cuộc họp hay không?”
Đối với Steph, điều quan trọng nằm ở cách cô ấy xây dựng và sắp xếp thời gian biểu trong ngày. “Đó có thể là 1 tiếng đồng hồ nghỉ trưa, dành 30 phút giữa các cuộc họp để hít thở không khí trong lành xung quanh hay đơn giản là dắt chó đi dạo nếu đang ở nhà.”
Steph không xem khoảng thời gian nghỉ ngơi này là lãng phí. Cô khẳng định: “Nó cho phép tôi xử lý những cuộc trò chuyện dang dở, suy nghĩ về vấn đề của cuộc họp tiếp theo hoặc tìm ý tưởng giải quyết một số tình huống đang gặp khó khăn.” Như vậy, “rõ ràng là chúng có ích hơn nhiều so với việc liên tục chuyển từ Zoom này sang Zoom kia trong khi vẫn còn đó “một tá” cảm xúc tiêu cực chưa được dứt điểm.”
3. Chỉ tập trung vào 3 điều quan trọng nhất
Sắp xếp và quản lý thời gian thường là lên danh sách to-do-list các đầu việc cần thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết to-do-list của mỗi người đều quá dài và chính điều này trở thành nguồn cơn gây ra căng thẳng trong công việc. Ed Silk – Head of Strategy của JDO toàn cầu chỉ ra: “Danh sách việc cần làm của bạn sẽ khó có thể hoàn thành vì đa phần nó tăng lên chứ chẳng bao giờ giảm xuống. Khi mọi thứ trở nên chồng chất sẽ khiến bạn cảm thấy stress khi làm việc.” Trong trường hợp này, một số điều chỉnh thích hợp là điều cần được thực hiện.
Ed thường áp dụng nguyên tắc “3 việc quan trọng nhất để giúp tăng cường chất lượng công việc cũng như khả năng phục hồi của bản thân. Ông giải thích: “Cơ chế hoạt động của nguyên tắc này rất đơn giản, khi bắt đầu mỗi ngày, bạn chỉ viết ra 3 điều mong muốn đạt được của hôm đó. Chỉ 3 điều mà thôi, có thể là trình 1 dự án, gửi 1 email hay phản hồi khách hàng. Lưu ý rằng bất cứ việc gì đưa vào danh sách to-do-list đều phải thực tế.”
Tóm lại, chỉ khi trung thực với chính mình thì mới giúp bạn thành công. “Bằng cách này, khi đóng máy tính vào cuối ngày làm việc thì có thể bạn sẽ cảm thấy hài lòng về những gì mình đạt được thay vì tự trách bản thân về các task chưa hoàn thành.”
4. Đặt ra ngưỡng “không thể thương lượng” (Non-negotiable)
Khía cạnh khác trong cách tiếp cận của Ed là đặt ra những điều “không thể thương lượng” (Non-negotiable) – một thuật ngữ lĩnh vực Kinh tế nhằm chỉ giá cả của những hàng hóa, sản phẩm cố định và không thể điều chỉnh.
“Chẳng hạn như đến phòng gym đều đặn mỗi tuần, điều này đồng nghĩa rằng bạn phải tan làm vào đúng một thời điểm nhất định để có thể đảm bảo việc luyện tập này. Một phương án khác mà bạn có thể xem xét, đó là tắt email công việc trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng đến nó không ảnh hưởng đến giai đoạn nghỉ ngơi, thư giãn của bạn sau giờ làm việc chính.”
Bằng các phương pháp nêu trên, chúng ta dần bắt đầu kiểm soát thời gian biểu của bản thân một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Như Ed từng chỉ ra: “Chúng ta hầu như đều quên rằng chúng ta có toàn quyền kiểm soát cuối cùng đối với những gì mình làm và không nhất thiết phải trở thành nô lệ cho điện thoại, email hoặc các yêu cầu phi thực tế. Đặt cho bản thân một ngưỡng ‘Non-negotiable’ chính là lúc bạn trao cho chính mình quyền tự kiểm soát nhiều hơn, cũng như tự đặt ra giới hạn rõ ràng đối với những gì bản thân coi trọng và ưu tiên ở từng thời điểm.”
5. Học cách đối diện với sự từ chối
Từ chối là phần không thể tránh khỏi khi làm việc trong môi trường Sáng tạo nói chung. Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng căng thẳng và cạn kiệt cảm xúc cho các Designer. Cú tưởng tượng sản phẩm mình làm ra liên tục bị “say no” thì ai mà chẳng mệt mỏi đúng không nào?
Fiona Florence, Giám đốc Điều hành của JDO cho biết: “Là một người sáng tạo, bạn không nên lúc nào cũng đón nhận sự từ chối theo kiểu ‘tất cả là lỗi của bạn’. Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm! Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chỉ cần bạn tự nhận thức được giá trị của bản thân là ổn rồi, thay vì cứ liên tục tự phủ định chính mình.”
“Hãy tự hỏi bản thân: Bạn sẽ làm gì khác đi hoặc tốt hơn?” Fiona giải thích: “Tiếp nhận càng nhiều thông tin càng tốt, điều này sẽ khiến bạn hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra và tìm thấy phương án tối ưu để điều chỉnh lại sản phẩm. Khi bạn đã bình tĩnh hơn trước vấn đề này, hãy cố gắng học cách vượt qua nó và xem cơ hội như bài học để học hỏi, thích nghi và trưởng thành hơn.”
“Một người Mentor đã từng nói với tôi rằng, mọi người đều trở nên tốt hơn sau mỗi trải nghiệm mà họ đi qua. Tất cả chúng ta đều tiến bộ trong những lần sau đó, đồng thời bất kỳ ai cũng đều học hỏi và không ngừng tiến bộ mỗi ngày. Vì vậy, chúng ta nên cởi mở với sự thay đổi và lời từ chối, điều đó giúp xây dựng khả năng phục hồi bên trong mỗi cá nhân. Với góc nhìn theo kiểu “ly nước vơi một nửa”, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh lại những thất bại và xem chúng như cơ hội để phát triển thêm ở tương lai.”
6. Xem khó khăn như điều may mắn
“Resilience” trong tiếng Anh được hiểu là khả năng phục hồi, tính kiên cường và nó có nguồn gốc từ chữ cái Latinh “Resilire” – mang nghĩa về sự quay trở lại hình dạng ban đầu. Ngày nay, nó được sử dụng như một thuật ngữ phổ biến trong quản lý nhằm ám chỉ năng lực thích nghi của một người khi đứng trước những thay đổi, biến cố trong cuộc sống mà vẫn có khả năng phục hồi và cực kỳ bền bỉ.
Tương tự lời nhắc nhở của Fiona: “Kiên cường không phải là để tự bảo vệ bản thân khỏi các tổn hại hoặc sự kiện tồi tệ nào đó mà là việc dám đối mặt và đón chờ những trải nghiệm mới. Thất bại, đứng lên rồi thử lại và thích nghi với chúng bằng một cách tiếp cận mới lạ và tốt hơn. Điều này chắc chắn sẽ khiến bạn tiến bộ và trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.”
7. Khám phá “thế giới” thật sự thuộc về bạn
Khi bạn đã nỗ lực thực hiện những lời khuyên phía trên nhưng mọi thứ vẫn không tốt lên thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần chuyển sang một lĩnh vực khác hoặc thậm chí rời bỏ ngành Sáng tạo hoàn toàn. Ray Smith – Giám đốc Sáng tạo cho biết: “Công việc này như một thiên chức, sống và đam mê thì bạn sẽ tìm ra cách. Nếu không thì tôi chưa chắc bạn đã chọn đúng ngành.”
Vậy làm thế nào để bạn nhận ra Thiết kế không phải là định hướng phù hợp với bản thân? Câu trả lời vô cùng đơn giản, thay vì cảm thấy đây là công việc vặt vãnh thì hầu hết thời gian bạn đắm chìm trong thế giới Design bằng niềm hạnh phúc thực sự. Về vấn đề này, Ray cũng bổ sung thêm: “Khi làm việc, thời gian dường như đã biến mất, bạn luôn luôn cảm thấy bận rộn cùng tư duy thiết kế. Nếu bạn rơi vào trường hợp đó, hãy tin tưởng vào bản năng của mình, đồng thời tìm kiếm góc nhìn sâu sắc từ những người xung quanh và tự khám phá giải pháp thích hợp nhất cho bản thân. Người thành công sẽ tự tìm thấy đáp án từ chính trong cách mà họ làm việc hằng ngày, xuất phát từ tình yêu mà họ dành cho những điều mình làm.”
Nguồn tham khảo: creativeboom.com
Diệu Ngô
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |