Liệt kê một cách nhàm chán vô vàn dự án thiết kế trong Portfolio có khiến bạn đánh mất cơ hội trước nhà tuyển dụng hay khách hàng? Đối tượng mục tiêu thật sự trông chờ điều gì, hãy kể họ nghe câu chuyện đó. Cùng Arena Multimedia biến Portfolio thành câu chuyện sống động qua 7 bí quyết storytelling dưới đây nhé!
Được xem như hồ sơ năng lực quan trọng với mỗi Designer, Portfolio không chỉ là địa điểm tập hợp mọi dự án thiết kế bạn từng thực hiện, mà còn trở thành không gian thể hiện phong cách nghệ thuật và câu chuyện của riêng bạn. Một Portfolio với sự dẫn dắt tuyệt vời bằng kỹ thuật kể chuyện (storytelling) thông qua cách thức sắp đặt bố cục, điều tiết cao trào, nhịp điệu nội dung, v.v… sẽ góp phần thể hiện rõ nét kỹ năng chuyên môn và tư duy nghệ thuật của Designer.
Ảnh: Pinterest
Dưới đây là 7 kỹ thuật storytelling giúp các nhà thiết kế thu hút mọi khách hàng ngay từ lần xem đầu tiên!
1. Thiết lập “bộ nhận diện” của riêng bạn
Storytelling giúp khắc họa màu sắc riêng biệt cho mỗi nhà thiết kế. Mặc dù khách hàng luôn tìm kiếm những Graphic Designer sở hữu năng lực chuyên môn cao cũng như sự phù hợp với thương hiệu, nhưng yếu tố tạo nên cá tính của nhà thiết kế, khiến họ thu hút số đông và không bị nhầm lẫn với bất kỳ ai nằm ở “bộ nhận diện” mà Designer sáng tạo nên cho riêng bản thân.
Cách thức Designer kể chuyện, sắp xếp và liên kết toàn bộ chi tiết trong Portfolio sẽ vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh của chính họ, đây cũng là hình ảnh mà khách hàng hình dung về bạn. Nếu câu chuyện của Designer được thể hiện một cách rõ ràng, cho thấy tư nghệ thuật và phong cách mà bản thân theo đuổi thì khách hàng hoặc công chúng sở hữu những yếu tố tương tự sẽ dần xuất hiện.
Ảnh: Pinterest
Hãy ngẫm nghĩ thật kỹ về từng dự án hay sản phẩm mà bạn đưa vào Portfolio, chúng giống như một chương của quyển sách mà bạn đang viết hoặc đang đọc. Mỗi yếu tố bạn thể hiện phải nhất quán và hướng đến chủ đề chung của “quyển sách”, điều này đồng nghĩa rằng mỗi sự liên kết trong Portfolio phải tập trung thể hiện rõ nét cá tính của một Graphic Designer chuyên nghiệp.
2. Thể hiện quan điểm của Designer
Bên cạnh kỹ năng sắp xếp các chi tiết trong Portfolio, một yếu tố khác để tạo nên câu chuyện hấp dẫn nằm ở quan điểm mà bạn thể hiện. Quan điểm là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo nên “bộ nhận diện” của mỗi nhà thiết kế. Quan điểm không chỉ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về phong cách cá nhân mà còn giúp họ hiểu rõ con đường một Designer tiếp cận quy trình thiết kế, các giải pháp hay ý tưởng mà bạn có thể hỗ trợ khách hàng.
Quan điểm là cái đích mà bạn mong muốn đạt được trên cương vị một Designer. Đâu là những nguyên tắc thiết kế “bất khả xâm phạm” trong công việc? Các phương pháp mà bạn đã thử nghiệm thành công và ứng dụng vào giải quyết vấn đề thực tế? Bạn dựa nhiều hơn vào yếu tố cảm xúc hay dữ liệu khi đưa ra phương án thiết kế?
Ảnh: Pinterest
Tất cả câu hỏi nêu trên sẽ góp phần hình thành quan điểm của một Designer chuyên nghiệp. Điều quan trọng là bạn phải thể hiện rõ ràng điều này trong Portfolio ứng tuyển, giúp người xem ngay lập tức có được góc nhìn tổng thể về tính cách và công việc của bạn.
3. Nói về các vấn đề và giải pháp
Cần lưu ý rằng Portfolio không chỉ là câu chuyện của những thành phẩm hoàn hảo, nếu như thế công việc của bạn có vẻ khá nhàm chán và vô vị. Cách kể chuyện hấp dẫn nhất phải bao gồm phút giây xung đột, kịch tích. Điều tương tự nên được áp dụng vào việc trình bày Portfolio.
Khi đề cập đến các dự án thiết kế, hãy mô tả rõ hơn về vấn đề hay thách thức mà bạn gặp phải trong quá trình thực hiện. Bạn đã làm thế nào để tìm ra giải pháp thích hợp? Phải chăng tồn tại cách tiếp cận đối tượng mục tiêu nào đấy mà bạn chắc chắn sẽ hiệu quả? Bạn có cần phải tập hợp nhiều quan điểm khác nhau để tạo nên giải pháp cuối cùng mà mọi người đều đồng tình hay không?
Ảnh: Unsell.Design
Trên thực tế, khách hàng không quá quan tâm đến việc bạn đã sở hữu ấn phẩm thiết kế tuyệt vời như thế nào. Điều họ thật sự mong đợi là cách một Designer tiếp cận và giải quyết vấn đề, liệu rằng chúng có phù hợp với những gì mà họ đang gặp phải hay không? Vì thế, hãy luôn ghi nhớ rằng: “Khách hàng mong muốn xem cách thức mà bạn xử lý một vấn đề khó và sử dụng năng lực chuyên môn của mình để đưa ra phương án giải quyết.”
4. Có tính chất đối thoại
Những câu chuyện hay là câu chuyện có tính đối thoại, đấy không chỉ là sự trình bày hay biểu hiện từ một phía của Designer. Portfolio phải kích thích sự tò mò, gây cảm giác thích thú cho khách hàng, khiến họ muốn hiểu thêm về công việc và con người của bạn. Đừng chỉ giới thiệu đến khách hàng tiềm năng bản tóm tắt đơn giản về quy trình thiết kế. Hãy để cá tính của bạn được tỏa sáng với đôi dòng “quảng cáo” tinh tế, nhưng vẫn giữ được phong cách đích thực trong cách kể chuyện.
Ảnh: Unsell.Design
5. Luôn cân nhắc đến đối tượng mục tiêu
Mọi nhà văn giỏi đều hiểu rằng đối tượng độc giả là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với quá trình sáng tác cũng như thành công của một tác phẩm. Điều này cũng hoàn toàn chính xác khi áp dụng vào việc thiết kế Portfolio. Khách hàng không nhất thiết quan tâm bạn sử dụng phần mềm nào để sáng tạo nên sản phẩm cuối cùng hay các khía cạnh kỹ thuật cao siêu khác trong thiết kế. Họ chỉ mong muốn hiểu rõ cách thức mà Designer ứng dụng các giải pháp thiết kế để khắc phục vấn đề cho khách hàng. Hãy suy nghĩ về từng khía cạnh của dự án mà bạn cho rằng chúng sẽ trở nên hấp dẫn với đối tượng khách hàng mục tiêu. Sau đó, tập trung nhấn mạnh vào những yếu tố này, tạo thành nét đặc sắc trong câu chuyện của riêng bạn.
6. Bố cục Portfolio rõ ràng
Mỗi câu chuyện đều thể hiện rõ cấu trúc 3 phần,bao gồm mở đầu, nội dung chính và kết thúc. Bạn nên áp dụng bố cục này vào quá trình sáng tạo Portfolio, thể hiện trình tự sắp đặt cho từng dự án cụ thể cũng như toàn thể Portfolio của bạn. Đây là cách thức giúp cho “hồ sơ năng lực” mà bạn đang thể hiện trở nên mạch lạc, logic và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Ảnh: designbyiconica.com
- Phần mở đầu:
Với mỗi dự án, bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng những yêu cầu ban đầu mà khách hàng đặt ra, đồng thời thể hiện các ý tưởng sơ khai của bạn. Bạn có thể minh họa điều này bằng các concept và wireframe, hình ảnh ghi chú hoặc bất cứ thứ gì mà bạn đã nảy ra trong đầu khi vừa nhận “đề bài” thiết kế.
- Phần nội dung chính:
Đây là phần trọng tâm của câu chuyện, nơi Designer thể hiện cách thức tiếp cận vấn đề và quy trình thiết kế mà bạn đã sử dụng. Cần lưu ý rằng phải bám chặt vào những yếu tố mà khách hàng mục tiêu thực sự quan tâm. Đôi lúc, rất khó để duy trì sự thú vị xuyên suốt phần nội dung chính, vì thế luôn ghi nhớ về đối tượng khách hàng là yếu tố quan trọng khi thiết kế Portfolio. Designer có thể minh họa phần này bằng bản mẫu kỹ thuật số dùng để thử nghiệm thiết kế (mockup) hoặc thậm chí những thiết kế bạn đã không sử dụng.
- Phần kết thúc:
Phần cuối của chuyện là không gian trình bày thành quả thiết kế cuối cùng. Designer có thể tận dụng phần này để thêm vào các nhận xét, phản hồi của khách hàng đối với thiết kế, giúp gia tăng mức độ tin tưởng và sự uy tín cho Portfolio.
7. Biên tập và chỉnh sửa nhiều lần
Chỉnh sửa – phần quan trọng của quy trình nhưng thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, câu chuyện hay nhất luôn là câu chuyện trải qua muôn vạn lần biên tập và gọt giũa nhằm loại bỏ yếu tố dư thừa, chắt lọc những gì tinh túy nhất, phục vụ cho toàn thể chủ đề và tạo ra bản sắc của tác giả.
Ảnh: Pinterest
Trước tiên, hãy cân nhắc về dự án bạn mong muốn đưa vào Portfolio. Câu chuyện nào có thể hỗ trợ cho tổng thể nội dung mà bạn truyền đạt đến đối tượng khách hàng mục tiêu? Bạn có cần phải loại bỏ chi tiết nào hay không? Chẳng có bất kỳ nguyên tắc nào yêu cầu Portfolio của bạn phải chứa đựng toàn bộ sản phẩm từng thực hiện, vì thế cần đảm bảo rằng những sản phẩm trong Portfolio là thiết kế tốt nhất.
Sau đó, chỉnh sửa câu chuyện cho từng phần trong Portfolio. Trên thực tế, hầu hết khách hàng sẽ không đọc bản mô tả như kiểu trình bày case study trong tất cả thiết kế mà bạn trình bày. Thay vào đó, hãy giữ cho đoạn mô tả càng ngắn càng tốt trong khoảng 400 từ. Cuối cùng, điều tuyệt vời nhất vẫn là kể một câu chuyện ngắn gọn nhưng vẫn lôi cuốn sự quan tâm từ đối tượng mục tiêu.
Nguồn tham khảo: dribbble.com
Diệu Ngô
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học tại : https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |