Trở thành nhà sáng tạo tự do đồng nghĩa bạn đã chọn dấn thân vào lĩnh vực vừa cạnh tranh, thú vị và đồng thời thăng trầm không kém gì một cuộc phiêu lưu. Tuy nhiên, có thể vì quá tập trung vào công việc trước mắt mà bạn dễ bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh của sự nghiệp. Vậy làm thế nào để vừa tối ưu hiệu quả công việc hiện tại, vừa đạt được mục tiêu đã định trong tương lai?
Bài viết dưới đây sẽ gợi ý những điều đơn giản để giúp bạn từng bước xây dựng hình ảnh bản thân, từ đó thu hút tệp khách hàng mơ ước và đạt được thành công như mong đợi.
Tô điểm cho portfolio
Có thể nói, portfolio là bước đầu tiên để khách hàng hiểu hơn về chất lượng công việc của bạn, cũng như góp phần quyết định sự thành bại của cuộc hợp tác đôi bên. Hãy tự hỏi bản thân lần cuối bạn “ngâm cứu” nó là khi nào? Nếu là hơn một năm trước, vậy bạn sẽ cần tập trung phân tích lại toàn bộ thông tin dưới góc nhìn của khách hàng mục tiêu.
Bạn có thể kiểm tra sơ bộ portfolio thông qua một vài câu hỏi như:
- Bạn đã cập nhật các thiết kế mới nhất chưa?
- “Món ăn” mà bạn tâm đắc nhất có đang ở đầu “menu” của mình?
- Chất lượng của mỗi thumbnail thế nào?
- Liệu các mô tả của dự án đã được điền đầy đủ rồi chứ? v.v.
Khi xây dựng portfolio, tiêu chí hàng đầu vẫn luôn là ‘chất lượng hơn số lượng’, vì không một khách hàng nào mong muốn dành thời gian sàng lọc qua 20 trang thiết kế dở dang và không có trọng tâm. Do đó, hãy ẩn hoặc thậm chí loại bỏ hết những sản phẩm lỗi thời, không còn thể hiện màu sắc cá nhân và không nằm trong lĩnh vực mà bạn đang nhắm đến.
Tối ưu hóa phần giới thiệu bản thân
Cần biết rằng, một nhà thiết kế không chỉ thể hiện bản sắc cá nhân thông qua các sản phẩm trực quan mà còn cần đến đôi dòng để tự giới thiệu chính mình. Vì vậy, trong phần mô tả, ngoài những thông tin liên hệ phải có, bạn cũng cần cung cấp một số chi tiết thể hiện quan điểm bản thân, như là bạn sẵn sàng làm loại công việc nào và điều gì khiến khách hàng hiểu rõ hơn về bạn.
Ngoài ra, không chỉ thông tin căn bản mới được đưa vào phần giới thiệu mà chuyên môn của bạn cũng thế. Bạn có thể nói về trải nghiệm của mình khi là một nhà sáng tạo, chẳng hạn như kỹ năng chuyên sâu của bạn là gì và nó có làm nổi bật được cá tính của bạn không, v.v. Nếu bạn muốn làm việc với các thương hiệu chuyên về phong cách sống thì hãy nhắc đến điều đó trong portfolio của bạn. Tương tự, nếu bạn đang là một Branding Designer có mong muốn dấn thân vào nghệ thuật Lettering thì hãy thoải mái tận dụng portfolio để thể hiện điều đó.
Cập nhật bảng báo giá
Bạn sẽ muốn thu hút những khách hàng hiểu được giá trị của mình. Vì vậy, tương tự với portfolio, nếu bạn đã lâu không cập nhật bảng báo giá thì đây sẽ là thời điểm thích hợp để bạn bắt tay vào làm. Dưới đây là một số điều đáng để cân nhắc khi quyết định thay đổi mức giá công việc, chẳng hạn như:
- Mức độ kinh nghiệm hiện tại của bạn
- Mặt bằng chung mức giá trên thị trường
- Chi phí cho các công cụ/phần mềm bạn sử dụng
- Triển vọng về mặt kinh tế
Khi vừa đặt chân vào thị trường freelance, bạn có thể nhận những công việc lương thấp một chút để làm bước đệm đầu tiên cho mình. Thế nhưng, sau khoảng thời gian mài giũa, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Đó cũng là lúc để bảng báo giá phản ánh trung thực điều này đến với các khách hàng tiềm năng của bạn.
Nhấn mạnh các đánh giá
Sức mạnh của Marketing truyền miệng, hay còn gọi là Word of Mouth, rất quan trọng với một người hành nghề tự do, và một đánh giá tốt từ đối tác trước đây có thể khiến khách hàng trong tương lai tin tưởng tìm đến bạn. Cho dù đó là trên LinkedIn hay trang web cá nhân thì những đánh giá tích cực đều có thể trực tiếp làm tăng độ uy tín, cũng như sẽ rất có ích trong trường hợp bạn muốn mở rộng sang lĩnh vực khác nhưng bản thân chỉ mới là một “newbie”.
Chủ động thu hút khách hàng mục tiêu
Hãy nhớ rằng marketing không phải là trò lừa đảo. Thực tế hầu hết các designer nổi tiếng đều tự “đánh bóng” tên tuổi bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng bạn cần thuê biển quảng cáo hay làm trò “rình rang” trên Facebook để tiếp cận được nhóm khách hàng lý tưởng. Thay vào đó, bạn có thể đơn giản lập một tài khoản Instagram để đăng tải các dự án cá nhân, cũng như theo dõi những người bạn muốn hợp tác và lĩnh vực mục tiêu của mình.
Nhà thiết kế Caroline Parker Creative đã thực hiện chiến lược “nhất tiễn song điêu” khi sử dụng tài khoản Instagram như một nơi vừa để tri ân những thương hiệu yêu thích, vừa để khách hàng hiểu thêm về công việc của mình.
Nếu được, hãy xem liệu bạn có thể tham dự các buổi gặp mặt hoặc hội nghị về lĩnh vực bạn đang hướng tới không. Bất kể bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến thì việc duy trì hình ảnh cá nhân tại nơi có khách hàng mơ ước sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình, đồng thời là dịp để bạn biết thêm các xu hướng về ngành và đem lại cơ hội thu hút khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Đừng ráng “cày”, hãy làm việc thông minh
Nếu biết bản thân không muốn thiết kế logo cho nha sĩ, vậy đừng nhận bất cứ công việc nào tương đương. Đôi khi, vì là một freelancer, bạn sẽ có xu hướng nhận tất cả các việc tìm đến mình. Tuy nhiên, nếu một dự án nào đó không mang lại lợi ích cho mục tiêu sau này, vậy đừng nên tốn thời gian và công sức thực hiện nó.
Như nhà thiết kế bubo_scandiacus đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ vẽ những thể loại không thuộc sở trường bản thân, bởi tôi biết đâu là phong cách và năng lực thiết kế của mình.”
Vì vậy, thay vì đảm nhận mọi thứ thì việc khai phá tiềm năng theo đúng thế mạnh sẽ giúp bạn rút ngắn được khoảng cách đến với ước mơ của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tận dụng thời gian để vạch ra các cột mốc mong muốn, hoặc tham gia những cuộc thi thiết kế để tạo động lực cho bản thân. Nếu khả thi, hãy sử dụng AI để tự tạo “đề bài” cho mình luyện tập, hoặc thử nghiên cứu và theo đuổi phong cách khác với trước đây. Cuối cùng, đừng quên thử thực hiện những mẹo đã nêu để nâng cấp cho hình ảnh bản thân mình nhé.
Tạm kết
Đây là thời điểm vàng để bạn chuẩn bị hành trang chạm đến tương lai mà bạn xứng đáng. Hãy luôn chủ động, nỗ lực và dành nhiều sự đầu tư cho bản thân, nhằm có thêm cơ hội đạt được các thành quả xuất sắc trong công việc, từ đó tiếp cận hơn với tệp khách hàng lý tưởng mà bạn đang hướng tới.
Nguồn: 99designs
Tâm Cửu
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học tại : https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |