Bài viết được Arena Multumedia Việt hóa theo những chia sẻ của Adrian Shaughnessy – chuyên gia Thiết kế đồ họa, đồng thời là tác giả của hàng loạt những cuốn sách “gối đầu gường” của cộng đồng Designer trên toàn thế giới, như “How to be a graphic designer, without losing your soul”, “Studio Culture: The Secret Life of a Graphic Design Studio”, “A user’s manual”,…
Ban đầu, tôi dự định sẽ viết một bài đánh giá lạc quan về vài điều ví dụ như là: Sinh viên mới tốt nghiệp thời nay đã được trang bị một cách cẩn thận, đầy đủ các kĩ năng và kiến thức trước khi bước vào một thế giới chuyên nghiệp của ngành Thiết kế. Tuy nhiên, tình hình thế giới không ngừng thay đổi, những Hiệp định Thương mại Tự do, Hiệp định Đối tác được kí kết đã “san phẳng” biên giới giữa các quốc gia. Điều này làm cho sự cạnh tranh trong thị trường lao động trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Vì vậy, trên quan điểm cá nhân, tôi đưa ra một vài lời khuyên sau đây, hi vọng sẽ giúp sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa có thể bắt kịp được với xu hướng phát triển hiện thời.
1. Hãy đón nhận những thách thức, khó khăn với một thái độ lạc quan và vui vẻ
Phần lớn trong chúng ta chọn trở thành một Designer vì khao khát cái cảm giác “sung sướng” khi được ngắm nhìn thành quả của chính mình sau quá trình sáng tạo. Nhưng chính niềm đam mê ấy lại cũng che mắt chúng ta khỏi những sự thực khắc nghiệt của cuộc sống “design”. Là một Designer cũng có nghĩa bạn phải học cách chung sống với áp lực bị đào thải, những thất bại và cả những cơ hội “đã gần kề mà vẫn tuột khỏi tầm tay”.
Công việc nào cũng cần có sự đam mê, và bất cứ một nghề nghiệp nào cũng đều đi kèm với rủi ro của nó. Tuy nhiên, thiết kế có vẻ như là một nghề “bấp bênh” hơn cả. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời là: chỉ tính riêng một việc tưởng chừng như đơn giản, đó là thiết kế logo giải thưởng thì cũng đã có hàng tá những sự cố có thể xảy ra. Để ra được sản phẩm cuối cùng, Designers phải sửa đi sửa lại, làm rất nhiều phiên bản mà đôi khi còn trái với ý tưởng ban đầu của mình. Học cách dung hòa giữa những cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn nghệ sĩ với tâm trạng hụt hẫng khi gặp phải rủi ro, là một điều kiện tiên quyết cho bất kì ai muốn dấn thân vào con đường đầy chông gai này.
2. Cái bẫy “thực tập không lương”
Chúng ta đang có nhiều cơ hội hơn trong thời đại mà Design là một xu thế nghề nghiệp, sự bùng nổ về nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này thậm chí được ví như là một “thị trường ngập trong tiền”, vì vậy rất nhiều sinh viên đã kí được hợp đồng làm thuê cho các “ông lớn” trong ngành. Mặc dù hấp dẫn là vậy, nhưng từ công việc đầu tiên tới công việc lý tưởng luôn luôn là một chặng đường rất dài và đầy gian nan. Sinh viên từ xưa đến nay, sau khi tốt nghiệp đều phải nỗ lực rất nhiều để vượt chướng ngại vật, nhưng là một thế hệ mới, bạn còn cần phải dè chừng với cái gọi là “trào lưu” tuyển dụng liên tục thực tập sinh không lương của các công ty. Những loại việc làm như thế nên được hạn chế, vì kể cả là lính mới, thì họ cũng xứng đáng được trả công cho chất xám và tâm huyết của mình. Công việc của designer luôn đòi hỏi sự tự tin cũng như một tinh thần xông xáo, nhưng cũng cần có sự cẩn thận trước những mẩu tin tuyển dụng đầy hấp dẫn trên báo.
3. Hãy biết hợp tác
Rất nhiều người trong chúng ta chỉ cố gắng cho thành tích cá nhân, vì óc sáng tạo của mỗi người là không giống nhau, và cá tính khác biệt làm nên thành công cho người nghệ sĩ. Nhưng nghịch lý là nghề thiết kế đang ngày một chú trọng hơn vào tính tập thể. Trước đây, mối quan hệ hợp tác này đã rất phổ biến – sự gắn bó chặt chẽ giữa Graphic Designers với Typesetters là một ví dụ. Nó có xu hướng bất bình đẳng về quyền lợi dẫn đến thái độ không chân thành giữa những cá nhân trong một nhóm. Nhưng bạn phải học cách chấp nhận điều này, vì trong thế giới của Design đa ngành, sự cộng tác là yếu tố mang tính chất bắt buộc.
4. Sức mạnh của Công nghệ tự động, Designers phải thật cảnh giác!
Tôi từng tin tưởng rằng: ngành Thiết kế với sự đề cao tính sáng tạo và chất riêng, có thể “miễn dịch” với quá trình tự động hóa. Nhưng hãy nhìn mà xem, sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo thực sự đã cho ra các Phần mềm thông minh và các Thuật toán có thể thay thế được đôi mắt và bàn tay của một Nhà thiết kế.
Những website được đăng kí thương hiệu có thể download dễ dàng trên mạng internet; những “off-the-shelf logo” có thể được mua với giá chỉ vài Dollar; hay Bộ nhận diện thương hiệu có thể được làm bởi chính nhân viên Marketing (chỉ bằng việc sử dụng những bản mẫu) và công việc kinh doanh có thể được bắt đầu chỉ với một tài khoản Facebook. Vậy, bao lâu nữa thì Công nghệ tự động sẽ thế chỗ của Designers?
5. Phải liên tục học hỏi
Đừng lo! Vẫn còn những lý do để chúng ta có thể tiếp tục lạc quan. Người làm nghề Thiết kế có một đầu óc vô cùng nhanh nhạy. Chính tố chất trời phú này giúp cho Designers trụ vững trong một thế giới không ngừng thay đổi. Nếu một tập hợp trong xã hội là những người có thể làm cùng một công việc trong vòng 10 năm, thì Ngành công nghiệp Thiết kế gồm những người còn lại. Một Designer có thể thích nghi rất tốt trước những phương thức mới mẻ, những sự thay đổi lớn. Chừng nào chúng ta vẫn sẵn sàng học và học hỏi không ngừng, thì ta hoàn toàn có thể tự tin vào một tương lai tươi sáng của ngành Design.
Theo Creative Bloq Bản dịch được Việt hóa bởi Arena Multimedia